Thursday, 8 November 2012

NGƯỜI H'MONG VƯỢT BIÊN SANG THÁI LAN TRONG CÔ ĐƠN & NƯỚC MẮT (Thanh Trúc - RFA)




Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
2012-11-07

Do bị công an áp bức, sách nhiễu và đe dọa một số người H'mong phải tìm cách trốn sang Thái Lan. Cuộc sống bấp bênh của họ ra sao ước mong của họ là gì.
Người dân tộc H'mong ở Việt Nam, người H'mong Lào ở nước Lào, người H'mong Thái ở Thái Lan có cùng một thổ ngữ, chỉ ít nhiều khác nhau qua âm điệu của giọng nói và cách dùng ngôn từ, như trường hợp tương đồng giữa tiếng Lào và tiếng Thái .

Trốn chạy sang Thái


Nhưng điều này không giúp gì được cho những người H'mong từ Việt Nam,bị sách nhiễu bị đe dọa, bỏ chạy qua Lào rồi qua Thái Lan, vào khi đất đai trồng trọt vốn chẳng là bao của họ cũng đã bị nhà cầm quyền lấy hết.
Con đường đào thoát của vợ chồng Mai và Chua, hai người H'mong điển hình trong số hơn một trăm hay nhiều trăm người H'mong từ Việt Nam bỏ chạy sang Thái Lan, là sợ hãi, cô đơn và nước mắt:

Chị Mai: Đi đâu cũng đi không được à, bây giờ thì không có đường đi, ở chỗ nào cũng khó, mình không có giấy tờ ...Ở Việt Nam có nhưng mà qua Thái Lan không có giấy tờ, mình đi UN mà UN cũng không chấp nhận . Đi hai lần không được, không có giấy tờ gì hết. Ở Bình Phước không có đất sản xuất, nhà nước nó thâu đất hết cho nên không có gì làm ăn.

Mai và Chua là người Lào Cai, theo cha mẹ vào Bình Phước lập nghiệp. Họ lập gia đình với nhau trên mảnh đất vỏn vẹn hai mẫu mà bây giờ đã bị trưng thu. Mai có thể nói tiếng Việt chút ít nhưng Chua chỉ sử dụng tiếng H'mong:

Anh Chua: Mấy ông quan Việt Nam lấy nhà lấy đất của mình hết, họ làm giống như đó là nhà và đất đai của họ, họ lấy mà chẳng có trả cho mình đồng nào. Người H’mong chúng em không còn đất để canh tác và kiếm sống.

Nhiều ngàn người Hmong theo đạo Tin Lành biểu tình ở Mường Nhé, Điện Biên, tháng 5, 2011. Source BPSOS


Khi họ tới họ chiếm đất làm ruộng của mình thì chúng em đâu có biết làm gì. Mỗi ngày em ra ngoài đi kiếm việc làm, xin đi làm thuê làm mướn cho người ta kiếm đủ ăn thôi.
Không có ruộng để cày thì mình ra đi, trốn khỏi Việt Nam chúng em đi qua biên giới qua Lào và tới Xiêng Khoảng trước, ở chỗ đó chúng em chạy xuống Vientiane, rồi băng qua sông Mekong đến tỉnh Nong Khai của Thái Lan.

Từ Bình Phước ra đi khỏi Việt Nam với ba con nhỏ, trong lúc Mai đang có mang cháu thứ tư. Cả hai đến mạn Đông Bắc Thái Lan, đến Chiang Mai, được một tổ chức ngoài chính phủ ở địa phương đứng ra cứu mạng trong tình trạng không tiền bạc, không giấy tờ, không nghề nghiệp và không nơi nương tựa.
Trong thời gian chờ sinh nở, Mai giữ trẻ và Chua phụ việc khuân vác, dọn dẹp cho trung tâm. Hai vợ chồng cùng ba con nhỏ được một mái nhà để ở, một công việc để làm, một ngày ba bữa ăn đầy đủ:

Chị Mai: Anh mình làm việc cho chú, Mai giữ trẻ, chú cũng đưa tiền lương cho anh Chua.

