24-11-2012
Đảng xem “dự thảo sửa đổi Hiến Pháp mới”, gạch đít tô đỏ
điều 4 phê vào 2 chữ “giữ nguyên” rồi “vung tay”. Quốc Hội thấy thế cũng
im lặng gật đầu “khoanh tay”. Nhà nước hiểu ý, chi ngân sách “mạnh tay”.
Bộ thông tin văn hóa in ấn phiếu “đồng ý” “liền tay”. MTTQ rôm rả
hè nhau ôm xuống phát cho dân, trợn mắt “chỉ tay”. Nhân dân “rùng mình”
đành nhắm mắt “xuôi tay”. 700 tờ báo, truyền thanh truyền hình thi nhau
“vỗ tay”. Bộ Ngoại Giao công bố với Quốc tế, “Nhân dân ta” ký phiếu
“đồng ý Hiến Pháp” mới 99% bằng cả “hai tay”!?... Còn trong các trại giam
đột biến tăng lên số “can phạm” can tội tuyên truyền chống phá sửa đổi Hiến
Pháp “phá hoại khối đại đoàn kết” CHXHCN/VN - bị còng cả “hai tay, hai chân”!...
*
Trong tiến trình phát triển hoàn
thiện nền văn minh, một trong những “công cụ” rất quan trọng và cần thiết do
con người “phát minh” từ tư duy của mình là Pháp Luật và Công Lý. Công cụ này
tương đối trực tiếp mang lại hiệu quả cho trật tự và công bằng với mọi người ở
mọi lãnh vực để tất cả dành toàn tâm toàn ý hướng đến và tạo nên các thành tựu
“chân thiện mỹ” ngày hôm nay cho từng cá nhân và cộng đồng phục vụ nhân loại.
Nhưng có một thứ quí giá khác mà
giá trị là ngàn lần hơn, bởi từ đó đã sinh ra Pháp Luật Công Lý và bảo vệ cho
hai điều này luôn được “mạnh khỏe, vô tư”, trong vai trò của nó, đó chính là
Hiến Pháp.
Đồng bào chúng ta cũng như tất cả
nhân loại thế giới đều biết, Hiến Pháp là một văn bản “khế ước xã hội”
tổ chức ra đời sống chính trị, là đạo luật “gốc”, “luật của các đạo
luật”, là rường cột cơ sở của một đất nước, đặt nền tảng pháp lý cho một
quốc gia. Có sự đồng thuận của toàn dân về tất cả các điều khoản ghi trong Hiến
Pháp; Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bản pháp luật khác phải
phù hợp với Hiến pháp, không được mâu thuẫn hay đặt lên trên Hiến Pháp.
Để “Khế ước xã hội” này đáp
ứng được yêu cầu phổ quát nhân bản văn minh tiến bộ, Hiến Pháp cần phải định rõ
các nguyên tắc:
- Công bằng, bình đẳng (Không phân
biệt, ý thức hệ tư tưởng).
- Pháp Quyền (Quyền lợi quốc gia và
cá thể Hợp Pháp).
- Nguyên tắc tiến bộ (Phù hợp với
công ước và công pháp quốc tế).
- Nguyên tắc đồng thuận (Tự nguyện,
dân chủ, không bị áp đặt).
Tại Việt Nam, kể từ khi CSVN du
nhập chủ nghĩa cộng sản, ông HCM thành lập nước Việt Nam “dân chủ” cộng hòa
(không biết vì sao sau đó xóa bỏ từ “dân chủ” - đảng CS dành làm “chủ”
chăng?đổi lại là CHXHCNVN) đến nay có 4 bản Hiến pháp: Hiến pháp 1946, 1959,
1980, 1992.
Việc thay thế sửa đổi các điểu
khoản của Hiến Pháp trong từng thời kỳ để thích nghi theo điều kiện xã hội là
chuyện bình thường như mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên để một bản Hiến
Pháp có giá trị lâu dài, thì lần sửa đổi mới phải khác biệt tương phản rõ ràng
với các điều khoản lạc hậu cũ, nhất thiết cho phù hợp với trào lưu dân chủ tiến
bộ của cộng đồng thế giới, có sự tham gia sâu rộng từ mọi thành phần trong toàn
dân bằng sự “quang minh chính đại” của nguyên tắc: Dân chủ, bình đẳng, phổ quát
và đồng thuận.
