Thursday 15 November 2012

NƯỚC MỸ TRƯỚC THỬ THÁCH "VẪN NHƯ CŨ" (Lê Duy Nhân)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ tư, 30 Tháng 11 -0001 00:00

Ông Obama tái đắc cử khá vẻ vang nhưng liệu có tạo được sự ủng hộ của nhóm cực hữu trong đảng Cộng Hòa để giải quyết được các vấn nạn cũ không. Đa số dân Mỹ bỏ phiếu cho ông không hẳn là hòan tòan ủng hộ các chính sách kinh tế của ông mà tin tưởng rằng ông đã làm hết sức mình để đưa nước Mỹ ra khỏi cơn suy thóai trầm trọng. Họ bỏ phiếu cho ông như hành động ban thêm cho ông một cơ hội để thực hiện những hứa hẹn mà ông không thực hiện được trong cuộc bầu cử trước.

Việc đầu tiên TT Obama phải thực hiện bằng mọi giá là thoát khỏi bế tắc ngân sách mà báo chí gọi là “Fiscal Cliff” tức là sự phối hợp giữa hai yếu tố: luật cắt giảm thuế sẽ hết thời hạn vào ngày 31 tháng 12 này và chính sách cắt giảm ngân sách gồm cắt chí phí quốc phòng và một số chương trình công cộng sẽ tự động có hiệu lực vào đầu năm tới. Văn phòng CBO ( Văn phòng Ngân sách Quốc Hội) ước tính nếu phải thi hành chính sách khắc khổ thì thâm thủng ngân sách giảm được 503 tỷ dollars (tính tới tháng 9/2013 hoặc 700 tỷ tính cho cả năm); nhưng đồng thời sẽ khiến hàng triệu người thất nghiệp và tì số thất nghiệp có thể lên trên 9% so với 7,9% như hiện nay.

Đế thoát khỏi “Fiscal Cliff” Hoa Kỳ không còn con đường nào khác là cắt giảm chi tiêu nhưng đồng thời phải tăng thuế. Nhưng giảm chi theo cách thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý hay Anh quốc là đưa Hoa Kỳ vào suy thoái sản xuất, thất nghiệp vùn vụt leo thang tạo ra thất thu nặng nề và thảm kịch kinh tế của Hoa Kỳ sẽ nặng nề hơn hàng chục lần thảm kịch mà các nước này đã trải qua. Kinh nghiệm hữu ích không ở đâu xa mà ngay tại Hoa Kỳ là việc giải cứu hai hãng GM và Chysler tránh bị phá sản đã giúp hàng trăm ngàn công nhân thóat cảnh thất nghiệp và đưa hai hãng sản xuất xe hơi này trở lại vị thế mạnh trên quốc tế. Muốn thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - tài chính này thì một mình ông Obama không làm nổi mà phải được sự đồng thuận của Quốc Hội. Một số phân tích gia kinh tế cho rằng TT Obama nên sử dụng vài điều khoản trong kê họach Simpson-Bowles cho chính sách kinh tế của mình.

Cán cân quyền lực Quốc Hội vẫn không thay đổi. Đảng Dân Chủ vẫn giữ nguyên đa số tại Thượng Viện và đảng Cộng Hòa cũng vẫn nắm quyền kiểm soát Hạ Viện. Tinh thần cục bộ (partisanship) của cả hai đảng đã đưa nền chính trị lưỡng đảng của Hoa Kỳ vào bế tắc hầu như không có lối ra. Người dân Mỹ đã quá thất vọng về ngành lập pháp: chỉ có 11% dân chúng tin tưởng Quốc Hội có khả năng lãnh đạo. Mặc dầu cả hai đảng đều liên đới trách nhiệm về bế tắc chính trị nhưng đảng Cộng Hòa phải nhìn ra lập trường cực hữu của các nhà lập pháp do Tea Party đưa ra đã góp phần vào thất bại của Mitt Romney trong cuộc bầu cử vừa qua. Do đó, ngay chính trong nội bộ đảng Cộng Hòa, đã có tiếng nói chống lại nhóm cực hữu trong đảng. Chủ trương phân chia xã hội ra làm hai thành phần của ông Paul Ryan : “nhóm làm ra tiền” (makers) và nhóm “nhận tiền” (takers) đã bị “phản biện” trong nội bộ đảng Cộng Hòa của ông. Ông Mitt Romney cũng bị ảnh hưởng của phe cực hữu nên mới tuyên bố 47% người Mỹ bầu cho ông Obama sống dựa vào chính phủ và ông chẳng quan tâm tới họ. Một tuyên bố, gây hậu qủa tai hại không nhỏ cho ông. Đảng Cộng Hòa bị gắn cho nhãn hiệu “NO PARTY” vì đã gạt phăng mọi sáng kiến của ông Obama.Trong 5 năm qua đảng Cộng Hòa đã sử dụng thủ thuật “filibuster” tới 385 lần để đánh bại các chính sách của ông Obama. Một vài nhà lập pháp Cộng Hòa chẳng cần úp mở mà nói thẳng ra rằng mục đích tối hậu của đảng CH là biến ông Obama thành tổng thống một nhiệm kỳ.

Kết qủa cuộc bầu cử năm 2012 chắc chắn sẽ buộc hai đảng điều chỉnh chính sách của mình. Cả hai đảng phải chuyển dịch về phía trung tả và trung hữu. Số phiếu của người Mỹ gốc Hispanic, và các sắc dân thiểu số khác cũng khiến đảng Cộng Hòa “giật mình”. Ta cũng hy vọng rằng vì đây là nhiệm kỳ cuối cùng của ông Obama nên đảng Cộng Hòa không chĩa nòng súng vào ông nữa, do đó, sẽ có thái độ hòa hoãn hơn, và nhất là chấp nhận thỏa hiệp để cứu vãn tình hình suy xụp của Hoa Kỳ. Đảng Dân Chủ có thể “học bài” thỏa hiệp của TT Clinton.

Tuyên bố hòa hõan của hai lãnh tụ đảng tại Hạ Viện và Thượng Viện ngay sau ngày bầu cử cho phép ta hy vọng hai đảng sẽ gạt bỏ tinh thần cục bộ để nước Mỹ có thể thóat khỏi “Fiscal Cliff” nhưng sau khi TT Obama tuyên bố sẽ nhất quyết tăng thuế đánh vào người có lợi tức cao ($200.000 cho cá nhân và $250.000 cho hai vợ chồng) đã bị Ông John Boehner phản pháo với quyết tâm chống lại chủ trương tăng thuế đối với người có lợi tức cao của TT Obama: “Tăng thuế sẽ làm chậm khả năng tạo ra công ăn việc làm của chúng ta”.

Nếu không giải quyết được nguy cơ “Fiscal Cliff” thì các vấn đề dân sinh khác cũng rơi vào bế tắc, như tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người, cắt giảm thâm thủng ngân sách, xóa dần nợ công, cải thiện hạ tầng cơ sở, nâng cao trình độ kỹ thuật của công nhân, cải tổ giáo dục tiểu và trung học, thay đổi một số điều khoản của luật bảo hiểm y tế mới sao cho hữu hiệu và ít tốn kém, cải tổ chính sách di dân…..

Nếu Hoa Kỳ không sửa sai được hệ thống chính trị ngày một phân cực nặng nề thì sẽ không có phép mầu nào giúp nhân dân Mỹ thóat khỏi thảm họa xụp đổ toàn diện. Vì Hoa Kỳ là trung tâm thương mại và kinh tế thế giới nên nếu Hoa Kỳ rơi xuống vực thẳm kinh tế - tài chính thì hàng chục nước khác sẽ bị kéo theo.

Lê Duy Nhân





No comments:

Post a Comment

View My Stats