Saturday 8 June 2013

VIỆT NAM GỞI TỚI TẤP NHỮNG ĐOÀN QUÂN SỰ SANG TRUNG QUỐC TẬP HUẤN (Nguyễn Văn Huy)




Được đăng ngày Thứ bảy, 08 Tháng 6 2013 13:22

Sự lệ thuộc về chính trị và quân sự của Việt Nam vào Trung Quốc không thể chối cãi. Những người tranh đấu cho sự vẹn toàn lãnh thổ và nền độc lập của Việt Nam hãy sáng mắt, chính quyền cộng sản Việt Nam đang chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước sang tay người Trung Quốc !

*

Ngày 06/06/2013, báo Quân Đội Nhân Dân điện tử (QĐND Online) cho biết một phái đoàn cán bộ chính trị cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam sang Trung Quốc tham gia khóa học ngắn hạn (15 ngày), trong khuôn khổ Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương và thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Đoàn gồm 22 tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao là cán bộ chủ trì công tác đảng, công tác chính trị tại các đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch toàn quân, được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và là nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ tới. Nói chung, đó là những cấp lãnh đạo cao cấp nhất đang nắm giữ những chức vụ then chốt và trọng yếu nhất (chính trị và chiến lược) trong quân đội nhân dân Việt Nam. Từ năm 2009 đến nay, đây là đoàn cán bộ quân đội thứ sáu được cử sang tập huấn tại Trung Quốc.

Địa điểm tập huấn là tại Học viện Chính trị Tây An, thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.Theo chương trình khóa học, đoàn cán bộ chính trị cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ nghiên cứu 10 chuyên đề về các vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác đảng, công tác chính trị của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Theo báo QĐND Online, lớp tập huấn này nằm trong chương trình giáo dục và đào tạo cán bộ ở nước ngoài, theo tinh thần các Nghị quyết trung ương đảng về giáo dục-đào tạo và Nghị quyết 618/NQ-ĐUQSTW tháng 10-2010 của đảng ủy quân sự trung ương (nay là Quân ủy trung ương). Mỗi năm, Bộ quốc phòng cử hàng trăm cán bộ đến các nước để giao lưu, trao đổi, tập huấn, đào tạo nhằm tiếp thu những thành quả khoa học, kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm, kiến thức mới của các nước trên thế giới. Nước ngoài ở đây chủ yếu là Trung Quốc. Chỉ tính riêng theo Đề án 165 của Ban tổ chức trung ương từ năm 2009 đến nay, đây là đoàn cán bộ quân đội thứ 6 được cử sang tập huấn, học tập tại Trung Quốc. Không biết những chương trình tập huấn này do sự gợi ý của Bắc Kinh hay do ý muốn của Hà Nội, nhưng cho xuất phát từ bất cứ ai, đây là một dấu hiệu không tốt cho sự độc lập của quân đội Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Lễ giao nhiệm vụ, trung tướng Nguyễn Văn Động yêu cầu tất cả "các cán bộ được cử đi học đợt này cần phải nghiên cứu sâu lý luận, tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn của bạn để về nước vận dụng một cách sáng tạo, khoa học vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình. Từng thành viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong suốt quá trình học tập để đạt được kết quả tốt nhất…, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước".

Sự kiện này làm nhớ lại trong thời kỳ chống Pháp, những thanh niên ưu tú nhất của Việt Minh (con cháu những cấp lãnh đạo) được đưa sang Trùng Khánh huấn luyện để sau đó trở về nắm những chức vụ then chốt trong chính quyền Hồ Chí Minh thời đó và đảng cộng sản Việt Nam. Đương nhiên là những cấp lãnh đạo này không làm điều gì trái với ý muốn của đảng cộng sản Trung Quốc. Quan hệ gắn bó giữa hai đảng cộng sản bị gián đoạn sau khi Hà Nội quyết định theo Moskva trong cuộc tiến chiếm miền Nam và chỉ thắm thiết trở lại dưới thời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh năm 1986.

Ngay sau Đối thoại Shangri-La chấm dứt, ngày 05/06/2013, một phái đoàn cao cấp khác của Quân đội nhân dân Việt Nam, do thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng bộ quốc phòng, dẩn đầu cũng vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc.

Nhắc lại, ông Nguyễn Chí Vịnh là người đồng chủ trì cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng Việt-Trung lần thứ tư với ông Thích Kiến Quốc, trung tướng phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Ông Thích Kiến Quốc là cựu chiến binh cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, mới được bổ nhiệm chức phó tổng tham mưu trưởng hồi tháng 10/2012.

Trong dịp tới chào xã giao ông Thường Vạn Toàn, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, cùng ngày ông Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ sự quan tâm của phía Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của quân đội Trung Quốc (?). Trước đó, ngày 05/06, phái đoàn đại biểu quốc phòng Việt Nam đã đến thăm Trung tâm gìn giữ hòa bình thuộc Bộ quốc phòng Trung Quốc, nơi đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc từ đầu thập niên 1990, với tổng cộng 23.000 lượt quân có mặt trong các hoạt động ở nước ngoài. Hiện nay Trung Quốc có hơn 1.700 quân tham gia gìn giữ hòa bình ở các nơi trên thế giới. Trong những ngày sắp tới, Việt Nam sẽ tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên, chủ yếu trong lĩnh vực quân y và công binh, hậu cần.

