Linh Nguyễn/Người Việt
Friday,
November 02, 2012 8:48:00 PM
WESTMINSTER (NV) – Mạng Lưới Nhân
Quyền Việt Nam vừa thông báo chọn Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên và Tạ Phong
Tần, ba phụ nữ hiện đang sống trong nước, để trao Giải Nhân Quyền 2012, qua một
cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa và Báo Chí, bên trong nhà hàng Zen
Vegetarian, Westminster, hôm Thứ Sáu.
Ðược biết, mỗi người sẽ được thưởng $3,000, và lễ trao
giải sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật, 9 Tháng Mười Hai, tại nhà văn hóa
Côte-des-Neiges, Montreal, Canada, vào dịp kỷ niệm lần thứ 64 Ngày Quốc Tế Nhân
Quyền.
“Sau hơn một tháng xem xét các đề nghị, chúng tôi trước
hết xin công bố kết quả Giải Nhân Quyền năm nay về tay ba phụ nữ tranh đấu cho
nhân quyền. Ðó là Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần và Huỳnh Thục Vy,” Tiến Sĩ
Nguyễn Bá Tùng, chủ tịch Mạng Lưới Nhân Quyền, tuyên bố. “Kế đến, chúng tôi
cũng mong có sự đóng góp ý kiến của mọi người sao cho cuộc đấu tranh được hữu
hiệu hơn.”
Sau đó, cựu Luật Sư Trần Thanh Hiệp giới thiệu về cô Phạm
Thanh Nghiên.
Ông nói: “Ðiểm đặc biệt là phong cách tranh đấu cho nhân
quyền của cô. Năm 2007 cô được biết đến khi từ Hải Phòng lên Hà Nội để biểu
tình chống Trung Cộng. Năm 2008 cô viết bài phóng sự ‘Uất ức biển ta ơi’ lên án
chính quyền CSVN vô trách nhiệm với ngư dân Việt Nam. Ðiểm nữa là cô có sáng
kiến biểu tình tại nhà.”
“Theo tôi, dù mới trên 30 tuổi, cô đã viết và sẽ còn viết
về những người dân không sợ bạo lực. Cô là một phụ nữ gương mẫu, đáng được kính
nể,” ông khen ngợi.
Cựu Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm nhắc đến trường hợp của nhà
báo Tạ Phong Tần.
Ông nói: “Nhà báo Tạ Phong Tần sinh năm 1968 ở Bạc Liêu,
gốc Hoa, là đảng viên Cộng Sản và là sĩ quan công an nhiều năm, nhưng đã giác
ngộ và làm vinh dự cho nhà báo khi cô lập ra Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Cô tranh
đấu cho nhân quyền, bị tù 10 năm và không được phép dự đám tang của thân mẫu
của cô là bà Ðặng Thị Kim Liên, người đã tự thiêu.”
Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên sau đó nói đến người thứ ba đoạt
giải là cô Huỳnh Thục Vy.
“Ðiểm đáng chú ý là năm nay cả ba người được chọn đều là
phụ nữ. Họ chưa bao giờ nhận tội và xin khoan hồng. Cô Huỳnh Thục Vy mất mẹ từ
khi lên 6 tuổi, và cha cô vào tù khi cô 7 tuổi. Sinh năm 1985, mới 27 tuổi mà
đã là một nhà báo tự do. Cha cô là Huỳnh Ngọc Tuấn, bị bắt năm 1992, bị tù 10
năm và 4 năm quản chế vì vi phạm điều 88, tuyên truyền chống chính quyền. Cô
vẫn kiên cường tranh đấu.”
Trong phần đóng góp ý kiến, ông Ðoàn Thế Cường thắc mắc
sao lại có ba giải và được Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng cho biết là có một mạnh
thường quân ủng hộ thêm $3,000. Vì thế, ngoài số tiền Mạng Lưới Nhân Quyền
thường trao cho hai người, năm nay lên ba người.
Giáo Sư Trần Huy Bích hỏi ai là người đề cử cô Huỳnh Thục
Vy và mọi người bất ngờ biết được là do nhà văn Huy Phương đề cử.
Một số người nêu vấn đề gây quỹ, Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên
nói: “Ðể giữ vai trò độc lập, Mạng lưới Nhân Quyền không nhận tài trợ của Mỹ và
bất cứ tổ chức nào, trừ những đồng bào và thân hữu có lòng đóng góp thường
xuyên.”
Trước đó, sau phần nghi lễ, người tham dự đã dành một
phút để mặc niệm cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và các chiến sĩ đã hy sinh, tranh
đấu cho nhân quyền.
Tiểu sử của ba người nhận giải nhân quyền năm nay được
ghi lại trên trang nhà của Mạng Lưới Nhân Quyền tại http://www.vietnamhumanrights.net.
Giải thưởng được thành lập từ năm 2002 và được trao hàng
năm nhằm tuyên dương thành tích xuất sắc của các cá nhân có thành tích đấu
tranh nhân quyền cho Việt Nam. Ngoài ra, giải còn nhằm bày tỏ quyết tâm liên
đới và hậu thuẫn của người Việt khắp nơi đối với cuộc đấu tranh giành lại quyền
làm người và công lý tại quê nhà.
Từ ngày thành lập đến nay, Giải Nhân Quyền Việt Nam được
trao cho nhiều nhân vật đấu tranh hàng đầu tại quốc nội, như Hòa Thượng Thích
Quảng Ðộ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, Ðại Tá Phạm Quế Dương,
Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, Linh Mục Phan Văn Lợi, kỹ sư Ðỗ Nam Hải, Luật Sư Nguyễn
Văn Ðài, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, nhà văn Trần
Khải Thanh Thủy, nhà hoạt động công đoàn Ðoàn Huy Chương, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ,
và một số nhân vật khác.
Liên
lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com
---------------------------------------
MẠNG LƯỚI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM
MẠNG LƯỚI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM
Vietnam Human Rights Network
8971 Colchester Ave, Westminster, CA
92683
Tel.: (714) 657-9488
BẢN TIN BÁO CHÍ
NGÀY 02 THÁNG 11 NĂM 2012
Giải Nhân Quyền Việt Nam 2012 Được Trao Cho Ba Nữ Chiến Sĩ Nhân
Quyền
Little Saigon – Hôm nay, ngày
02 tháng 11 năm 2012, trong cuộc tiếp xúc với giới truyền thông việt ngữ tại
Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí vùng Little Saigon, Quận Cam, California, Mạng
Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) đã công bố danh sách khôi nguyên Giải Nhân
Quyền Việt Nam năm 2012, gồm Cô Phạm Thanh Nghiên, nhà báo Tạ Phong
Tần, và Cô Huỳnh Thục Vy. Ba vị được bầu chọn từ 24 đơn đề cử từ
Việt Nam và hải ngoại.
Giải Nhân Quyền Việt Nam (GNQVN) do
MLNQVN thành lập vào năm 2002 và được tổ chức hàng năm nhằm tuyên dương thành
tích tranh đấu bất bạo động của những người đã chấp nhận hy sinh, kể cả mạng
sống của chính mình, cho lý tưởng nhân quyền và dân quyền của nhân dân Việt
Nam. Ngoài ra, GNQVN còn nhằm bày tỏ sự liên đới, hậu thuẩn và quyết tâm của
người Việt khắp nơi trong nỗ lực đấu tranh giành lại quyền làm người cho mọi
người dân Việt Nam.
Từ ngày thành lập đến nay, MLNQVN đã
tuyên dương và trao tặng GNQVN cho những nhà đấu tranh hàng đầu cho nhân quyền
tại Việt Nam, như Thượng tọa Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nhà báo
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Mục sư Nguyễn công Chính, Ông Đoàn Huy Chương, Cô Đỗ
Thị Minh Hạnh, và Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ...
Lễ trao
GNQVN năm nay sẽ được long trọng tổ chức vào dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 64 của
Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Hoàn Vũ tại thành phố Montréal, Canada với sự hợp tác
của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Vùng Montréal
và sự bảo trợ của nhiều đoàn thể cộng đồng.