Nhân vô thập toàn, Hiến Pháp không
thể do một cá nhân hay nhóm người, hoặc đảng phái nào đó nhân danh bất cứ điều
kiện nào để “định hướng” áp đặt, đây là điều kiện phổ quát mà đa phần mọi quốc
gia văn minh trên thế giới đều tuân thủ làm điều kiện cốt lõi tiên quyết trong
“Lập Hiến, Lập Pháp). Quỹ thời gian của con người kéo theo trách nhiệm là có
hạn, quốc gia đại sự mới bất biến, duy nhất chỉ có toàn dân mới tổng hợp được
“trí tuệ” cao, sâu và rộng nhất, chịu trách nhiệm trực tiếp với chính dân tộc
tổ quốc mình. Nhà nước, đảng phái được “ủy nhiệm” từ nhân dân cầm quyền lãnh
đạo chỉ có thể bằng trách nhiệm của mình tuân thủ Hiến Pháp, tuyệt đối trong
quang minh chính đại, làm gương cho toàn dân chứ không thể lợi dụng quyền lực
câu kết, bè phái, đảng nhóm cầm “dao kéo” can dự vào việc “giải phẫu lâm sàng”
cấy ghép, chắp vá Hiến Pháp cho mục đích quyền lực hay quyền lợi riêng tư. Đó
là điều kiện cốt lõi, độc lập của ngành Lập Pháp. Để Hiến Pháp phải chính danh,
xác lập từ “trí tuệ” đồng thuận của toàn dân tộc Việt Nam chứ không thể từ
khuynh hướng một quyền lực nào khác áp đặt lập nên.
Hiến Pháp tối quan trọng là vậy nên
phải được bảo vệ (bởi các thể chế Bảo Hiến). Đa phần trên thế giới, các quốc
gia văn minh trân trọng tự do dân chủ đều có các Tòa án Hiến Pháp, Tòa Bảo Hiến
hay cơ quan chuyên trách “Tài Phán” độc lập mang sứ mệnh chính trị thiêng liêng
là “ngăn chặn ngay tức khắc” các hành vi lạm dụng quyền lực cố tình hay vô ý
“Vi Hiến” (vi phạm các điều khoản của Hiến Pháp). Đơn cử vài trường hợp đặc
trưng:
Tổng thống Iran ra tòa vì “vi Hiến”
Ngày 02/06/2011, Quốc Hội Iran đã
bỏ phiếu để đưa Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad ra tòa vì ông này vi phạm Hiến
Pháp, đã “tự bổ nhiệm” làm Bộ trưởng Dầu mỏ. Quyết định trên được thông qua với
165 phiếu thuận, 1 phiếu chống, 24 thành viên còn lại bỏ phiếu trắng trong Quốc
Hội Iran.
Thông báo từ Quốc hội Iran, hành
động nói trên của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã vi phạm Hiến Pháp. Còn theo
lập luận của các nghị sĩ, hành động trên được coi là lạm dụng chức quyền và vi
phạm nghiêm trọng các quy định trong Hiến Pháp. Họ cho rằng, ông Mahmoud
Ahmadinejad thực hiện những việc này mà không có sự phê chuẩn của Quốc Hội là
hành động vi Hiến, lạm dụng chức quyền, qua mặt nhân dân. Tự bổ nhiệm mình vào
vị trí Bộ trưởng Dầu mỏ cũng có nghĩa là Tổng Thống đã tự phong chức cho mình
là người đứng đầu Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bất hợp pháp,
(vì năm 2011 Iran đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên OPEC) (baomoi. com)...
Tương tự, một trường hợp khác, láng
giềng Việt Nam trong Asean:
Thủ tướng Thái Lan “vi Hiến” phải
từ chức
Sau 2 lần trì hoãn, vào lúc 3h40
chiều (9/9/2008), Tòa Hiến Pháp Thái Lan đã kết luận chính thức Thủ tướng Samak
Sundaravej “vi Hiến” khi chủ trì hai chương trình “nấu ăn” trên truyền hình.
Tất cả 9 thẩm phán tòa Bảo Hiến đều có mặt không phủ quyết lúc bản án được đọc.
Với bản án trên, ông Samak đã phải
từ chức Thủ tướng. Theo Hiến pháp Thái Lan, một vị Thủ tướng không được phép
nắm giữ hay tham gia bất kỳ một vị trí nào trong một hiệp hội, công ty hoặc một
tổ chức đang hoạt động kinh doanh với ý định chia sẻ lợi nhuận hoặc thu nhập,
hoặc làm công cho người nào đó. (rfa.org).
Suy ngẫm, dù hành vi của vị Thủ Tướng
Thái Lan không gây thiệt hại hay bất lợi cho Quốc Gia nhưng đó là nguyên tắc
qui định từ Hiến Pháp, nên vị Thủ Tướng này vẫn phải rời chức vụ sau phiên tòa
vì hành vi “Vi Hiến” ấy. Không biết đồng bào nhân dân chúng ta sẽ có cảm nghĩ
ra sao khi so sánh Ông Thủ Tướng 3D cũng là đồng chí “X” của xứ mình với hoàn
cảnh của 2 “can phạm” loại VIP số 1 của quốc gia Iran và Thái Lan phải ra hầu
tòa Bảo Hiến nói trên vì tội Vi Hiến?
Tính nghiêm khắc, tuyệt đối không
ngoại lệ của “Pháp bất vị thân” trong hành vi “Vi Hiến” tưởng chừng là nguyên
tắc “bất di dịch” đảm bảo gương mẫu, trong sạch lành mạnh trong trật tự kế thừa
rất cần thiết cho hàng lãnh đạo thượng tần cấu trúc mọi quốc gia. Tuy nhiên,
dưới chế độ CS/XHCN/VN thì Quốc Hội cũng như “đảng ta” chưa bao giờ chứng minh
được công thức “Vàng” kỹ trị đó phát huy công khai trước nhân dân Việt Nam và
công luận quốc tế, dù khiêm nhường chỉ một lần. Bởi tính đến thời điểm hiện nay
chắc chúng ta không ai bác bỏ cái danh hiệu “Vua Vi Hiến” của “thủ tướng 3D”.
Nếu liệt kê thì mục lục dài lắm, lựa vài cái nổi bật “vi Hiến” mà nếu như là ở
2 quốc gia Thái Lan hay Iran thì Thủ Tướng Dũng, một là phải ra tòa nhận án vào
nhà tù “đếm lịch” hay, hai là, dứt khoát phải mất chức về “lau nhà” cho vợ lâu
rồi.
Điều 69 Hiến Pháp 1992 ghi rõ ràng
quyền của công dân: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền
được thông tin, quyền hội họp, biểu tình theo qui định của pháp luật”.
Tự Do Ngôn Luận lập hội là như thế
này: Viện Nghiên cứu Phát triển IDS
(Institutes of Development Studies - IDS) viết tắt là IDS là một viện nghiên
cứu chính sách tư nhân độc lập đầu tiên hình thành đăng ký hợp pháp đang hoạt
động đúng pháp luật Việt Nam. Thì bỗng nhiên nhận được Quyết định 97 ngày
24-7-09 (có hiệu lực ngày 15-9) của ông Thủ tướng Dũng ký quy định: “Nếu có
ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước cần
gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được
công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học
công nghệ”. Nếu thế thì còn gì là “tự do ngôn luận. Nếu IDS phản biện sai
thì đã có Pháp Luật. Sao lại cấm và dựa vào cơ sở nào cho hợp Hiến để ra qui
định như vậy? Ngày 14/09/2009, Tập thể hội đồng Viện IDS đã quyết định giải tán
Viện để phản đối quyết định số 97/2009/QĐ vì hành vi “Vi Hiến” của ông Thủ
Tướng CP/nhà nước CS/VN.
Tự Do Báo Chí là như thế này: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn
tuyên bố: Chúng ta (chế độ CSXH/CN) không chấp nhận việc để tư nhân núp bóng
báo chí hoạt động Xuất bản báo chí tư nhân!?
