Saturday, 17 November 2012

VÌ SAO CƠ QUAN CHỐNG THAM NHŨNG ĐỘC LẬP Ở VIỆT NAM KHÓ KHẢ THI ? (Kami)




Kami    
Sat, 11/17/2012 - 03:09 — Kami

Theo tin tức báo chí cho biết, chiều 03.11.2012 vừa qua tại phiên thảo luật về về tình hình tội phạm và kết quả phòng chống tham nhũng năm 2012, thảo luận về dự thảo luật phòng chống tham nhũng sửa đổi ở đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Được biết bên cạnh nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội khác trong quá trình thảo luận tại tổ về dự án luật này, nữ đại biểu Bùi Thị An nhiều lần nhấn mạnh đề nghị xây dựng Ủy ban chống tham nhũng độc lập. Mục đích của việc này là để cán bộ, nhân sự của cơ quan này không bị lệ thuộc bất cứ điều gì, bất cứ ai trong quá trình đấu tranh với tội phạm tham nhũng và để giúp cho công việc chống tham nhũng đạt được hiệu quả. Theo đó, cơ quan này sẽ được giao những thẩm quyền, cơ chế đặc biệt để có thể phát hiện, bí mật điều tra và nhanh chóng xử lý bất cứ hành vi nào có dấu hiệu tham nhũng.

Cùng tham gia phiên thảo luận hôm đó, có ông Phạm Quang Nghị với tư cách là thành viên đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Khi trao đổi với báo chí bên ngoài hành lang ngay trước khi Quốc hội dành trọn một ngày thảo luận về dự thảo luật này tại hội trường, ông Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội nói về đề xuất thành lập một cơ quan độc lập phòng chống tham nhũng với cơ chế đặc biệt rằng “Cơ quan chống tham nhũng độc lập khó khả thi”. Với lý do ông Phạm Quang Nghị đưa ra là “Chúng ta đang có cả một bộ máy đồng bộ nhiều cơ quan phối hợp với nhau mà làm còn khó nữa là độc lập”. Phát biểu của ông Phạm Quang Nghị đã gây sự bất ngờ đối với nhiều người khi ông hiểu và nói về sự độc lập và và sự đồng bộ của một bộ máy của cơ quan độc lập phòng chống tham nhũng. Không hiểu điều ông Phạm Quang Nghị khi cho rằng cơ quan chống tham nhũng độc lập là khó khả thi thì ông Nghị có biết và hiểu được rằng việc có cơ quan chống tham nhũng độc lập đã hình thành và tồn tại từ rất lâu, ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia có xu hướng chính trị tự do, dân chủ? Hay vì một lý do nào đó ràng buộc để ông Nghị cho rằng cơ quan chống tham nhũng độc lập trở thành khó khả thi ở Việt nam?

Được biết là ông Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, IX, X, XI, Ủy viên Bộ Chính trị khoá X, XI có một trình độ học vấn khá sáng sủa. Trước đây, ông đã từng giữ các cương vị khác như Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Phó trưởng ban Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương. Với trình độ học vấn của ông là tốt nghiệp Cử nhân Lịch sử năm 1970 tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) và bảo vệ luận án Tiến sĩ Triết học tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô. Một người như thế mà không phân biệt được thế nào là một cơ quan độc lập phòng chống tham nhũng là điều khó tin.

