Về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012
Trần Giao Thủy
Trần Giao Thủy
11-11-2012
Ngày 6 tháng 11 vừa qua cử tri Mỹ đã thực hành quyền căn bản của
công dân một cường quốc dân chủ. Hơn 120 triệu cử tri đã tham dự cuộc bầu chọn
Tổng thống Hoa Kỳ.
Tùy quan điểm chính trị, phản ứng tức thời của giới quan sát – ngay khi kết quả kiểm phiếu của tiểu bang Florida chưa hoàn tất – từ bạn đọc của các tờ nhật báo lớn, báo mạng, đài truyền hình, v.v. rất khác nhau. Ngay tại DCVOnline, có bạn đọc cho rằng, “ông Obama đã bị mất Mandate of people / Ý nguyện của nhân dân Hoa Kỳ” vì ông Romney đã thắng phiếu phổ thông tuy thua ông Obama về phiếu của cử tri đoàn. Gay cấn hơn bạn đọc ở tờ báo mạng tiếng Việt, ông đại phú Donald Trump, kêu gọi dân Mỹ đi làm cách mạng. Ông Trump viết trên twitter, “More votes equal a loss... revolution!” “This election is a total sham and a travesty. We are not a democracy.” “He lost the popular vote by a lot and won the election. We should have a revolution in this country.” [...]
Thực ra kết quả sau cùng không phải như ông Trump hay một số bạn đọc ở DCVOnline tưởng và phê bình. Ông Barack Obama tái đắc cử với 332 phiếu cử tri đòan [đại cử tri] và được 61.713.086 phiếu phổ thông, 51% tổng số phiếu bầu. Ông Mitt Romney được 206 phiếu đại cử tri và 48% số phiếu phổ thông, ít hơn ông Obama 3.202.936 phiếu.
Tùy quan điểm chính trị, phản ứng tức thời của giới quan sát – ngay khi kết quả kiểm phiếu của tiểu bang Florida chưa hoàn tất – từ bạn đọc của các tờ nhật báo lớn, báo mạng, đài truyền hình, v.v. rất khác nhau. Ngay tại DCVOnline, có bạn đọc cho rằng, “ông Obama đã bị mất Mandate of people / Ý nguyện của nhân dân Hoa Kỳ” vì ông Romney đã thắng phiếu phổ thông tuy thua ông Obama về phiếu của cử tri đoàn. Gay cấn hơn bạn đọc ở tờ báo mạng tiếng Việt, ông đại phú Donald Trump, kêu gọi dân Mỹ đi làm cách mạng. Ông Trump viết trên twitter, “More votes equal a loss... revolution!” “This election is a total sham and a travesty. We are not a democracy.” “He lost the popular vote by a lot and won the election. We should have a revolution in this country.” [...]
Thực ra kết quả sau cùng không phải như ông Trump hay một số bạn đọc ở DCVOnline tưởng và phê bình. Ông Barack Obama tái đắc cử với 332 phiếu cử tri đòan [đại cử tri] và được 61.713.086 phiếu phổ thông, 51% tổng số phiếu bầu. Ông Mitt Romney được 206 phiếu đại cử tri và 48% số phiếu phổ thông, ít hơn ông Obama 3.202.936 phiếu.
Năm 2000, ông George W. Bush thua ông Al Gore 543.895 phiếu phổ thông nhưng vẫn đắc cử trở thành tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ vì ông đã thắng 271 phiếu đại cử tri dù chỉ được 47.9% số phiếu phổ thông của dân Mỹ. Và năm 2000, hình như không nghe ông Donald Trump than phiền đó là một cuộc bầu cử gian lận, một trò hề, Mỹ không phải là một nước dân chủ, và hô hào dân chúng nên đứng lên làm cách mạng. Thực ra ông Bush không phải là người duy nhất thua phiếu phổ thông nhưng lại đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Ba tổng thống Mỹ khác, trong thế kỷ 19, là John Quincy Adams (1824), Rutherford B. Hayes (1876) và Benjamin Harrison (1888) đều thua phiếu phổ thông nhưng đã đắc cử tổng thống. Dĩ nhiên ba tổng thống vừa kể không ai bị “mất Mandate of people” hay bị cánh mạng lật đổ sau ngày bầu cử.
