Steven Dong / Sophia Lee - Spiegel Online
Phan Ba dịch
Tháng Mười Một 13, 2012
Steven Dong lãnh đạo Viện Quan hệ Công chúng tại trường
Đại học Thanh hoa danh tiếng ở Bắc Kinh. Người từng đọc tin trên đài truyền
hình nhà nước CCTV đã huấn luyện nhiều thành viên cao cấp của Đảng Cộng sản
trong cách giao tiếp với giới truyền thông.
Những người Cộng sản Trung Quốc đang tiến hành chuyển
giao quyền lực, thế nhưng nhiều xì căng đan tham nhũng đang làm hỏng thanh danh
của họ. Chuyên gia người Trung Quốc về quan hệ công chúng Steven Dong phê phán
việc quản lý truyền thông của Đảng và khuyên họ nên công khai nhiều hơn nữa.
Ông ấy cho rằng Tập, người đàn ông nhiều quyền lực mới, là một tấm gương tốt.
SPIEGEL ONLINE: Ông Dong, Đảng
Cộng sản hiện đang tiến hành chuyển giao quyền lực, việc chỉ được tiến hành
mười năm một lần. Thế nhưng xì căng đan đã phủ bóng tối lên đại hội: xì căng
đan tham nhũng quanh người đã từng là một ngôi sao của Đảng, Bạc Hy Lai, các
phát hiện về tài sản bạc tỉ của thủ tướng Ôn Gia Bảo. Người Trung Quốc còn có
thể tin vào những người lãnh đạo của họ nữa hay không?
Dong: Các vụ việc đấy đã
làm chấn động Đảng. Nhưng chính phủ cũng cố gắng giải quyết vấn đề. Ít ra thì
họ cũng đã nhanh chóng xử lý xì căng đan Bạc Hy Lai vả đã bắt đầu thực hiện
những bước tiến về mặt luật pháp. Họ cố dùng mọi cách để làm tăng niềm tin của
người dân.
SPIEGEL ONLINE: Chứ không phải
là ĐCS đã đưa ông Bạc ra như là một người chịu tội cho mọi thứ sao, để đánh lạc
hướng ở các xì căng đan khác? Và một chiến lược như vậy sau những phát hiện về
ông Ôn có phải là đã thất bại rồi hay không?
Dong: Chính phủ đã phủ nhận
bài báo đó về ông Ôn. Và trong thời gian vừa qua họ cũng đã cải tiến thấy rõ
chính sách chống tham những của họ. Tham nhũng làm tan rã Đảng ở mọi cấp. Chống
lại nó là một việc nằm trong lợi ích riêng của chính phủ.
SPIEGEL ONLINE: Quả thật là
thế: có những chính khách nào đó đã đi theo lợi ích riêng của họ. Ví dụ như chủ
tịch tương lai Tập Cận Bình. Hãng thông tấn Blommberg đã phát hiện, rằng gia
đình Tập đã giàu thêm nhiều trăm triệu dollar, kể từ khi ông ấy có một chức vụ
cao cấp trong Đảng.
Dong: Tập là một chính trị
gia đáng kính trọng. Qua nhiều năm dài, ông ấy đã tạo cho mình một thanh danh
tốt. Người ta không nên vấy bẩn thanh danh đấy với những bài viết như vậy. Cái
mà bây giờ Trung Quốc cần đến nhiều nhất là một nhà lãnh đạo trung thực và điềm
tĩnh.
SPIEGEL ONLINE: Tự những người
lãnh đạo Trung Quốc đã có lỗi khi họ mất tiếng tốt đấy chứ. Cho tới nay, Đảng
đã không thể bác bỏ được những phát hiện về ông Ôn và ông Tập. Thay vì vậy, họ
cứ đơn giản là kiểm duyệt toàn bộ các trang mạng của tờ “New York Times” và của
Bloomberg. Im lặng và ngăn chận – điều đấy làm sao mà tạo sự tin tưởng được?
Dong: Đúng. Lẽ ra thì tốt
hơn, khi chính phủ đứng ra tranh luận – và sắp xếp các sự kiện hiện hành tốt
hơn. Việc bảo vệ thanh danh của Đảng Cộng sản vẫn còn không tốt. Nhiều thành
viên cao cấp của Đảng được huấn luyện trong cung cách giao tiếp với giới truyền
thông. Nhưng họ thông tin cho các nhà báo quá hiếm hoi và quá ít ỏi – và thay
vì vậy lại chấp nhận tin đồn với phỏng đoán.
SPIEGEL ONLINE: Lý do nào cho
sự dè dặt trong thông tin này?
Dong: Ở Trung Quốc, công
tác báo chí là một con dao hai lưỡi. Về một mặt, người dân lên án các chính
khách rằng họ tránh né giới truyền thông. Mặt khác, họ không tin các chính
khách, khi những người này xuất hiện quá thường xuyên trên truyền thông. Như
Thủ tướng Ôn vì vậy mà đã bị chế diễu trong giới truyền thông mạng xã hội. Ông
ấy đã được đề cử là “diễn viên hay nhất” cho giải Oscar – chỉ vì ông ấy đến
thăm các địa phương bất ổn đấy ngay sau động đất và tai nạn tàu hỏa.
SPIEGEL ONLINE: Một nếp văn hóa
của giới công khai như thế có ý nghĩa gì cho Đảng Cộng sản?
Dong: Đảng vẫn còn chưa có
một chiến lược truyền thông thống nhất và dài hạn. Đến chính phủ trung ương
cũng chỉ lắng nghe các cố vấn báo chí của họ ngay trước lúc có những sự kiện
lớn như hội nghị Đảng hàng năm. Nhưng hầu như không có chính khách nào hỏi
rằng: “Các thông điệp chính của chúng ta cho mười hai tháng sắp tới là gì? Và
chúng ta có thể truyền đạt chúng tốt nhất ra sao?”
SPIEGEL ONLINE: Bạc Hy Lai
dường như là trường hợp ngoại lệ ở đấy. Ngay từ những năm 90, ông ấy đã biết
cách tạo một sự quảng bá quanh con người của ông ấy – và nhanh chóng trở nên
nổi tiếng.
Dong: Quá nổi tiếng.
SPIEGEL ONLINE: Ông có ý muốn
nói gì?
Dong: Ông ấy cư xử như một
chính trị gia người Mỹ. Điều đấy khiến cho nhiều người dân không hài lòng. Đồng
thời, sự hiện diện trên truyền thông của ông ấy có tác động đe dọa. Dường như
ông ấy muốn nói với các cấp cao trong Đảng ở Bắc Kinh: “Nhìn đây này, tôi được
yêu thích hơn các anh. Tức là hãy thăng chức cho tôi đi.”
SPIEGEL ONLINE: Nhưng Bạc được
thăng chức đấy chứ. Ông ấy trở thành bí thư Đảng của Trùng Khánh, một thành phố
với ít nhất là 30 triệu dân. Và ông ấy bước lên Bộ Chính trị, cỗ máy quyền lực
trung ương của Bắc Kinh.
Dong: Lúc ban đầu, Đảng
nhân nhượng cung cách của Bạc, vì ông ấy chọn một chiến lược khôn khéo. Ông ấy
trình diễn mình như là một người Mao-ít, đồng thời lại phát triển kinh tế. Ông
ấy có một gương mặt đỏ, nhưng trong thâm tâm ông ấy là một nhà cải cách: điều
đấy làm tăng tốc bước đường sự nghiệp của ông ấy trong ĐCS.
SPIEGEL ONLINE: Ông ấy thất bại
vì điều gì?
Dong: Ông ấy cường điệu quá
mức sự tôn sùng quanh người của ông ấy. Ông ấy trông giống như muốn trở thành
người lãnh đạo tinh thần kế tiếp của Trung Quốc. Người kế tiếp, anh biết rồi
đấy. Một sự so sánh như vậy trong Trung Quốc được xem là ngạo mạn.
SPIEGEL ONLINE: Chủ tịch kế đến
của Trung Quốc thể hiện mình hoàn toàn khác hẳn. Ông ấy trông có vẻ khiêm tốn
và hòa giải. Kín đáo có phải là chiến lược tốt nhất để lên được đến tít trên
cao ở trong Đảng hay không?
Dong: Thực tế là như vậy.
Tập đã tìm thấy sự cân bằng đúng đắn trong cách đối xử với giới truyền thông.
Ông ấy chỉ nói trong những dịp được lựa chọn, nhưng rồi bao giờ cũng chọn những
lời quan trọng. Người dân không xem ông ấy như là một diễn viên lẫn người khoác
lác.
SPIEGEL ONLINE: Thế còn ở ngoài
Trung Quốc? Tập có chiến lược nào ở đấy?
Dong: Ngay khi là phó chủ
tịch, ông ấy đã đối xử cởi mở hơn là người còn là chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Hồ chỉ
biết số liệu và dữ kiện. Tập thì ngược lại mới đây đã kể những giai thoại cá
nhân trên một chuyến đi thăm châu Mỹ La tinh. Và khi ông ấy sang Hoa kỳ, ông ấy
cứ nhất định đến thăm gia đình của nông trại mà ông ấy đã làm quen năm 1985.
Tập hiểu cách dùng những cử chỉ mang tính biểu tượng. Ông ấy có khả năng truyền
thông nhiều hơn là các cán bộ cũ. Điều đấy sẽ giúp cải thiện hình ảnh của Trung
Quốc ở nước ngoài.
Cuộc phỏng vấn do Sophia Lee thực hiện
Phan Ba dịch từ Spiegel Online
No comments:
Post a Comment