Sau đây là tóm tắt
thành tích đấu tranh cho nhân quyền của các vị đoạt GNQVN 2012:
1 – Phạm Thanh Nghiên
Phạm Thanh Nghiên sinh năm 1977, cư trú
tại thành phố Hải Phòng. Từ năm 2007, cô đã lên tận Hà Nội tham gia biểu tình
cùng với hàng trăm sinh viên, học sinh để phản đối Trung cộng chiếm Hoàng Sa –
Trường Sa. Năm 2008, cô còn lặn lội vào tận Thanh Hóa để thăm hỏi các ngư dân
bị cướp bóc giết hại bởi Tàu cộng và viết bài phóng sự nổi tiếng mang tên “Uất
ức – biển ta ơi” tố cáo tội ác của Trung cộng và sự vô tâm của Việt cộng. Cô
còn tọa kháng tại nhà để phản đối “công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng” 50 năm
trước. Cô bị bắt tháng 9/2008, và vì thái độ quyết liệt không chịu nhận tội để
được khoan hồng trước tòa án cũng như qua các buổi thẩm vấn điều tra của công
an đã đưa đến bản án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Cô mới được ra khỏi tù
vào tháng 9/2012.
2 – Tạ Phong Tần
Tạ Phong Tần sinh năm 1968 tại Bạc
Liêu. Cô đã từng là đảng viên cộng sản và là sĩ quan công an trong nhiều năm.
Cô là tác giả nhiều bài báo phê phán những sai trái của Đảng cộng sản và tình
trạng tham ô và bất công trong hệ thống pháp luật vì thế, cô bị đuổi việc và bị
khai trừ ra khỏi đảng. Năm 2006, cô di chuyển về Saigon thành lập một trang
blog của riêng mình với tên 'Sự thật và công lý.' Cô là một trong vài bloggers
vào thời gian đó dám đề cập và bình luận về những tin tức chính trị đã lâu được
nhà nước coi là húy kỵ. Đó là điểm khởi đầu của một thế hệ các nhà báo công dân
tại Việt Nam mà bây giờ đã phát triển lên đến hàng ngàn. Năm 2007, cùng với
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và Anhba Saigon Phan Thanh Hải, cô thành lập Câu Lạc Bộ
Nhà Báo Tự Do, một mục tiêu đánh phá của hệ thống công an mạng. Cô đã bị bắt
vào tháng chín năm 2011, và đã bị giam giữ hơn một năm trước khi được đưa ra
xét xử cùng với hai bloggers khác. Cô bị kết án 10 năm tù và 2 năm quản chế về
tội “tuyên truyền chống lại nhà nước.”
3 – Huỳnh Thục Vy
Huỳnh thục Vy sinh năm 1985 tại Quảng
Nam, miền Trung Việt Nam. Cha của cô là nhà văn Hùynh Ngọc Tuấn đã từng bị bắt
giam nhiều năm, lúc cô mới có 6 tuổi. Từ năm 2008, cô đã bắt đầu viết các bài
nhận định/ chính luận rất sâu sắc nhằm phê phán chế độ độc tài đảng trị. Vì thế,
cô và gia đình luôn luôn bị công an sách nhiễu, áp bức. Năm 2011, cô và người
em là Huỳnh Trọng Hiếu cùng với cha bị xử phạt hành chính lên tới 270 triệu
đồng vì “vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin” khi viết những
bài viết “chống phá Đảng” và “chống phá khối đại đoàn kết dân tộc”. Vào mùa hè
năm 2012, cô vào Sài Gòn và tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Biển
Đông. Cô bị công an theo dõi và tách ly ra khỏi đoàn biểu tình. Sau đó, cô đã
được hộ tống bởi lực lượng an ninh quay lại tỉnh nhà của cô, nơi cô tiếp tục bị
theo dõi chặt chẻ. Đến nay cô vẫn tiếp tục lên tiếng bằng ngòi bút, và hiện là
một trong những cây bút trẻ được đánh giá cao.
No comments:
Post a Comment