Saturday, 24 November 2012

KHÔNG THỂ ĐỂ "CHUYỆN ĐÃ RỒI" (Dương Danh Dy / BBC)




Dương Danh Dy
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
Cập nhật: 11:08 GMT - thứ bảy, 24 tháng 11, 2012

Qua các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, tôi được biết nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cấp hộ chiếu phổ thông điện tử cho một số công dân nước họ.

Ngày 22/11/2012 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết, đại diện Bộ Ngoại giao Việt nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc trao công hàm “yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ bản đồ chín đoạn trong hộ chiếu phổ thông điện tử “.

Hành động bước đầu như vậy có thể coi là đúng mức, bởi vì “gửi công hàm” thể hiện mức độ phản đối cao hơn là “trao đổi, giao thiệp”.

Xin nói thêm với bạn đọc: theo thoả thuận giữa chính quyền Việt Nam và Trung Quốc, công dân mỗi nước mang hộ chiếu công vụ và hộ chiếu ngoại giao khi sang nước bên kia đều được miễn thị thực nên không ngại chuyện này sẽ ảnh hưởng tới nhân viên hai nước đang công tác tại nước bên kia.

Thế nhưng sau khi tìm đọc một số tin liên quan do một số mạng của Trung Quốc đăng tải, tôi thấy cần phải nêu mấy điểm sau:

Theo tờ Daily Telegrap ngày 22/11/2012, Trung Quốc sẽ cấp khoảng 6 triệu hộ chiếu loại này. Và điều “nguy hiểm” hơn là công dân nước họ đã bắt đầu sử dụng nó để đi sang Việt Nam.

Tin cho biết, nhân viên cửa khẩu Việt Nam(không nói rõ nơi nào) đã từ chối đóng dấu vào bản thị thực nhập cảnh mà cấp cho đương sự một giấy nhập cảnh riêng không dính đến hộ chiếu( không rõ tin này có xác thực hay không).
Tin còn cho biết, nếu không cấp thị thực cho các hộ chiếu phổ thông loại mới thì Việt Nam sẽ bị thua thiệt về kinh tế vì mỗi lần cấp thị thực nhập cảnh có giá trị một lần, Việt Nam đã thu được số tiền tương đương 25USD (và hiện nay là 40-45 USD).

Giả dụ mỗi năm có khoảng 2 triệu lượt khách Trung Quốc dùng hộ chiếu phổ thông sang du lịch, buôn bán… tại Việt Nam và giả thiết cứ mỗi lượt khách đó, chúng ta thu được từ lệ phí thị thực và chi phí đi lại, dịch vụ ăn uống…, trong thời gian lưu lại ở Việt Nam là 200 USD thì tổng ngoại tệ thu được là khoảng 400 triệu USD.

Đó là một khoản tiền không nhỏ với một nước còn nghèo như Việt Nam.

Không để sự đã rồi

Thế nhưng xin hỏi những vị còn do dự chưa dám có quyết sách dứt khoát không công nhận loại hộ chiếu vi phạm chủ quyền Việt Nam đó, không cấp thị thực cho bất kỳ ai mang hộ chiếu loại này rằng, chẳng lẽ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của chúng ta chỉ đáng giá có ngần ấy đôla thôi ư?

Tôi biết có người còn biện bạch: không làm ăn buôn bán với Trung Quốc, người bị thua thiệt hơn sẽ là chúng ta vì nền kinh tế Việt Nam còn yếu kém, một sô ngành hàng Việt Nam bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc…

Thế nhưng xin hãy nhìn lại những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi không có “bầu vú sữa” chủ yếu là viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc, nhân dân Việt Nam không hề “chết” mà ngược lại ngày một lớn mạnh thêm, khiến Trung Quốc buộc phải thôi “cấm vận” và bình thường lại quan hệ hai nước.

Hoàn cảnh hiện nay khác những năm tháng “không thể nào quên đó” nhiều lắm rồi. Chúng ta có bạn bè khắp nơi, Việt Nam đang hội nhập với thế giới. Trung Quốc có thể gây cho chúng ta một số khó khăn, nhưng nhân dân Việt Nam “quyết không sợ”.

Chính vì vậy, trước việc Trung Quốc làm hộ chiếu phổ thông điện tử mới có in hình “đường lưỡi bò”, bước đầu chúng ta yêu cầu họ hủy bỏ.

Nếu họ ngoan cố cho công dân nước họ sử dụng hộ chiếu loại này để đi sang Việt Nam, chúng ta quyết không công nhận, quyết không cấp thị thực dù là “trên một tờ giấy tách rời với hộ chiếu.”

Nhà cầm quyền Bắc Kinh đừng hòng làm “chuyện đã rồi”!

Bài viết phản ánh quan điểm và cách hành văn của tác giả, cựu tổng lãnh sự Việt Nam ở Quảng Châu.

----------------------------


Posted by basamnews on 25/11/2012

Xin bàn tiếp vụ “hộ chiếu lưỡi bò”, trước hết bằng việc không tán thành 4 ý không ổn trong bài của cựu cán bộ ngoại giao VN tại TQ, ông Dương Danh Dy.

Thứ nhất, ông DDD cho rằng phản ứng của VN bằng việc “đại diện Bộ Ngoại giao Việt nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc trao công hàm ‘yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ bản đồ chín đoạn trong hộ chiếu phổ thông điện tử’có thể coi là đúng mức’“, “bởi vì ‘gửi công hàm’ thể hiện mức độ phản đối cao hơn là ‘trao đổi, giao thiệp’”.

Như nhiều lần chúng tôi lưu ý, việc “trao” công hàm được thực hiện ra sao, hầu như chưa bao giờ được báo chí, hay đúng hơn là BNG VN ”tiết lộ”. Nay ông DDD vội vừa lòng, vậy xin thử đưa ra vài giả thiết của cái việc gọi là “trao” này.
1- Khả năng bộ ngoại giao VN “xin phép” vào tòa đại sứ TQ để “trao”. Làm vậy thì quá hèn hạ!
2- Yêu cầu TQ cử nhân viên ngoại giao tới BNGVN để tiếp nhận công hàm. Đỡ hèn hơn chút !
3- Triệu đại sứ TQ tới bộ ngoại giao VN để trao, nhưng muốn giữ thể diện cho “bạn” (chó má !), nên chủ trương không công bố việc “triệu”, mà chỉ nói ỡm ờ là “trao”. Tạm được, nhưng vẫn hèn !
4- Rất ngô nghê, khó xảy ra, nhưng vẫn phải nói, là “trao” ở một địa điểm nào đó tại Hà Nội. Thiết tưởng chỉ là người dân thường, nhưng nếu theo dõi nhiều thông tin qua đài báo nhà nước, cũng có thể biết các quốc gia khác khi trao công hàm phản đối, thường triệu đại sứ nước hữu quan tới bộ ngoại giao, còn VN với TQ thì không, vậy sao ông cựu quan chức ngoại giao DDD không nhận ra cái sự “lạ” này ?

Thứ hai, ông DDD cho là do có thỏa thuận VN-TQ “công dân mỗi nước mang hộ chiếu công vụ và hộ chiếu ngoại giao khi sang nước bên kia đều được miễn thị thực” nên không ngại chuyện này “ảnh hưởng tới nhân viên hai nước đang công tác tại nước bên kia”.

Ở đây, có lẽ ông DDD quên 2 điều.
1- Dù không cần cấp thị thực, nhưng những người mang tấm hộ chiếu hỗn xược vi phạm luật pháp VN đó lại không bị xử lý, tối thiểu bằng việc tịch thu, tạm giữ hộ chiếu, thì cũng là một biểu hiện nhân nhượng của VN.
2- Nếu không có biện pháp cương quyết và nhất quán, sẽ xảy ra hiện tượng cơ quan an ninh cửa khẩu đóng dấu chứng thực nhập, xuất cảnh VN lên tấm giấy hộ chiếu đó, sẽ là một sự công nhận nó, thì rất nguy.

Thứ ba, ông DDD phản đối ý kiến nào đó lo ngại là nếu không cấp thị thực cho hàng triệu thứ “hộ chiếu lưỡi bò” đó thì sẽ thiệt hại kinh tế. Việc phản đối này là hợp lý, song việc bàn tới điều này là … rất thừa và không thực tế. Lý do của việc “do dự” của ai đó (trong giới lãnh đạo VN) như ông DDD nêu, không phải vì mấy trăm triệu đô la như ông nghĩ. Ở tầm cỡ của ông, trong một bài viết quan trọng, cần gợi ý những lý do sâu xa từ giới chức lãnh đạo cao nhất của VN mới là đúng “tử huyệt”. Nếu có chuyện không cấp thị thực cho những tấm “hộ chiếu lưỡi bò”, thì việc này cũng không thể và không nên kéo dài chút nào. Ta vẫn có thể cấp thị thực rời cơ mà ?! Điều này liên quan tới ý không ổn tiếp …

Thứ tư, ông DDD khuyên nên không cấp cả thị thực rời, nếu như ta phản đối mà họ vẫn sử dụng “hộ chiếu lưỡi bò”. Đây cũng là gợi ý một giải pháp, mềm dẻo hơn của ông DDD. Đó là tạm giữ tất cả các “hộ chiếu lưỡi bò”, rồi cấp thị thực rời. Khi xuất cảnh, nếu khách muốn lấy lại hộ chiếu thì phải trở lại đúng cửa khẩu khi vào. Trước hết, suy cho cùng trong việc này, người dân TQ không có lỗi, vậy hãy cố hết sức bảo đảm quyền lợi cho họ, cũng là một hình thức nói cho họ biết, chính quyền nước họ đã sai như thế nào. Đồng thời giải pháp này cũng hạn chế thiệt hại cho hai nước, lại vẫn bảo đảm giữ chủ quyền biển đảo của ta. Sau giải pháp đó, nếu phía TQ vẫn không hủy bỏ thứ “hộ chiếu lưỡi bò” đó, ta có thể áp dụng biện pháp rắn như ông DDD nêu.

Trở lại đánh giá về giải pháp và ý thức của giới chức VN quanh vụ việc này.

Thứ nhất, tiếp thêm một biểu hiện đáng ngờ nữa, sau những gì đã nêu sáng qua. Đó là, phải chăng họ đã biết trước cuộc họp báo chiều 23/11/2012 nhiều ngày, nhưng ém nhẹm? Chỉ tới khi báo chí phương Tây đưa tin về tấm hộ chiếu đó, họ mới vội vàng “trao” công hàm, rồi mới trả lời trong họp báo?

Thứ hai, là những hành động của phía VN tại các cửa khẩu. Qua vài tin ngắn ngủi, thiếu rõ ràng trên báo, thấy ngay chuyện lạ là việc xử lý các “hộ chiếu lưỡi bò” đã xảy ra từ ngày nào, có phải chỉ từ 23/11 như báo đưa hay không? Nếu chỉ từ 23/11 thì liệu đã bỏ lọt, đóng dấu công nhận cho bao nhiêu ngàn, vạn tấm hộ chiếu tương tự?

Hơn nữa, mới đề cập tới 2 cửa khẩu, mà đã có sự bất nhất trong xử lý. Ở Lào Cai thì “đóng dấu hủy” hộ chiếu và “đóng dấu thị thực vào giấy thông hành rời”. Còn ở Móng Cái thì “chỉ cấp thị thực rời”, nhưng lại không nói có hủy các “hộ chiếu lưỡi bò” hay không.

Hãy nhìn sang Ấn Độ mà xấu hổ và đáng ngờ cho giới chức trách nhiệm ở VN. Theo báo đưa tin, Ấn Độ đã tính trước từ khá lâu, đã in sẵn tấm visa rời có hình bản đồ nước này xác nhận chủ quyền lãnh thổ mà phía TQ vẫn tranh chấp. Phải chăng chính quyền VN không biết trước và đã không tính phương án đối phó tương tự như họ, hay là đã biết, đã bàn, nhưng rồi không thống nhất, cố tình để cho tình trạng lúng túng đến vậy?

Và, một tin tối qua không thể không điểm lại, để nói tới sự tương phản trong thái độ và hành động của giới cầm quyền, một bên là với người dân nước mình, một bên là với kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc: Diễn tập trấn áp bạo loạn (VNE). Trong khi lúng túng, mập mờ trước hành động xâm phạm chủ quyền vô cùng nghiêm trọng của ngoại bang bành trướng, thì họ lại rất bài bản, công phu và hiểm độc, từ nhiều năm qua tìm mọi cách lập lờ gắn hàng vạn cuộc khiếu kiện của người dân lành khốn khổ vì bị chính bộ máy tham nhũng của họ cướp đất với những hoạt động vũ trang khủng bố tàn bạo từng xảy ra trên thế giới, nhưng chưa bao giờ có và hầu như khó có thể xảy ra ở VN. Không thể nói hết mức độ nguy hiểm, tàn bạo với dân tới đâu khi gắn hai hiện tượng hoàn toàn khác, trái ngược nhau này lại làm một!





No comments:

Post a Comment

View My Stats