Chắc chắn ông Trump không đọc báo tiếng Việt, nhưng người viết xin nói ngay: vì đang sống tại một xứ sở dân chủ như Mỹ nên ông mới có thể bình an la làng trên báo đài, đòi coi đơn xin giấy thông hành hay học bạ cũng như giấy khai sanh của tổng thống. Và ông Donald Trump cũng như những người dân Mỹ khác có thể hô hào [dù hơi vội] vùng lên làm cách mạng hay xỉ vả tổng thống Mỹ là thấp hèn, chia rẽ, bất tài, vô dụng, khoác lác, v.v. Tóm lại, Mỹ là một nước dân chủ pháp trị; về mặt tổ chức bầu chọn lãnh đạo đã có luật định rõ ràng trong Hiến pháp ở Điều II, với 10 điểm tu chính cùng Chương I của Luật Hoa Kỳ (United State Code). Do đó nhận định cho rằng thắng phiếu đại cử tri và thua phiếu phổ thông là không được dân tín nhiệm chỉ là một cách nói lấy được của người cay cú vì thua cuộc, và không thích hợp với luật và hiến pháp của quốc gia dân chủ này.
Sau 18 tháng vận động tranh cử tổng số chi tiêu của cả hai đảng lên hơn 2 tỉ đô-la; từ đầu tháng Sáu đến cuối tháng Mười hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã dùng hơn 1 triệu quảng cáo trên TV, tốn khoảng hơn 7 trăm triệu, để bôi tro trát trấu lẫn nhau. Dù bằng lòng hay phản đối thì tất cả đó đều là những những hoạt động hợp pháp tại Hoa Kỳ.
Tại sao ông Obama tái đắc cử khi tình hình chung của Hoa Kỳ, quan trọng nhất là mặt kinh tế đang tình trạng hoàn tòan không khả quan nếu không nói là ở mức “gần khủng hoảng”, cũng như chính sách đối ngoại của chính phủ đảng Dân chủ trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Đông, luôn luôn là điểm nóng và quan tâm nhưng không hấp dẫn lắm đối với giới tài phiệt – nhiều ảnh hưởng – của Hoa Kỳ?
Ông Obama đắc cử vì ông được ủng hộ nhiều hơn ông Romney. Đơn giản là như vậy.
Ai ủng hộ Barack Obama? Vài kết quả thăm dò trong ngày cuối của cuộc vận động tranh cử cho thấy Obama và Romney được ủng hộ suýt soát như nhau [CNN, cả hai 49%; Pew Research Center: Obama 48%, Romney 45%; Politico/George Washington University: cả hai 48%; NBC News/Wall Street Journal: Obama 48%, Romney 47%; ABC News/Washington Post: Obama 49%, Romney 48%]. tại một số quốc gia trên thế giới, những nơi hoàn toàn không có quyết định hay ảnh hưởng đến kết quả chọn lựa của người dân nước Mỹ, ông Obama cũng được nhiều người ủng hộ. Trong cuộc thăm dò tại 21 quốc gia do GlobeScan/PIPA thực hiện cho BBC World, 72% dân nước Pháp muốn thấy ông Obama đắc cử; theo sau là Úc [67%], Canada, Nigeria [66%], Anh [65%]. Nước duy nhất ủng hộ Romney [14%] nhiều hơn Obama [11%] là Pakistan. Các quốc gia khác không có ý kiến.
Ông Obama, ứng cử viên đảng Dân chủ, tái đắc cử nhờ sự vận động để thay đổi khuynh hướng của các nhóm cử tri mà đảng Cộng hòa ít quan tâm đến hay không coi là đối tượng chính. Chính Bill O'Reilly của Fox News, một ký giả thuộc phe bảo thủ, cũng xác nhận ngay đêm bầu cử là khối cử tri “truyền thống” người Mỹ da trắng đã trở thành thiểu số. Những nhóm dân tộc thiểu số đã làm nên lịch sử Mỹ năm 2012 là người Mỹ gốc châu Mỹ La tinh, người Mỹ gốc châu Á, người Mỹ gốc châu Phi [người Mỹ da đen]. Những nhóm không phải là thiểu số cũng góp phần thay đổi lịch sử Hoa Kỳ là giới trẻ, và phụ nữ Mỹ. Bộ mặt cử tri Mỹ năm 2012 đã khác hẳn với những năm cuối thế kỷ 20. 58% cử tri dưới 30 tuổi là người da trắng trong khi tỉ lệ đó trong giới cử tri lớn tuổi lên đến 87%. Lần đầu tiên trong lịch sử quốc hội Hoa Kỳ, theo bà Nancy Pelosi - Chủ tịch khối Dân chủ tại Hạ viện - trong năm tới hơn nửa số dân biểu của đảng Dân chủ sẽ là phụ nữ, người Mỹ da đen, người Mỹ gốc châu Mỹ La tinh hay người Mỹ gốc châu Á.
