03:23:am
24/06/13
10.000 nhạc công
biểu diễn “Ode to Joy” ở Osaka. Ảnh consciouslifenews.com
Năm
ngoái, tôi tình cờ xem được một video clip, trong đó mười ngàn nhạc công người
Nhật biểu diễn “Ode to Joy” trong một khán đài vĩ đại ở Osaka. Buổi biểu diễn
được tổ chức sau trận động đất và sóng thần khủng khiếp năm 2011 như một lời cổ
vũ mà người Nhật dành cho nhau. Dàn nhạc công biểu diễn bao gồm chủ yếu là các
nghệ sĩ nghiệp dư, điều này chứng tỏ bản nhạc được rất nhiều người Nhật biết
đến. Và qua điều đó, chúng ta có thể kết luận trình độ thưởng thức âm nhạc của
họ rất cao.
Thiết
nghĩ, tìm khắp Việt Nam cũng không thể nào có đủ một phần mười số nghệ sĩ
nghiệp dư có thể trình bày bài Hoan ca đó, cũng như các bản nhạc bác học tương
tự, chứ đừng nói là chỉ tìm trong một thành phố có số dân xấp xỉ Osaka. Thời
gian đó, tôi đang ở Sài Gòn, mỗi khi đi đến đâu tôi bị choáng váng bởi những
bản nhạc thị trường vừa thô về nhạc điệu vừa rất “ngộ” về lời ca.
Trong tâm trạng mà tôi tự nhận là “tủi thân”, tôi đã viết một status trên facebook so sánh trình độ cảm thụ âm nhạc Việt –Nhật. Ngoài dự đoán, tôi bị chỉ trích bởi khá nhiều người bạn. Đa số họ cho rằng tôi cực đoan, rằng không nên so sánh, rằng mỗi nước có mỗi nền văn hóa riêng, rằng không nên phủ nhận nền văn hóa “dân dã” của chúng ta, rằng hay hay dở là tùy cách đánh giá của mỗi người…
Giá
trị từ đám đông?
Chúng
ta đang sống trong thời đại của quyền lực đám đông. Sự thành công của một tác
phẩm, một bộ phim, một công trình…không chỉ được đánh giá dựa trên giá trị nội
tại mà nhiều khi là dựa trên mức độ phổ biến của chúng. Đã qua rồi cái thời
giới trí thức tinh hoa trong xã hội là những người định giá cho chất lượng và
giá trị. Ngày nay đám đông bất khả chiến bại quyết định sự thành công của bạn
và đôi khi là cả giá trị của bạn nữa.
Chúng
ta khó có thể xác quyết rằng các nấc thang giá trị do giới tinh hoa xác lập là
hoàn toàn đúng. Nhưng cũng vô cùng khó để phủ nhận sự thật rằng những giá trị
đỉnh cao đều thuộc về giới tinh hoa, hầu hết những giá trị văn hóa tinh thần
của nhân loại là do họ tạo nên, những tiến bộ của loài người là do họ dẫn dắt
chứ không phải quần chúng. Dù ngày nay giới tinh hoa nằm rải rác rộng rãi trong
tất cả các thành phần xã hội nhưng khi đạt đến một trình độ và thành tựu nhất
định, những người này sẽ mặc nhiên tự tách mình ra khỏi cái nơi mà họ xuất
thân. Khi đó, những giá trị mà họ tạo ra nghiễm nhiên thuộc về cái tập hợp mà
họ mới gia nhập chứ không thuộc cái gốc gác của họ nữa.
Trong
bối cảnh đó, dù không thể xem thường những gì được chấp nhận rộng rãi, được
công chúng ủng hộ vì có thể chúng phù hợp với ý nguyện và sở thích của nhiều
người trong xã hội, nhưng nhất thiết không thể bỏ qua những gì thuộc về thiểu
số tinh hoa. Có một ngịch lý rằng, những gì mang chân giá trị thường được ít
người biết đến hơn những thứ dễ dãi, nhẹ nhàng. Câu hỏi lúc nhỏ của tôi giờ đã
được trả lời khá dễ dàng: vì sao tác phẩm “Đại đường Tây vực ký” của chính ngài
Huyền Trang – một học giả xuất chúng-hầu như không ai biết đến, trong khi một
cuốn tiểu thuyết hư cấu hỗn tạp và kém cỏi về tư tưởng triết học như “Tây du
ký” của Ngô Thừa Ân thì nhiều người nhập tâm.
Vì
thế, tôn trọng cách thưởng thức của quần chúng không có nghĩa là chúng ta không
có quyền đánh giá. Và chẳng có vẫn đề gì khi cổ vũ mọi người sống hạnh phúc
theo cách của họ nhưng mặc khác, chính chúng ta vẫncó thể phân định sự cao thấp
về giá trị và giáo dục cho con cháu họ những giá trị đỉnh cao, để lớp người sau
có thể mong muốn sống và được sống hạnh phúc theo cách khác với cha ông họ,
trong những nấc thang giá trị cao hơn. Nếu không coi trọng chất lượng, giá trị
và đỉnh cao thì có lý do gì để chúng ta chú trọng giáo dục (dù không phải ai
cũng trở nên xuất chúng từ nền giáo dục trường lớp)?
Có
những quy chuẩn đánh giá
Tôi
lấy làm bối rối khi có nhiều người cho rằng một tác phẩm, một công trình hay
một phương pháp làm việc nào đó có giá trị hay không, tốt đẹp hay tồi dở là tùy
thuộc vào“những cách nhìn nhận khác nhau”. Vậy hóa ra chúng ta đang sống trong
một thế giới mà các giá trị là không thể xác định được? Đồng ý là trong một thế
giới đa nguyên, văn hóa, quyền lợi, sở thích, lựa chọn, lối sống và cảm nhận về
giá trị của mỗi cá nhân hay mỗi nhóm người là khác nhau và cần được tôn trọng.
Nhưng việc xác định giá trị cho các thành tựu của con người lại là chuyện khác.
Các
quy chuẩn về giá trị thay đổi theo thời đại nhưng trong từng thời đại nhất
định, có những giá trị phổ quát được mặc định để từ đó định danh “chất người”
và xác định chất lượng các thành quả của con người. Những giá trị đó tạo nên
khuôn thước tương đối cho việc đánh giá các thành tựu, đạo đức và hành xử của
chúng ta. Căn cứ vào những giá trị mặc định đó, chúng ta giữ cho xã hội vận
hành trong những giềng mối tương đối ổn định.
Các
quy chuẩn về giá trị là tương đối nhưng không dựa vào nó, mọi đánh giá khả dĩ
về giá trị sẽ biến mất. Khi đó,tư duy, hành xử và nhận thức về giá trị của con
người sẽ trở nên hỗn loạn. Nếu âm nhạc không có những tiêu chuẩn riêng, làm sao
để đánh giá nhạc nào là bác học, nhạc nào là quần chúng, bản nhạc nào đạt trình
độ cao, bản nhạc nào không? Nếu không có những giá trị căn bản được thừa nhận
phổ quát như pháp trị (rule of law), tự do cá nhân, tam quyền phân lập… làm sao
chúng ta đánh giá được một chính thể là dân chủ hay không; hay là chúng ta sẽ
bị cuốn vào cái ngụy biện : dân chủ khác nhau tùy theo cách nhìn nhận của mỗi
người?
Bàn
một chút về chính trị, khi đối mặt với nhận xét của người khác về hiệu quả đấu
tranh của mình, nhiều người đối kháng ở Việt Nam thường nói : “tính hiệu quả và
sự hay dở trong phương cách đấu tranh là tùy cách nhìn nhận của mỗi người”.
Chúng ta có thể nói: tùy hoàn cảnh và điều kiện mà mỗi người và mỗi nhóm người
có những lựa chọn đấu tranh khác nhau. Điều đó đúng. Nhưng khi đã chấp nhận sự
khác biệt về điều kiện, dẫn đến khác biệt về phương cách như thế, chúng ta đồng
thời phải chấp nhận luôn sự khác biệt về tính hiệu quả của những công việc mình
làm so với người khác.
Hiểu
đúng về tinh thần khoan dung
Trong
các lĩnh lực văn hóa-tinh thần và nghệ thuật, tôn trọng sự khác biệt là điều
cần thiết để tạo lập một xã hội hài hòa, bao dung và đề cao tự do cá nhân. Tôn
trọng sự khác biệt nghĩa là chúng ta chấp nhận sự tồn tại của những thứ khác
với mình trong sự khoan dung và không kỳ thị. Nhưng không ai có thể ngăn chúng
ta đánh giá về giá trị của chúng. Tôn trọng, tức là để cho những gì khác biệt
được tồn tại bên cạnh chúng ta trong phẩm giá, chứ không phải cào bằng mọi thứ
và đặt chúng trên cùng một nấc thang giá trị. Bình đẳng về sự bảo vệ pháp lý và
cơ hội thăng tiến không đồng nghĩa với sự ngang nhau về chất lượng và hiệu quả.
Một bản giao hưởng và một bản nhạc thị trường, cả hai đều nhận được sự bảo vệ
pháp lý như nhau với tư cách là những tài sản trí tuệ, nhưng nếu phải ưu tiên
để đưa vào giáo trình của một Học viện âm nhạc, chúng ta sẽ chọn cái nào?Trả
lời câu hỏi này xong thì chúng ta sẽ cảm nhận được sự tồn tại của các nấc thang
giá trị, sẽ thấy hữu lý khi có ai đó so sánh về chất lượng của chúng, mà không
chụp cho họ cái mũ cực đoạn, kỳ thị.
Trong
bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt trong văn hóa- nghệ thuật, nếu kém cỏi, chúng ta
chọn cách học hỏi cầu tiến, để tiến càng gần đến đỉnh cao càng tốt, chứ không
ngụy biện về sự khác biệt để lấp liếm. Trên bất cứ phương diện nào, không có
đỉnh cao là đáng thất vọng. Chúng ta không nên tự thỏa mãn và giới hạn mình
trong những giá trị thấp nhân danh “tôn trọng sự khác biệt”. Việc xây dựng một
Việt Nam phồn thịnh trong tương lai không chỉ là xây dựng một không gian bao
dung cho mọi sự khác biệt, mà còn là nỗ lực hướng đến, giáo dục thế hệ trẻ
hướng đến những đỉnh cao giá trị, những sản phẩm đặc sắc về tư tưởng, văn học,
nghệ thuật…của nhân loại chứ không chỉ mò mẫm trong mớ rau, bó lúa của văn hóa
nông nghiệp. Nếu không, mãi mãi chúng ta sẽ chỉ là một đất nước vừa nhỏ, vừa
thấp kém.
Sài
Gòn, ngày 10 tháng 6 năm 2013
©
Huỳnh Thục Vy
©
Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment