Sunday, 11 November 2012

NGƯỜI LÍNH GỐC VIỆT : RA ĐI & TRỞ VỀ (Thiên An / Người Việt)




Thiên An/Người Việt
Saturday, November 10, 2012 3:08:04 PM

WESTMINSTER (NV) - Giữa hàng trăm ngàn người đã và đang đóng quân tại nước ngoài, nhiều binh sĩ là người gốc Việt. Bên cạnh các kỷ niệm vui buồn, hành trang mỗi người lính mang từ chiến trận về nhà còn có những bài học và cả niềm day dứt chỉ những người từng lâm trận mới cảm nhận hết được.

Trung bình, cứ năm người đi lính, bộ binh, hải quân, hay không quân, thì có một người được đưa đến căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Iraq và Afghanistan. Những cuộc chiến mang lại cho họ nhiều thứ quý giá như tình đồng đội và kinh nghiệm sống. Ngược lại, chiến tranh lấy đi của họ sự vô tư hồn nhiên, những giây phút vui vẻ bên mâm cơm gia đình, hoặc với một số không may, cả mạng sống.

Ðất nước Hoa Kỳ từ lâu đã không còn trong thời điểm mà thanh niên buộc phải gia nhập quân đội, tất cả đều trở thành lính do tự nguyện.

“Sau vụ 911, nhiều em tự ghi danh vào quân đội. Hồi xưa thì ít quân nhân Mỹ gốc Việt lắm. Sau này mấy em đi lính nhiều, rất giỏi, làm toàn chức cao,” anh Tony Cao, từng là lính bộ binh tham gia chiến trận ở Kuwait, nói về những người lính trẻ gốc Việt hiện nay.

Dù đảm nhận vai trò gì cho Hoa Kỳ trong cuộc chiến, những người lính gốc Việt thường gia nhập quân đội khi tuổi đời còn rất trẻ, với nhiều lý do khác nhau.

Anh Erick Võ, 32 tuổi, cư dân Colorado, cho biết: “Hồi đó đi vì một phút hứng chí. Cũng chưa biết gì về quân đội hết, cũng chẳng tìm hiểu. Mình thấy đi lính có gì đó vui và mạo hiểm, như con người của mình, nên khi đứa bạn rủ đi, mình đồng ý. Cuối cùng nó đổi ý không đi nữa.”

Erick cười, nụ cười đã khác đi nhiều so với tấm hình anh chụp hơn 10 năm trước, khi mới gia nhập quân đội. Trở về sau 18 tháng tại Iraq, Erick hiện sống và làm việc trong một doanh trại ở Colorado.

Với anh P., xin giấu tên, việc đi lính chỉ đơn giản là “để trả tiền học đại học”.

Khi một sinh viên ghi danh và được chấp thuận cho gia nhập quân đội, chính phủ sẽ trả cho mọi học phí từ $50,000 trở xuống. Số tiền này không hề nhỏ với các thanh niên trẻ còn ngồi trên giảng đường đại học. Sau khi trải qua khóa tập huấn, anh P. được đưa ngay đến Afghanistan để công tác.

“Từ nhỏ mình đã muốn đi lính,” anh Tony Cao, hiện sống ở Anaheim, tâm sự. “Học điện tử xong, gia đình kêu học đại học, mình trốn qua South Carolina để đi lính, được nhận vào rồi mới gọi cho gia đình ở Alabama. Tại người nhà từng chết trận năm 1975, nên gia đình không muốn mình đi lính. Mình phải trốn đi để thực hiện ước mơ thôi.”
Anh Erick thú nhận: “Ði rồi mới thấy.”

Dù đến với cuộc chiến bằng lý do nào thì nhận định của các người lính trẻ chỉ trở nên rõ ràng sau khi đã “tự trói mình” vào quân đội. Tình đồng đội, niềm vui lớn nhất những người lính nhắc đến khi hỏi về cuộc sống tại căn cứ nước ngoài, trở thành niềm đau khi các anh nhìn thấy “anh em” mình tử trận.

