Saturday 3 November 2012

HỌA SĨ & NHÀ VẬT LÝ : PHỎNG VẤN NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG (Nguyen Dinh Dang's Blog)




02/11/2012

RIKENETIC – nội san của viện nghiên cứu vật lý và hoá học Nhật Bản
RIKEN – phỏng vấn Nguyễn Đình Đăng.
2/11/2012


Ông vừa trưng bày một bức tranh trong một cuộc triển lãm uy tín tại Nhật. Làm thế nào mà ông tham gia? Trong nhóm có các hoạ sĩ nước ngoài nào khác không?
NĐĐ: Đó là triển lãm thường niên lần thứ 48 của Hội Mỹ thuật Chủ Thể (主体美術協会) – một trong khoảng 30 hội mỹ thuật hàng đầu tại Nhật. Hội có chừng 150 hội viên. Tôi là hội viên nước ngoài duy nhất. Từ năm 2003 tôi bắt đầu tham gia vào các triển lãm thường niên này, diễn ra từ 1 tới 16 tháng 9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Trung ương Tokyo tại công viên Ueno. Năm 2005 tôi được bầu làm hội viên.

Bức tranh ông triển lãm có tên là “Reflection”, có vẻ như một thế giới trong gương. Ông có thể mô tả bức tranh và ông định biểu hiện gì không?
NĐĐ: “Reflection” vừa có nghĩa là hình ảnh phản chiếu trong gương lại vừa có nghĩa là suy nghĩ. Trong bức tranh này, tôi vẽ thế giới trong gương hiện ra như thế giới “thực”, trong khi thế giới đối diện với nó, tức thế giới của chúng ta, trở thành hình ảnh ngược, thành thế giới “ảo”. Thực tại là gì? Liệu đó có phải “chỉ đơn thuần là một ảo giác, cho dù là một ảo giác rất dai dẳng”, như Einstein từng nói? Điều này cuối cùng đưa ta đến câu hỏi nổi tiếng cùa Pontius Pilate: “Quid est veritas?” (Chân lý là gì?), mà gần hai ngàn năm qua vẫn chưa có câu trả lời.
Trong bức tranh này còn có một người phụ nữ cầm cây nến, nhìn vào trong gương, vào trong tâm mình, và nhìn vào cả chúng ta. Bóng tối có những con dơi bay vây quanh người phụ nữ. “Hãy làm ngọn đèn rọi sáng chính mình” là lời Đức Phật nói khi các đệ tử hỏi ai sẽ là thầy họ sau khi ngài qua đời.

Reflection
sơn dầu, 162 x 194 cm


Một câu hỏi chung, theo tôi, là một nhà vật lý, ông đi theo con đường của phát hiện. Ông muốn phát hiện cái gì và cái gì là động lực thúc đẩy ông?
NĐĐ: Động lực tối cao đối với tôi là sự tò mò, để đạt được niềm sung sướng cao quý nhất – niềm sung sướng của hiều biết, như Leonardo da Vinci có lần nói.

Và, là một nghệ sĩ, tôi cho rằng ông muốn biểu hiện một cái gì đó. Ông có thể mô tả nó được không, và liệu nó cũng có yếu tố của một phát hiện nào đó không?
NĐĐ: Nghệ thuật đơn thuần chỉ biểu hiện tâm trạng. Tôi vẽ bằng trực giác, khi tôi có một ý tưởng dai dẳng nào đó. Trong quá trình vẽ tôi thường ngạc nhiên vì năng lực vô tận của nghệ thuật. Đối với tôi, một bức tranh hoàn thành cũng giống như một vật sống, tự nó bức xạ. Người xem, tùy theo nền văn hoá và học vấn, trải nghiệm sống, và nhân cách, tìm thấy cách diễn giải riêngg của mình khi xem cùng một bức tranh. Tôi cho rằng điều quan trọng đối với người xem không phải là biết hoạ sĩ nghĩ gì hay muốn nói gì, mà là bức tranh đó đã gây ấn tượng thế nào cho chính mình, có hé mở điều gì cho tâm hồn mình hay không.

Liệu việc đeo đuổi nghệ thuật của ông có giúp trong tìm hiểu khoa học một cách trực tiếp hay gián tiếp không?
NĐĐ: Chắc chắn rồi. Khi vẽ tôi hoàn toàn quên hẳn vật lý, và ngược lại. Điều này giúp xả rất nhiều stress và giữ cho trí tuệ của tôi luôn trong sáng.

Nếu ông buộc phải chọn giữa sự nghiệp vật lý và hội họa, mà kiểu gì cũng vẫn có thu nhập, thì ông sẽ chọn cái gì?
NĐĐ: Tôi sẽ vẫn chọn cả hai. Tôi sẽ có thu nhập kép!

Cái gì khiến ông trở thành nhà khoa học? Có ví dụ gì trong thời niên thiếu mà ông nhớ về chuyện này không?
NĐĐ: Trí tò mò. Khi còn học phổ thông tôi giỏi toán và vật lý. Tôi thường học toàn bộ chương trình toán của năm tiếp theo trong 3 tháng nghỉ hè, và tôi thích đọc bộ sách “Vật lý vui” của Yakov Perelman.

Ông là người từ Việt Nam và đã sống tại Nhật khá lâu. Cái gì đã đưa ông tới Nhật và tới RIKEN?
NĐĐ: Tôi tới Nhật 18 năm về trước với tư cách một người nghiên cứu của quỹ tưởng niệm Nishina (Nishina Memorial Fellow) làm việc tại viện nghiên cứu hạt nhân thuộc Đại học Tổng hợp Tokyo. Sau đó GS Akito Arima, khi đó là chủ tịch RIKEN, đề nghị tôi chuyển tới RIKEN để hợp tác với ông trong nghiên cứu cộng hưởng Gamow-Teller. Từ đó tôi làm việc tại RIKEN, trừ một giai đoạn làm khoa học gia cao cấp của hội thúc đẩy khoa học Nhật Bản (senior visiting scientist of Japan Society for the Promotion of Science) trong 10 tháng vào năm 1998 tại Đại học Tổng hợp Saitama. Tôi đã cộng tác với GS Arima trong 9 năm, kể cả sau khi ông thôi chủ tịch RIKEN để làm bộ trưởng Giáo dục – Khoa học, rồi sau đó làm giám đốc quỹ khoa học Nhật Bản. Tôi đã công bố hơn 30 bài báo cùng GS Arima.

Ông thấy thế nào khi làm nhà nghiên cứu ở RIKEN?
NĐĐ: Đây là chỗ tốt nhất mà tôi từng làm việc trong toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu khoa học của tôi.

Dịch từ nguyên văn tiếng Anh:
“Painter and physicist: Interview with Nguyen Dinh Dang”

RIKENETIC, Issue of November 2012.


Các bài viết mới nhất





No comments:

Post a Comment

View My Stats