Phạm
Hồng Sơn
Tháng
11 15, 2012
Quyết đấu tay đôi (duel), thường bằng kiếm hoặc súng, để tự giải
quyết một hận thù, một khúc mắc, bất đồng giữa hai cá nhân, không cần viện tới
phân xử của các thiết chế chính thống/nhà nước, là một tập tục xuất hiện từ
thời Trung cổ ở châu Âu và trở nên thịnh hành trong giới có vị thế xã hội cao
(hiệp sĩ, thượng lưu-gentlemen, chính trị gia,…) tại châu Âu trong thời Phục
Hưng. Sau đó quyết đấu tiếp tục phát triển sang Bắc Mỹ và duy trì cho tới tận
cuối thế kỷ XIX.
Nguyên tắc của quyết đấu có nhiều điều khoản và biến thể và từng
được lập thành các bộ qui tắc (code) có tính phổ quát trong dân chúng ở nhiều
quốc gia châu Âu và thậm chí còn được nhà nước pháp điển hóa như ở Pháp trong
thời Phục Hưng.
Nhưng tựu trung, quyết đấu dựa trên ba nguyên tắc: bình đẳng,
minh bạch và chính trực. Vũ khí và điều kiện thực hiện cho cả hai bên là hoàn
toàn như nhau. Cuộc quyết đấu được thực hiện dưới chứng giám của thân hữu của
cả hai bên. Cả hai đều coi sự chính trực – tuân thủ tuyệt đối các điều kiện đã
được thỏa thuận, dù biết chắc nhiều phần sẽ phải bỏ mạng vì sự tuân thủ đó, làm
cái đích phải đạt được. Tuy nhiên mục đích cao nhất của quyết đấu không phải là
hạ sát đối thủ mà chỉ nhằm phục hồi danh dự hay chứng minh cho phẩm giá toàn
vẹn của mình. Do đó bên thua (nhưng sống sót) của một cuộc quyết đấu không bao
giờ ấm ức hay phàn nàn điều gì về bên thắng và sau một cuộc quyết đấu mọi khúc
mắc, hận thù giữa hai bên đều coi như không còn. Không bên nào còn có thể coi
thường bên kia. Đa phần xã hội đương thời khi đó không lên án người sống sót
duy nhất trong quyết đấu là kẻ giết người và cũng không có ai phê phán người bỏ
mạng là kẻ dại dột.
Tính chất cao thượng của
quyết đấu chắc chắn đã nằm trong khối di sản đồ sộ và sáng rực của thời Phục
Hưng châu Âu: đặt danh dự, nhân phẩm con
người lên tất cả. Khi danh dự bị tổn thương hoặc bị nghi ngờ người ta sẵn sàng
lấy tính mạng hoặc chấp nhận đối mặt với thử thách tính mạng để bảo tồn, phục
hồi danh dự bất kể danh giá, chức tước to lớn, bổng lộc, hạnh phúc ngất trời
đang tận hưởng hay sự nghiệp, tương lai rực rỡ đang nằm ngay trong tầm tay.
Évariste Galois, thiên
tài toán học Pháp đầu thế kỷ XIX, đã phóng vội những suy tư kiệt xuất về toán
học ra lề bức thư tuyệt mệnh trong đêm cuối cùng trong tuổi 21 trước khi đi
quyết đấu. Chính trị gia lập quốc, luật gia lập hiến, bộ trưởng tài chính đầu
tiên của Mỹ Alexander Hamilton không ngần ngại nhận lời đấu súng từ đương kim
phó tổng thống Mỹ Aaron Burr. Bốn thủ tướng Anh [i] trong thế kỷ XVIII, XIX, hai
người vẫn đang trên ghế thủ tướng, đã tham gia quyết đấu. Tổng thống Abraham
Lincoln cũng là người đã từng vui vẻ đi thẳng tới một cuộc quyết đấu súng.
Pushkin tài hoa và lãng mạn đã viết nhiều về quyết đấu và cuối cùng cũng từ giã
cuộc đời bằng đấu súng chỉ vì không muốn danh dự phải dính chút đàm tiếu.
Cuộc đối thoại giữa những nông dân huyện Văn
Giang – Hưng Yên với ông Đặng Hùng Võ cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi
Trường ngày 08/11 mới đây, ở một vài phương diện nào đó, có thể được coi là một
cuộc “quyết đấu” nhằm giải quyết mâu thuẫn quan điểm giữa hai bên về tính pháp
lý của một số văn bản do chính ông Đặng Hùng Võ đã ký khi tại chức và phục hồi
lại phần nào danh dự cho những người nông dân bị nhiều cáo buộc bất công khi
quyết giữ đất. Nhưng cuộc “quyết đấu”
Văn Giang – Hùng Võ có vài điểm đặc biệt cần ghi nhận.
Thứ nhất, bên
đưa ra lời thách đấu là phía nông dân Văn Giang – những người không thuộc giới thượng lưu hay gentlemen dù được gọi là
những “ông bà chủ”.
Thứ hai, việc
nhận lời thách đấu (dù hơi muộn [ii]) của ông Đặng Hùng Võ,
chuyện hết sức bình thường đối với giới thượng lưu châu Âu, Bắc Mỹ cổ điển,
nhưng là một sự kiện, một ứng xử đặc biệt trong giới (cựu) quan chức và cả toàn
bộ giới có địa vị xã hội cao của Việt Nam hiện nay. Và nếu chiểu theo những im lặng,
lạnh tanh đáp lại vô số những bản kiến nghị, đơn cầu khẩn, thư riêng, đơn xin,
lời nhắn nhủ công khai hay đã được để ngỏ gửi cho giới lãnh đạo quốc gia từ gần
60 năm qua thì việc nhận lời và thực hiện cuộc
“quyết đấu” của ông Đặng Hùng Võ với nông dân Văn Giang còn có một ý nghĩa đột
phá, có giá trị tiên phong, lịch sử.
Thứ ba, cơ sở
cho cuộc “quyết đấu” Văn Giang – Hùng Võ ngày 08/11 là hệ thống pháp luật hiện
hành và điểm kết thúc cho cuộc “quyết đấu” chỉ là việc làm rõ bên đúng, bên sai
trên phương diện pháp lý.
Cuối
cuộc “quyết đấu” ông Đặng Hùng Võ, dù có chút tránh né [iii], đã thẳng thắn thừa nhận
là sai và đã công khai xin lỗi nông dân Văn Giang. Nhưng
chỉ sau 04 ngày, trên báo điện tử Giáo
dục Việt Nam, ông Đặng Hùng Võ lại nói: “Khi người dân bắt phải theo luật một
cách cứng nhắc trên giấy tờ thì tôi phải thừa nhận là sai. Tôi không thể nói là
đúng theo lôgíc hình thức.” Không hiểu ông Hùng Võ, một công dân
thuộc dạng đẳng cấp cao trong xã hội Việt Nam hiện nay, một cựu nhân viên cao
cấp Chính phủ (cơ quan hành pháp-thực thi pháp luật) của Nhà nước Cộng hòa Xã
hội Chủ Nghĩa Việt Nam có ý gì khi phàn nàn về việc người dân yêu cầu bản thân
ông phải tuân thủ chặt chẽ các văn bản pháp luật? Còn “lôgíc hình thức” [sic!]
mà ông Hùng Võ nêu ra là gì, có liên quan gì đến vấn đề đúng hay sai trên cơ sở
pháp luật? Hay ông Hùng Võ đã không hoàn toàn tỉnh táo khi phát ra những lời
đó? Vậy hóa ra “hiệp sĩ”
Hùng Võ trong cuộc “quyết đấu” ngày 08/11/2012 vừa qua chưa phải là người nhất
quán, chính trực hay không phải là người có tinh thần tỉnh táo, ổn định?