Chính điều này đã chễm chệ ngồi
trên điều 69 của Hiến Pháp rồi. Nó cực kỳ phi lý, luật pháp đã có đầy đủ, thì
việc báo chí xuất bản tự do là quyền của người dân theo qui định của Hiến Pháp,
tờ báo nào hoạt động nội dung sai trái thì đã có Pháp Luật, sao lại “sợ” và sợ
“gì” để ngăn cấm?
Rõ ràng “nhà nước đảng” này tự kỷ
ám thị “một nổi sợ vô hình” còn hèn mạt hơn “Thực Dân Pháp” Hậu quả cho đến nay
cả nước không có bất cứ tờ báo tự do của tư nhân nào – So với hơn 30 tờ báo
được tự do xuất bản của nhân dân dưới thời thực dân Pháp đô hộ Việt Nam cách
nay gần 1 thế kỷ trước!? Đây là hành vi trắng trợn “Vi Hiến” khá là “hài hước”
!?
TS/Cù Huy Hà Vũ gửi đơn kiện Nguyễn
Tấn Dũng TT/CHXHCN/VN về việc ký quyết định cho Trung Quốc khai thác bauxit ở
Tây Nguyên , quyết định phê duyệt dự án này không thông qua Quốc Hội ông
TT/Dũng đã vi phạm pháp luật Việt Nam, trong đó có luật bảo vệ môi trường, luật
bảo vệ di sản văn hóa, luật quốc phòng, và luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật.
Kết quả Tòa Án ND Hà Nội đã trả lại
đơn kiện cùng các tài liệu đi kèm với lý do "tòa án không có căn cứ
pháp lý để thụ lý và giải quyết đơn khởi kiện này", "theo quy định
Tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết các vụ kiện hành chính liên quan từ Bộ Trưởng
trở xuống". (Pháp Luật CHXH/CN/VN hình như không có luật cho phép xét
xử Thủ Tướng “Vi Hiến” !?)
Tuy nhiên cũng thật “buồn cười” đến
ngày 5/11/2000, TS Hà Vũ lại “tự nhiên” bị bắt tại một KS TP/HCM với 2 cái bao
cao su đã qua sử dụng rồi từ 2 bao cao su đó nó chảy ra thành hành vi “tuyên
truyền chống nhà nước XHCN/VN theo điều 88 Bộ luật hình sự”. Đây là sự Vi
Hiến một lúc nhiều điều khoản liên tiếp của Hiến Pháp, có tổ chức, công khai
trước mắt Quốc Hội, Công Luận và Nhân dân. Có điều “hài hước” trong phiên tòa
phúc thẩm, luật sư bên bị cáo yêu cầu tòa trưng ra vật chứng 2 bao cao su đã
qua sử dụng có ghi trong biên bản hồ sơ. Quan tòa quay mặt nơi khác trả lời:
Không cần thiết!? Dù theo luật định, bắt buộc phải trưng ra.
Còn công dân có quyền “biểu tình”: Như thế nào thì cả nước đều biết hết rồi, những cuộc
biểu tình của đồng bào, nhân sĩ “yêu nước chống TQ xâm lược”, “Nhà nước, đảng”
công khai đàn áp chà đạp nhân phẩm công dân, như phóng uế thẳng vào “Hiến Pháp”
mà công luận trong và ngoài nước đã chê cười lên án khắp nơi.
*
Riêng đảng CSVN (những v/v gần đây
nhất) trực tiếp là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước Quốc Hội 2 lần như
“tè” thẳng vào Hiến Pháp và Pháp Luật. Lần thứ nhất trong cương vị CT/QH (dù
v/v Vinashin đang trong quá trình điều tra) ông công khai “truất quyền” Hiến
Pháp và Pháp Luật tuyên bố với Quốc Hội “vụ việc Vinashin xét thấy không cần
thiết kỷ luật một ai”!? Lần thứ 2 là TBT/đảng, sau đại hội BCH/đảng vừa
qua, một lần nữa ngồi trên Hiến Pháp và Pháp Luật khi nắm rõ các bản chất vi
phạm pháp luật của “đối tượng” vẫn tuyên bố “không kỷ luật đồng chí “X”!?.
– Ông TBT/đảng CSVN nhân danh điều 4 Hiến Pháp độc tài quyền lực, nhân danh một
nhóm người trong BCT/đảng CSVN đạp lên đầu” 85 triệu đồng bào, cử tri, Hiến
Pháp và QH. Ông TBT đảng thẳng thừng “tè” vào qui định của Hiến Pháp “nhà
nước và đảng CSVN hoạt động trong khuôn khổ của Pháp Luật qui định” mà Hiến
Pháp và Pháp Luật không hề thấy qui định điều khoản nào cho phép một cá nhân
hay đảng phái “Vi Hiến” tung hoành “chém gió” rất giang hồ phi pháp thiếu liêm
sĩ và lòng tự trọng như vậy!?.
Tất cả các trường hợp nói trên cũng
như hàng ngàn trường hợp bắt bớ tù đày công dân vô tội vạ khác là hành vi “vi
phạm Hiến Pháp” liên tục cho một mục đích không quang minh chính trực rất rõ
ràng và nghiêm trọng mà mọi người nói cho vui nhưng rất chính xác, ông Thủ
Tướng và “nhà nước, đảng” CS này “được mùa” gặt hái “vi Hiến” không còn chỗ nào
để đựng cho hết. Bởi “Hiến Pháp” CHXH/CN/VN do đảng CS lãnh đạo “không có” và
cũng “không cần” cơ quan nào “Bảo Hiến”. Nó như “chiếc xe” không có bộ phận
“thắng” nhà nước đảng “ta” tha hồ lái theo yêu cầu mục đích chính trị quyền lợi
của đảng. Quốc Hội thay vì chức năng là phải chận lại thì củng “leo lên cùng
ngồi lái cho vui” bởi hơn 90% ĐBQH là đảng viên CS dưới quyền.
Một hình dung chính xác khác mà
đồng bào chúng ta có thể dễ nghiệm suy và nhận diện mà không sai lệch: “nhà
nước, đảng” CSVN hiện nay như con ngựa bất kham không có dây cương và cái roi
hiệu quả của “Hiến Pháp” răn đe điều khiển, (như các quốc gia dân chủ trên thế
giới). Vì thế nó tung hoành sải vó tự do trở về với bản chất “hoang dã” gốc gác
từ loài thú “hoang dại” của chính nó. Chúng ta cứ khái quát “điểm danh” trình
tự các sự kiện tiêu cực, tham nhũng, bạo quyền đàn áp trong tình hình kinh tế,
tài chính, đất đai, nhân quyền, chính trị, xã hội hiện nay sẽ thấy nó rất gần
với nhận xét này.
Hiến Pháp mỗi quốc gia có thể khác
biệt một số điều khoản do tính đặc thù khác biệt khách quan (phong tục tập
quán, tôn giáo). Tuy nhiên khác biệt về ý nghĩa chính trị và nhân quyền là điều
không thể. Làm thế nào giải thích cho quang minh chính trực? Đơn cử từ thực tế
như nói trên: khi quyền “tự do ngôn luận” của công dân là quyền phổ quát mà tất
cả các quốc gia đều ghi trong Hiến Pháp, nhưng “nhà nước, đảng CSVN” lại ngăn
cấm mọi công dân xuất bản “báo chí tự do” (không giống như đa phần các quốc gia
khác). Hay tồi tệ hơn: biểu tình là quyền “hợp Hiến”, yêu nước là nghĩa thiêng
liêng, nhưng công dân VN đã và sẽ “trả giá” cho điều này, nếu muốn thể hiện
điều đó . Thật mai mỉa, quyền “biểu tình” cũng như “tự do ngôn luận” của công
dân là khẳng định hợp Hiến, nhưng hơn 2/3 thế kỷ, qua 4 lần “sửa đổi” Hiến
Pháp, nó rất quan trọng đến nỗi CSVN không thể xóa bỏ, vẫn hiện diện trong đó
nhưng không được cụ thể hóa bởi hành vi ngăn chặn từ một “nhà nước, đảng” tự
nhận là, của, do và vì dân. Hiến Pháp văn bản cao quí giá trị nhất của một quốc
gia nhưng đối với CSVN vẫn không hơn một mớ giấy lộn.
