Tuesday 4 June 2013

ĐIỀU TRẦN VỀ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM TẠI HẠ VIỆN HOA KỲ (Thanh Phương - RFI)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ ba 04 Tháng Sáu 2013

Vào chiều hôm nay, 04/06/2013, sẽ có một buổi điều trần tại Hạ Viện Mỹ về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, với sự tham gia của đại diện tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, cũng như của một số đại diện cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ : cựu dân biểu Cao Quang Ánh, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành tổ chức BP SOS, linh mục Phạm Hữu Tâm và cô Holly Ngô.

Buổi điều trần trước Tiểu ban châu Phi, Y tế Toàn cầu, Nhân quyền Toàn cầu và các Tổ chức Quốc tế, thuộc Uỷ ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ, do dân biểu Christopher Smith chủ trì.

Chủ đề của buổi điều trần là : « Chính quyền Việt Nam vẫn duy trì chính sách đàn áp », với trọng tâm là những hành động của chính quyền Việt Nam vi phạm quyền và lợi ích của công dân Hoa Kỳ, cụ thể là các vụ chiếm đoạt tài sản của những người nay đã trở thành công dân Hoa Kỳ.

Trong bản điều trần sẽ đọc hôm nay trước Hạ Viện Mỹ, ông John Sifton, Giám đốc Vận động, Ban Á châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, nhấn mạnh là các hành vi bất đồng chính kiến ở Việt Nam luôn bị đàn áp và trong năm qua, ngày càng có nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị kết án và bỏ tù. Đặc biệt, tình trạng côn đồ sách nhiễu các nhà bất đồng chính kiến cũng có xu hướng gia tăng. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày Chủ nhật vừa qua đã kết thúc bằng các vụ công an bắt giữ và đánh đập người biểu tình.

Về việc hạn chế tự do báo chí, ông John Sifton đặc biệt nêu lên « Quyết định 20 » bắt buộc các hãng truyền hình nước ngoài phải trả phí biên dịch và biên tập, tức là kiểm duyệt, cho phần nội dung, do cơ quan Việt Nam được nhà nước cấp phép thực hiện.

Đại diện của Human Rights Watch đề nghị tiểu ban, cũng như toàn bộ Uỷ ban Đối ngoại chất vấn chính quyền Obama một cách nghiêm khắc về nội dung đối thoại giữa Mỹ với Việt Nam. Theo ông Sifton, đã đến lúc chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc các hành động như loại Việt Nam ra khỏi đàm phán về Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP hay các đàm phán thương mại song phương khác, và bắt đầu xét lại hợp tác quân sự với Hà Nội.


--------------------------------------



No comments:

Post a Comment

View My Stats