Hiện nay nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất Mỹ là người gốc châu Mỹ La tinh, chiếm 17%; kế đến là người Mỹ da đen, 12%, và người Mỹ gốc châu Á, 5%. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ 21 này tỉ lệ người Mỹ gốc châu Mỹ La tinh sẽ tăng lên khoảng 30% và người Mỹ da đen vẫn khoảng 12%, và người gốc châu Á sẽ là khoảng 8%. Theo thống kê cho thấy nhóm dân tộc thiểu số của hiệp chủng quốc Hoa Kỳ ngày càng tham gia đầu phiếu nhiều hơn.
Trước nhất, với nhóm đa số, cử tri da trắng, năm nay ông Obama chỉ lấy được khoảng hơn 35% số phiếu nhưng tỉ lệ cử tri của các nhóm gốc thiểu số tham gia bầu cử năm 2012 [28%] cao hơn hơn tỉ lệ tham gia năm 2000 [20%]. Trong cuộc bầu cử lần này ông Obama, như năm 2008, được 80% số phiếu của cử tri không phải người da trắng.
Thứ đến, về cử tri Mỹ gốc châu Mỹ La tinh, Tây Ban Nha (Spain) và Bồ Đào Nha (Portugal), trong số 50,5 triệu người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha [hay gốc châu Mỹ La tinh] có đến 26 triệu cử tri và tỉ lệ họ đi bầu năm 2012 cao hơn năm 2008 đến 25% và gần 75% cử tri của nhóm này bầu cho ông Obama. Và tuyệt đại đa số cử tri người Mỹ da đen đã bầu cho ông Obama. Tỉ lệ cử tri người Mỹ da đen tham gia đầu phiếu năm nay cũng cao hơn tỉ lệ năm 2008.
Ngoài khuynh hướng thay đổi rõ rệt về khuôn mặt của cử tri Hoa Kỳ, những tuyên bố nhạy cảm của các ứng cử viên đảng Cộng Hòa như hai ông Todd Akin and Richard Mourdock [về vấn đề hiếp dâm và thụ thai liên hệ đến “ý của Chúa”] không những chỉ làm mất hai ghế của đảng Cộng hòa ở Thượng viện mà còn góp phần không nhỏ làm thiệt hại cuộc vận động của ông Mitt Romney. Và có lẽ trong phòng đầu phiếu, nhiều công dân Mỹ đã không quên “tuyên bố 47%” của ứng cử viên Mitt Romney hồi tháng Năm ở Boca Raton, trong khi họ cầm lá phiếu quyết định trên tay.
Trở lại với cử tri thiểu số, nhóm người Mỹ gốc châu Á. Hai mươi năm về trước, người Mỹ gốc châu Á bầu chọn đảng Cộng hòa nhiều gấp đôi đảng Dân chủ. Ngày nay người Mỹ gốc châu Á, dù chỉ chiếm khoảng 3,4% số cử tri, đã bầu chọn dựa vào chính sách, đường lối của ứng cử viên nhiều hơn vì cảm tình với đảng [Dân chủ hay Cộng hòa]. Và lần này người gốc châu Á ưa chính sách y tế, cư dân, giáo dục, bình đẳng nam nữ của đảng Dân chủ và 72% đã bầu ông Obama thay vì chọn chính sách và bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa, ông Romney.
Theo thống kê dân số 2010, người Mỹ gốc châu Á chỉ có khoảng 17,3 triệu, 5,6% dân số Hoa Kỳ. Đông nhất là người Mỹ gốc Hoa [3,8 triệu], kế đến là người Mỹ gốc Phi Luật Tân [3,4 triệu], người Mỹ gốc Ấn Độ [3,2 triệu], người Mỹ gốc Việt [1,7 triệu], người Mỹ gốc Đại Hàn [1,7 triệu], và người Mỹ gốc Nhật Bản [1,3 triệu].