Ngày 07/06/2013, thiếu tướng Thái Thiện Phi, phó bộ trưởng, Bộ tổ chức, Tổng bộ chính trị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã chủ trì buổi lễ bế mạc chương giao lưu sĩ quan trẻ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 03/ đến 07/06/2013. Sau hơn một tuần tập huấn tại quân cảng Thượng Hải, đoàn sĩ quan trẻ Việt Nam đã tham quan, gặp gỡ và trao đổi với những sĩ quan trẻ Trung Quốc giới thiệu về kinh nghiệm tổ chức huấn luyện, làm chủ các trang thiết bị hiện đại của tàu chiến. Song song với những kinh nghiệm về học tập và công tác, đoàn sĩ quan trẻ Việt Nam đã tham gia những hoạt động giao lưu văn hóa và thể thao khác.

Ông Thái Thiện Phi nhắc lại lịch sử và mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa đảng, nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Theo ông Thái Thiện Phi, "đây là mối quan hệ đặc biệt đã được hai chủ tịch Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh cũng như những cấp lãnh đạo tiền bối hai nước đã dày công vun đắp. Trách nhiệm của thanh niên hai nước nói chung và thanh niên quân đội hai nước nói riêng, là phải thường xuyên giao lưu, tăng cường hiểu biết, góp phần chăm lo, vun đắp để tình cảm đặc biệt ấy không ngừng phát triển".

Đáp lời, ông Thái Đức Hạnh, thiếu tá trưởng ban thanh niên quân đội và là trưởng đoàn sĩ quan trẻ Việt Nam, đã cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo và các cơ quan chức năng thuộc Tổng bộ chính trị, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ông Thái Đức Hạnh cho biết, năm 2011, đoàn sĩ quan trẻ Việt Nam sang Trung Quốc đã được gặp gỡ, giao lưu với hai cựu chiến binh Trung Quốc là Trương Nguyên Bình và Trương Bình Tân, những người đã từng sang giúp Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong suốt tuần lễ giao lưu, những sĩ quan trẻ Việt Nam đã không ngừng được nghe những cấp lãnh đạo đương nhiệm và về hưu của Trung Quốc nhắc nhở những kinh nghiệm hợp tác chiến đấu gắn bó trong quá khứ kiểu : "Việt Nam - Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông…".

Thấy gì qua những quan hệ gắn bó này ? Nghi ngờ sự độc lập của quân đội Việt Nam và lo âu cho tương lai đất nước.

Cho đến nay, dư luận quốc tế và người Việt rất thắc mắc về thái độ nước đôi của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với Trung Quốc. Trong Đối thoại Shangri-La mới đây, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị xây dựng niềm tin chiến lược và gián tiếp tố cáo bạo quyền Trung Quốc. Cùng trong hội nghị đó, phó bộ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh lại có những buổi tiếp xúc chiến lược sau đó lại dẫn một phái đoàn sĩ quan cao cấp sang Trung Quốc tập huấn trong hai ngày.

Trong chiến lược giao lưu quân sự này, thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc rất đáng ngờ vực. Trước mặt mọi người thì nói chống Trung Quốc để vuốt ve tự ái dân tộc và làm vửa lòng dư luận nước ngoài, sau lưng thì lại dàn xếp đi đêm với Trung Quốc để đào tạo những cấp lãnh đạo quân sự. Điều này giải thích tại sao trong trận Lão Sơn năm 1984, gần 4000 binh sĩ Việt Nam đã bị giết vì sự phản bội của một vị tướng (cho đến nay không ai biết vị tuớng này tên gì và đang giữ chức vụ gì trong quân đội). Làm sao có thể tin tưởng những cấp chỉ huy quân đội được tập huấn tại Trung Quốc khi xảy ra tranh chấp (nếu có) với Trung Quốc ?

Rõ ràng trong chính sách giao lưu quân sự này, quân đội Việt Nam là chỉ một bộ phận của quân đội Trung Quốc. Những tuyên bố thụ đắc tàu ngầm, tàu chiến, chiến đấu cơ và những chiến cụ (khí tài) khác, suy cho cùng chỉ là một hình thức mua giùm cho Trung Quốc để gián tiếp bình thường hóa sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Sự lệ thuộc về chính trị và quân sự của Việt Nam vào Trung Quốc không thể chối cãi. Những người tranh đấu cho sự vẹn toàn lãnh thổ và nền độc lập của Việt Nam hãy sáng mắt, chính quyền cộng sản Việt Nam đang chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước sang tay người Trung Quốc.

Nguyễn Văn Huy 



No comments:

Post a Comment

View My Stats