Tuesday, 13 November 2012

KHI PHỤ NỮ ĐẤU TRANH CHO NHÂN QUYỀN (Khánh An - RFA)




Khánh An, phóng viên RFA
2012-11-13

Tạp chí Café Wifi kỳ này sẽ cùng thảo luận về chủ đề: “Phụ nữ với đấu tranh nhân quyền”.

Khánh An chào đón mọi người đến với chương trình Café Wifi. Trong chương trình hôm nay, nhân sự kiện ba người mà Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam vừa chọn để trao giải nhân quyền năm 2012 là chị Phạm Thanh Nghiên, chị Tạ Phong Tần và Huỳnh Thục Vy, một điều tình cờ là cả ba người được trao giải năm nay đều là phụ nữ cả, Khánh An không thể mời được chị Tạ Phong Tần vì chị đang phải chịu mức án tù 10 năm, cho nên ngày hôm nay chỉ có thể có sự hiện diện của chị Phạm Thanh Nghiên và bạn Huỳnh Thục Vy.
Đầu tiên, Khánh An mời hai người tự giới thiệu để thính giả dễ dàng theo dõi câu chuyện hơn.

Phạm Thanh Nghiên: Vâng, xin cảm ơn chị Khánh An. Phạm Thanh Nghiên xin có lời chào đến quý vị khán thính giả của đài Á Châu Tự Do. Xin chào Huỳnh Thục Vy và cũng chúc mừng Huỳnh Thục Vy được giải thưởng của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.

Huỳnh Thục Vy: Dạ, em Huỳnh Thục Vy từ Việt Nam xin chào chị Khánh An và tất cả thính giả của đài Á Châu Tự Do. Xin chào chị Phạm Thanh Nghiên, em rất ngưỡng mộ chị và hôm nay rất vui được nói chuyện cùng chị.

Khó khăn mài dũa con người

Khánh An: Vâng, một lần nữa Khánh An chào đón chị Phạm Thanh Nghiên và bạn Huỳnh Thục Vy đến với chương trình Café Wifi. Khánh An có câu hỏi đầu tiên với hai người là sau khi Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam công bố giải thưởng thì hai người có gặp trở ngại gì không?
Huỳnh Thục Vy: Dạ thưa em ở trong nhà hoài đọc sách, em đâu có ra khỏi cửa đâu nên cũng không biết có ai theo dõi không. Nhưng điều đó không quan trọng vì họ không đến trực tiếp làm phiền mình.

Khánh An: Vâng. Còn chị Phạm Thanh Nghiên thì sao?
Phạm Thanh Nghiên: Vâng, thưa chị Khánh An, từ hôm Phạm Thanh Nghiên nhận được tin là một trong ba phụ nữ được nhận giải thưởng nhân quyền lần này, thì vài ngày vừa rồi công an cũng có tới đây, nhưng tôi không dám khẳng định đó là do việc tôi được nhận giải thưởng nhân quyền hay không, bởi vì từ khi tôi về tới giờ hơn 1 tháng thì bên phía chính quyền và công an họ đã tới cũng gần chục lần rồi. Họ đã đưa giấy triệu tập cho tôi cả thảy là 4 lần.

Khánh An: Vâng. Cũng xin nhắc lại chút xíu cho những quý độc giả nào chưa biết đến chị Phạm Thanh Nghiên là sở dĩ vừa rồi chị nói “kể từ khi về đến nhà” là vì chị Phạm Thanh Nghiên vừa mới được ra khỏi nhà tù vào tháng 9 sau khi mãn hạn 4 năm tù giam, bây giờ là 3 năm quản chế vì những việc chị đã làm, chủ yếu là chống Trung Quốc xâm lược, gây hấn với Việt Nam. Khánh An muốn hỏi Huỳnh Thục Vy và chị là những người phụ nữa đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền chắc chắn là gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới, không biết tại sao hai chị lại lựa chọn như thế và những gì là khó khăn, trở ngại khi là một phụ nữ chọn con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền?
Huỳnh Thục Vy: Thưa chị, em nghĩ rằng hoàn cảnh khó khăn mài dũa con người. Thực tế đã chứng minh điều đó. Trong một nền văn hóa mà quan niệm “trọng nam khinh nữ” còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người Việt Nam, tất cả những ưu thế về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị đều dành cho nam giới, nhưng cuộc đấu tranh này có thể nói là cuộc đấu tranh công bằng. Nó dành cho những người có đủ bản lĩnh và can đảm và những ai có thể chịu đựng được gian khổ, có thể nói như vậy. Đó cũng là cơ hội để phụ nữ Việt Nam khẳng định vị trí của mình trong đời sống xã hội cũng như chính trị Việt Nam.

