Saturday 8 June 2013

LIỆU THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG CÓ QUÁ THAM VỌNG ? (Vũ Đức Khanh & Võ Tấn Huân)




Vũ Đức Khanh* và Võ Tấn Huân**
09/06/2013

Việt Nam cần “xây dựng lòng tin” với người dân trong nước trước khi giải quyết các vấn đề quốc tế.

Tham vọng của Việt Nam một lần nữa được nêu lên tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore qua bài phát biểu dẫn đề khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tư cách là diễn giả chính.

Với tiêu đề Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á-Thái Bình Dương”, có lẽ sẽ không phải mất nhiều thời gian để hiểu rằng đây là tiêu đề chính của diễn đàn năm nay.

Thủ tướng Dũng đến Singapore lần này để chính thức đưa ra thông điệp Việt Nam mong muốn “xây dựng lòng tin” với cộng động quốc tế trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông đầy biến động.

Cũng nhân cơ hội này, Thủ tướng đã không quên điểm lại chính sách ngoại giao và quốc phòng của Việt Nam. Nhưng có lẽ trọng tâm của bài diễn văn vẫn là Thủ tướng muốn tái khẳng định một lần nữa sự cần thiết của “lòng tin”.

Để gây ấn tượng trên tầm quan trọng của lòng tin, Thủ tướng đọc một thành ngữ Việt Nam, rằng “mất lòng tin là mất tất cả”. Đó là một lời cảnh báo hợp thời cho các tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, thêm vào đó là những mối quan tâm khác như ma túy và buôn người, khủng bố, an ninh mạng, và vi phạm bản quyền, vv… Thực ra chẳng có gì để bàn cãi khi nói rằng các vấn đề quốc tế đòi hỏi các giải pháp quốc tế được xây dựng trên sự tin tưởng và hợp tác vì điều này ai mà chẳng biết và ai cũng có thể nói được.

Qua bài phát biểu của mình, Thủ tướng Dũng đã ám chỉ những gì còn ở phía trước đối với Việt Nam, không chỉ về các vấn đề an ninh khu vực mà còn là vấn đề toàn cầu, bao gồm cả việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác khu vực và xây dựng niềm tin, nhưng nếu Việt Nam có ý định để thành công trong những nỗ lực của mình, đầu tiên Việt Nam phải đưa ra được lý do để thuyết phục các quốc gia khác tin tưởng vào mình.

Trung lập

Thủ tướng Dũng cho rằng “tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải đang gây quan ngại sâu sắc đối với cả cộng đồng quốc tế.”

Ông nói thêm rằng “đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”, thì người ta có thể giả định với một mức độ hợp lý của sự chắc chắn rằng Thủ tướng đang nói về Trung Quốc.

Đó là một cú sút không quá quỷ quyệt vào gã khổng lồ của châu Á-Thái Bình Dương và láng giềng của Việt Nam, mà một mối quan hệ tinh tế được chia sẻ. Việt Nam không thể đối kháng Trung Quốc nhưng lãnh đạo Việt Nam không thể bỏ qua cơ hội để nói lên sự không hài lòng của họ.

Như để xoa dịu, Thủ tướng liền trấn an khi ông công bố “chính sách quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam”, qua đó từ chối tham gia vào một bàn cờ tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, nói ngắn gọn đây gần như là một tuyên bố trung lập.

Tuy vậy, tầm quan trọng của Hoa Kỳ đối với an ninh châu Á-Thái Bình Dương vẫn không bị Thủ tướng lãng quên, như ông đã công khai hoan nghênh sự can dự của “các cường quốc ngoài khu vực” đến với khu vực. Đúng với khái niệm về hợp tác và tin tưởng, điều đó cuối cùng tùy thuộc vào Hoa Kỳ và Trung Quốc quyết định hợp tác và cạnh tranh như thế nào để không gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực. Việt Nam có thể không ủng hộ hoặc đứng về phía nào, nhưng sẽ không trung thực để tin rằng Việt Nam không ủng hộ cho Hoa Kỳ quay trở lại khu vực để cân bằng với những tham vọng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ (ADMM+), bao gồm cả Đối thoại Shangri-La, tất cả đều được Thủ tướng cho là “cơ hội để thúc đẩy hợp tác an ninh đa phương” như những gì người ta có thể mong đợi đối với sự tham gia ngày càng lớn hơn của quốc tế trong các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, trái với mong muốn của Trung Quốc.

Hai Việt Nam, một thực tế

Nếu Việt Nam có ý định đóng một vai trò lớn hơn trên chính trường quốc tế, trước tiên phải giải quyết sự khác biệt giữa những giá trị có ý định để thúc đẩy và những giá trị hiện hành. Trước khi một quốc gia nào đó có thể tham gia vào quá trình xây dựng lòng tin với một quốc gia khác, đầu tiên quốc gia đó phải xây dựng được lòng tin với người dân trong nước họ đã. Nếu Việt Nam tìm kiếm một vai trò tích cực trong Liên Hợp Quốc, trước tiên Việt Nam phải cung cấp cho các quốc gia khác lý do để họ tin tưởng quyết định của họ. Nói một cách đơn giản, còn có quá nhiều công việc cần phải làm phía trước.

Hiện nay còn lại năm nước cộng sản trên thế giới – Cuba, Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên, và Việt Nam – bốn trong số đó có mặt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù chính sách tự do hóa kinh tế đã được thực hiện trong một số nước, giúp họ di chuyển về hướng thị trường tự do và không còn thuần nhất cộng sản nữa, nhưng xét theo về ý thức hệ thì những quốc gia này vẫn còn xa với lý tưởng của Liên Hợp Quốc.

Dân chủ, nhân quyền, và tinh thần thượng tôn pháp luật là những vấn đề mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt. Mượn lời của Thủ tướng trong phát biểu của mình, ông phải “tìm giải pháp cho mọi vấn đề, cho dù là nhạy cảm và khó khăn nhất” – và những vấn đề được liệt kê trên thực sự là nhạy cảm và khó khăn nhất cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Uy tín của Việt Nam như một thành viên tích cực trên chính trường quốc tế được nêu lên khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo rằng Việt Nam sẽ tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Nếu quân đội Việt Nam có ý định đội chiếc “mũ nồi màu xanh” trong khu vực xung đột, họ phải thể hiện những giá trị mà họ có ý định cổ võ và những điều này có thể khó để họ thực hiện khi mà những nhà hoạt động chính trị tại Việt Nam đang bị giam giữ và ngồi tù chỉ vì dám lên tiếng phê phán chính phủ. Không giống như Miến Điện – quốc gia mà ông Dũng đã đề cập như một ví dụ trong bài phát biểu của ông về việc xây dựng chữ tín – Việt Nam cần phải cải cách nhiều hơn nữa nếu họ có ý muốn tiến tới và đi xa hơn về phía cộng đồng thế giới.

Kỳ vọng

Chắc chắn Việt Nam sẽ có một tương lai sáng lạng nếu tham gia tích cực trong vấn đề kiến tạo an ninh, hòa bình và thịnh vượng chung cho khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia, và nền kinh tế của nước này – nếu họ có thể tìm một vị thế cho mình – thì Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng đầy năng động. Là một quốc gia và là thành viên của ASEAN, Việt Nam có thể trở thành và có thể làm được nhiều điều tuyệt vời hơn, nhưng trước hết Việt Nam cần phải có những hành động mạnh mẽ để mang lại sự thay đổi lớn lao đó.

Thủ tướng Dũng có thể có một viễn kiến cho Việt Nam, nhưng ông có thể đưa đất nước này đi về đâu thì còn tùy thuộc vào chính cá nhân ông và những nhân vật đang lãnh đạo Việt Nam. Việc này tương tự như việc Đảng Cộng sản muốn cải cách chính trị và dân chủ như thế nào và cải cách ra sao. Những điều này tất nhiên tự chúng sẽ tạo ra sức ảnh hưởng của Việt Nam trên chính trường quốc tế.
Nhưng cuối cùng, trước khi Việt Nam có thể giải quyết những vấn đề vượt ra ngoài biên giới nước này, chính phủ Việt Nam cần phải giải quyết những vấn đề nội trị. Tương tự, trước khi các lãnh đạo Việt Nam có thể yêu cầu cộng đồng quốc tế tin tưởng Việt Nam, đầu tiên họ cần phải tạo được niềm tin trong lòng nhân dân Việt Nam – điều mà chính phủ Việt Nam hiện đang thiếu. 

* Vũ Đức Khanh là luật sư và giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.

** Võ Tấn Huân là bác sĩ dược khoa tại Hoa Kỳ.



No comments:

Post a Comment

View My Stats