Trong số 1,7 triệu người Mỹ gốc Việt, 37,3% sống ở California, 13,1% ở Texas, 4,4% ở Washington, 3,8% ở Florida, 3,5% ở Virginia và 38% còn lại ở rải rác tại các tiểu bang khác.
Mỗi lá phiếu của người dân – bất kể sắc tộc, giới tính, tôn giáo, thiểu số hay đa số – đều có gía trị như nhau. Tuy nhiên, để tìm hiểu sức mạnh của toàn khối cử tri người Mỹ gốc Việt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, xin theo dõi câu chuyện giả tưởng dưới đây.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2012, giả sử tất cả cử tri Việt Nam [khỏang 1.2 triệu hay 76% người Mỹ gốc Việt trên 18 tuổi] đều bỏ phiếu cho ông Romney theo sự lãnh đạo của một ông MC nào đó ở quận Cam thì ông Obama vẫn hơn ông Romney 2 triệu phiếu phổ thông. Khối cử tri lớn nhất của người Mỹ gốc Việt nằm ở California và Texas. Thử xét về số phiếu đại cử tri ở hai tiểu bang này. Nếu tất cả khoảng 482.000 lá phiếu của người gốc Việt ở California đều dồn về cho ông Romney cũng không thể thay đổi tình hình vì kết quả sau cùng tại đây cho thấy ông Obama [59.1%] thắng ông Romney [38.5%] trên 2 triệu phiếu và như thế đã lấy 55 phiếu đại cử tri của California. Ở Texas, dù cho gần 170.000 cử tri gốc Việt không đi bầu thì ông Romney vẫn thắng [~57% phiếu phổ thông] 38 phiếu cử tri đoàn. Tại tiểu bang Washington, dù gần 60 ngàn cử tri gốc Việt có dồn phiếu cho Romney, ông vẫn thua ông Obama được hơn 1,5 triệu phiếu. Tại hai tiểu bang con lắc, Virginia và Florida gần 50 ngàn phiếu của cử tri gốc Việt tại đó cũng không thay đổi được kết quả sau cùng.
Câu chuyện giả tưởng trên đây cho thấy cử tri gốc Việt chưa có đủ sức mạnh và ảnh hưởng như một khối để làm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ năm 2012 và trong tương lai gần, như cộng đồng Người Mỹ gốc châu Mỹ gốc La tinh.
Thực tế xảy ra không như nhận định của một bạn đọc trên DCVOnline ngày 6/11/2012, “4 năm là đủ cho một tổng thống da màu, không cần theo dõi những thăm dò, dự đoán. Trên thực tế, dù không nói ra, người Mỹ số đông vẫn chưa chấp nhận một người da màu làm tổng thống [...]”
Đa số người Mỹ chấp nhận người Mỹ da đen trong vai trò lãnh đạo đất nước và đã bầu cho ông Obama làm tổng thống nhiệm kỳ thứ nhì. Tinh thần phe đảng, bè phái, cay cú, thù hận, kỳ thị sẽ không đóng góp gì tốt cho việc xây dựng nước Mỹ. Tuy là hai chính đảng, có sách lược và chủ trương khác nhau, nhưng dân biểu và thượng nghị sĩ, thống đốc các tiểu bang Hoa Kỳ nếu cùng nhau làm việc được như chủ trương của ông Romney suốt thời gian vận động, họ sẽ sớm đưa nền kinh tế Hoa Kỳ trở lại vị trí hùng mạnh như cũ hay tốt hơn nữa để xứng đáng với tuyên bố Mỹ là “đất nước vĩ đại nhất quả địa cầu” như ông Obama nói trong diễn văn sáng ngày 7/11/2012, “And together, with your help, and God’s grace, we will continue our journey forward, and remind the world just why it is that we live in the greatest nation on Earth.”
Những cử tri ủng hộ và tòan bộ đảng viên đảng Cộng Hòa, có lẽ, hay hơn hết, nên theo lời khuyên của ông Donald Trump, “Well, back to the drawing board”, đổi mới chiến thuật và chính sách để chuẩn bị cho cuộc tranh cử năm 2016. Dân chủ, pháp trị là thế, khác xa những gì đang bí mật diễn ra tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh.
© DCVOnline
No comments:
Post a Comment