Được đăng ngày Thứ tư, 30 Tháng 11 -0001 00:00
Khi tôi viết bài này thì chỉ còn hai tuần
nữa là tới ngày bầu tổng thống Mỹ. Các cuộc thăm dò dư luận khác nhau đều cho
thấy cuộc chạy đua vào tòa Bạch Ốc kỳ này rất xít xao. Nỗ lực của hai ứng cử
viên đều tập trung vào các cử tri ngập ngừng (undecided voters), chiếm khỏang
30% tổng số cử tri và các tiểu bang chưa rõ “trắng đen” (swing states) gồm 9
tiểu bang như Ohio, California, Virginia, North Carolina, … Sau 3 cuộc tranh
luận số người thay đổi lập trường cũng không tăng giảm bao nhiêu. Theo nhận xét
cá nhân, nếu từ nay đến ngày bỏ phiếu nếu TT Obama không vấp phải một lỗi lầm
lớn nào thì phần thắng đôi chút nghiêng về phía Obama.
Ai sẽ bỏ phiếu cho Obama?
1/ Những người ủng hộ chính sách bảo hiểm y
tếAffordable Care Act, còn được gọi là Obamacare. Bản thân tôi cũng ủng
hộ chính sách bảo hiểm y tế này vì nó mang tính nhân đạo hơn dự thảo bảo hiểm y
tế, còn được gọi là “Vouchercare”, của ứng viên phó tổng thổng Paul Ryan.
2/Những người ủng hộ sáng kiến tăng cường
giáo dục để nâng cao trình độ kỹ thuật của dân Mỹ, một chiến lược lâu dài tạo
uy thế cạnh tranh thương mại trong một thị trường quốc tế ngày càng mang tính
tòan cầu hóa nhiều hơn, nhất là khả năng đánh bại uy thế lao động rẻ mạt (cheap
labor) của Trung Quốc.
3/Tin rằng TT Obama thực tâm nỗ lực đem
công ăn việc làm về Mỹ trong các ngành sản xuất cao kỹ. Ứng viên Mitt Romney
tuy đưa ra hứa hẹn sẽ tạo ra 12 triệu công ăn việc làm nhưng lại không đưa ra
một được kế họach cụ thể nào khiến người ta có thể tin tưởng được.
4/Tin tưởng quyết tâm của Obama trong nỗ
lực cải thiện hạ tầng cơ sở kinh tế như cải thiện xa lộ, cầu cống, phi trường,
hải cảng, xây dựng thiết lộ siêu tốc, phát triển năng lượng xanh, thay thế năng
lượng trầm tích (fossil energy), nỗ lực thóat khỏi lệ thuộc vào nguồn năng
lượng nhập cảng…..
5/Đồng ý với chính sách cắt giảm ngân sách
đồng thời tăng thuế của người có lợi tức cá nhân từ $250.000 trở lên để hạ thâm
thủng ngân sách và giảm gánh nợ quốc gia.
6/ Muốn bảo vệSocial Security và
Medicare như hiện hữu nhưng đồng thời xóa bỏ lãng phí và gian lận trong
Medicare. Ông Mitt Romney đã tuyến bố một cách rất tai hại cho ông (trong phòng
họp kín) rằng 47% dân Mỹ không đóng thuế sống dựa vào chính phủ đã bỏ phiếu cho
Obama và ông không quan tâm tới họ, họ phải có trách nhiệm về cuộc đời mình. (47%
American people who did not pay taxes have voted for Obama. I don’t care for
them, they have to be responsible for their life). Ông Romney quên tiệt
rằng trong số 47% này quá nửa đã đóng thuế nay về hưu, tiền hưu thấp nên không
phải đóng thuế lợi tức.Tiền hưu không phải là tiền phát chẩn (hand-out money).
Ở cương vị tổng thống ông có bổn phận phải “care” cho 100% dân chúng.
7/Chính sách ngọai giao của Obama uyển
chuyển, chủ yếu dựa vào đàm phán và thuyết phục hơn là thái độ diều hâu của
chính quyền Bush-Cheney. Tôi cũng có cảm tình với chính sách “quay về Á Châu”
của Obama, mở rộng thị trường tại nơi này nhất là lúc này, để giúp các nước
trong khu vực thóat khỏi cái ách bành trướng của Trung Quốc.
Ai sẽ bỏ phiếu cho Mitt Romney?