Anh Bảo Nguyễn, chỉ mới 23 tuổi, cư dân Tustin, vừa từ Iraq trở về, tâm sự: “Có người còn mới cười nói với mình hôm qua, mà hôm sau nghe tin đã tử trận.”

Với cảm nghĩ tương tự, anh Tony Cao kể: “Công việc của mình là sửa xe ở chiến trường, không phải chiến đấu trực diện nên ít nguy hiểm hơn. Nhưng khi phải dự tang lễ của đồng đội, theo nghi lễ đứng bắn sáu phát súng chỉ thiên mà nước mắt tự nhiên chảy ra.”

Anh Erick Võ nói: “Ở Iraq, không ai chiến đấu một mình. Ăn, ngủ, sống đều với mọi người đồng đội hai mươi bốn giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Ðồng đội trở thành bạn bè, anh em. Chỉ cần nghe một tiếng ho ở phòng bên cạnh, mình có thể biết người đó là ai. Khi một người tử trận, đau lắm.”

Bên cạnh nỗi đau khi mất “người anh em,” nhiều người lính trẻ phải lần đầu đối mặt với sự căng thẳng nặng nề, hoặc sự thiếu vắng gia đình trong suốt thời gian công tác.

“Mỗi đợt công tác kéo dài sáu tháng, nhưng nếu không có người kế tiếp, mình phải ở lại thành một năm hay 18 tháng,” anh P. nói.

Anh Tony Cao nói thêm: “Mỗi ngày thấy ai cũng có thư của gia đình mà mình không có, cũng buồn lắm.”

Ai lâm trận cũng mong sớm trở về quê nhà, nhưng sự trở về nhiều khi không tốt đẹp như người lính đêm ngày mong đợi.

Anh Erick kể: “Phải mất một thời gian dài mình mới không thấy lạ lẫm nữa. Trước khi được về thì háo hức lắm, khi về rồi thì thấy xa lạ. Mình là một tay súng, cả ngày lái xe canh phòng. Lúc về lại nhà, thấy thật khác. Lúc nào cũng cảm giác như nguy hiểm đang rình rập, phải đề phòng, dù mọi thứ yên ổn bình thường.”

Một số binh lính rơi vào các bệnh tâm lý sau khoảng thời gian phục vụ. Theo Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ, cứ năm cựu chiến binh thì có một người bị ám ảnh trong giấc ngủ.

Một người lính kể với bác sĩ tâm lý: “Tôi thường mơ thấy mình đang đi hành quân thì bị đánh đột kích. Mình loay hoay sờ soạng xung quanh mà không thấy một khẩu súng nào.”

Mỗi năm có hàng ngàn binh lính được chẩn đoán bệnh rối loạn chấn thương tâm lý (Post-traumatic stress disorder - PTSD), khi trở về Hoa Kỳ.

Bên cạnh những người gặp vấn đề hòa nhập với cuộc sống bình thường, phần đông người lính khi trở về lập tức xây dựng cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Anh Erick Võ tiếp tục đi lính. Anh Bảo Nguyễn và anh P. bận rộn với công việc mới. Anh Tony Cao, sau 3 năm học nghề quay phim nhiếp ảnh, giờ vừa đi làm vừa theo đuổi đam mê nghệ thuật thứ bảy.

“Nếu con cái đòi đi lính, mình sẽ khuyến khích nó. Bộ binh, không quân, hải quân gì cũng tốt hết,” anh Tony Cao nói.

Những người quân nhân trong cuộc phỏng vấn đều nhắc lại khoảng thời gian đi lính như là một kỷ niệm đáng trân trọng, giữ gìn.

Ngày hôm nay, Chủ Nhật, 11 Tháng Mười Một, là ngày Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ.

Ðó là lý do có bài viết này trên trang Người Việt Trẻ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats