Hà Tường Cát/Người Việt
Saturday,
November 10, 2012 1:58:19 PM
Không phải nước mắt trên sân khấu hay cái gọi là nước mắt cá
sấu, nhiều chính trị gia đã từng nhỏ lệ trong lúc nói chuyện trước mặt mọi
người vì những nguyên nhân khác nhau, do cảm động, do chợt gợi nhớ về một hồi
ức tiềm ẩn nào đó, vì giận dữ, vì vô cùng thất vọng hay hết sức sung sướng.
Mới
nhất, người được nói đến chuyện rơi lệ chính là Tổng Thống Barack Obama. Ông đã
hai lần chảy nước mắt trong tuần qua, ở buổi vận đông bầu cử cuối cùng tại Des
Moines, Iowa, tối Thứ Hai, 5 Tháng Mười Một, và khi gặp các thành viên ban
tranh cử của mình tại Chicago, một ngày sau khi tái đắc cử. Các nhà lãnh đạo
trên thế giới ngày nay không còn che giấu hoặc không thể che giấu vì hổ thẹn
nếu khóc trước công chúng bởi vì chuyện này được coi như sự biểu lộ tình cảm
thành thật của mình.
Ðã
xa lắm rồi cái thời mà ông Edmund Muskie chảy nước mắt trong giai đoạn bầu cử
sơ bộ của đảng Dân Chủ năm 1972. Vị thượng nghị sĩ tiểu bang Maine lúc đó đang
là ứng cử viên hàng đầu, ông chảy nước mắt trong một cuộc nói chuyện trước công
chúng, lúc lên tiếng bênh vực cho bà vợ bị một tờ báo có uy tín ở New Hampshire
đả kích tơi bời. Mặc dầu sau đó ông biện bạch rằng không phải nước mắt mà là
gạt tuyết rơi trên mặt, nhưng vẫn không tránh khỏi tổn thất. Bị đánh giá là yếu
đuối và tinh thần thiếu ổn định, ông Muskie thất bại trước Thượng Nghị Sĩ
George McGovern trong bầu cử sơ bộ và rồi cuối cùng ông McGovern thua ông
Richard Nixon. “Cái” khóc của ông Edmund Muskie đã thành sự kiện lịch sử.
Theo
hãng thông tấn AP, Thủ Tướng Margaret Thatcher của Anh, Tổng Thống Vladimir
Putin của Nga, và Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner cũng đã từng khóc. Có biệt danh
là người đàn bà thép (Iron Lady), sau 11 năm cầm quyền trong đó có việc cương
quyết mở cuộc chiến tranh chiếm lại quần đảo Falklands từ Argentina, bà
Thatcher đã bị các phóng viên chụp được hình đang nhỏ lệ khi rời khỏi văn phòng
Phủ Thủ Tướng lần cuối cùng ngày 28 Tháng Mười Một, 1990.
Tổng
Thống Vladimir Putin hồi Tháng Ba năm nay đã khóc khi thắng cử để trở lại chức
vụ qua một cuộc bầu cử khó khăn trước sự chống đối mạnh mẽ của các phong trào
quần chúng. Cá nhân ông Putin nổi tiếng với những hành động táo bạo, chứng tỏ
thể lực cũng như tinh thần vững mạnh, và truyền thống của các nhà lãnh đạo ngồi
ở điện Kremlin từ trước đến nay là không bao giờ biểu lộ tình cảm. Tuy nhiên,
chẳng ai đánh giá ông là yếu đuối mặc dầu giới đối lập trong nước và những
người vẫn chỉ trích ông ở hải ngoại thường đem chuyện này làm đề tài châm biếm,
chế nhạo.
Các
phóng viên ghi nhận là từ khi lên làm chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử
năm 2010, Dân Biểu John Boehner (Cộng Hòa-Ohio) đã nhiều lần chảy nước mắt.
Trên trang mạng xã hội Tweeter, những người vui đùa gọi ông là “kẻ hay khóc ở
Quốc Hội”. Ông dễ xúc động khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm.
Yếu
tố chính cho thắng lợi của ông Obama
Sự
tỏ lộ tình cảm của Tổng Thống Obama chỉ là một sự kiện bình thường của con
người, không thêm bớt gì trong những nhận định về ông. Hôm Thứ Năm, ban tranh
cử của ông đã phổ biến hai đoạn băng video này và gởi qua e-mail đến các ủng hộ
viên và tình nguyện viên.
Trong
cuộc nói chuyện vận động tranh cử cuối cùng trước ngày bầu cử tại Iowa, Tổng
Thống Obama mang nặng tâm trạng hồi tưởng về quá khứ. Iowa chính là nơi ông đã
thắng cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên và mở bước đầu cho con đường đi đến Tòa Bạch
Ốc và chẳng có gì ngạc nhiên nếu có một lúc ông đã chảy nước mắt.
Ðệ
Nhất Phu Nhân Michelle Obama nói lời giới thiệu phu quân của mình như sau: “Ðây
là buổi vận động cuối cùng trong cuộc tranh cử cuối cùng của chồng tôi. Như thế
tôi và ông lần cuối cùng đứng trên khán đài vận động. Chúng tôi đánh dấu dịp
này bằng sự hiện diện tại Iowa đêm nay.”
Trong
lời phát biểu dài suốt 29 phút, không một lần nào tổng thống trực tiếp hay gián
tiếp nhắc đến đối thủ Mitt Romney, người có thể sẽ đánh bại ông trong vòng 24
giờ đồng hồ sau đó. Trước đám đông 20,000 người, ông nói: “Tôi trở lại Iowa một
lần nữa để xin phiếu của quý vị. Tôi trở lại để xin quý vị giúp chúng tôi hoàn
tất những gì đã khởi đầu. Chính đây là nơi bắt đầu chủ trương thay đổi của
chúng tôi bởi vì không xa ngay sau khán đài này là trụ sở ban tranh cử ở Iowa
của chúng tôi năm 2008.”
Sau
những tiếng reo hò từ đám đông “Yes We Can,” khẩu hiệu tranh cử năm 2008, Tổng
Thống Obama tiếp: “Chính đây là nơi một số những người trẻ đầu tiên đã tham gia
vào ban vận động tranh cử.”
Cử
tri giới trẻ có vai trò trọng yếu trong chiến thắng của ông Obama năm 2008 cũng
như năm 2012. Năm 2008 thanh niên từ 18 đến 29 tuổi chiếm 18% tổng số cử tri
Hoa Kỳ và ông Obama chiếm được 34% ủng hộ. Năm nay, số cử tri từ 19 đến 28 tuổi
là 19% căn cứ trên thăm dò, và như mọi người đều hiểu sự hăng hái ủng hộ ông
Obama có giảm đi nhưng ông vẫn chiếm 24% phiếu. Tỷ lệ ấy là quan trọng vì số cử
tri trẻ đi bầu luôn luôn rất thấp so với số ghi danh.
Một
ngày sau khi thắng cử, Tổng Thống Obama đã đến thăm trụ sở trung ương ban tranh
cử của mình ở Chicago. Trong phát biểu dài 5 phút, ông nhắc lại thời gian đầu
tới Chicago năm 1980 đã hoạt động trong cộng đồng nhưng còn xa lạ và không biết
đã làm được gì. Nói về ban tranh cử vừa qua, ông cám ơn họ và cho rằng “thật sự
tự hào về họ”.
Ông
nói: “Ðây là ban tranh cử giỏi nhất với những tình nguyện viên làm việc hiệu
quả nhất trong lịch sử chính trị.”
Trong
lúc nói chuyện, nước mắt chảy trên gò má của tổng thống thể hiện sự thừa nhận
rằng chính tổ chức, chiến lược của ban tranh cử và hành động hữu hiệu của những
người tình nguyện, trong đó giới trẻ chiếm đa số, là yếu tố quan trọng nhất đem
chiến thắng về cho ông.
Ban
tranh cử của Tổng Thống Obama đã hoạt động cả năm trời trước ngày bầu cử, đặc
biệt ở những tiểu bang “toss-up” (bất phân thắng bại) và sự hữu hiệu được chứng
minh bằng kết quả chiếm được toàn thể các tiểu bang ấy trừ North Carolina. Ngay
cả ở North Carolina, ông Romney cũng chỉ thắng được với một chênh lệch phiếu
rất nhỏ.
Không
có đối thủ trong đảng Dân Chủ, ban tranh cử của ông Obama đã lặng lẽ chuẩn bị
và chiếm lãnh chiến trường trong khi bên phía đảng Cộng Hòa còn phải tranh đấu
quyết liệt với những cuộc bầu cử sơ bộ. Nhưng không chỉ thời gian mà còn ở tổ
chức và chiến thuật hành động, đảng Dân Chủ dùng kinh nghiệm từ những kỳ bầu cử
trước cộng thêm với sự am hiểu tình hình mới, nắm vững được những khối cử tri
sẽ ủng hộ mình. Hoạt động của các ủng hộ viên và tình nguyện viên rất cụ thể
chặt chẽ đến cấp cơ sở (grassroot).
Bằng
sự ủng hộ của giới tư bản, đảng Cộng Hòa có khả năng tài chính vượt đảng Dân
Chủ, nhất là trong các siêu ủy ban vận động chính trị (Super PAC), độc lập với
ban tranh cử của ứng cử viên. Nhưng hàng tỷ đô la mà các Super PAC thân thiện
đảng Cộng Hòa đã chi ra trong nhiều tháng bằng những vận động tràn ngập trên
truyền hình cùng nhiều hình thức khác, cuối cùng không tỏ ra có hiệu quả cụ thể
bao nhiêu, và nhiều cơ quan truyền thông sau đó đã nhận định rằng tiền không
phải là tất cả trong bầu cử.
Trong
mấy tuần lễ gần ngày bầu cử, tình hình ngang ngửa giữa ông Romney và ông Obama
trên các thăm dò dư luận hình như đã làm cho phía Cộng Hòa sụp bẫy. Tin tưởng
vào khả năng chiến thắng đã khiến cho những chuyên gia tranh cử Cộng Hòa và
phân tích gia bảo thủ như Karl Rove, Dick Morris đưa ra những nhận định lạc
quan và phê phán bài bác những dự đoán mà cuối cùng là chính xác của Sabato's
Crystall Ball và Nate Silver.
Trong
khi ban tranh cử Dân Chủ tích cực thúc đẩy cử tri đi bầu sớm thì phía Cộng Hòa
mới chỉ chậm chạp áp dụng chiến thuật này với kết quả số cử tri đi bầu ít hơn
và phiếu ủng hộ thâu được cũng thấp hơn trước ngày bầu cử. Ðảng Cộng Hòa hy
vọng rằng số cử tri Dân Chủ đi bầu trong ngày 6 Tháng Mười Một theo truyền
thống thấp hơn Cộng Hòa và do đó sẽ dễ dàng vượt lên.
Thực
tế đã ngược lại.
Nỗ
lực vận động cử tri đi bầu của các tình nguyện viên Dân Chủ mạnh mẽ hơn và số
cử tri ủng hộ Dân Chủ vượt số cử tri ủng hộ Cộng Hòa ngay cả trong ngày bầu cử
theo các thăm dò ở phòng phiếu (exit poll).
Trước
ngày bầu cử, trong khi phía Cộng Hòa mới chỉ sống với hy vọng, và trong ngày
bầu cử ông Romney còn phải cố gắng tối đa, đến vận động ở hai tiểu bang
Pennsylvania và Ohio, thì phía Dân Chủ đã hoàn toàn vững tâm với chiến thắng.
Sau
cuộc vận động cuối cùng ở Iowa, ông Obama trở về Chicago nghỉ một ngày và chờ
đợi đến đêm tuyên bố kết quả ở McCormick Place.
Ông
Jim Messina, trưởng ban tranh cử của ông Obama, cùng khoảng 60 nhân sự chủ
chốt, sau khi duyệt xét kiểm điểm tình hình, cảm thấy hoàn toàn vững tâm, đã
kéo nhau sang tiệm Houlihan's đối diện với văn phòng, trên đường Michigan
Avenue, thoải mái uống bia và theo dõi trên màn hình, cuộc nói chuyện của ông
Obama hãy còn đang tiếp tục tại Des Moines, Iowa, và nhìn thấy mắt ông rơi lệ.
No comments:
Post a Comment