Và khi mà một “đảng phái, một nhà
nước” không đoái hoài đến Hiến Pháp và “ta là Pháp Luật - Pháp Luật là ta”,
thì hành vi và nhân cách đâu khác gì một băng nhóm “đảng trộm cướp” !! .
Cần có tài phán Hiến pháp
Khẳng định Hiến pháp có giá trị
pháp lý cao nhất, mọi văn bản quy phạm pháp luật khác khi được ban hành đều
phải tuyệt đối phù hợp với các quy định của Hiến pháp, PGS.TS Đinh Ngọc Vượng,
Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng cần nhận dạng các vi phạm trong hoạt
động lập pháp, hành pháp và tư pháp ở nước ta hiện nay.
Dẫn chứng Hiến pháp 1992 có quy
định về trưng cầu ý dân, tuy nhiên, cho đến nay, theo ông Vượng, Quốc hội chưa
thực hiện quy định này, chưa ban hành Luật trưng cầu ý dân để toàn dân biểu quyết
về các vấn đề hệ trọng của đất nước. “Việc quy định của Hiến pháp không được
thực hiện vì Quốc hội đã không làm một việc (thông qua Luật trưng cầu ý dân)
cũng có nghĩa đây là “bất hành vi Vi Hiến”. (không thực hiện những điều Hiến
Pháp qui định).
Có Hiến Pháp thì phải có “tài phán
Hiến Pháp”, nếu không thì hiến pháp sẽ chỉ là những lời tuyên ngôn sáo mòn khó
có thể đi vào cuộc sống, theo GS. Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội thì
mô hình cho Việt Nam có thể là thành lập một Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo
vệ hiến pháp. Tòa án Hiến pháp sẽ nhân danh hiến pháp để phán xử. Tòa án hiến
pháp do Hiến pháp quy định thành lập và tồn tại “độc lập”, không phải là một
tòa chuyên trách nằm trong hệ thống tòa án tư pháp thông thường như tòa hình
sự, hay tòa dân sự…, cũng không nằm trong Quốc hội hay Chính phủ.
Còn ông Bùi Ngọc Sơn, ĐH Quốc gia
Hà Nội Nhìn từ kinh nghiệm của một số quốc gia, cũng cho rằng: Sự thiết lập ở
Việt Nam một Tòa án Hiến pháp sẽ là một minh chứng rõ nét rằng Việt Nam từ bỏ
tụt hậu, thực sự cam kết đổi mới và hiện đại hóa hệ thống chính trị và pháp
luật, hòa nhập với thế giới, và đóng góp vào tiến trình chung của thế giới
trong việc thúc đẩy các giá trị nhân văn. (http://www.baomoi.com/Co-the-lap-Toa-an-Hien-phap/119/6678194.epi).
Tuy nhiên với các quan điểm chuẩn
mực của các vị học giả khoa bảng trung thực có trách nhiệm với dân tộc nói
trên, thì liệu nó có làm phơi bày lên cái rỏ nét đáng “xấu hổ” của “điều 4 Hiến
Pháp” hiện nay, một thứ tư duy lạc hậu “hoang dã” phi dân chủ của phường “giá
áo túi cơm” nghèo nàn kiến thức và nhận thức nhưng rất “giàu có” độc tài cuồng
tín giáo điều CS trước kia cốt yếu lợi dụng “giao thời” chính trị trong nước tự
bịp bợm đưa vào Hiến Pháp, đặt quyền lực và quyền lợi của đảng phái cá nhân lên
trên quyền lợi quốc gia dân tộc, ảnh hưởng kéo dài di lụy từ “điều 4 Hiến Pháp”
đến tận ngày hôm nay chưa chấm dứt, trong đó sự “Vi Hiến” thô bạo về tự do nhân
quyền của toàn dân là rỏ nét nhất trong toàn cảnh của bức tranh xã hội nhược
tiểu ảm đạm đầy gam màu xám xịt hiện nay so khu vực Asean và thế giới.
