Tháng Mười Một 8, 2012
Giám sát tối cao nhất là “chất vấn”, đang được thực hiện
theo cách thức “xếp hàng các bộ trưởng”.
Có tới 4 đoàn ĐBQH: Quảng Nam, Đà Nẵng, Đồng Nai, Sơn La
đề xuất đưa “thủy điện” vào chương trình giám sát tối cao của QH năm 2013. Đó
là những công trình cả cũ Hòa Bình, Sơn La, cả mới Sông Tranh, Đồng Nai.
Nỗi lo này không hề hão huyền. Thủy điện Hòa Bình đã già đến “hết khấu hao” giờ vẫn tính đến việc
ổn định đời sống dân cư. Còn Sông Tranh
2, đúng vào ngày QH họp bàn chuyện giám sát, xuất hiện mới một nỗi lo lớn
với “Bờ phải thân đập đã xuất hiện dòng thấm khá lớn”, thậm chí “Đã có dịch
chuyển bê tông”. Đây là những khẳng định chính thức của đoàn chuyên gia thuộc
Liên hiệp hội.
Sông Tranh 2 hóa
ra không chỉ có chuyện “nước phun thành vòi qua thân đập”, không chỉ có “động
đất kích thích” từ việc tích nước, mà còn “Không chỉ có đứt gãy chạy thẳng vào
thân đập mà có thể còn là cả mạng lưới phá hủy kiến tạo rất phức tạp và có khe
nứt đi dưới chân đập”, khi mà “Thân đập được gắn với hai vách đá thực chất đã
bị xệ xuống, không còn gắn với đá mẹ nữa”.
“Đập Sông Tranh 2 có nguy hiểm”- một thành viên của đoàn chuyên gia khẳng định trên Tuổi trẻ. Và cần phải nói thêm rằng: Nguy hiểm ngay cả khi chưa tích nước.
Vài hôm trước, trả lời báo chí về đề xuất của đoàn ĐBQH Đồng Nai, đề nghị đưa vấn đề thủy điện Đồng Nai 6, 6A ra trước nghị trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng “Những phản ứng từ phía địa phương là một thông tin “đầu vào” cho hội đồng thẩm định xem xét”. Ông cũng khẳng định “Nếu thấy có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng thì có thể đề nghị không làm dự án”.
Thế nhưng trong 3 chuyên đề dự kiến sẽ được Quốc hội và các ủy ban thực hiện giám sát 2013, không có một chữ liên quan đến Thủy điện. Dù nó đang trường kỳ tồn tại trong những xóm làng bị bỏ quên, trở thành “bóng tối dưới chân cột đèn” từ nửa thế kỷ nay, dù nó đang nhức nhối trong những cơn hoảng loạn sờ sờ trước mắt của dân chúng, thấp thỏm trong nỗi lo từ phía chính quyền, và nhãn tiền nguy cơ tàn phá môi sinh, thậm chí đó là vườn Quốc gia, là di tích quốc gia đặc biệt.
Còn nhớ, khi vấn đề Thủy điện Sông Tranh 2 được đưa ra trước QH hồi tháng 5, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hứa đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khu vực hạ lưu bằng mọi biện pháp, nếu phát hiện không an toàn sẽ kiên quyết dừng. Cho rằng đây là “sự cố hi hữu”, ông Hoàng hứa sẽ “khắc phục bằng được”.
Thực tế cho thấy Sông Tranh không phải là sự cố hy hữu khi hơn 80 trận động đất được thừa nhận là động đất kích thích, do thủy điện gây ra, từ những sai phạm của con người. Và đến giờ, việc “khắc phục” chưa “bằng được” bởi mới chỉ khắc phục bằng việc dừng tích nước, nói đúng hơn là không dám tích nước.
Sáng nay, ĐBQH Nguyễn Văn Tiên đã đề nghị “những vấn đề cấp bách phải giám sát ngay, chứ để lại thì mất tính thời sự”. Chuyện thời sự là Đoàn ĐBQH sẽ đưa vấn đề Đồng Nai 6 và 6A ra trước QH. Nhưng đổi lại, sẽ cũng lại là một lời hứa? giống với Sông Tranh 2? Huống chi kỳ này, Bộ trưởng Hoàng sẽ không phải “đi thi”, chắc là vì vừa trả lời chất vấn hồi tháng 5.
Nhưng ai sẽ giám sát những lời hứa đó, cho “kịp thời”, cho “thời sự” với những cơn rung chấn vẫn liên tiếp diễn ra tại Sông Tranh 2 khi mà việc thực hiện giám sát tối cao nhất “chất vấn”, đang được thực hiện theo cách thức “xếp hàng các bộ trưởng”. Và giám sát chuyên đề thì “tránh những vấn đề đã giám sát”, được liệt thứ tự đến con số 39 mà cái cũ nhất đã từ 2004.
-------------------------------
Giai
đoạn động đất mạnh nhất ở vùng thủy điện Sông Tranh 2 đã qua (TP) (Kết luận của đoàn công
tác thuộc liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam)
No comments:
Post a Comment