Trần Mạnh Hảo
24/11/2012
Lời đề từ trích của Tân Tử Lăng :
(“Văn trị” của Mao thật hồ đồ. Ông ta đã phá hoại một thế giới cũ, nhưng
lại không xây dựng nổi một thế giới mới. Mao muốn đưa mọi người lên thiên
đường, song lại đẩy họ xuống địa ngục…Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Mác và
Ăng-ghen đề xướng trở thành một phong trào xã hội chủ nghĩa bạo lực trương ngọn
cờ giải phóng giai cấp công nhân để phá huỷ lực lượng sản xuất tiên tiến. ..“chủ
nghĩa xã hội khoa học” trở thành “chủ nghĩa xã hội bạo lực”, khiến mấy thế hệ
những người cộng sản bao gồm Lenin, Stalin Mao Trạch Đông… lầm đường lạc
lối…)…( trích trong cuốn “Mao
Trạch Đông – ngàn năm công tội” của đại tá quân giải phóng nhân dân Trung
Quốc Tân Tử Lăng được in công khai
tại Trung Quốc, Thông Tấn xã Việt Nam dịch và xuất bản năm 2009)
Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vừa qua là
đại hội vĩnh biệt ba ông tổ của chủ nghĩa xã hội (không tưởng): Marx, Lenin,
Mao Trạch Đông. Trong tất cả các văn kiện chính thức của đại hội này, không hề
nhắc đến ba tên tuổi từng được cho là vĩ đại của Marx, Lenin, Mao, được tôn thờ
ở Trung Quốc (và thờ ở Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cămpuchia của Khờ me đỏ…). Các
văn kiện của đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đều khẳng định: Đảng
đi theo lý luận Đặng Tiểu Bình, nguyên tắc “ba đại diện” (của Giang Trạch
Dân…nhưng tên ông này không được nhắc đến – chú của TMH) và xã hội học tập
(thuyết của Hồ Cẩm Đào – nhưng tên ông này không được nhắc đến – chú TMH). Đến
diễn văn bế mạc của tân chủ tịch đảng, chủ tịch nước kiêm người đứng đầu quân
ủy trung ương Tập Cận Bình thì mệnh đề “xã hội học tập” của Hồ Cẩm Đào không
được nhắc đến, chỉ nhắc đảng cộng sản Trung Quốc đi theo lý luận Đặng Tiểu
Bình, nguyên tắc “ba đại diện” mà thôi. Thậm chí, sau diễn văn bế mạc và nhậm
chức, Tập Cận Bình khi giới thiệu sáu vị trong thường vụ bộ chính trị đứng sau
mình đã tránh dùng từ “đồng chí” mà dùng từ “đồng nghiệp”…
Vậy lý luận Đặng Tiểu Bình là gì? Thưa là thuyết “Mèo
luận”: nôm na gói trong mấy từ mà họ Đặng đã phán sau khi Mao chết (1976): “Mèo
trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”…Diễn nôm thuyết
“Mèo luận” của Đặng là: tên gọi chế độ là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa
không quan trọng, miễn là chủ nghĩa nào làm cho Trung Quốc thoát khỏi chết đói,
thoát đại loạn, thoát khỏi các học thuyết phản động và tồi tệ rất xấu xa đốn
mạt của Mao Trạch Đông. Sau khi cùng Diệp Kiếm Anh, Hoa Quốc Phong và các lão
tướng dẹp bỏ bè lũ bốn tên, Đặng Tiểu Bình lập thuyết “Mèo luận”: dương ngọn cờ
Mao Trạch Đông để xóa bỏ tư tưởng Mao, dương ngọn cờ chủ nghĩa xã hội để dẹp bỏ
chủ nghĩa xã hội, đưa nước Trung Hoa đỏ vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa từ năm
1978. Về thực chất, Đảng cộng sản Trung Quốc dưới lý thuyết thực dụng “Mèo
luận” nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình, đã chôn vùi chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng
Mao Trạch Đông ngay từ năm 1978, năm xóa bỏ kinh tế quốc doanh bao cấp để thực
thi kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nhưng vẫn còn dùng chiêu bài Mác-Lê-Mao
hay chiêu bài “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” để ngụy trang.
