Saturday, June 15, 2013 at 6:01pm
Khi
khép cánh cửa 21 Shepard, nhận ra mình sẽ không còn quay lại căn nhà này, bàn
tay của tôi hơi sững lại, cảm giác như khi chia tay một người thân mà biết rồi
sẽ không gặp nhau.
Thời
tiết Cambridge đang ở thì đẹp nhất.
Tôi
đã ở đây một năm.
Tháng
8-2005, tôi được một gia đình Mỹ ở vùng Washington, DC tình nguyện cho tạm trú
trong nhà. Lúc đầu tưởng chỉ ở một tuần nhưng sau do việc bố trí nhà ở của
trường có trục trặc nên tôi đã ở lại gia đình này ba tuần.
Jeff,
tên người chồng, là một đầu bếp. Anh rất hiếu khách, bữa thì Jeff làm cá hồi
đút lò, bữa thì steak. Tôi ăn uống rất nhiệt tình và tự bảo đồ Mỹ không ngán
như mình tưởng. Cho đến ngày Vicky, tên người vợ, chở tôi đến trường. Khi xe
chạy qua một khu mua sắm nhỏ, tôi nhìn thấy... "Phở 75". Những bảng
hiệu sặc sỡ khác bỗng chốc lu mờ. Bụng không đói mà tự nhiên cồn cào, tất cả
các giác quan của tôi đều rạo rực. Tôi bảo Vicky dừng xe.
Vicky
ngồi đợi tôi. Chị lịch sự cầm tờ báo cao lên, dán mắt vào đó để tôi tự nhiên.
Không biết chị có đọc được chữ nào trong khi tôi xì xoạp húp. Không phải bao
giờ cũng có dịp để nhận ra, một giọt nước mắm cũng khiến ta nôn nao, một câu
hát cũng có thể chạm vào nơi yếu nhất.
Không
như mấy thập niên trước, nước Mỹ bây giờ gần như vùng nào cũng có một cộng đồng
Việt Nam, ở đâu cũng không quá khó khăn để kiếm phở và nước mắm. Anh Thái, một
nhà báo ở khu quận Cam nói đùa: "Chỉ khi ra khỏi Mỹ tôi mới phải nói tiếng
Anh".
Đang
chạy xe trên "freeway" anh Thái thừa nhận: "Mình cũng đã từng
quay quắt làm đủ thứ để trở về nhưng ở đây 5 năm, 10 năm, 20 năm... rồi cũng
quen, rồi yêu nó lúc nào không hay Huy Đức ạ". Tôi biết anh nói thực lòng.
Không phải tự nhiên mà năm
nào cũng có cả triệu người xếp hàng chờ thẻ xanh, nước Mỹ là một trong những
nơi có nhiều người muốn đến.
Thẻ
xanh!
Ngày
nay, những người yêu Việt Nam không nhất thiết phải ở Việt Nam mà nên ở nơi họ
cống hiến được nhiều hơn. Một nhà khoa học mà về Việt Nam có khi lại lãng phí
hơn là ở lại nơi họ có môi trường để góp phần tạo ra những thành tựu mới cho
khoa học. Chưa biết bao giờ Việt Nam trở thành quốc gia có thể đóng góp cho thế
giới những giá trị mới. Nhưng người Việt trong nước vẫn đi lại bằng Airbus,
Boeing và nhiều bạn trẻ vẫn có trên tay những chiếc I-phone gần như đồng thời
với thanh niên Mỹ.
Nhưng
có những người được chuẩn bị để có thể tạo ra những giá trị toàn cầu trong khi
nhiều người khác lại chỉ có thể làm những công việc hoàn toàn nội địa. Có những
người muốn thay đổi thế giới trong khi có những người lại chỉ muốn chăm sóc
vườn tược của mình. Có những người thích cầm ly Starbucks bước vào những
building trong khi có người chỉ thấy thoải mái khi ngôi bệt bên hàng chè chén.
Giữa
thập niên 1990, anh Khanh, một người bạn, lần đầu về lại Sài Gòn, một trong
những việc anh muốn làm là... ăn lại tô phở Quyền. Bạn bè tiếp nối bạn bè nên
mãi đến khi trên đường ra sân bay anh mới có thời gian tạt vào quán phở. Nhưng,
tô phở anh ăn không phải là tô phở mà anh chờ đợi. Trong suốt gần hai mươi năm
rời Việt Nam, "phở Cali" đã xác lập chuẩn mực ẩm thực mới cho anh. Cho
dù tô phở Quyền vẫn là phở Quyền nó cũng không thể khớp với tô "phở
Quyền" của anh trong ký ức.
Năm
1983, khi vào Sài Gòn, tôi giật mình thấy mấy phụ nữ lớn tuổi ở Xóm Mới khăn
đóng, răng đen, "Bắc Kỳ" hơn những người phụ nữ cùng thế hệ đang sống
trên miền Bắc. Nếu như những người ra đi thường nỗ lực để bảo tồn những giá trị
văn hóa mà họ mang theo ngày rời quê hương thì những người ở lại khá hồn nhiên
tiếp thu thêm nhiều cái mới, họ để cuộc sống tiếp diễn một cách sống động thay
vì biến nó thành bảo tàng.
Không
chỉ có Việt Kiều ra đi mà cộng đồng trong nước cũng "đi". Đôi bên đã
đi về những hướng rất xa và tới những vùng rất khác nhau. Người Việt ở nước
ngoài không chỉ sống với phần Việt mang theo mà còn tiếp nhận những giá trị mới
để "hội nhập" với con cháu mình và cộng đồng sở tại.
Tôi
nằm trong số những người được sinh ra để làm những việc "local",
những người biết hương vị Starbucks nhưng đã quá thân quen với hàng chè chén.
Tôi
không muốn bắt đầu một hành trình có thể đẩy mình đi quá xa với nơi mà mình yêu
thương.
No comments:
Post a Comment