Không hẳn chỉ có người theo đảng Cộng Hòa
mới bỏ phiếu cho Romney mà còn có cả một số cử tri đảng Dân chủ và cử tri độc
lập (Independent). Họ là những người:
1/Tin tưởng rằng Romney sẽ giản lược guồng
máy chính quyền liên bang, cắt giảm ngân sách, cắt giảm gánh nợ quốc gia. Họ
tin rằng Romney là một thương gia có tài và thành công, nên có khả năng tạo ra
công ăn việc làm cho dân Mỹ và đưa nước Mỹ ra khỏi suy thóai kinh tế.
2/Cho rằng Obama vung tay quá trán nên làm
cho gánh nợ quốc gia ngày một tăng lên, rằng Obama đã không có tài kinh bang tế
thế nên mới có 23 triệu người Mỹ thất nghiệp, mới có 46 triệu người dựa vào
food stamp.
3/Họ là những người triệt để chống phá
thai, chống hôn nhân đồng tính, chống khuynh hướng LGBT (lesbian, gay,
bisexual, transgender), chống giới hạn sở hữu vũ khí.
4/Họ là người ủng hộ lập trường cực hữu của
đảng Tea Party, chống tăng thuế với bất cứ giai cấp nào, hạn chế tối đa ảnh hưởng
của chính phủ vào đời tư.
5/Họ có lợi tức trên $250.000/năm, không
muốn bị tăng thuế lợi tức. Cho rằng Obama có khuynh hướng “Xã Hội Chủ Nghĩa”
kiểu Châu Âu hoặc có chủ tâm phân chia tài sản (distribution of property)
kiểu Cộng Sản, mặc dầu Obama chà quốc hữu hóa một xí nghiệp nào và chính Obama
đã cứu hai hãng GM và Chrysler thoát phá sản.
6/Họ là giới đầu tư ở nước ngoài, giới ngân
hàng, giới đại gia dầu khí, giới chống lại chính sách bảo vệ môi trường giới
hạn khai thác tài nguyên thiên nhiên và cho rằng Obama chống thị trường tự do
nên tăng thuế lợi tức của họ. Họ là người cho rằng giá xăng dầu lên cao là tại Obama;
mặc dầu ai cũng hiểu rằng không một chính phủ nào có khả năng dìm gía xăng dầu
vì đó là quyết định của thị trường quốc tế, của cán cân cung cầu.
7/Chủ trương duy trì uy thế quân sự tuyệt
đối của Hoa Kỳ với bất cứ giá nào để tạo ảnh hưởng chính trị và kinh tế với các
nước khác. Nhưng trong cuộc tranh luận cuối cùng, ngày 22/10, lập trường đối
ngọai của ông Romney lại rất gần với lập trường của ông Obama.
Cái uy thế lớn nhất của ông Romney là yếu
tố tâm lý muốn thay đổi với bất cứ giá nào của đa số người Mỹ. Tuy không tin
tưởng hoàn toàn rằng ông Romney có cây đũa thần đem 12 triệu công ăn việc làm
cho dân chúng và cũng không tin rằng ông có phép lạ bù đắp được 5 trillion do
cắt giảm tiền thuế cho giới giàu có để cân bằng ngân sách
Ta cũng phải kể đến một số nhỏ cử tri bỏ
phiếu theo thiên kiến, hoặc theo cảm tình, vì màu da, sắc tộc…Trong các thập
niên tới số phiếu của cử tri người da trắng sẽ không còn khả năng áp đảo nữa vì
hai sắc dân Á Châu và châu Mỹ La-tinh sẽ chiếm trên 50% dân số Mỹ. Hiện nay sắc
dân Á châu tại Hoa Kỳ là 18,2 triệu tức 5,8% dân số Mỹ. Riêng năm 2010 có
430.000 người Á châu vào Mỹ định cư.
Theo thống kê mới nhất thì 50% người Mỹ gốc
Á có khuynh hướng ngả theo đảng Dân Chủ, 28% ngả theo đảng Cộng Hòa; 22% độc
lập, và số cử tri gốc Á ủng hộ Obama chiếm 54%.
Người Mỹ gốc Việt ngả theo đảng Dân Chủ
cũng tăng dần, nhất là giới trẻ. Cũng có một số không nhỏ người Mỹ gốc Á và
người Mỹ sắc dân da màu cho rằng lá phiếu của mình chẳng ảnh hưởng gì tới kết
quả của cuộc bầu cử hoặc vì lười nên không đi bầu. Đó là một tai hại cũng không
nhỏ cho TT Obama.
Bài này không có mục đích vận động cho bất
cứ ứng cử viên tổng thống nào tuy nhiên người viết cũng không tránh khỏi có
thiện cảm với chính sách của một ứng cử viên cho dù mình là một cử tri độc lập.
Lê Duy Nhân
No comments:
Post a Comment