Cù Thu Bạch (1899-1935) một nhà văn nổi tiếng của Trung
Quốc, từng là Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc năm 1927, 1928, 1930,1931
(là một trong ba người được cho là thiểu năng trí tuệ đã ngu ngốc truyền bá chủ
nghĩa Mác-Lê nin vào Trung Quốc: Trần Độc Tú “1879-1942”, Lý Đại Chiêu
“1888-1927”) thuở sinh thời đã có bài thơ rất lạ, tuồng như là lời sấm về số
phận của Đảng Cộng sản Trung Quốc như sau :
Đó là bài thơ “A di đà Phật”: một bài thơ đẫm chất Thiền
của họ Cù:
A di đà phật (Người dịch: Lương Duy Thứ, Nam
Trân)
“Đừng suy đoán
Đừng bận tâm
Tìm chi cái không biết
Bàn chi cái tối tăm
Vết thương trong ngày
Lấy mộng ban đêm hàn gắn
Ngày của ngày mai
Tự nhiên sẽ đến …”
Con đường hũ nút đi tìm thế giới không có thật của giai
cấp vô sản bằng vũ lực đấu tranh giai cấp, chuyên chế vô sản, xóa bỏ hoàn toàn
quá khứ (lịch sử) nhân loại, xóa bỏ tư hữu, tiêu diệt tư bản đầy máu và nước
mắt của các đảng cộng sản theo Mác Lê nin ( và theo Mao) đúng như câu thơ sấm
truyền của Cù Thu Bạch tiên sinh: “Tìm chi cái không biết/ Bàn chi cái tối tăm/
Vết thương ban ngày/ Lấy mộng ban đêm hàn gắn”.
Mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản là thiên đường không có
thật trên trần gian: một xã hội phi biện chứng (Hegel đã truyền cho Marx cái ý
tưởng ngu ngốc nhất của mình: đến thiên đường cộng sản, phép biện chứng sẽ biến
mất); cái ác, cái xấu, cái giả trá của con người hoàn toàn biến mất, con người
hóa những ông thánh, bà thánh, không cần làm việc, chỉ cần ngồi hưởng thụ: “làm
theo năng lực, hưởng theo như cầu”. Năng lực có hạn, còn nhu cầu của con người
thì vô biên.
Đại đồng cộng sản là một xã hội không có nhà nước, không
có quốc gia, không có gia đình, không có chính quyền, không có pháp luật, không
có tòa án, không có quân đội, công an, đảng phái, không tôn giáo, không hôn
nhân, không có đau khổ , không cô đơn, không có ngân hàng, không có cá nhân,
không có cái tôi; ra đường không biết bà ấy, cô ấy là vợ tôi hay vợ anh vì
quyền sở hữu bị xóa bỏ; xe hơi, nhà cửa đẹp sang trọng là thế nhưng không còn
khái niệm của anh hay của tôi mà là sở hữu toàn dân; tất cả tư liệu sản xuất và
công cụ sản xuất là sở hữu toàn dân; rồi thì vợ chồng toàn dân, con cái toàn
dân, tình nhân toàn dân, cười vui toàn dân, làm tình toàn dân, cực khoái toàn
dân, không còn cái gì gọi là riêng tư nữa; vì đây là xã hội của các vị thánh
mà, hoàn toàn không có quan niệm sở hữu, không còn biện chứng tự nhiên và xã
hội, chỉ có ngày mà không có đêm, chỉ có cười mà không có khóc, chỉ có vui mà
không có buồn, chỉ có sống mà không có chết, chỉ có dương mà không có âm, chỉ
có ăn mà không có ỉa ( xin lỗi vì lúc đó theo Marx, lịch sử loài người dừng lại
trong cái tuyệt đối, mọi sự hôi thối quyết không được phép tồn tại, tất cả đều
thơm điếc mũi kể cả đồng chí bọ xít, phép tương đối của Alb. Einstein đã cáo
chung, phép biện chứng đã biến mất theo Hegel-Marx)…
Anh và chị cũng không còn được sở hữu chính mình: anh và
chị, tức cái tôi của mỗi người, cái cá thể đã biến mất, nên anh và chị đều là
sở hữu toàn dân. Có người cắc cớ chợt ngứa miệng hỏi anh: cái bàn tay của anh
có phải của anh không? – Không, của toàn dân! Cái đầu của anh có phải của anh
không? – Không, của toàn dân! Cái ý nghĩ (tư duy) trong đầu anh có phải của anh
không? – Không, của toàn dân! Cái con chim trong quần anh có phải của anh
không? – Không, của toàn dân!
Đã bảo đến đại đồng cộng sản không còn khái niệm sở hữu,
tư hữu nữa mà, hỏi hoài à ! Từ “của” không còn tồn tại, từ “sở hữu”, từ “cá
nhân”, từ “cái tôi” hoàn toàn biến mất, biến mất cả “sở hữu động từ, sở hữu
danh từ” trong các thứ tiếng châu Âu… Người ta cũng sẽ không còn đọc nổi cuốn
“Tư bản luận” của Marx nữa vì lúc đó các sở hữu động từ, sở hữu danh từ trong
tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh …nơi cuốn sách này đều tự động biến mất…
Xã hội thiên đường
cộng sản của Mác Lê Mao là một xã hội bánh vẽ, một xã hội phi nhân như thế, lếu
láo như thế, bịa đặt tức cười đến con nít cũng không tin nổi như thế mà trời
ơi, đã có hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người tin theo, hay bị bắt buộc phải tin
theo, vì các đồng chí vô sản sẽ nện búa
lên đầu anh, lấy liềm quặp vào cổ anh và hét lên: mày không tin vào thuyết cộng
sản của chúng tao, chúng tao sẽ giết mày.
Chao ôi, chỉ có những người mất trí mới tin vào mục tiêu
hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản, một học thuyết “tối tăm” như bài thơ trên
đã chỉ ra, một học thuyết hoàn toàn phi nhân đã giết chết hàng nhiều trăm triệu
người trên thế giới như báo chí quốc tế mà tác giả cuốn “ Mao Trạch Đông ngàn
năm cộng tội” là Tân Tử Lăng đã dẫn chứng trong sách của mình :
History’s Largest Killing Regimes
(Những chế độ giết
người khủng khiếp nhất trong lịch sử):
Communist China 80,000,000
Soviet Union 60,000,000
Nazi Germany 20,000,000
Imperial Japan 5,000,000
Communist Vietnam 2,500,000
Communist North Korea 2,500,000
Communist Cambodia 2,000,000
Communist Yugoslavia 2,000,000
Chúng tôi xin trích một số đoạn trong cuốn “ Mao Trạch Đông – nghìn năm
công tội” của đại tá Tân Tử Lăng được in công khai tại Trung Quốc, bản Tiếng Việt do “ Thông tấn xã Việt Nam” dịch và xuất bản năm 2009, có
bày bán công khai :
“Chính sách Đại nhảy vọt) trong kinh
tế đã để lại những hậu quả tai hại. Mao Trạch Đông cũng là người
phát động Đại Cách mạng văn hóa vô sản, thường gọi là Cách mạng văn hóa. Theo một số liệu thống kê[1], Mao Trạch Đông là nhà lãnh đạo đã trực tiếp
hay gián tiếp gây ra cái chết cho 77.000.000 người, và người đứng thứ hai là Iosif Vissarionovich Stalin với 43.000.000 người.[2]
Cuốn “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội” do nhà xuất bản
Thư Tác Phường ấn hành, ra mắt tại Hồng Công tháng 7-2007 và tới bạn đọc tháng
6-2008, là một trong những cuốn sách đang được dư luận Trung Quốc hết sức quan
tâm, với những luồng ý kiến nhận xét trái ngược nhau, từ hoan nghênh đến bất
đồng, thậm chí phản đối gay gắt.
Tác gia Tân Tử Lăng nguyên là cán bộ nghiên cứu và giảng
dạy tại Học viện quân sự cấp cao, Đại học Quân chính, Đại học Quốc phòng Trung
Quốc. Ông nhập ngũ năm 1950, từng tham gia các phong trào chính trị do Mao phát
động, về hưu năm 1994 với quân hàm Đại tá.
Chúng tôi xin trích một số đoạn trong tác phẩm trên để bạn đọc thấy rõ
“thiên đường xã hội chủ nghĩa thực ra là địa ngục trần gian” như sau :
“Kinh điển để Mao cải tạo xã hội chủ yếu là “Tuyên ngôn
Đảng Cộng sản”. Tư tường chủ nghĩa xã hội không tưởng của “Tuyên ngôn Đảng Cộng
sản” kết hợp với quan điểm “đại đồng” của Trung Quốc hình thành mô hình chủ
nghĩa xã hội không tưởng Mao Trạch Đông. Sự phát triển của nó là Mác + Tần Thuỷ
Hoàng (lời Mao Trạch Đông), thêm thắt nhiều thứ mang tính chất phong kiến, cuối
cùng biến chất thành chủ nghĩa xã hội phong kiến
“Chương 9
Địa ngục văn chương lớn nhất trong lịch sử loài người” :
“Đến khi Lý phản ánh ý kiến của La Long Cơ rằng ở Trung
Quốc hiện nay “tiểu trí thức của chủ nghĩa Mác-Lenin lãnh đạo đại trí thức của
giai cấp tiểu tư sản, người mù chỉđường người sáng mắt”, thì Mao nổi giận dữ
dội.”
“Theo thống kê chính thức, trong cuộc đấu tranh này, có
552.877 trí thức bị qui là phái hữu, bị đầy đoạ trong 20 năm trời. Đến khi sửa
sai (1980), chỉ có 96 người thật sự là phái hữu, chiếm 1,8 phần vạn, nghĩa là
trong 1 vạn người chưa đến 2 người.”
“Mao nói: “Phải chuyên chế. Không thể chỉ nói đến dân
chủ. Phải kết hợp giữa Các Mác và Tần Thuỷ Hoàng”
“Chương 18
Địa ngục trần gian” :
“Trong 4 năm sau khi Mao tuyên bố thực hiện một số lý
tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng (tháng 9-1959) Trung Quốc đã xảy ra thảm
kịch làm 37,55 triệu người chết đói (số liệu chính thức được giải mật theo
quyết định của Bộ chính trị ĐCSTQ tháng 9-2005), nhiều hơn cả số người chết
trong Chiến tranh thế giới II. Đây là cuộc thử nghiệm chủ nghĩa xã hội không
tưởng thời gian dài nhất, quy mô lớn nhât, thiệt hại thảm khốc nhất trong lịch
sử loài người. Thiên đường cộng sản chủ nghĩa do chính Mao thiết kế và lãnh đạo
xây dựng đã biến thành địa ngục trần gian.”
“Khi chân lý trong tay, Mao có thể bao dung các đối thủ,
đoàn kết phe phản đối. Thường khi Mao đuối lý, phát hiện mình sai rồi, thì ông
ta không thể bao dung phái phản đối, mà quyết tâm đẩy họ vào chỗ chết, để trừ
hậu hoạ. Đó là lý do vì sao Mao tàn bạo đến tận cùng đối với những người bạn cũ
như Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Hạ Long, Bành Chân, Đào Chú…”
“Chưa một nhà thống trị nào có thể lợi dụng học sinh làm
điều xấu. Chỉ có Mao Trạch Đông làm nổi việc này. Mao đã lợi dụng học sinh làm
rối loạn cả xã hội, lật đổ cơ quan đảng và chính quyền các cấp, mượn bàn tay
học sinh để giày vò các bạn chiến đấu hôm qua, đối thủ chính trị hôm nay.”
“Khởi đầu bằng việc đập phá tượng Thích ca mâu ni trên
Phật Hương Các ở Di Hoà Viên, Hồng vệ binh đã phá hoại 4.922 trong số 6.843 di
tích cổở Bắc Kinh. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 10 triệu nhà bị lục
soát, trong đó Bắc Kinh 11,4 vạn, Thượng Hải 10 vạn. Nhà riêng nguyên Bộ trưởng
Giao thông Chương Bá Quân bị Hồng vệ binh chiếm làm trụ sở, hàng vạn cuốn sách
ông lưu trữ bị chúng đốt suốt ngày đêm để sưởi ấm. Hơn 200 sinh viên Đại học
Sưphạm Bắc Kinh kéo về Sơn Đông “san bằng” mộ Khổng Tử. Lăng mộ của nhiều nhân
vật lịch sử hoặc danh nhân như lăng Viêm đế, mộ Hạng Vũ, Gia Cát Lượng. Thành
Cát Tư Hãn, Chu Nguyên Chương, Ngô Thừa Ân, Từ Bi Hồng… bị đập phá.”
“Mao còn tạo ra cuộc khủng bố đỏ, cho Hồng vệ binh nông
dân thả sức giết hại “kẻ xấu” (địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phái hữu, nhà
tư bản, xã hội đen) để áp chế sự phản kháng của nhân dân. Chỉ riêng hạ tuần
tháng 8-1966, nội thành Bắc Kinh đã có hàng ngàn người bị đập chết tươi.”
“Nhiều người khi ấy đã được chứng kiến những cuộc tắm
máu, những kiểu giết người cực kỳ man rợ như thời trung cổ. Ôn lại chuyện trên,
cựu Hồng vệ binh Trần Hướng Dương sau này viết:
“Vì sao những đứa trẻ mười mấy tuổi đầu lại dã man giết
người không chớp mắt như vậy? Vì từ nhỏ đã được giáo dục hận thù. Thù địa chủ,
thù nhà tư bản, thù Quốc Dân Đảng: Trả thù bằng thủ đoạn tàn nhẫn là thiên kinh
địa nghĩa, vấn đề duy nhất là không biết chĩa vào đâu. Kè thù bên cạnh đã bị
các bậc tiền bối quét sạch rồi, còn lại Tưởng Giới Thạch và đế quốc lại ở quá
xa, không với tới được. Đại cách mạng văn hoá vừa nổ ra, mới đột nhiên biết
quanh mình còn ẩn náu nhiều kẻ thù, chúng tôi vui mừng đến phát cuồng, bao
nhiêu sức lực dồn nén dều bung ra. Sự cuồng loạn ấy chẳng những hiện nay không
mấy ai tin, mà ngay bản thân chúng tôi nhớ lại cũng không dám tin nữa. Những
việc làm xấu xa của Hồng vệ binh thật đáng nguyền rủa, nhưng chúng tôi cũng có
đủ tư cách lớn tiếng hỏi lại: ai đã giáo dục chúng tôi thành những thằng điên?”
“Băc Kinh “nêu gương”, những vụ tàn sát lan ra cả nước.
Huyện Đạo ở Hồ Nam là một trong những điển hình. Khắp nơi là những bố cáo giết
người của “toà án tối cao bần nông và trung nông lớp dưới”, những khẩu hiệu kêu
gọi giết sạch 4 loại người, (địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phái hữu, trí
thức, nhà văn, nghệ sĩ…).”