Cũng có người lấy chuyện xảy ra cách đây không lâu, để nói rằng ông Phạm Quang Nghị không biết điều nói trên. Đó là chuyện tháng 10.2012 vừa qua, cũng trong kỳ họp này khi Quốc Hội thảo luận nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc Hội và Ủy ban nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Ông Phạm Quang Nghị, trong vai Bí thư Thành ủy Hà Nội và là một trong 14 ủy viên Bộ Chính trị đánh giá cho rằng đây là một điều mới mẻ, ông Nghị đã nói rằng "Đây là việc vô cùng mới mẻ, nếu chúng ta làm được thì đây là mô hình đánh giá cán bộ rất hiếm có trên thế giới. Nhiều nước cũng có biện pháp đánh giá sự tín nhiệm đối với chính phủ và người đứng đầu chính phủ, nhưng đánh giá tất cả thành viên chính phủ, đánh giá cả chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội và tất cả những người đứng đầu cơ quan lập pháp thì phải nói là trên thế giới chưa hề có". Và có người dựa vào đó để khẳng định Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội có một lỗ hổng lớn trong kiến thức quản lý nhà nước. Vì theo họ, việc chất vấn bất tín nhiệm Thủ tướng và các thành viên chính phủ là một việc làm thường xuyên, gần như là định kỳ hàng năm của các đảng phái ở vị trí đối lập với chính phủ, ở vị thế những người thay mặt cử tri làm công việc theo dõi, giám sát mọi hoạt động của chính phủ. Hoặc nếu phát hiện được các vụ tham nhũng hay các bằng chứng đầy đủ chứng minh được phe chính phủ vi phạm pháp luật thì phe đối lập sẽ đề nghị Chủ tịch Quốc hội tổ chức chất vấn đột xuất nếu thấy cần thiết. Các phiên chất vấn này có hai hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc không bỏ phiếu, tùy theo mức độ trầm trọng của các vụ việc. Hơn nữa, một trong những nhiệm vụ của Quốc hội là giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước và các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội hay Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước đều do Quốc hội bầu lên, thì kể cả họ có quyền bãi miễn chứ nếu chỉ đánh giá bất tín nhiệm cũng chẳng có gì là lạ.

Như dù do bất kỳ lý do gì đi chăng nữa, việc tổ chức một ủy ban chống tham nhũng độc lập trong cái cơ chế chính trị độc đảng thì đúng là khó khả thi như ông Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định. Vì Chủ tịch Quốc hội được đề cử bởi Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, và phần lớn các đại biểu quốc hội là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam (hiện nay là khoảng 90%) và họ phải tuân thủ các chỉ thị của đảng. Do đó, Quốc hội Việt Nam không có được sự độc lập khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với một Ủy ban chống tham nhũng độc lập nhưng người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng độc lập này sẽ vẫn phải chịu sự lãnh đạo của đảng và các đối tượng tham nhũng, tham ô thì đa phần là đảng viên đảng CSVN. Như thế thì đảng CSVN vừa đá bóng, vừa là người thổi còi. Cộng với các quy định trong 19 điều đảng viên được phép và không được phép làm theo quy định và đã có điều buộc các đảng viên phải chấp hành đầy đủ các nghị quyết của đảng và chỉ thị từ cấp trên. Vô hình chung không chỉ riêng ở cơ quan chống tham nhũng độc lập này, mà ở tất cả các tổ chức trong bộ máy chính quyền và các tổ chức quần chúng đều bị trói buộc bằng sợ thừng nghị quyết đảng. Đây là một sự bất cập trầm trọng trong thể chế chính trị của Việt nam đã và đang tồn tại và diễn ra diễn ra từ nhiều chục năm nay. Điều này đã khiến nghị quyết của đảng CSVN đã có vị thế cao hơn cả Hiến pháp và pháp luật, bỗng chốc vô tình đưa đảng CSVN và những người lãnh đạo cao cấp của đảng được quyền đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Điều đó là vi phạm quy định đảng CSVN hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp.

Do vậy nói ông Phạm Quang Nghị không biết là khó tin, mà có thể là ông ông Phạm Quang Nghị đã hiểu được sự bất cập của cơ chế chính trị độc đảng hiện tại ở Việt nam hiện nay là bất cập. Xong vì sợ cái ghế của ông bị lung nay, cho dù ông ông Phạm Quang Nghị là một trong 14 Uỷ viên Bộ Chính trị thì ông cũng nói năng lử lơ nửa vời, thay vì nói thẳng, nói thật. Vì đó là một thực trạng chung của những chính trị gia nói riêng và người dân ở Việt nam nói chung là ai cũng sợ. Đến ngay cả Chủ tịch Trương Tấn Sang người đứng đầu nhà nước còn chỉ dám nói úp úp, mở mở chứ không dám nói thật, ví dụ như ngày 17.10.2012 chính ông cũng phát biểu: “Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào?". Vậy mà cũng ngày hôm đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói về quyết định không kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị, mà ông không dám gọi bằng tên thật, chỉ dám gọi là 'đồng chí X'.

Một câu hỏi tưởng chừng khó có câu trả lời, vậy mà cho đến ngày 14.11.2012 đã có câu trả lời rất rõ ràng khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời trước Quốc hội, khẳng định 'tiếp tục nhiệm vụ' khi bị chất vấn về trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ. Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc, Thủ tướng tuyên bố: "Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, Đảng tiếp tục phân công tôi ứng cử, làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, BCH Trung ương Đảng, Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất". Điều đó có nghĩa là với vai trò lãnh đạo toàn diện của đảng, thì bất cứ cá nhân đảng viên nào, kể cả Thủ tướng cũng chỉ phục tùng kỷ luật đảng và đặ quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, của nhân dân. Từ đó suy ra việc ông Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội nói rằng “Cơ quan chống tham nhũng độc lập khó khả thi”, với lý do là “Chúng ta đang có cả một bộ máy đồng bộ nhiều cơ quan phối hợp với nhau mà làm còn khó nữa là độc lập” là hoàn toàn có cơ sở. Cũng bởi vì hệ thống và thể chế chính trị ở Việt nam hiện nay nó không giống ai, không tuân theo bất kỳ một quy luật nào mà các quốc gia khác trên thế giới đang áp dụng.

Nên nhớ, quy luật tự nhiên hay xã hội cũng vậy, đã là những cái mang tính quy luật thì việc thực hiện bất cứ vấn đề gì nếu ta nắm bắt được tính quy luật thì sẽ đạt hiệu quả cao. Chống tham nhũng nói chung hay vấn đề một Uỷ ban chống tham nhũng độc lập nói riêng cũng vậy. Vấn đề này đã hình thành, tồn tại và được áp dụng từ rất lâu, ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và họ đã thành công trong việc bài trừ tệ tham nhũng ví dụ như New Zealand, Singapore... Họ đã làm thành công, mà sao ta cũng làm thì không thành công, cứ càng ngày càng trầm trọng hơn và hầu như không có hồi kết. Sao không tự đối chiếu với cách làm của họ để rút ra ta sai lầm trong vấn đề nào, phương pháp gì? Nếu sai lầm do cơ chế, hậu quả của thể chế chính trị mà không kiên quyết sửa đổi, hoặc từ bỏ theo phương châm của Đặng Tiểu Bình "Mèo trắng, mèo đen, mèo nào cũng được, miễn là bắt được chuột" thì đúng là mãi mãi không làm được. Đã nhận thức và hành động sai quy luật thì cho dù có xoay đi xoay lại mãi thì vẫn mãi thất bại mà thôi.

Kết:

Thực trạng chính trị Việt nam hôm nay là như thế, bên cạnh một số đông không quan tâm đến chính trị thì có một thiểu số những người quan tâm và hiểu được sự bất cập của thể chế chính trị Việt nam hiện nay. Họ biết sự bất cập đó là nguyên nhân chính của một đất nước có nền kinh tế èo uột, thiếu sinh khí, đạo đức xã hội xuống cấp, lòng dân chán chường, tham nhũng dù biết là một vấn nạn nhưng không có thuốc để chữa trị v.v... Nhưng tệ hại hơn là những người có hiểu biết, có trách nhiệm lại không dám lên tiếng. Phần vì sợ bị trả thù hay trù dập, phần thì vô trách nhiệm để rồi mũ ni che tai kệ mẹ chúng mày.

Đừng mang sinh mạng của gần 90 triệu người Việt nam để thí nghiệm, gần 30 năm đổi mới mà kinh tế Việt nam ngày càng be bét, vị thế quốc gia ngày càng tụt hậu. Không lẽ cứ thử đi thử lại mãi. Cũng như nền khoa học, giáo dục của Việt nam cũng thế. Với số lượng Tiến sĩ đông nhất nhì thế giới mà một con ốc vít đúng tiêu chuẩn còn chưa làm nổi thì hỏi các ông nghiên cứu làm gì? Cũng chi phí ấy, nguồn lực ấy sang nước ngoài mà học, mà coppy vừa nhanh vừa hiệu quả.

Chính trị cũng thế, không phải suy nghĩ, thử nghiệm nhiều cho mất thời gian. Nhất là mấy cái nhân danh đỉnh cao trí tuệ thì càng không phải bàn nhiều.

Ngày 14.11.2012
© Kami
————————

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.





No comments:

Post a Comment

View My Stats