Friday, 23 November 2012

NHÌN LẠI VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG SAU HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH ASEAN (Trần Kinh Nghị)




Thứ sáu, ngày 23 tháng mười một năm 2012

Từ 15-20/11tại Pnom Pênh đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 và các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị này, đặc biệt Hội nghị Đông Á (EAS) hội tụ đầy đủ các cường quốc thế giới.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này diễn ra ngay sau khi cường quốc số 1- Mỹ vừa tái cử Tổng thống Obama và cường quốc số 2-Trung Quốc vừa kết thúc đại hội đảng với việc chọn Tổng Bí thư mới Tập Cận Bình, trong khi cường quốc số 3-Nhật Bản đang thâm hụt thương mại nghiêm trong do hậu quả của cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

Mục đích chính của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN bàn về tiến trình nhất thể hóa kinh tế ASEAN vào năm 2015, nhưng nội dung quan tâm thực sự vẫn là vấn đề Biển Đông, qua đó thấy một số diễn biến mới như sau.

Nội bộ ASEAN tiếp tục phân hóa và chia rẽ do lợi ích không đồng nhất trước thủ đoạn "chia để trị" ráo riết của Bắc Kinh. Có thể tạm chia thành 3 nhóm nước:

a) Nhóm gồm Camphuchia, Lào, Myanma và Thái Lan là những nước không không có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Nhóm này có xu hướng chạy theo lợi ích kinh tế trước sự mồi chài hậu hĩnh từ Bắc Kinh. Riêng Pnom Penh đã dấn sâu vào con đương câu kết với cho Bắc Kinh, biểu hiện ở việc một lần nữa lợi dụng tư cách nước chủ nhà tuyên bố "ASEAN đồng thuận không nêu vấn đề Biển Đông" mặc dù biết rằng cách thể hiện này chỉ làm hài lòng quan thầy Bắc Kinh nhưng gây thêm chia rẽ nội bộ ASEAN (buộc Philipine phải lên tiếng phản bác).

b) Nhóm gồm Singapore, Indonesia tuy giáp Biển Đông nhưng không có tranh chấp với Trung Quốc. Hai nước này cũng cho thấy ý đồ trục lợi thông qua việc đảm nhận vai trò trung gian hòa giải, nhưng bản thân tránh nêu công khai lại còn tìm cách ngăn cản các bên khác nêu vấn đề Biển Đông.

c) Nhóm các nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc gồm Việt Nam, Philipine, Malaysia và Brunei. Các nước này đều nằm trong phạm vi "đường lưỡi bò" nên ít nhiều dẽ tìm thấy tiếng nói chung liên quan đến vấn đề Biển Đông, nhưng mức độ cũng có khác nhau . Trong một biểu hiện đáng khích lệ, bốn nước này đã dự định sẽ họp riêng rẽ về vấn đề Biển Đông trong tháng 12 tới. Nếu dự định này thành công sẽ tạo ra một kênh đàm phán thực chất và góp phần phá bỏ thế bế tắc lâu nay.

Bất chấp những lời đánh giá thành công như thường lệ, có thể nói Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 21 đã kết thúc với những vết rạn rạn nứt nội bộ lớn hơn, đặc biệt xung quanh vấn đề Biển Đông. Rốt cuộc chỉ còn lại Philipine và Việt Nam vừa là nạn nhân vừa là người tiên phong bất đắc dĩ trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Đó là một kết cục trớ trêu nhưng hoàn toàn dẽ hiểu trong lịch sử hình thành các quốc gia Đông Nam Á với tính cách phổ biến đã được đúc kết trong ca dao tục ngữ khu vưc là "Đèn nhà ai ấy rạng""Nước đến chân mới nhảy".... Đó chính là gót chân Asin của ASEAN. Và điểm yếu này đang bộc lộ trước ma lực của đồng Nhân dân tệ khiến một nhà ngoại giao châu Á tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 đã nhận xét: “Một số nước dễ bị lung lay bởi tiền bạc. Nếu nhìn thấy tiền, họ có thể dễ dàng vứt bỏ những nguyên tắc ”.