Nhưng hoàn cảnh của họ vẫn là tuyệt vọng, tương lai của họ vẫn là vô định khi chưa được UNHCR Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cấp qui chế.

Anh Chua: Em không biết phải làm gì nữa, em không biết phải tính thế nào, cũng không biết phải đi đâu.
Cứ nói đến đó Mai lại khóc , cô nhớ nhà, nhớ cha mẹ ở Bình Phước, nhà nước lấy đất của mình mà không trả tiền, tức không đền bù, thì chẳng nói làm gì, mà phải bỏ chạy là tại anh Chua đi Mường Nhé:
Bây giờ thì không biết đi đâu, đi đâu cũng đi không được, ở Việt Nam người ta thâu đất hết, anh Chua đi Mường Nhé, anh Chua đi biểu tình chung với anh em H'mong ở trong Mường Nhé đó, rất là đông người, nghe nói đi biểu tình thì đi, về xong thì người ta vô kiếm người ta vô bắt, ở không được.

Từ vụ đàn áp người H'mong ở Mường Nhé

Thì ra đó là vụ biểu tình hồi tháng Năm 2011, khi mấy ngàn người H'mong ở Mường Nhé, Điện Biên, và những nơi khác kéo về như trường hợp của Chua và các bạn từ Bình Phước ra.

Được hỏi có phải người H'mong dẫn nhau về Mường Nhé đông như vậy là vì bị ai đó xúi dục, tuyên truyền rằng cứ ra Mường Nhé đúng ngày đó thì sẽ có phép lạ giúp bà con giành lại đất đề cày ruộng. Mai quả quyết là không có ai nói như vậy cũng không có ai rủ đâu, nghe nói đi biểu tình đòi đất thì mình đi, mình coi họ có trả tiền lại cho mình không thôi.

Còn Chua hình như vẫn chưa hết nỗi thảng thốt và sợ hãi khi nhắc đến sự kiện Mường Nhé:

Anh Chua: Khi em tới nơi thì đã có đông người H'Mong chúng em lắm rồi, nhiều lắm, nhiều đến nỗi không thể đếm được.
Chúng em đến đó ngày 6 tháng Năm 2011, đông người ở đó lắm, thế rồi mấy ông công an nói với chúng em rằng bà con hãy tụ tập lại và đến gần công an, công an sẽ nghe bà con và sẽ cho bà con cái gì mà bà con muốn.
Thế thì nhiều người Hmong chúng em, có cả người già, phụ nữ và trẻ em nữa, mới tụ tập lại gần công an. Khi đó công an bắt đầu dùng gậy và roi điện để tấn công. Công an đánh mọi người tới tấp bằng gậy, nhiều người bị công an dí roi điện. Những người bị đánh la to lên là chúng tôi bị đánh, chúng tôi bị đánh.Thế là những người đứng bên ngoài liền bỏ chạy trốn vào rừng .
Có rất nhiều người Hmong bị đánh, người già, phụ nữ và trẻ em cũng bị đánh, bị đí roi điện và bị bắt. Em chạy trốn vào rừng vì em sợ quá. Khi em về lại Bình Phước thì em cũng không dám ở nhà vì ba mẹ em nói công an đến nhà mấy lần để tìm bắt em. Em lại chạy đi trốn tiếp. Em rất sợ và không muốn bị công an bắt, họ sẽ đánh em. Nếu họ thấy em thì họ bắt em liền. Vì sợ như thế mà em phải dẫn vợ con trốn đi khỏi Việt Nam.

Từ một thập niên trở lại đây, vì thường xuyên bị sách nhiễu và gây khó dễ trong cuộc sống, nhiều người H’mong, phần lớn đi đạo Tin Lành và thường tụ họp để thờ phượng Chúa như họ kể, từ Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang... vượt biên giới sang Lào rồi tìm đường sang Thái Lan xin tị nạn.