“Trong hai tháng 7 và 8 năm 1967, Quan Hữu Chí, Trưởng
ban vũ trang khu Thanh Đường đã chỉ huy dân quân dùng cuốc xẻng, súng bắn chim,
gậy gộc giết hại 207 người, kể cả trẻ em. Do công lao trên, y được bầu là “phần
tử tích cực học tập và vận dụng tư tường Mao” cấp tỉnh năm 1967. Viên Phủ Lễ,
Khu trưởng Lâm Phô tổ chức 120 dân quân nòng cốt trong ba ngày giết 569 người.”
“Trần Đăng Nghĩa, Chủ tịch Hội Bần nông Đại đội sản xuất
Hạ Tưởng là thủ phạm chính trong một vụ giết người, cưỡng dâm tập thể. Thấy vợ
mới cưới của con em địa chủ Trần Cao Tiêu xinh đẹp, y sinh lòng ghen ghét và
sớm có ý đồ bất lương, thì nay thời cơ đến. Tối 26-8-1967. Nghĩa cho gọi Tiêu
đến trụ sở đại đội và trói nghiến lại. Y cầm giáo đâm một nhát vào dùi anh
Tiêu, rồi khoát tay ra hiệu. 7,8 dân quân xông vào dùng gậy đập anh Tiêu chết
tươi. Để chứng tỏ mình “kiên quyết cách mạng”, y dùng mã tấu cắt đầu anh Tiêu,
cùng hai con em địa chủ, phú nông khác cũng vừa bị đánh chết. Chị Tiêu (xuất
thân bần nông) sợ quá trốn về nhà mẹ đẻở làng khác, Nghĩa cho dân quân bắt chị
trở lại, y tuyên bố các nơi khác vợ địa chủ đều phải “phục vụ tập thể bần
nông”.
“Sau khi cơm no, rượu say, Chủ tịch Hội Bần nông và dân
quân, tất cả 12 tên, luân phiên cưỡng hiếp chị Tiêu khi ấy đang mang thai 3 tháng.
Xong xuôi. Nghĩa không quên thực hiện “chính sách của ĐCSTQ”: cho dân quân
khiêng nạn nhân đã ngất xỉu đến nhà bần nông Trần Nguyệt Cao, buộc chị làm vợ
người nông dân già độc thân này.”
“Tối 17-10-1969, Lưu Thiếu Kỳ hơi thở thoi thóp, mũi cắm
ống xông, họng gần ống hút đờm, phủ một tấm chăn, được cáng lên máy bay quân
sự, bí mật đưa đến Khai Phong. Nơi cuối cùng giam giữ Lưu Thiếu Kỳ này nguyên
là kho bạc của một ngân hàng từ trước năm 1949, các cánh cửa là những tấm thép
dày, chấn song cửa sổ to đùng. Hai trung đội được cử canh giữ ngày đêm, với 4
khẩu súng máy đặt trên các nóc nhà xung quanh đề phòng bất trắc.”
“6 giờ 40 phút sáng 12-11-1969, ngày thứ 27 sau khi bị
đưa đến lưu đày ở Khai Phong, Lưu Thiếu Kỳ qua đời trong tinh trạng không được
cấp cứu. Khi Lý Thái Hoà, vệ sĩ của ông năm xưa đến nhận xác, thi hài vị Chủ
tịch nước đặt trên nền đất dưới gian hầm, chân tay khẳng khiu, đầu tóc rối bời,
miệng mũi méo xệch, máu ứ bên khoé mép. Người vệ sĩ dùng kéo xén bớt mái tóc
bạc dài gần hai gang tay, sửa sang chòm râu, mặc quần áo, xỏ giày cho ông. Nhân
viên chuyên án chụp ảnh để mang về trình Mao, Giang. Sau đó, họ đặt thi hài Lưu
Thiếu Kỳ trên xe quân sự nhỏ, chân thò ra ngoài, bí mật đưa đi hoả táng, dưới
cái tên “Lưu Vệ Hoàng, không nghề nghiệp”.”
“Gần 3 năm sau, ngày 16-8-1972, mấy người con của Lưu
Thiếu Kỳ xin thăm cha mẹ, Mao Trạch Đông phê vào báo cáo của Tổ chuyên án: “Bố
đã chết, có thể thăm mẹ”.”
“Lịch sử phải ghi bằng dòng chữ to đậm: Mao Trạch Đông
chà đạp Hiến pháp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, giam cầm trái phép Chủ tịch
nước Lưu Thiếu Kỳ và hàng trăm hàng ngàn cán bộ cao cấp khác, hàng vạn, hàng
chục vạn đảng viên quần chúng vô tội) và bức hại Người và các đồng chí khác của
Người một cách man rợcho đến chết.”
“sai lầm của Mao làm chết đói 37,55 triệu người. Một lãnh
tụ đảng luôn miệng nói giải phóng nhân dân, phục vụ nhân dân, mang lại hạnh
phúc cho nhân dân phạm tội ác lớn như vậy, mà lại cự tuyệt nhận sai lầm, không
từ chức, lại phát động Đại cách mạng văn hoá, cách chức, đánh đổ, thậm chí dồn
vào chỗ chết khoảng trên 80% đảng viên cộng sản chính trực”
“37,55 triệu người chết đói là sự thật lịch sử không gì
bác nổi chứng minh rằng lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội không tưởng của
Mao là chủ nghĩa xã hội giả hiệu phản động nhất, tàn khốc nhất trong lịch sử
loài người. Mỗi khi nghĩ đến điều này, Mao rùng mình ớn lạnh.”
“những lý luận của Mao như phòng, chống xét lại, ngăn
chặn chủ nghĩa tư bản phục hồi, tiếp tục cách mạng dưới nền chuyên chính vô
sản… đều trởthành dối trá, bịp bợm.”
“Mao Trạch Đông những năm cuối đời tâm địa tối tăm, giả
dối, xảo trá, vừa không từ bất cứ việc làm xấu xa nào, lại muốn để lại tiếng
thơm muôn thuở”
“Ngồi trên đỉnh kim tự tháp tác oai tác quái, bức hại cán
bộ lãnh đạo các cấp, lừa bịp toàn đảng, toàn quân, toàn dân, không chỉ là tứ
nhân bang” (lũ bốn tên), mà là “ngũ nhân bang”, do Mao Trạch Đông làm bang
chủ.”
“Ba năm Đại tiến vọt, cả nước có 37,55 triệu người chết
đói tồn thất khoảng 120 tỉ NDT. Mười năm Đại
cách mạng văn hoá, theo Diệp Kiếm Anh tiết lộ tại lễ bế
mạc Hội nghị công tác Trung ương ngày 13-12-1978, có 20 triệu người chết, 100
triệu người bị đấu tố, lãng phí 800 tỉ NDT.”
“Nhân dân đã thức tỉnh. Việc tiếp tục treo ảnh Mao trên
Thiên an môn, tiếp tục để thi hài Mao ở nhà kỷ niệm là lạc hậu so với quần
chúng rồi, cần xử lý thỏa đáng đất nước ta triệt để bóng đen Mao Trạch Đông”
Nhà báo kiêm nhà sử học Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) đã bỏ ra 15 năm trời thu thập chứng cứ để viết ra tác phẩm « Bia mộ », tài
liệu đầy đủ nhất từ trước đến nay về nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử
nhân loại. Sách đã được tái bản đến lần thứ tư tại Hồng Kông.
« Cuốn sách này là bia mộ cho cha tôi, bị chết đói vào năm 1959, bia mộ cho
36 triệu người dân Trung Quốc nạn nhân của trận đói, bia mộ cho chế độ đã gây
ra thảm kịch này ». Tác giả đã viết như trên trong
lời nói đầu của bản dịch tiếng Pháp vừa được nhà xuất bản Seuil phát hành tại
Paris ngày 13/09/2012.
Sinh năm 1940, Dương Kế Thằng từng là phóng viên kỳ cựu
của Tân Hoa Xã, và hiện nay là Phó tổng biên tập tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu
(Yanhuang Chunqiu). Mười lăm năm điều tra trên thực địa, với hàng ngàn trang
tài liệu tìm được ở địa phương và rất nhiều nhân chứng, tác giả đã thuật lại sự
điên cuồng của việc cưỡng bức tập thể hóa, lên án Mao Trạch Đông là bạo chúa
tàn ác nhất, vô nhân đạo nhất trong lịch sử Trung Quôc và lích sử thế giới,
vượt xa các bạo chúa khác như Tần Thủy Hoàng, Thành Cát tư hãn, Stalin, Hit le…
Viết đến đây, chúng tôi ngậm ngùi thương đất nước mình,
dân tộc mình hình như trong quá khứ đầu thế kỷ hai mươi đến nay không còn người
thông tuệ, sáng suốt đưa dân tộc, đất nước thoát khỏi những tà thuyết đã gây
nên hàng triệu cái chết cho đồng bào, gây đau khổ tang tóc vô cùng tận cho quê
hương ta. Xin quý vị độc giả cùng chúng tôi đọc lại nguyên lý dưới
đây trong cương lĩnh của đảng Lao động Việt Nam trong đại hội đảng năm 1951 tại
Việt Bắc để biết đất nước ta vì sao nên nỗi :
“Đảng Lao động Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Ǎngghen – Lênin – Xtalin
và tư tưởng Mao Trạch Đông kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho
mọi hành động của Đảng”
Người viết bài này xin trích lời của Tân Tử Lăng- tác giả sách vừa dẫn để
kết thúc bài viết :
“Phải tiến hành một cuộc chuyển đổi ý thức hệ sâu sắc, tuyên bố công khai
và rõ ràng trước toàn đảng, toàn dân: từ bỏ những giáo điều “tả” khuynh từ Mác,
Ăng-ghen, Lenin, Stalin đến Mao Trạch Đông – những lý luận đã mấy chục năm đưa
Trung Quốc vào con đường sai lầm, đem lại cho Trung Quốc nghèo nàn, rối loạn và
chuyên chế, đến nay vẫn cản trở và phủ định công cuộc cải cách-mở cửa…Đổi tên
ĐCSTQ thành Đảng Dân chủ Xã hội, tham gia Quốc tế xã hội, để kế tục cội nguồn
lịch sử của Đảng Dân chủ Xã hội…” ( tức Quốc tế
2, tiền thân của các đảng xã hội, công đảng châu Âu bây giờ và một phần đảng
dân chủ Mỹ- Chú của TMH).
Đảng cộng sản Trung Quốc trong đại hội lần thứ 18 vừa qua, đã thực hiện mơ
ước của Tân Tử Lăng là vĩnh biệt ba ông tổ : Marx-Lê-Mao. Có lẽ đến đại hội thứ
19, đảng cộng sản Trung Quốc mới đổi tên là Đảng Dân chủ xã hội như mơ ước của
Tân Tử Lăng chăng ?
Hi vọng truyền thống bắt chước đảng cộng sản Trung Quốc
của đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn được tiếp tục, để bỏ tên hai ông kễnh
Marx-Lenin ra khỏi cương lĩnh chính trị của mình mà tự do hóa, dân chủ hóa đất
nước Việt Nam đang từng ngày bị bá quyền Trung Quốc xâm lược từ tư tưởng chính
trị đến đất đai biển trời Tổ Quốc; mong lắm thay !
Sài Gòn 24-11-2012
TMH
Tác giả gửi qua email
No comments:
Post a Comment