Saturday 3 November 2012

VIỆT NAM, NGAY CÁI VỎ "ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ" CŨNG KHÔNG CÒN (Song Chi / Người Việt)




Song Chi / Người Việt
Friday, November 02, 2012 2:31:45 PM

Ðối với người Việt đang sống trong nước, cho dù có bàng quan với tình hình chính trị xã hội đến mấy, có lạc quan “vô tư” đến mấy, hẳn cũng không thể không thừa nhận đời sống ngày càng khó khăn, bất ổn về mọi mặt. Ðặc biệt là kinh tế.

Chưa bao giờ kể từ khi mở cửa làm ăn hội nhập với thế giới, nền kinh tế Việt Nam lại khủng hoảng nghiêm trọng như bây giờ. Thậm chí, Việt Nam còn bị nhiều nhà chuyên môn về kinh tế, các tổ chức kinh tế tài chính trên thế giới đánh giá như một ví dụ xấu về phát triển kinh tế không đúng hướng.

Tờ Newsweek Magazine ngày 1 tháng 10 có bài viết của bình luận viên Rob Cox: “From Tiger to Pussycat: How Vietnam's Economy Got Off Track” (Từ hổ thành mèo: kinh tế Việt Nam đã trật đường ray như thế nào). Trình bày một số lý do vì sao Việt Nam từ một nước có triển vọng thành con cọp Á Châu lại biến thành con mèo nhỏ đầy khuyết tật.

Hay hãng đánh giá tín dụng Moody's ngày 28 Tháng Chín đã giảm độ khả tín của tám ngân hàng thương mại Việt Nam và hạ độ khả tín của chính Việt Nam xuống B2, mức thấp nhất từ trước tới nay.

Thật ra, chưa cần nói đến sự đánh giá của các tổ chức kinh tế thế giới hay báo chí quốc tế, ngay báo chí trong nước ngày nào cũng tràn ngập những thông tin xấu về kinh tế, từ vi mô đến vĩ mô.

Nào lạm phát, đồng tiền mất giá, giá xăng dầu, giá sinh hoạt tăng, nào hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước bị thua lỗ, thất thoát hàng tỷ đô la Mỹ như Vinashines, Vinalines và ngay cả tập đoàn điện lực EVN cũng nợ đầm đìa. Hàng chục nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyên bố vỡ nợ, phá sản, phải đóng cửa...

Gần đây, những từ như “nợ công, nợ xấu” xuất hiện trong hầu hết các bài báo về kinh tế, trong các phiên họp tại kỳ họp thứ 4 Quốc Hội khóa XIII khai mạc ngày 22 tháng 10, chứng tỏ mức độ nghiêm trọng của tình hình. Một số đại biểu Quốc Hội còn có ý kiến “cần một ủy ban độc lập để giải quyết nợ xấu” (báo Lao động).

“Nợ công bằng 55.4% GDP” (VietnamNet). Tình hình bất động sản thì đang đóng băng và có nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản. Hệ thống ngân hàng cũng đang đối diện với nguy cơ đổ sụp vì nợ xấu. Ngân quỹ nhà nước thì cạn kiệt đến mức tại kỳ họp Quốc Hội kể trên, việc tăng lương cho công nhân viên cứ được nâng lên rồi lại đặt xuống để rồi cuối cùng “cố gắng lắm thì có thể tăng thêm 100,000 VNÐ mỗi tháng,” một con số chả thấm vào đâu.

Bức tranh xã hội cũng một màu xám ảm đạm không kém. Nếu như trong lĩnh vực kinh tế, các cụm từ “nợ xấu” được nói đến nhiều nhất, thì trong lĩnh vực xã hội, vấn đề “tham nhũng” làm nóng các trang báo nhà nước lẫn các trang blog, trang mạng xã hội; từ trong nghị trường Quốc Hội ra đến các quán nhậu vỉa hè.

Tham nhũng và chống tham nhũng từ bao nhiêu năm qua không hề có dấu hiệu giảm bớt, khá lên mà ngày càng phát triển tràn lan, vô phương phòng, chống.

Mới đây, người dân đã được chứng kiến cả một chiến dịch chống tham nhũng và chỉnh đốn đảng do ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phát động rầm rộ. Trải qua cuộc họp Bộ Chính Trị cộng với hội nghị của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng để cuối cùng cho ra kết quả là một con số không!

Sự bất ổn của xã hội bộc lộ trong khắp mọi lĩnh vực. Có rất nhiều vấn đề mà ai cũng thấy cũng biết, tồn tại từ bao lâu nay nhưng vẫn không giải quyết được.

Không chỉ nạn tham nhũng, nạn lãng phí, thất thoát của công, làm ăn gian dối cũng không kém, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng.

Môi trường sống bị tàn phá, tài nguyên khoáng sản bị khai thác bừa bãi, rừng bị phá với tốc độ khủng khiếp.
“Theo báo cáo số liệu năm 2005 của Tổ chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria.” (theo Wikipedia).

Nạn ô nhiễm môi trường. Thực phẩm không an toàn. Tỷ lệ tai nạn giao thông quá cao bao nhiêu năm nay vẫn chưa được cải thiện. Sự lạc hậu của giáo dục, sự quá tải tại các bệnh viện ở các thành phố lớn trong khi các bệnh viện tỉnh, huyện, trạm xá thì lại quá nghèo nàn thiếu thốn từ phương tiện điều kiện chữa trị cho đến nhân sự...

Ðạo đức xã hội xuống cấp cũng là điều không có gì mới. Ngay cả trong những môi trường tưởng chừng phải tử tế, nhân văn nhất như giáo dục, y tế thì cũng tràn ngập những thông tin nhức nhối.

Tình trạng này chứng tỏ sự bất lực của nhà cầm quyền trong việc giải quyết, khắc phục những vấn đề cũ mèm trong xã hội.

Nguyên nhân gốc rễ là từ toàn bộ mô hình thể chế chính trị độc tài độc đảng đã không còn phù hợp với xã hội Việt Nam, là lực cản kìm hãm sự phát triển đúng hướng của Việt Nam, kéo đất nước, dân tộc Việt Nam ngày càng thụt lùi về mọi mặt so với các nước láng giềng và thế giới.

Ngay cả “sự ổn định chính trị,” lý do bào chữa duy nhất về tính chính danh của đảng cộng sản mà nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa ra mỵ dân bao nhiêu lâu nay cũng không còn nữa.

Những cuộc biểu tình đòi tăng lương, cải thiện đời sống lên đến hàng ngàn người của giai cấp công nhân ở nhà máy này, xí nghiệp kia. Những cuộc biểu tình, khiếu kiện về vấn đề đất đai của dân oan kéo dài từ năm này qua năm khác. Hay sự phá sản, đóng cửa của hàng loạt doanh nghiệp dẫn đến đội ngũ thất nghiệp tăng lên... Tất cả đều là những mầm mống bất ổn về chính trị.

Và nếu các quan chức to, nhỏ chịu khó vào các trang blog cá nhân, các trang mạng xã hội, họ sẽ hiểu lòng dân nghĩ gì về đảng và nhà nước cộng sản, về cuộc sống ở xã hội Việt Nam hiện tại. Danh sách tù nhân lương tâm, người bất đồng chính kiến, thậm chí chỉ là những người vì yêu nước, phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc mà bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ, giam cầm và vu cho là “những kẻ vi phạm pháp luật” cứ dài ra mãi...

Cuối cùng, sự đoàn kết trong nội bộ đảng cộng sản, một điều mà đảng luôn cố gắng tối đa để gìn giữ, cũng không giữ nổi. Cuộc chiến gay gắt giữa phe gọi là chống tham nhũng với phe bị coi là tham nhũng nặng nề trong thời gian vừa qua, là minh chứng.

Vậy cái gọi là “sự ổn định chính trị” mà đảng luôn vin vào như một lý do để bao biện cho mọi thứ, để phản đối mọi yêu cầu thay đổi, cải cách về chính trị trước xu hướng chung của thời đại và nguyện vọng của nhân dân có thật không, hẳn không khó để trả lời.

Với người dân Việt Nam, thời buổi bây giờ đâu còn như thuở mà thông tin bị bưng bít toàn bộ.

Người Việt có thể “trèo tường lửa” vào đọc báo chí nước ngoài và báo chí “lề dân.” Người Việt đa phần cũng có bà con bạn bè hoặc con cái đang sinh sống, học tập, làm việc ở một nước tự do dân chủ, hoặc đã từng đi du lịch nước này nước khác... Người Việt có thể tự quan sát, so sánh và đánh giá. Rằng cuộc sống ổn định ở các nước nó khác với nước ta như thế nào.

Về chính trị, kinh tế, đó là sự ổn định vững chắc thật sự của cả hệ thống, thể chế, được thiết lập bởi những nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát lẫn nhau, cộng với sự nghiêm minh công bằng của luật pháp, mà những cơn khủng hoảng tạm thời không thể làm đốn ngã.

Về xã hội, đó là sự ổn định của những giá trị nhân văn nhân bản, tự do dân chủ, bình đẳng, khai phóng đối với từng cá nhân, không bị hủy hoại bởi một chế độ độc tài kìm hãm, trói buộc và khinh rẻ con người.

Và với mỗi con người, sự ổn định phải được hiểu từ bên trong-con người phải cảm thấy có niềm tin vào chính phủ, luật pháp, vào người khác và chính mình. Con người phải được sống một cách bình yên, thanh thản, không phải đối phó với muôn vàn những sợ hãi lo âu vớ vẩn không đáng có...

Chỉ như thế xã hội đó mới gọi là ổn định thực sự.

Và khi một nhà nước không thể đảm bảo cho xã hội được ổn định, người dân được thanh thản bình yên. Chỉ nhăm nhăm giữ ổn định chính trị và sự tồn tại của đảng cầm quyền bằng cách triệt tiêu mọi sự phản kháng, bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ của người dân, bằng bạo lực, sự sợ hãi và nhà tù thì dứt khoát đó không phải là sự ổn định mà người dân mong muốn.






No comments:

Post a Comment

View My Stats