Thứ ba 04 Tháng Sáu 2013
24 năm kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn là dịp nhiều tổ chức nhân quyền nhắc
lại yêu cầu kiên quyết đòi Bắc Kinh phải công bố sự thật. Nhân dịp này, nhật
báo Le Figaro có một bài miêu tả lễ tưởng niệm tại Hồng Kông.
Trường Đại học Hồng Kông, dưới sự khởi xướng của chủ tịch
Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào yêu nước và dân chủ Trung Quốc, tổ
chức tưởng niệm để truyền bá kỷ niệm này và yêu cầu Bắc Kinh công bố sự thật về
vụ thảm sát phong trào sinh viên năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn.
Dự kiến khoảng 180 000 người sẽ tham gia sự kiện này ở
công viên Victoria, trung tâm Hồng Kông.
Nhà tổ chức cho biết : « Mặc dù chắc chắn sự kiện sẽ làm
trung tâm quyền lực Bắc Kinh lo lắng, nhưng các nhà lãnh đạo không thể chính
thức cấm chúng tôi được. Khi ký hiệp ước trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, họ
đã cam kết tôn trọng các quyền tự do trong lãnh thổ, mặc dù càng ngày họ càng
sử dụng nhiều biện pháp hợp pháp để ngăn chặn tạm thời các cuộc biểu tình, mà
họ cho là mang tính chất chống đối cho an ninh trật tự công cộng ».
Bắc Kinh luôn khẳng định chỉ có vài trăm người chết do
chống cách mạng. Tổ chức Chữ thập đỏ công bố 2 600 người chết. Tuy nhiên, số
người chết còn nhiều hơn, vì nhiều gia đình có con chết trong vụ thảm sát không
dám công bố do sợ rủi ro sau này.
Một nghị viên Hồng Kông phát biểu : « Chúng tôi muốn nói
với các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới, những người yêu cầu chúng tôi yêu nước, là
không thể được nếu họ không nói sự thật. Họ phải chính thức công nhận vụ thảm
sát để chúng ta có thể tin vào họ. Dù họ muốn hay không, những người chết tại
quảng trường Thiên An Môn sẽ mãi nằm trong trái tim của người dân Trung Quốc ».
*
*
Thứ ba 04 Tháng Sáu 2013
Cũng như mọi năm, chỉ có Hồng Kông là nơi duy nhất thuộc lãnh thổ Trung
Quốc tổ chức tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn. Hàng chục ngàn người dự kiến sẽ tập hợp tại quảng trường Victoria để tham
dự buổi thắp nến tưởng niệm những người biểu tình bị quân đội Trung Quốc thảm
sát cách đây 24 năm, trong đêm 03 rạng sáng 04/06/1989. Liên minh yểm trợ các
phong trào ái quốc và dân chủ ở Trung Quốc, đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm này,
chờ đợi là sẽ có khoảng 150.000 người tham gia.
Tuy được giao trả cho Trung Quốc từ năm 1997, thuộc địa
cũ của Anh Quốc hiện vẫn được hưởng quy chế đặc biệt, theo mô hình « một
quốc gia, hai chế độ », tức là vẫn có đơn vị tiền tệ và hệ thống pháp lý
riêng biệt. Người dân tại đây vẫn được hưởng quyền tự do ngôn luận, mà hiện còn
bị hạn chế ở Trung Hoa lục địa.
Cuối tháng 5 vừa qua, nhân danh các nạn nhân Thiên An
Môn, hơn 1000 người đã tuần hành trước trụ sở chính quyền Hồng Kông, rồi kéo
đến trước « văn phòng liên lạc » của Trung Quốc. Các sinh viên cũng đã
tuyệt thực trong ba ngày tại một khu thương mại có đông du khách Trung Quốc,
giống như các sinh viên Bắc Kinh đã làm cách đây 24 năm với hy vọng sẽ thúc đẩy
chính quyền đối thoại.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến do trường đại học Hồng Kông
thực hiện vào tháng trước, 68% người dân đặc khu hành chính này lên án hành
động đàn áp của chính quyền Trung Quốc năm 1989 và cũng 68% cho rằng Hồng Kông
phải tích cực thúc đẩy dân chủ ở Trung Quốc.
*
*
Thứ ba 04 Tháng Sáu 2013
Trong nhiều biện pháp nhằm ngăn cản người dân tổ chức kỷ
niệm sự kiện 24 năm vụ thảm sát phong trào dân chủ Thiên An Môn, hôm nay
04/06/2013, công an Trung Quốc đã đóng cửa nghĩa trang thành phố Bắc Kinh, nơi
có phần mộ của những nạn nhân bị sát hại trong vụ đàn áp đẫm máu 4/6 năm 1989,
ngăn cấm mọi người đến viếng.
Sáng nay lực lượng công an đã phong tỏa lối vào quanh
nghĩa trang nằm ở phía tây thành phố Bắc Kinh, cấm mọi người dân cũng như các
nhà báo tiếp cận khu nghĩa trang.
Hàng năm cứ vào ngày kỷ niệm này, gia đình các sinh viên
bị quân đội Trung Quốc giết hại trong vụ Thiên An Môn vẫn tới đây tưởng niệm
thân nhân dưới sự giám sát rất chặt chẽ của lực lượng an ninh.
Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, vụ Thiên An Môn vẫn
là đề tài cấm kỵ đối với báo chí chính thức. Tất cả các cuộc thảo luận công
khai hay ý đồ tổ chức lễ tưởng niệm dưới mọi hình thức đều bị cấm.
Gần sát đến ngày kỷ niệm năm nay, việc kiểm duyệt ngăn
chặn được tiến hành ráo riết hơn, đặc biệt trên các trang mạng.
Hôm nay vào mạng internet ở Trung Quốc, những từ khóa tìm
kiếm liên quan đến ngày mùng 4 tháng 6, « Thiên An Môn » hoặc « nến
» đều bị chặn.
Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền China Human Rights
Defender đóng trụ sở tại Hồng Kông, Bắc Kinh còn tìm mọi cách cô lập, giám sát
một số nhà ly khai, bảo vệ nhân quyền ở trong nước.
Luật sư Lưu Hiểu Nguyên, một nhà đấu tranh nhân quyền tại
Trung Quốc đã thông báo trên Twitter là blog của ông đã bị đóng ngay sau khi
ông đăng hình một ngọn nến cùng với lời kêu gọi mọi người tưởng niệm nạn nhân Thiên
An Môn.
Nghệ sĩ phản kháng chế độ nổi tiếng Ngải Vị Vị thì bình
luận : « Trong cái đất nước này, mọi tranh giành chỉ xoay quanh chuyện thắp
và dập nến ».
Vụ thảm sát Thiên An Môn xảy ra trong đêm mùng 3 rạng
sáng mùng 4 tháng 6 năm 1989 khi hàng nghìn sinh viên học sinh cắm trại trên
quảng trường để đấu tranh đòi dân chủ. Chính quyền đã huy động quân đội cùng xe
tăng vào giải tán dã man người biểu tình. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền,
thì hàng trăm thậm chí hàng nghìn thanh niên đã bị sát hại trong vụ trấn áp
này. Không những thế những người tham gia phong trào sau đó còn bị bắt bỏ tù và
truy bức cho đến tận bây giờ.
Chính quyền Trung Quốc biện minh cho việc điều động quân
đội đàn áp biểu tình là cần thiết để trấn áp cuộc nổi dậy « phản cách mạng ».
Bản thân trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc thời kỳ đó cũng bị
chia rẽ trong việc ra quyết định đưa quân đội can thiệp.
No comments:
Post a Comment