Hiện trong IDC, Immigration Detention Center, Nhà Giam Của Cơ Quan Di Trú ở Bangkok, một số tù nhân người H'mong ở đó lâu năm vì tội nhập cảnh và cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Thái. Nhà chức trách Bangkok chừng như không biết phải làm gì , thả ra không được mà trục xuất về Việt Nam cũng không xong vì bên Việt Nam không nhận họ.

Tình cảnh những người H'mong, mới chạy qua Thái Lan sau vụ Mường Nhé tháng Năm 2011, còn khó gấp bội vì Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangkok dựa vào những tiêu chuẩn cứu xét nghiêm hơn và gắt gao hơn trước. Nhiều người H'mong mới qua đã bị từ chối như gia đình Mai và Chua chẳng hạn:

Chị Mai: Giờ này không biết làm cái gì, anh Chua bảo là đi Việt Nam đi không được, anh Chua không đi, đi thì người ta bắt chết thôi.

Giám đốc điều hành tổ chức NGO ngoài chính phủ đang giúp đỡ gia đình Mai và Chua, một phụ nữ Hoa Kỳ giàu lòng nhân ái, chia sẻ với Thanh Trúc rằng trước nhất và thực tế nhất là một nơi ăn chốn ở an toàn cho họ đã:
Nơi đây là một tổ chức từ thiện nên chắc chính phủ Thái cho phép và để mặc cho chúng tôi làm việc, vì thế tôi nghĩ trung tâm này là chỗ ở an toàn cho họ. Những người hảo tâm và thiện nguyện viên lui tới trung tâm đều nghĩ hoàn cảnh của Mai và Chua là vô vọng
Thế nhưng chúng tôi vẫn hy vọng, chúng tôi sẽ cố dạy cho họ tiếng Thái, kết nối cũng như giúp họ hòa nhập vào với cộng đồng người H'mong ở địa phương, đó là bước kế tiếp. Đương nhiên chúng tôi vẫn mong mỏi UNHCR Cao Ủy Tị Nạn cứu xét lại hồ sơ của hai người để cho họ một cơ may khác.

Tính đến lúc này ở Bangkok có khoảng ba chục hộ gia đình người H'mong chạy qua đây sau vụ Mường Nhé năm 2011. Cuộc sống của họ như thế nào:
Em là người H'mong, quê của em ở Hà Giang, ở Việt Nam em hoạt động giúp đỡ công việc Chúa cho hội thánh người H'mong. Công an Việt Nam thấy việc làm của em thì họ không muốn và họ nhiều lần mời em xuống xã để làm việc. Họ đe dọa, theo dõi và không cho em ra khỏi địa bàn.
Sau vụ biểu tình của người H'mong ở Mường Nhé tháng Năm năm 2011 thì công an gia tăng gây khó khăn cho em, đến nhà lục soát và lấy đi computer của em, lấy đi một số giấy tờ, Kinh Thánh và Thánh Ca H'mong. Công an nói đó là những tài liệu phạm pháp, nói là người H'mong không có ngôn ngữ và không có chữ H'mong, những Thánh Ca và Kinh Thánh của người H'mong là người Mỹ mang sang thôi, người Mỹ muốn lợi dụng những người H'mong này để chống lại đất nước Việt Nam.
Những người H'mong bắt đầu đến đây từ tháng Chín năm 2011chỉ có một số tổ chức như là BPSOS và một số người ở Australia giúp cho một hai tháng gạo.
Các hội thánh ở Hoa Kỳ, mà trước kia bọn em ở Việt Nam họ nói lời của Chúa cho chúng em nghe, nhưng khi chúng em chạy đến Thái Lan họ cũng không giúp gì. Chúng em liên lạc với họ thì họ nói là đã chạy đến Thái Lan thì hãy tìm chỗ lánh và chờ Cao Ủy xét xem là có được qui chế tị nạn không,

Đó là câu chuyện của những người H'mong chạy qua Thái Lan sau vụ biểu tình mấy nghìn người đòi đất và đòi quyền lợi ở Mường Nhé năm 2011.

Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.








No comments:

Post a Comment

View My Stats