Khánh An: Còn chị Phạm Thanh Nghiên thì thế nào?
Phạm Thanh Nghiên: Vâng, tất nhiên rồi, phải thẳng thắn thừa nhận và khẳng định một điều là chế độ chính trị mà chúng ta là những người trong quốc nội đang sống là một chế độ phản dân chủ, phản nhân quyền, một chế độ độc tài toàn trị. Cho nên chỉ đơn thuần là một người dân bình thường mà để sống được lương thiện thì cũng đã là một điều khó khăn rồi, huống hồ là với những người muốn đóng góp để cải tạo, cải thiện xã hội, gọi ngắn gọn là những người hoạt động nhân quyền thì lại càng khó khăn hơn. Đối với những người hoạt động nhân quyền thì những người phụ nữ tôi nghĩ là khó khăn hơn rất nhiều. Tôi khẳng định là họ phải đối đầu với những rủi ro mà do đặc trưng giới tính của mình mang lại.
Nói về việc vì sao tôi chọn con đường rất gập ghềnh, nguy hiểm, không phải tôi đấu tranh hay làm gì đó vì muốn có một sự vinh danh hay vinh quang gì về cho mình, tôi nghĩ đây cũng là xuất phát điểm, cái tâm của tất cả những người đấu tranh nhân quyền là vì khát khao được có quyền bình đẳng như những người khác, như những người dân ở các dân tộc khác. Tôi nghĩ rằng đây là một lựa chọn hết sức chính nghĩa cho nên dù có gập ghềnh, chông gai, thậm chí có rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Nói thật, tôi ước rằng những sự vinh danh như thế này xuất phát và vinh danh chỉ những đóng góp cho quyền con người của những người được giải thôi, chứ không còn mang cả nghĩa ghi nhận những sự hy sinh, mất mát của những người tranh đấu nhân quyền nữa. Tức là gì, tôi mơ đến một xã hội tốt đẹp hơn mà những người hoạt động nhân quyền được tự do đóng góp cho xã hội, không còn bị sách nhiễu, tù đày, bắt bớ hay phải đối mặt với những bất an trong cuộc sống. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là chuyện trong tương lai thôi, bây giờ tôi nghĩ rằng tôi cũng như những anh chị em khác đang phải nỗ lực để thực hiện ước mơ đó.

Hy sinh hạnh phúc riêng tư

Khánh An: Vâng. Thường thì phụ nữ hay quan tâm đến những vấn đề gia đình, bạn bè, người thân, thì hai chị có nghĩ rằng mình sẽ bị thiệt thòi, có khi không có được những hạnh phúc rất bình thường là có chồng con, có tiếng con nít cười đùa trong nhà… khi chọn con đường đấu tranh cho nhân quyền hay không?
Phạm Thanh Nghiên: Đây là câu hỏi tôi cho rằng rất hay của Khánh An, rất ít người hỏi câu này. Tôi cũng xin trả lời chị thế này, thực ra, nếu nói về hy sinh, mất mát thì cá nhân tôi không xứng để dùng những khái niệm như vậy. Những gì mà tôi đóng góp và làm bây giờ hết sức nhỏ bé. Còn nếu nói về thiệt thòi thì tôi khẳng định là có thiệt thòi, thiệt thòi hơn so với những người bạn cùng trang lứa, những người bạn học. Có thể nhìn về mặt hình thức thì tôi thiệt thòi hơn họ bởi vì tính ra thì năm nay tôi cũng đã 35 tuổi rồi. Tuổi mụ, ở Việt Nam hay có thói quen tính tuổi âm, là 36 tuổi. Tức là theo quan niệm ở bên này thì đã rất già, không thể tính tới hoặc đã quá muộn để tính đến chuyện hôn nhân hay lập gia đình. Thường thì một phụ nữ bình thường bao giờ cũng mơ và họ có quyền, đó là một quyền rất chính đáng và rất hợp tự nhiên, là có một mái ấm gia đình để họ có thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Nhưng tôi nghĩ trong một xã hội rất đặc biệt như Việt Nam thì mình không chỉ quan tâm đến cuộc sống riêng tư mà với cá nhân tôi, tôi muốn quan tâm hơn đến những vấn đề xã hội. Chính vì thế nó đã thúc đẩy tôi làm những việc mà tôi đã và đang làm bây giờ. Trong phút chốc nào đó thì tôi cũng nghĩ rằng đây không phải là hy sinh nhưng nó cũng là một chút thiệt thòi nếu như mình chỉ lấy mục tiêu gia đình để làm cái hướng tới thì có vẻ là thiệt thòi. Tuy nhiên, tôi muốn hướng tới một thứ khác nữa là giành được quyền rất chính đáng cho bản thân mình và những người khác. Cho nên tôi nghĩ rằng nó không là một vấn đề lớn trong sự lựa chọn của tôi. Tôi vui mừng vì tôi đã tìm ra con đường mà tôi đang đi, lý tưởng mà tôi đang sống và đó là điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời của tôi.

Khánh An: Tuyệt vời! Nghe những lời nói của chị thì quả là không phải người phụ nữ nào cũng làm được như thế. Huỳnh Thục Vy, nhân đây Khánh An cũng muốn chúc mừng Huỳnh Thục Vy vừa lên xe hoa, có một mái ấm riêng của mình. Khi được nếm một tí hạnh phúc riêng tư như thế, Huỳnh Thục Vy có khi nào có cảm giác sợ mất đi cái hạnh phúc này hay không?
Huỳnh Thục Vy: Dạ thưa chị Khánh An, thưa chị Nghiên, trước tiên cho em được chia sẻ sự ngưỡng mộ về câu trả lời rất tuyệt vời của chị Nghiên. Em cảm thấy mình nợ những người đã phải hy sinh, đã phải chịu gian khổ, một điều gì đó.
Khi nói về hy sinh gian khổ thì không có hy sinh gian khổ nào bằng những người đã đấu tranh trong thế hệ đầu tiên sau năm 1975. Những người đấu tranh ôn hòa ấy em đã được nghe ba kể rất nhiều. Khi phải chịu một cái bất công nào đó từ nhà cầm quyền, em luôn nghĩ tới những người này rất nhiều và điều đó đã giúp em, đã cổ vũ em rất nhiều trong việc giữ cho em vững niềm tin và bản lĩnh để tiếp tục viết bài. Công việc của em chỉ đơn giản là viết bài nói lên quan điểm cá nhân về hiện tình đất nước, xã hội hay chính trị. Cho nên em cũng chưa phải chịu nhiều đắng cay, khó khăn mà chế độ này gây ra.
Hôm nay em đã có được một mái ấm gia đình, em cảm thấy em may mắn hơn nhiều người. Em đã lập gia đình khi mình còn trẻ tuổi. Nhưng em nghĩ rằng, chị Nghiên biết không, chị vẫn còn rất “phong độ” để theo đuổi hạnh phúc cho riêng mình. Em nghĩ không bao giờ là muộn hết. Em mong điều tốt đẹp nhất đến với chị.
Trở lại câu hỏi của chị Khánh An là em có sợ mất đi hạnh phúc đang có không thì em nghĩ là không, vì khi mà đã quyết định làm điều gì đó thì mình làm tới cùng. Hơn nữa, em có một cái may mắn là em có một người chồng chia sẻ với em trong mọi suy tư, mọi giá trị mà em tin là đúng. Anh ấy chấp nhận tự nguyện và rất vui lòng khi được cùng sát cánh với em trải qua những khó khăn. Em nghĩ rằng nếu em phải chịu gian khổ, tù đày thì anh ấy sẽ cùng em trải qua những ngày tháng đó. Em tin điều đó.

Khánh An: Lại là một sự tuyệt vời nữa! Vì Mạng Lưới Nhân Quyền chỉ trao giải cho người trực tiếp đấu tranh, chứ nếu họ trao giải cho thân nhân thì chắc Khánh An cũng xin đề nghị họ trao tiếp một giải phụ cho chồng của Huỳnh Thục Vy. Nói đùa thôi, Khánh An một lần nữa chúc mừng chị Phạm Thanh Nghiên, bạn Huỳnh Thục Vy và chị Tạ Phong Tần hiện nay chắc cũng đang khó khăn lắm trong nhà tù với nỗi đau không được gặp mẹ khi mẹ chị đã tự thiêu và mất vào mấy tháng trước. Khánh An cám ơn và chúc mừng cả ba người, ba nhân vật nữ của chúng ta đã được nhân giải nhân quyền của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.






No comments:

Post a Comment

View My Stats