Bởi vậy, dù chưa biết được cái lộ
trình “hỏi ý kiến Nhân Dân” nó dài ngắn, ngoằn nghèo, sáng tối, hầm hố, cạm bẫy
ra sao mà chắc chắn đảng “ta” sẽ giao cho cánh tay nối dài của mình là MTTQ
“dẫn đường chỉ lối” đến cái qui trình “tham khảo hay phúc quyết” để “sửa đổi”
Hiến Pháp tới đây (trong năm 2013) Người dân có quyền tự hỏi: Ai có quyền “Sửa”
và Ai có quyền “Đổi” để bản Hiến Pháp mới, phải chính danh 100% là do toàn dân
VN xác lập.–
Không phải chỉ riêng toàn bộ nhân
dân (hơn 50 triệu người trưởng thành đủ tư duy) không có cái “mác búa liềm”
phải bức xúc tự hỏi như thế. Chính đảng viên CS/Đại Biểu trong QH cũng có cùng
ý thức trách nhiệm thiêng liêng để “bức xúc”: Trong kỳ họp thứ Tư, QH Khóa
XIII, sáng 6/11/2012, QH thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992.Theo ông Lù Văn Que – ĐB/QH chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc, Hiến
Pháp sửa đổi tới đây cần đề cập, làm rõ và cụ thể hơn. Về quyền, nghĩa vụ của
công dân, ông Que kiến nghị “nên mở rộng dân chủ trực tiếp. Dân phải được đối
thoại trực tiếp với quan chức lãnh đạo, được biểu tình”, và thậm chí “dân phải
được bầu trực tiếp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ nữa”.
Còn ĐB/QH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà
Nẵng) cho rằng, Hiến pháp năm 1946 đã có quy định: “Nhân dân có quyền phúc
quyết về Hiến pháp và các vấn đề trọng đại của đất nước” “nhà nước và QH quyết
định trưng cấu ý dân nhưng chưa có sự phân định rõ ràng quyền lực QH và Nhân
Dân. QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng không phải cao hơn quyền
lực nhân dân. (Trong dự thảo sửa đổi Hiến Pháp! Tính thuyết phục sẽ không cao.
Khi QH biểu quyết trước rồi sau đó mới tham khảo ý dân (chứ đâu phải Nhân Dân
trực tiếp “phúc quyết”!)
(daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=263212)
Liệu đồng bào nhân dân đủ mọi thành
phần trong xã hội chúng ta có đủ sáng suốt quyết tâm thể hiện trách nhiệm với
Dân Tộc và chính mình để “độc lập” xác lập, trực tiếp phúc quyết sửa đổi lại
Hiến Pháp mà không cam tâm đi theo cái lối mòn “xấu hổ” xưa cũ sau lưng những
“kẻ dẫn đường” mà không có bất cứ quốc gia Tự Do Dân Chủ nào người dân phải
nhắm mắt đi tới con đường “Lập Hiến” theo kiểu như thế này:
Đảng xem “dự thảo sửa đổi Hiến Pháp
mới”, gạch đít tô đỏ điều 4 phê vào 2 chữ “giữ nguyên” rồi “vung tay”. Quốc Hội
thấy thế cũng im lặng gật đầu “khoanh tay”. Nhà nước hiểu ý, chi ngân sách
“mạnh tay”. Bộ thông tin văn hóa in ấn phiếu “đồng ý” “liền tay”. MTTQ rôm rả
hè nhau ôm xuống phát cho dân, trợn mắt “chỉ tay”. Nhân dân “rùng mình” đành
nhắm mắt “xuôi tay”. 700 tờ báo, truyền thanh truyền hình thi nhau “vỗ tay”. Bộ
Ngoại Giao công bố với Quốc tế, “Nhân dân ta” ký phiếu “đồng ý Hiến Pháp” mới
99% bằng cả “hai tay”!?... Còn trong các trại giam đột biến tăng lên số “can
phạm” can tội tuyên truyền chống phá sửa đổi Hiến Pháp “phá hoại khối đại đoàn
kết” CHXHCN/VN - bị còng cả “hai tay, hai chân”!.
Cầu mong hồn thiêng Tiền Nhân, sông
núi phù trợ để đây không phải là nguyên bản khắc họa trước cho định mệnh sắp
sẵn bảng Hiến Pháp mới của dân tộc Việt Nam.
No comments:
Post a Comment