Thursday 8 November 2012

GS/TS NGUYỄN THANH LIÊM TỪ CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÔNG LÀ MÔN SINH (Lê Ngọc Châu)




Lê Ngọc Châu  (Munich_Đức)
11/08/2012

Lời mở đầu: Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, người mà tôi đã được hội kiến mùa Hè 2011 vừa qua tại Little Sài Gòn năm 2011 mừng Lễ Sinh Nhật Thượng Thọ 80 tuổi trong tháng 11-2012. Nhân dịp Mừng Lễ Sinh Nhật Thượng Thọ 80 tuổi của Giáo Sư tôi mạn phép phổ biến lại bài tôi đã viết năm 2010 với chủ đề "Tôn Sư Trọng Đạo".

Bài này đã được đăng trong Đặc San: "Kỷ Niệm về Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, Nhà văn Hóa Giáo Dục Nhân Bản Việt Nam" do Văn Đàn Đồng Tâm xuất bản năm 2010. Xin Nhóm chủ trương & Văn Đàn Đồng Tâm hoan hỷ cho. (LNC).

*
*

Thật là một hân hạnh cũng như bất ngờ cho riêng tôi khi nhà thơ, nhà văn Việt Hải_Los Angeles/USA viết điện thư hỏi tôi có thể viết bài ngắn về giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm.

Cái khó đối với tôi là tuy đã nghe nói rất nhiều về vị Giáo Sư (GS) khả kính này nhưng chỉ qua hình ảnh hay bài viết, tài liệu trên Internet. Tôi thiếu cái may mắn của những người từng sống ở Sài Gòn, không có cái duyên của một cậu học trò, nhất là một học sinh của trường Petrus Ký nên chưa bao giờ được nghe GS Nguyễn Thanh Liêm giảng dạy vì tôi chỉ là cậu học trò trường tỉnh trước 1975 khi còn ở Việt Nam.

Tôi cũng chẳng có cái vinh dự được biết GS khi ông ta làm Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục và Thanh Niên của Việt Nam Cộng Hoà. Rời Việt Nam (VN) sau khi xong Tú Tài II thì người thừa ủy nhiệm thứ trưởng giáo dục, tôi nghĩ lúc đó là Gs Nguyễn Thanh Liêm, ký tên cấp giấy phép cho tôi xuất ngoại du học là thẩm phán Lê Minh Liên.

Tại hải ngoại tôi quen vài người đã từng học theo học những trường một thời nổi tiếng ở Sài Gòn như trường Petrus Ký, Chu Văn An, và trường nữ thì có Gia Long, Trưng Vương vì thú thật lúc đó người Việt ở nước ngoài chẳng bao nhiêu. Công tâm mà nói, toàn là những người học rất giỏi so với cá nhân tôi, vốn xuất thân từ một trường công lập tỉnh nhỏ.

Qua đó tôi cũng nghe Giáo Sư đã đến xứ tôi (Đức Quốc) để sinh hoạt cùng với những cưu học trò Petrus Ký mà xưa GS từng là hiệu trưởng và tôi cũng biết có giáo sư Hồ Văn Thái là người đã từng dạy đàn anh, đàn chị trường tôi học tham dự mà tôi từng giao thiệp bằng thư, điện thoại nói chuyện nên muốn diện kiến một lần nhưng … không có duyên vì thế cho đến hôm nay cũng chưa có lần thưa chuyện cùng với giáo sư. Thôi thì chấp nhận vậy đi. Tuy không gặp được GS dưới danh nghĩa “Thầy trò” nhưng một an ủi nhỏ là (có lẽ) GS và tôi ít ra biết nhau qua liên mạng, lý do, GS Nguyễn Thanh Liêm qua những bài tham luận giáo sư viết có cùng chung một số phận như tôi: “số phận của người mất nước, cũng đang sống tha phương vì không chấp nhận chế độ vô nhân của cộng sản VN”.

Được biết GS Nguyễn Thanh Liêm đã từng nói chuyện với đề tài: “Nền Giáo Dục Tự Do & Nhân Bản của miền Nam Việt Nam Cộng Hoà trước 1975”. Theo kiến thức hạn hẹp của mình thì đây là một đề tài rất súc tích mà tôi thiếu may mắn để được nghe, nhưng qua đó, bằng những danh từ chọn lọc “TỰ DO & NHÂN BẢN” có lẽ tôi không lầm khi đánh giá rằng GS Nguyễn Thanh Liêm là một người có tinh thần quốc gia, chống cộng mãnh liệt!

Tôi cũng biết GS Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm là tác giả những bài tham luận rất hay, giá trị như

- Thân thế & sự nghiệp Phan Thanh Giản
- Vị Tổng Thống dân cử cuối cùng của VNCH: Ông Trần Văn Hương
- Lịch sử Gia Định
- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm nói về tác phẩm "Phan Văn Hùm: Thân Thế và Sự Nghiệp"
- Tám Hổ
- ….

Đặc biệt GS còn viết những bài bình phẩm về thơ văn mà theo tôi, GS nhận định đúng và thực tế khi viết: “Càng ngày nhân loại càng nhận thấy rằng người ta cần phải nhờ đến thi ca để cắt nghĩa cuộc đời, để an ủi mình, để duy trì sự sống. Không có thi ca, khoa học sẽ không đầy đủ, và những gì thuộc lãnh vực tôn giáo, triết lý mà ngày nay ta thấy như đã qua rồi sẽ được thay thế bằng thi ca trong những ngày sắp tới. Tương lai của thơ thật là vô biên …”

Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với GS Nguyễn Thanh Liêm qua nhận định trên. Tuy nhiên cho tôi được phép gợi ý thêm là trong giai đoạn hiện tại, trên phương diện chống cộng sản bạo tàn để đòi hỏi “TỰ DO, DÂN CHỦ và NHÂN QUYỀN cho Việt Nam khi mà súng đạn không còn là phương tiện nữa thì văn chương, thơ văn qua ngòi bút là vũ khí sắc bén nhất để đạt được cứu cánh của người Việt tỵ nạn cộng sản hải ngoại. Chính csVN rất sợ “loại vũ khí tuy đơn sơ nhưng hàm chứa sức mạnh vô biên này”!

Chưa hết, GS Nguyễn Thanh Liêm còn là nhà biên khảo giỏi. Như đã nói, trước 1975 tôi là cậu học trò trường tỉnh, một thị xã thuộc miền Trung khô cằn sỏi đá nên mù tịt về miền Nam, nhất là vùng lục tỉnh. Chỉ nghe biết Đồng Nai hay vùng đồng bằng sông Cửu Long qua giờ sử địa nhưng nào có biết vùng này tròn méo ra sao vì thú thật, là dân đi ban B nên tôi chúa lười học bài …Ngoài môn Việt văn tôi không thích cho lắm và kém thì sử địa, vạn vật là những môn vì phải “gạo bài” nên ghét cay ghét đắng. Cả sinh ngữ cũng chẳng ưa mấy mà giờ nghĩ lại thì đây là khuyết điểm lớn. Vì thế nhờ đọc các bài GS Liêm viết giới thiệu về “Vĩnh Long, về vùng Đồng Nai” thì kiến thức của mình mới mở mang thêm một tí.

Nói đến đây cho tôi nhắc lại một kỷ niệm nhỏ duy nhất mà tôi tình cờ có được với GS Liêm trong quá khứ. Số là cách đây vài năm tôi có viết bài tài tử đóng góp cho Đặc San của chúng tôi với đề tựa “ Qui Nnơn, tôi và kỷ niệm học trò “ và sau khi Nội San phát hành tôi đã nhờ phổ biến qua vài tờ điện báo thì nếu nhớ không lầm GS Liêm viết thư cho tôi hỏi có thể sử dụng để đăng trong tờ “ Đặc San Đồng Nai “ do GS phụ trách. Đây là một hân hạnh bất ngờ dành cho mình nên tôi đã hồi âm thưa xin giáo sư tự nhiên.

Gần đây, khi thấy tên giáo sư đứng trong Uỷ Ban Đặc Nhiệm chống văn công Việt cộng tại Nam CaLi tôi lại càng thán phục sự can đảm và lập trường chống cộng dứt khoát của GS Nguyễn Thanh Liêm hơn, dưới cái nhìn của một người tỵ nạn chính trị mà tôi nghĩ chắc có điểm tương đồng cùng giáo sư là cả hai chưa về VN du lịch sau 1975, kể từ khi đặt chân lên xứ người với tư cách là người tỵ nạn cộng sản!

Thay cho lời kết:

Tôi tuy chưa học với giáo sư giờ nào cả nhưng những vị Thầy của tôi khi còn ở Việt Nam là bạn của GS nên cho tôi được phép gọi giáo sư là Thầy. Tôi nghĩ không những là Thầy trên lãnh vực văn hoá, giáo dục mà còn ngay cả phương diện chính trị nữa.

Vâng, giáo sư cũng là bậc Thầy của tôi trên lãnh vực tranh đấu đòi “Tự Do, Dân Chủ & Nhân Quyền cho Việt Nam” qua việc làm cụ thể của mình.

Giáo sư đã chứng tỏ cho “em” thấy ngoài đức tính khiêm nhường vì cho đến nay tuy chẳng ồn ào nhưng dám làm, còn thêm cái “Trung với quốc gia dân tộc” và cái Dũng của một mô phạm mà không phải nhà giáo nào cũng có!

Em xin được trân trọng học hỏi điều này: TRUNG DŨNG của giáo sư qua việc là người tiên phong ký tên chống phái đoàn văn công của cộng sản VN hay đám ca sĩ thân cộng thực thi nghị quyết 36 hầu nhuộm đỏ cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại, “Thưa Thầy”!

- Lê-Ngọc Châu (Đức Quốc, 30-07-2010)

(Ghi chú: Mới đây được biết, bài "
QUI NHƠN, TÔI VÀ KỶ NIỆM HỌC TRÒ " đã được thi sĩ, nhà văn Thái Tú Hạp (Saigontimesusa) giới thiệu trong mục " Giữ Thơm Quê Mẹ ". Xin chân thành cám ơn văn thi sĩ Thái Tú Hạp và Saigontimesusa).





No comments:

Post a Comment

View My Stats