14.11.2012
Trong bài “Di sản của người tiền nhiệm
và mục đích chấn hưng đảng của ông Nguyễn Phú Trọng”, Dân Choa nhận xét:
“Di sản của người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh để lại cho ông Nguyễn Phú Trọng thật khá nặng nề. Cũng phải nhận xét rằng từ trước đến nay chưa có một người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam nào mờ nhạt như ông Mạnh. Thời bấy giờ ứng cử viên nặng ký cho chức Tổng bí thư còn có ông Nguyễn Văn An. Ông An là một người có năng lực, có quyền biến và kinh qua nhiều chức vụ cao trong đảng và đặc biệt là nhiều năm làm trưởng ban tổ chức trung ương. Nếu ông An làm Tổng bí thư thì nhiều người e ngại quyền lực của ông An quá lớn. Vì vậy ông Nông Đức Mạnh được đưa lên nắm chức vụ này như một giải pháp dung hòa. Tuy không có năng lực và bản lĩnh của một chính khách, nhưng tính tình ôn hòa nên được lưa chọn đứng đầu đảng qua hai nhiệm kỳ. Đáng tiếc là những lúc quốc gia hay đảng cần có chính kiến thực sự của vị Tổng bí thư thì ông lại vắng bóng. Người ta chỉ thấy ông xuất hiện khi đi uỷ lạo người cao tuổi, họp hành với Ủy ban Dân tộc hay hội thảo về gương đạo đức Hồ Chí Minh. Còn khi sự vụ lớn của đất nước như sập cầu Cần Thơ, vụ tham nhũng MPU 18, vụ Vinasin… hay chỉ đạo điều hành kinh tế, hoặc bàn về quốc kế an sinh cho đất nước thì không thấy đâu.”
Nhận xét của Dân Choa, thật ra, không có gì mới. Từ lâu, ở Việt Nam, người ta đã biết và đã nói nhiều về Nông Đức Mạnh như thế: Một, ông là người bất tài; và hai, ông được bầu lên làm Tổng bí thư cũng chính vì sự bất tài ấy của ông.
Xin lưu ý: đầu năm 2011, khi Nguyễn Phú Trọng được bầu lên làm Tổng bí thư đảng sau Đại hội XI, nhiều người cũng nhận xét tương tự: Ông lên nắm giữ cái chức vụ được xem là có quyền lực nhất nước ấy chủ yếu vì ông bất tài, hay nói theo chữ dân gian, vốn làm nên cái hỗn danh của ông: “lú”, “Trọng Lú”.
Nhiều người có thể ngạc nhiên và không tin. Tuy nhiên, một sự thật tương tự cũng đã và đang diễn ra ở Trung Quốc.
Trong bài “Tại sao Trung Quốc không thể chọn được những lãnh tụ giỏi” (Why China can’t pick good leaders) đăng trên tờ The Diplomat ngày 28 tháng 6 năm 2012, giáo sư Minxin Pei nhận xét:
Một số người ở phương Tây cho giới lãnh đạo Trung Quốc là khôn ngoan, có khả năng, có viễn kiến và quyết đoán. Sự thực khác hẳn. Bằng chứng dựa trên nhiều công trình nghiên cứu về tình hình chính trị Trung Quốc cho thấy: ở Trung Quốc, người bảo trợ và phe phái chứ không phải tài năng hay thành tích, là những yếu tố hàng đầu trong việc tuyển lựa giới lãnh đạo.
Victor Shih ở Đại học California, San Diego, và các đồng nghiệp, đã nghiên cứu tiểu sử cũng như sự phát triển kinh tế địa phương liên quan đến con đường thăng quan tiến chức của các cán bộ cao cấp ở Trung Quốc, phát hiện ra điều này: Sự thăng tiến của các cán bộ không có quan hệ gì đến sự phát triển của địa phương nơi nọ lãnh đạo cả. Không phải địa phương nào phát triển mạnh, người lãnh đạo ở đó cũng được nâng cấp. Yếu tố chính quyết định việc nâng cấp và tăng chức chính là sự đỡ đầu của một thế lực chính trị nào đó, đặc biệt những người có quyền lực cao nhất ở Trung ương.
Ngay việc tuyển chọn giới lãnh đạo cao nhất nước ở Trung Quốc cũng vậy. Đó là một quá trình thương lượng cũng như tranh chấp đầy căng thẳng giữa một số nhóm quyền lực khác nhau. Ví dụ, theo giới quan sát quốc tế, việc chọn lựa các ủy viên Bộ chính trị trong kỳ đại hội đảng vào tháng 11 này cũng là một trận so găng giữa hai thế lực lớn ở Trung Quốc: phe Hồ Cẩm Đào và phe Giang Trạch Dân. Hai phe giành giật nhau, tố giác nhau, hạ gục tay chân của nhau.
Cuối cùng, tiêu chuẩn để đề bạt không phải là tài năng hay các thành tích đã đạt được mà là sự trung thành và đặc biệt, sự cân bằng trong việc phân phối quyền lực giữa các phe phái.
Những gì đang xảy ra ở Trung Quốc chắc chắn cũng đang xảy ra ở Việt Nam. Có khi với một mức độ còn tệ hại hơn. Ở Trung Quốc, chỉ có sự tranh chấp giữa các phe phái trong nội bộ đảng họ. Ở Việt Nam, ngoài các tranh chấp ấy, còn có ảnh hưởng từ bên ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc. Người nào được Trung Quốc gật đầu thì mới được đề bạt. Mà, ai cũng biết, Trung Quốc không dại gì gật đầu với một người khôn ngoan, tài năng và quyết đoán.
Nhớ, năm 1996, lần đầu tiên về lại Việt Nam, trong một buổi nói chuyện gẫu với bạn bè và đồng nghiệp cũ, chúng tôi nhắc đến một người quen chung lúc ấy đang ở trong Trung ương đảng và được bổ làm thứ trưởng. Trước khi rời Việt Nam, tôi biết người ấy khá nhiều. Ấn tượng của tôi về anh, nói chung, rất mờ nhạt. Anh chỉ được một ưu điểm: hiền lành. Không thông minh. Không sắc sảo. Không chứng tỏ một năng lực lãnh đạo nào cả.
Khi tôi tỏ ý ngạc nhiên về sự thăng tiến bất ngờ và nhanh chóng của anh, một người bạn am tường tình hình trong đảng mới giải thích: Anh ấy thăng tiến nhanh vì bốn lý do chính: một, có lý lịch cực tốt; hai, có học vị cao; ba, hiền lành; và bốn, bất tài.
Thoạt đầu, tôi không tin. Người bạn phân tích: nhờ lý lịch tốt nên, một mặt, có quan hệ rộng, mặt khác, dễ được tin cậy. Có học vị là điều quan trọng vì đó là chỉ tiêu của đảng. Hơn nữa, dạo ấy, những người có học vị cao rất hiếm nên anh ấy càng nổi bật. Hiền nên dễ được lòng mọi người. Nhưng quan trọng nhất là bất tài. Khi trong đảng có hai phe tranh chấp với nhau, phe nào cũng muốn đưa người của mình vào Trung ương. Nhưng không phải cứ muốn là được. Họ phải tranh thủ sự ủng hộ của phe kia. Cuối cùng hai bên đành tương nhượng với nhau: mỗi bên đề cử một số người. Tương nhượng như vậy nhưng người ta lại sợ nhau. Sợ nhất là nếu phe bên kia đưa người tài năng hay sắc sảo quá có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho mình. Bởi vậy, thấy trong danh sách đề cử có người nào thuộc loại ấy là người ta tìm cách gạt đi. Cuối cùng, người ta chỉ đồng ý với những kẻ mà họ cho là vô hại nhất.
Những người vô hại ấy cũng là những người không có tài cán gì đặc biệt cả.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment