Phạm Thị
Hoài
Tháng
11 20, 2012
Đó là năm tôi học lớp bảy, ở cả trong đội tuyển học sinh
giỏi văn lẫn đội tuyển học sinh giỏi toán của trường và phải quyết định chọn
một. Cha mẹ tôi đều dạy các môn tự nhiên. Tôi đã gần như chấm toán, vì giỏi văn
khi ấy là viết chữ đẹp và thuộc lòng 480 câu thơ của bài “Theo chân Bác”. Tôi
đáp ứng được cả hai tiêu chuẩn này nhưng không rõ đòi hỏi tiếp theo là gì, chờ
một thời gian không thấy ông Tố Hữu viết bài thơ nào dài hơn. Toán thì khác.
Giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi toán có vẻ hấp dẫn đặc biệt của một nhà ảo
thuật. Chương trình chính quy trên lớp chỉ là chiếc mũ tầm thường. Trong chương
trình dành cho học sinh giỏi, mỗi lần thò tay vào chiếc mũ ấy giáo viên lại lôi
ra một bất ngờ. Tôi cũng chỉ là một đứa trẻ, thích há mồm ngạc nhiên về những
những điều mới mẻ hơn ngày ngày trộn bê tông những bài thơ đầm đìa.
Thầy Hùng ở một trường khác chuyển về và được giao bồi
dưỡng học sinh giỏi văn, có lẽ vì thầy từng dạy nhà thơ thần đồng Trần Đăng
Khoa bên Nam Sách. Ở buổi đầu tiên, thày giao cho tôi, một cô bé chưa bao giờ
đến gần một con trâu hơn ba mét, một bài tập lạ lùng: tôi phải viết tiếp đoạn
trích tiểu thuyết Con trâu của Nguyễn Văn Bổng trong sách giáo khoa. Cho
đến bây giờ tôi cũng chỉ biết tiểu thuyết Con trâu qua các đoạn trích.
Cấp II học Con trâu, cấp III cũng học Con trâu. Thực lòng tôi
không thấy Con trâu và “Theo chân Bác” có gì khác nhau, đều là những thứ
xa lạ mà tôi phải nhập tâm cho quyển học bạ và sau đó không còn nhớ gì nữa.
Sáng tác mà thầy Hùng giao, sáng tác mở đầu cuộc đời viết
văn sau này của tôi, chắc chắn là rất tệ. Có thể tôi đã coi đoạn trích trong
sách giáo khoa như chiếc mũ để thử các trò ảo thuật, chỉ có điều những quả
trứng, chiếc khăn tay, đôi chim bồ câu hay chú thỏ mà tôi lôi ra từ đó trông
phải rất khiên cưỡng và tội nghiệp. Tôi chỉ còn nhớ một chi tiết duy nhất. Tôi
đã kết đoạn sáng tác của mình bằng câu: “Anh mệt.” “Anh” ở đây là nhân vật
chính, nếu tôi không nhầm. Rồi nộp quyển, tin chắc tuần sau giờ này mình sẽ
ngồi bên lớp toán, từ biệt viết chữ đẹp với lại theo chân con trâu hay con gì.
Nhưng thầy Hùng, mặt thanh tú, râu quai nón xanh rì, cười
rộng miệng, mắt sáng rực cầm quyển vở của tôi huơ huơ rồi nhảy lên đấm một quả
vào không trung, một cử chỉ trước đó tôi chưa từng thấy ở đâu, kể cả trong
phim. Rồi thầy thu quả đấm lại, đậu hai chân trên mặt đất, khoanh tay nghiêm
nghị đứng trước mặt tôi, nói chậm rãi từng từ một: “Em phải theo nghề văn.”
Cô bé là tôi chưa hề biết có một nghề như thế. Trong thời
gian ít ỏi còn lại trước khi tôi chuyển lên cấp III ở một trường khác, hai thầy
trò miệt mài thủ thỉ về cái nghề ấy. Thầy Hùng một mực khuyên tôi đừng làm thơ.
Nhất là đừng làm thêm một Trần Đăng Khoa nữa. Tư chất của em hoàn toàn khác.
Cái nghề này, thừa là hỏng.
Vài năm sau, thầy Hùng cùng vợ con lặng lẽ biến mất. Tôi
hỏi mãi thì được biết thầy là người Việt gốc Hoa. Không lâu sau Chiến tranh
biên giới Việt-Trung bùng nổ.
Bây giờ thầy ở đâu, người thầy đã thay đổi cuộc đời tôi?
Tôi còn không biết đầy đủ cả họ tên thầy.
No comments:
Post a Comment