Mặc Lâm,
biên tập viên RFA
2012-11-14
Chuyện bất ngờ vừa
xảy ra tại nghị trường Quốc hội sáng 14 tháng 11 khi Đại biểu Dương Trung Quốc
đưa ra hai câu hỏi quan trọng mà rất nhiều người đang mong đợi.
Bất ngờ
Trong
phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua, mặc dù Quốc hội chỉ nhận được
duy nhất một câu hỏi đăng ký trước nhưng rất bất ngờ, đại biểu Dương Trung Quốc
đã dấy lên làn sóng tại nghị trường bằng hai câu hỏi rất nóng.
Chương
trình trực tiếp của VTV1 cho thấy hình ảnh cuộc chất vấn ngoài dự kiến này.
Trước tiên ông Dương Trung Quốc nhắc lại những lời xin lỗi của Thủ tướng trước
Quốc hội mà vị đại biểu này cho rằng người dân không đồng tình:
Trước kỳ họp toàn dân đều được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao
nhất của Đảng trong đó có Thủ tướng đã có lời xin lỗi xin Trung ương Đảng kỷ
luật còn tại Quốc hội Thủ tướng chỉ xin lỗi về trách nhiệm chính trị liên quan
đến một số tập đoàn nhà nước mà thôi khiến người dân đặt câu hỏi dường như Thủ
tướng xem nhẹ trách nhiệm trước dân hơn trước Đảng.
Và
đi vào câu hỏi, đại biểu Dương Trung Quốc đưa ra hai vấn đề mà ông cho là người
dân đang cần biết:
Kính thưa Thủ tướng tóm lại xin có hai câu hỏi. Một: Thủ tướng
nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm
với dân? Thứ hai: Thủ tướng có tán thành sự khởi đầu cho một sự tiến bộ của
chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với những lời
xin lỗi hay không, xin cám ơn Thủ tướng.
Hãng tin AFP nhận
xét Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Trung
Quốc, với khuôn mặt đầy tự tin trước tiên ông Dũng nói về quá trình mà ông đuợc
Đảng chọn vào cương vị Thủ tướng:
Đối với tôi thì hôm nay còn ba ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo
Đảng hoạt động cách mạng. Chịu sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng. Trong 51
năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này
hay một chức vụ khác và mặt khác thì tôi cũng không từ chối, không thối thoát
bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, nhà nước giao phó cho tôi.
Trong
tinh thần phục vụ những gì mà Đảng yêu cầu như vậy, Thủ tướng Dũng khẳng định
ông sẽ chỉ làm những gì mà Đảng quyết định, và vì vậy ông gián tiếp trả lời với đại biểu Dương Trung Quốc đại diện cho cử tri
rằng ông sẽ không từ chức như ông Dương Trung Quốc rào đón:
Đảng ta cũng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo nhà nước và toàn
xã hội. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng chính
phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng chính phủ do trung ương phân công và Quốc
hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng chính phủ. Tôi sẵn sàng chấp
nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban chấp hành
Trung ương Đảng, của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi.
Thủ tướng trả lời đúng, vậy ai sai?
Phản
ứng của người xem truyền hình buổi chất vấn này thật khác nhau, người đồng tình
với người đặt câu hỏi cho rằng Thủ tướng đang cố vòng vo tránh né câu trả lời.
Tuy nhiên những Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã có sẵn câu trả lời không
khác gì của Thủ tướng.
Một trong những ý
kiến này là của ông Mai
Thái Lĩnh, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhân Dân thành phố Đà Lạt giải
thích tại sao câu trả lời của Thủ tướng là chính xác đối với thể chế hiện nay:
Tất cả những chức vụ này nó đã được quyết định từ khi đại hội Đảng.
Đại hội Đảng bầu xong, ban Chấp hành Trung ương cử ra Bộ Chính trị và Bộ Chính
trị cử ra những người đó còn Quốc hội chỉ làm một công việc là hợp thức hóa
những gì Đảng đã sắp đặt. Hai nữa Quốc hội không do dân cử ra mà do Đảng sắp
xếp trước rồi bắt người dân theo hình thức nào đó bầu lên cho nên Quốc hội này
cũng là Quốc hội của Đảng.
Vì lý do đó mà người dân không có một tác động gì vào bộ máy lãnh
đạo và bộ máy lãnh đạo cũng không chịu bất cứ trách nhiệm gì với người dân. Đó
chính là vấn đề căn bản của thể chế Cộng sản và quyết định người nào làm chức
gì do Bộ Chính trị chứ không do dân tác động được.