Truyền thuyết và sử sách châu Âu thường kể lại rằng người chuẩn
bị được phong tước vị “hiệp sĩ” (knight) phải nhận ba cái tát vào mặt để ghi
nhớ đó là lần cuối cùng được lơ là, thờ ơ trong việc giữ gìn danh dự, nhân
phẩm. Và từ đó luôn phải hành xử tuyệt đối cao thượng, không bao giờ được thoái
thác trách nhiệm hay bao biện, lẩn tránh lỗi lầm.
Ngày nay tập tục quyết đấu Trung cổ và nghi thức ba cái tát coi
như đã “tuyệt chủng” nhưng truyền thống cư xử cao thượng, trọng chính trực,
danh dự, coi phẩm giá con người là điều thiêng liêng trước mọi thứ vẫn được lưu
lại và hiển hiện rất rõ trong các xã hội dân chủ Tây Âu, Bắc Mỹ hiện thời và
truyền thống đó cũng đã được truyền sang cả những quốc gia thành thật áp dụng
mô hình chế độ dân chủ – mô hình chính trị đã tiếp nhận và đến lượt nó lại củng
cố thêm cho truyền thống trọng sự chính trực, phẩm giá, danh dự con người.
Không phải ngẫu nhiên mà ở những nước đó giới có vị thế cao trong xã hội luôn
từ chức khi thanh danh bị thương tổn hay mới chỉ bị chạm nhẹ một chút dù là họ
đang giữ chức tổng thống, thủ tướng, sếp lớn của cơ quan trọng yếu quốc gia hay
tổng giám đốc của các công ty, tập đoàn lừng lẫy thế giới.
Nhưng văn hóa, truyền thống và phát triển là câu chuyện của
những khác biệt và tự ái dân tộc. Một trăm quốc gia sẽ có hơn một trăm nền văn
hóa và hơn một trăm cách phát triển khác nhau và rất dễ mâu thuẫn, xung đột,
rất dễ bị qui cho là dạy đời hay sính ngoại nếu lấy văn hóa, phát triển của
nước này làm chuẩn mực cho nước khác.
Song, dù văn hóa nào và phát triển nào nếu không lấy hoặc không học lấy mục
đích cần tiến tới là chính
trực, phẩm giá, danh dự con NGƯỜI thì nền văn hóa ấy, sự phát triển đó
rất có thể sẽ chỉ đi tới một xã hội của một giống loài có tên là: IỜƯGN.
© 2012 pro&contra
[i] Hai người đang giữ chức thủ
tướng: William Pitt the Younger (1759 –1806), 2 nhiệm kì thủ tướng (1783-1801;
1804-1806), quyết đấu năm 1798; Arthur Wellesley, 1st Duke of Wellington
(1769-1852), nhiệm kì Thủ tướng 1828-1830, quyết đấu năm 1829. Hai thủ tướng
khác: William Petty-FitzMaurice, 2nd Earl Shelburne (1737-1805),
nhiệm kì thủ tướng (1782-1783), quyết đấu năm 1780; George Canning (1770
–1827), nhiệm kì thủ tướng (10/04/1827-8/08/1827), quyết đấu năm 1809.
[ii] Lá thư chất vấn của nông dân
Văn Giang gửi ông Đặng Hùng Võ đề ngày 25/10/2012 và ra hạn trong một (01) tuần
ông Đặng Hùng Võ phải có giải trình hoặc đối thoại nếu không sẽ bị người dân
Văn Giang khởi kiện ra tòa. 14 ngày sau cuộc đối thoại mới được tổ chức.
[iii] Theo tường thuật của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người có
mặt tại cuộc đối thoại, thì “sau hơn hai giờ trao đổi ông vẫn không nhận mình
sai khi ký các tờ trình” mặc dù “Mỗi lần ông thanh minh hay giải thích khá lòng
vòng, thì luật sư hay bà con nông dân đưa ra những lý lẽ, bằng chứng bằng các
điều khoản của luật, nghị định, thậm chí thông tư của chính Bộ của ông để bác
lại.”
No comments:
Post a Comment