Về phần mình, Trung Quốc sau khi đã ngụy tạo cái gọi là "Thành phố Tam Sa" đặt trụ sở tại quần đảo Hoàng Sa nhưng cai quản cả vùng biển Đông bao gồm cả bãi san hô Scarborough của Philipine và xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là xảo thuật biến không thành có nhằm tạo thế đứng chân trên thực địa như sự đã rồi chuẩn bị cho những cuộc đàm phán trong tương lai khi không thể trì hoãn thêm nữa. Đồng thời, sau quá trình kiên trì với các thủ đoạn "chia để trị", Bắc Kinh giờ đây đã thò được cái chân sói vào chiếc chăn ASEAN qua lỗ thủng Campuchia - nước vừa được đính thân Thủ tướng Ôn Gia Bảo tặng danh hiệu "hình mẫu quan hệ láng giềng" ngay trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Liệu những lỗ thủng tiếp theo là nước nào chắc không khó để suy đoán. Điều đã rõ là, đến nay Bắc Kinh đã khống chế được Cămpuchia, chi phối Lào và ảnh hưởng với mức độ khác nhau đối với các nước khác, tổng cộng ít nhất cũng quá nửa tổng số thành viên của khối ASEAN. Chiêu bài của Bắc Kinh vẫn chỉ là "cây gậy và củ cà rốt" vốn đã quá quen thuộc của chủ nghĩa thực dân.

Một số diễn biến khác rất đáng lưu ý. Đó là, bất chấp mọi lý lẽ đầy sức thuyết phục bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô lý của phía Trung Quốc được các học giả quốc tế đưa ra tại cuộc Hội thảo Biển Đông lần thứ 4 diễn ra đồng thời với Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 21, THX ngày 21/11 đã phát đi một bài bình luận sặc mùi hiếu chiến sô vanh nước lớn với những lời lẽ áp đặt chủ quan nhằm chia rẽ, cô lập Việt Nam và Philipine.

Sau khi đổ lỗi cho Việt Nam và Philipine, bài bình luận này kết luận: “Thật là thiếu khôn ngoan khi nêu lên vấn đề tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa tại Hội nghị Thượng đỉnh Ðông Á. Tuy nhiên Philippines và Việt Nam đã gây chi phối hội nghị bằng việc nhấn mạnh đến những tranh chấp này tại hội nghị thượng đỉnh một cách dai dẳng. Trong khi nước chủ tịch luân phiên ASEAN là Campuchia trong một cuộc họp hôm thứ Hai nói rằng khối 10 nước thành viên ASEAN đồng ý không ‘quốc tế hóa’ các tranh chấp này, thì Tổng thống Philippines Aquino lại bất chấp những nguyên tắc ngoại giao cơ bản và thẳng thừng trách cứ Thủ tướng Hun Sen của nước chủ nhà hội nghị.”

Vẫn với thủ thuật "gắp lửa bỏ tay người" bài bình luận viết tiếp: “Việc Philippines và Việt Nam bất chấp những nguyên tắc ngoại giao hình như bị tác động bởi lòng tham trữ lượng dầu khí, và nguồn hải sản dồi dào trên Biển Nam Trung Hoa”. Cả Việt Nam và Philippines đều “chơi con bài kêu gào để tìm sự giúp đỡ từ các nước bên ngoài khu vực, mà cụ thể là Hoa Kỳ trong cái gọi là "Chiến lược Trục xoáy Á Châu”...."Việt Nam và Philippines muốn mượn tay Hoa Kỳ để gây sức ép với Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của Tổng thống Barack Obama.”

Hình lưởi bò được in chìm ở từng trang của hộ chiếu TQ (ảnh CTV)

Trong dịp này Bắc Kinh cũng đã tung ra một mẫu hộ chiếu mới có in hình "đường lưởi bò" như một tiểu xảo nhằm tái khẳng định đòi hỏi chủ quyền Biển Đông vốn đã bị dư luận rộng rãi bác bỏ. Những động thái trên đây cho thấy thái độ cố chấp đầy ngạo mạn của các thế lực bành trướng bá quyền Đại Hán được sự chỉ đạo của Bắc Kinh. Điều này cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc không hề có ý định đàm phán nghiêm túc dù chỉ là song phương trước khi họ đạt được âm mưu "biến không thành có" và tạo dựng những chứng cứ giải tạo cần thiết. Thế giới không nên ảo tưởng vào thiện chí đàm phán hòa bình từ phía Bắc Kinh. trái lại cần đề phòng nguy cơ chiến tranh nóng do chính họ gây ra để thôn tính nốt những vùng biển đảo đang thuộc quyền kiểm soát của các nước khác. Để đạt mục tiêu độc chiếm Biển Đông Trung Quốc sẽ không nề hà mọi thủ đoạn, kể cả chiến tranh bất chấp công lý quốc tế.

Thực tế gần đây cho thấy Mỹ tuy đã khẳng định chủ trương "xoay trục" trở lại khu vực Đông Nam Á và Châu Ấ -TBD, nhưng tỏ ra bị hạn chế khá nhiều do "lực bất tòng tâm" trước cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính kéo dài và tình hình bất ổn tại Trung Đông. Mỹ dường như đang chuyển từ nếp tư duy đơn cực sang lưỡng cực và phải chấp nhận chia sẻ quyền lực với cường quốc số 2. Có thể đó là lý do tại sao dự luận đã nhận thấy "sự trầm lặng của Obama" trong chuyến công du Đông Nam Á dù đó là hoạt động đầu tiên ngay sau khi tái đắc cử của mình.

Riêng trường hợp Nhật Bản tuy nằm ngoài Biển Đông nhưng là "người trong cuộc" nếu xét về bản chất của vấn đề Biển Đông. Với vị trí kế cận Biển Đông và là một cường quốc kinh tế hàng đầu, Nhật Bản đã và đang sử dụng tuyến hàng hải xuyên Biển Đông như một huyết mạnh chủ yếu. Hơn nữa cuộc tranh chấp tại Biển Đông có liên quan mật thiết với cuộc tranh chấp tại Biển Hoa Đông. Do đó, Nhật Bản là đồng minh tự nhiên của các quốc gia ven Biển Đông và ASEAN nói chung.

Có lẽ chỉ trường hợp nước Nga đang cho thấy một sự chuyển động mới. Sau thời kỳ dài sao nhãng hoặc đứng ngoài cuộc trong vấn đề Biển Đông, Nga bắt đầu quan tâm với ý định trở lại khu vực, chí ít để tránh bị mất phần trong miếng bánh giữa các cường quốc. Tuy nhiên lập trường cụ thể của Nga vẫn còn là một ẩn số.

Tóm lại, điểm mới trong cục diện vấn đề Biển Đông sau Hội nghị thượng đĩnh ASEAN 21 cho thấy ở hai khía cạnh. Một là sự phân hóa ngày càng rõ trong nội bộ ASEAN giữa một bên là các nươc thành viên bị đe dọa bởi đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc và một bên là những nước thành viên tự cảm thấy chưa bị đe dọa và lại có cơ hội hưởng lợi từ sự ve vãn của Trung Quốc. Hai là xu hướng tái hiện một chu kỳ mới của sự tranh giành ảnh hưởng giữa tất cả các cường quốc như đã từng xảy ra trong quá trình chiến tranh lạnh, có lẽ chỉ khác ở chỗ bãi chiến trường giờ đây là toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả các quốc gia ven biển, chứ không phải trên đất liền Việt Nam và Đông Dương như trước đây.

Phải chăng diễn biến tình hình và quá trình tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông đến nay khiến ta phải nghiêm túc xem xét lại vai trò vị trí của khối ASEAN cùng với các cơ chế ARF, ASEAN+. Nhìn lại quá trình chậm chạp từ DOC sang COC trong 10 năm qua có thể thấy sự hạn chế đến mức bất lực của ASEAN trong giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Những kỳ vọng vào sự quay lại khu vực của Mỹ cũng tắt dần. Một kết cục "bùng nỗ" nào đó ngõ hầu có thể ngăn chặn tham vọng của chủ nghĩa bành trướng bá quyền cũng khó diễn ra. Chỉ có sự vô lý ngày càng hiện rõ khi một mình Trung Quốc có thể quyết định tiến trình giải pháp từ chi tiết đến tổng thể, thậm chí bóp méo cả những khái niệm thông thường trong quan hệ và ứng xử quốc tế, như niệm đa phương/song phương, khái niệm bình đẳng giữa các quốc gia, v.v...; ngay cả Công ước Luật Biển 82 cũng bị thách thức! Thời gian càng trôi đi lợi thế càng thuộc về Trung Quốc, và "chúng ta không còn nhiều thời gian nữa" đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Đông Nam Ấ kỳ cựu Carlyle A. Thayer mới đây . Chẳng lẽ cộng đồng quốc tế lại khoanh tay đứng nhìn một nước lớn nuốt chửng cả vùng biển của nhiều quốc gia Đông Nam Á vốn đã từ lâu thuộc chủ quyền của họ? Chẳng lẽ những giá trị công lý cơ bản nhất mà loài người đã giành được sau bao thế hệ lại có thể dẽ dàng bị một cường quốc mới trỗi dậy ngang nhiên chà đạp?










No comments:

Post a Comment

View My Stats