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa Học Xã hội
Việt Nam phân tích thêm về cơ chế đã giao cho Tổng Bí Thư hầu như toàn bộ quyền
hành trong mọi guồng máy của đất nước, từ đó để thấy rằng vị trí của Thủ tướng
cũng không hơn gì một công chức, mọi
quyết định không từ Quốc hội mà từ Đảng Cộng sản và vì vậy ông Thủ tướng không
từ chức như người dân chờ đợi là điều bình thường:
Có một sự thật như thế này ông Tổng Bí thư có quyền to nhất thì
không phải do dân bầu nhưng ông ấy quyết định tất cả. Ví dụ như thế này, Quốc
hội chưa thông qua luật đất đai nhưng ông ấy tuyên bố thẳng thừng rằng đất đai
vẫn là sở hữu toàn dân, đó là bất di bất dịch. Như vậy thì chuyện thảo luận
luật đất đai của Quốc hội trở nên vô nghĩa bởi vì ông ấy đã tuyên bố trước.
Như thế có nghĩa là vấn đề sắp xếp như ông Thủ tướng phát biểu là
hoàn toàn đúng, Đảng đặt đâu ông ấy ngồi đấy. Nếu Đảng phế truất ông ấy không
làm thủ tướng nữa thì ông ấy cũng chấp nhận. Còn Đảng vẫn đặt ông ấy làm Thủ
tướng thì ông ấy vẫn ngồi.
Cơ chế Đảng chỉ đạo cả ba nhánh Lập Pháp, Tư pháp và Hành
pháp không phải người dân nào cũng biết. Sự tuyên truyền về vai trò cao nhất nước
của Quốc hội đã ăn sâu vào tâm trí ngưới dân nên mỗi lần Quốc hội họp chất vấn
là một lần niềm tin sẽ có sự thay đổi thay đổi khiến mọi người phấn chấn.
Ông
Dương Trung Quốc là một trong số rất ít là đại biểu ngoài Đảng, tuy nhiên ông
không hề mơ hồ về vai trò của Quốc hội đối với Đảng cầm quyền. Vì vậy câu hỏi
ông đặt ra có thể nhằm mục đích khác: gợi ý cho người ngoài Đảng hiểu rõ quy
trình hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam trong vai trò lãnh đạo và sắp xếp
nhân sự ở các vị trí cao nhất nước để từ đó người dân cảm nhận rõ hơn về những
hy vọng của mình.
Quốc hội thiếu quyền lực
Ông Mai Thái Lĩnh thực
tế hơn khi cho rằng Quốc hội phải thực sự do dân bầu lên thì đất nước mới có cơ
hội thực hiện quyền dân chủ thực sự, mà một trong các quyền ấy là bãi nhiệm Thủ
tướng:
Muốn làm được cái điều chính phủ chịu trách nhiệm trước dân thì
trước hết Quốc hội phải là Quốc hội của người dân. Người dân thực sự bầu ra khi
chính phủ đủ số phiếu tín nhiệm của người dân thì đuợc làm, còn nếu Quốc hội
không tín nhiệm nữa thì chính phủ phải từ chức. Việc bãi chức Thủ tướng trong
một chế độ đại nghị là rất dễ, do Quốc hội mà ra thôi. Quốc hội đó phải là Quốc
hội của dân. Còn trong trường hợp hiện nay, kể cả hiến pháp sắp tới vẫn giữ
chuyện Đảng độc quyền lãnh đạo rồi cũng sẽ đổ cho nhau vì lý do này lý do khác
và cuối cùng không ai chịu trách nhiệm trước người dân cả.
Giáo sư Tương Lai nhận
xét sâu hơn về điều mà ông gọi là tham nhũng quyền lực trong cách mà Đảng Cộng
sản đang cầm quyền hiện nay:
Trả lời của ông Thủ tướng theo tôi nghĩ là chính xác. Vấn đề
không phải thay đổi ông Thủ tướng, ông Chủ tịch Quốc hội hay Chủ tịch nước mà thay đổi thể chế mới là quan trọng.
Cho nên trong tham nhũng thì tham nhũng về quyền lực mới là cái nguy hiểm nhất.
Câu hỏi và cách trả lời tuy khá rõ ràng và đã giải tỏa
phần nào thắc mắc của người dân, tuy nhiên, một câu hỏi khác lớn hơn đã nảy
sinh: khi Quốc hội không phải là cơ quan quyền lực nhất nước thì ai là người
lập lại kỷ cương khi Đảng có khuynh hướng đi ngược lại với quyền lợi nhân dân
đất nước?
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment