Hoàng Hạnh (thực
hiện)
Thứ Sáu,
16/11/2012, 08:33 [GMT+7]
(Trái hay Phải) - "Tôi
vừa có một cuộc nói trao đổi trên VTV6 về tình trạng giả dối trong học đường.
49/50 em có mặt nhận thức rằng, tình trạng giả dối trong xã hội là nghiêm
trọng. Rất nhiều em thừa nhận mình đã gian lận trong thi cử vì không làm thế thì
thấy mình thiệt thòi quá" - GS Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri thức nói.
TIN LIÊN QUAN
|
Sự giả dối trong các con số thống kê, tổng kết
PV: - Thưa ông, trong các báo cáo thành tích thường niên
cũng như từng 5 năm một, bao giờ cũng là điệp khúc "chúng ta đã và đang
đạt được những thành tựu mới trong khoa học, giáo dục, hướng tới đẳng cấp quốc
tế..." nhưng trên thực tế thì so sánh thứ hạng khoa học, số bằng sáng chế,
số tên tuổi những nhà khoa học trong nước được thế giới công nhận, Việt Nam
chưa đạt được nhiều thành tựu, ở đa số các lĩnh vực là "dậm chân tại
chỗ" hoặc thụt lùi. Đây có phải là "nghịch lý", "nghịch dị"
hay là siêu logic thưa ông? Ông giải thích hiện tượng này như thế nào?
GS Chu Hảo: - Hiện tượng các thông tin chính thức nói một đằng,
cộng đồng khoa học và xã hội dân sự nói một nẻo không phải chỉ xảy ra trong
khoa học mà điển hình nhất phải là trong giáo dục.
Điều đó chứng tỏ, thứ nhất, không có sự đồng thuận giữa
cộng đồng khoa học, xã hội dân sự với các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ hai,
các số liệu thống kê không đáng tin cậy. Vì sao không còn nhiều người tin vào
các con số thống kê chính thức? Bởi các số liệu từ dưới báo cáo lên không trung
thực, chạy theo thành tích; hoặc số liệu báo cáo lên trên là trung thực nhưng
bị làm cho méo mó để khớp với mong muốn, ý chí của cấp cao hơn.
Ngoài ra, nhu cầu minh bạch thông tin của xã hội dân sự
càng ngày càng cao, cộng với điều kiện tiếp cận các nguồn kiểm chứng của xã hội
dân sự ngày càng nhanh và tốt hơn (qua báo cáo của các tổ chức phi chính phủ,
các tổ chức khoa học, giáo dục trên thế giới..). Vì thế, sự vênh nhau giữa thực
tế trong nước và thứ hạng thế giới hẳn cũng xảy ra những năm về trước nhưng
hiện tại, người dân thấy một cách rõ ràng hơn.
Hiện tượng trên không phải "siêu logic", đó là
bệnh thành tích. Một mặt, người ta nhìn thấy rằng, bệnh thành tích đã làm năng
lực nhìn nhận thực tế bị méo mó rất nhiều. Mặt khác, nó phản ánh sự giả dối
trong các con số thống kê, tổng kết. Đấy là điều đáng lo ngại còn hơn những kết
quả nói trên.
PV: - Trên thực tế, khoa học và giáo dục luôn được
coi là quốc sách hàng đầu. Và như vậy, hẳn nhiên chúng ta ai cũng đều mong đợi
những kết quả thực, thưa GS?
GS Chu Hảo: - Có lẽ, sự quan tâm đó mới chỉ
dừng lại ở mức độ nhận thức chứ chưa đưa vào thực tiễn. Thí dụ, chi 2% chi ngân
sách cho khoa học công nghệ (khoảng hơn 500 triệu USD) là quyết sách cụ thể hóa
mục tiêu trên nhưng chi thế nào, hiệu quả ra sao chưa có vị lãnh đạo nào sâu
sát tìm hiểu. Tôi đã từng phát biểu rằng: "Nếu như có một vị lãnh đạo
trong Bộ Chính trị "ăn khoa học giáo dục, ngủ khoa học giáo dục" như
ông Lý Quang Diệu đã từng làm với nền khoa học giáo dục Singapore thì nền khoa
học giáo dục nước ta mới phát triển được". Còn nếu chứ dừng lại ở nghị quyết
thì theo quan sát của tôi vài chục năm nay là không hiệu quả.
Chưa bao giờ muốn tốt khó như bây giờ
PV: - Trong khi thứ hạng khoa học không thăng tiến, nghĩa là
sự phát triển trí tuệ hay nỗ lực hội nhập khi mở cửa với thế giới là không thu
hoạch được gì thì người Việt lại càng ngày càng xa xỉ, kinh tế khó khăn nhưng
vẫn chi mạnh tay không kém bất cứ đại gia nào ở các nước phát triển. Đây có
phải là mối quan hệ biện chứng trí tuệ giảm thì sự chiều lụy thân xác tăng lên?
GS Chu Hảo:- Không một nền khoa học công nghệ
nào có thể phát triển trên một nền giáo dục bất cập. Và nền giáo dục bất cập
chịu trách nhiệm phần lớn trong việc đạo đức và văn hóa của xã hội xuống cấp.
Nếu ngay từ mẫu giáo, các em đã biết nói dối, đã thực
hiện những hành động giả dối thì lớn lên sẽ rất tích cực tham gia hình thành
một xã hội giả dối. Từ mẫu giáo, các em đã biết bố mẹ đi chạy trường chạy lớp,
đưa phong bì để chúng được vào trường tốt. Từ mẫu giáo, các em đã biết lời khen
tặng, kết quả của chúng không phụ thuộc vào khả năng mà phụ thuộc vào những món
quà bố mẹ tặng cô. Không thể đòi hỏi nền giáo dục ấy đào tạo ra một lớp người
có nhân cách tốt. Đến khi có tiền, họ sẽ sử dụng đồng tiền như nhận thức của
họ.
Chúng ta không nên và cũng không thể lên án sự xa xỉ vì
người ta có quyền chi tiêu tiền người ta có (nếu tiền đó chưa bị chứng minh là
bất hợp pháp). Nhưng một nước nghèo như Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người
mới chỉ ở mức hơn 1000 USD/năm, tạo một cuộc sống, thói quen chi tiêu quá xa xỉ
so với mức trung bình của đồng bào là điều không nên mà chắc chắn những người
có suy nghĩ có nhân cách không làm.
PV: - Một thực tế nữa là tâm lý trọng giàu khinh nghèo, coi
giàu có tiền bạc là thước đo đẳng cấp xã hội đang chiếm ưu thế gần nưh tuyệt
đối trong xã hội. Có nghĩa là khi các bảng so sánh thứ hạng về trí tuệ trong đó
chúng ta tụt bậc thì cùng với nó là những giá trị văn hóa, văn minh, đạo đức
cũng tụt bậc theo, theo GS, quá trình "phi nhân hóa" này được giải
thích hay biện minh như thế nào?
GS Chu Hảo:- Giải thích hiện tượng này không
khó nhưng khắc phục nó chắc chắn phải cần một thời gian dài. Vài chục năm gần
đây, quá trình đào tạo con người của chúng ta không khuyến khích nhân cách. Các
văn bản chính thức, hay phát biểu của nhiều tầng lớp lãnh đạo đều đặt mục tiêu
"tạo nguồn lao động có chất lượng cao", đồng nghĩa là uốn nắn con
người với mục tiêu trở thành công cụ lao động (tức là tạo ra của cải vật chất
cho xã hội và bản thân họ, nói một cách đơn giản là hơn là kiếm tiền) nhiều hơn
là phát triển con người như một cá thể tự do. Khi cơ chế thị trường xuất hiện,
nền tảng văn hóa đạo đức lập tức bị lung lay, để đồng tiền lên ngôi độc tôn.
Chưa bao giờ muốn hành động đẹp đẽ như bênh người bị haị, ngăn chặn những cái
xấu ngoài đường phố khó như bây giờ. Phần vì người ta vô cảm, cái đó có nhưng
phần nữa vì người ta sợ hành động đó sẽ di hại cho người ta sau này.
PV: - Vậy chẳng lẽ người ta xấu nên mình cũng xấu, người
ta dối trá nên mình cũng dối trá?
GS Chu Hảo: - Xã hội hiện nay khiến đa phần có nhận thức rằng,
người ta thật thà, tử tế khó tồn tại được, người ta phải dối trá. Tôi vừa có
một cuộc nói trao đổi trên VTV6 về tình trạng giả dối trong học đường. 49/50 em
có mặt nhận thức rằng, tình trạng giả dối trong xã hội là nghiêm trọng. Rất
nhiều em thừa nhận mình đã gian lận trong thi cử vì không làm thế thì thấy mình
thiệt thòi quá. Trước vấn đề như thế, thanh niên phải ứng xử như thế nào? Hãy
thật thà ở những chỗ không bắt mình phải nói dối, hoặc thật thà mà không đến
nỗi bị trù úm, bị thiệt thòi tới miếng cơm manh áo.
Tất nhiên, cũng có thể lựa chọn không nói dối, đó tùy
thuộc vào năng lực chọn lựa của một người. Một lời nói thật có thể mất việc
nhưng để nói thật thì phải chấp nhận đánh đổi. Cũng có thể chọn giữ được việc
và nói dối nhưng phải ghi nhận mình đã gian dối, chứ đừng coi nó là bình
thường. Bây giờ khốn nỗi gian dối lại thành chuyện bình thường.
Không thể để 10 năm không nghiên cứu vẫn tuyển chọn đề
tài
PV: - Khó có thể kỳ vọng những đại gia lắm tiền thay vì
chi tiêu xa xỉ đầu tư vào khoa học, từ đó thúc đẩy khoa học phát triển. Theo
ông, giải pháp nào để kéo ngắn lại khoảng cách giữa khoa học Việt Nam và thế
giới, để tháo gỡ cái "nghịch lý", "nghịch dị" như đã nói ở
trên?
GS Chu Hảo: - Việc chỉ số trí tuệ của chúng
ta tụt giảm là điều đáng buồn, tuy nhiên, đó chính là thông tin cảnh báo chúng
ta đang ở đâu trong thế giới này và chúng ta cần phải nỗ lực như thế nào để
khỏi tụt hậu thêm.
Ai cũng đồng tình rằng, sự thay đổi phải bắt đầu từ cải
cách thể chế quản lý khoa học công nghệ. Theo tôi, có mấy điểm như sau:
Thứ nhất, trong số 2% chi ngân sách cho khoa học, Bộ Khoa
học Công nghệ chỉ được dùng 14-17% để phát triển trực tiếp khoa học công nghệ,
số còn lại dàn trải cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, các tỉnh... Đã được chi tiêu ít lại
vướng cơ chế tài chính rất bất cập như Bộ trưởng Nguyễn Quân vừa mới trao đổi
trên truyền hình. Hai điều đó làm Bộ Khoa học Công nghệ rất lúng túng khi chịu
trách nhiệm sử dụng 2% chi ngân sách cho khoa học.
Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị rằng cần phải bỏ hệ thống
chương trình đề tài cấp nhà nước và các dạng kế hoạch 5 năm. Chương trình đề
tài đóng một vai trò quan trọng ở thời điểm nhà nước bao cấp là chính, mục tiêu
chung, kết quả phụ thuộc vào kế hoạch hóa tập trung. Nếu bây giờ vẫn tiếp tục
hạn chế rất nhiều sáng kiến động lực cho khoa học. Còn những kế hoạch 5 năm,
thời gian chủ yếu không dành cho nghiên cứu mà một năm xây dựng, một năm tổng
kết, năm nào cũng họp hai lần, chỉ loay hoay với những thủ tục, đầu thầu, tổng
kết...
Nhà nước nên tập trung đầu tư cho một số Viện nghiên cứu
cơ bản và Viện nghiên cứu ứng dụng rất cao cấp, thay vì đánh đồng khoa học cơ
bản, khoa học ứng dụng, công nghệ kỹ thuật và đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó là
một quỹ chung, vận hành các dự án thiết thực, có người thẩm định đủ trình độ để
tuyển chọn, thẩm định và nghiệm thu, nếu cần có thể thuê chuyên gia nước ngoài
(tuyển chọn một đề tài nghiên cứu mà những người tuyển chọn 10 năm không nghiên
cứu gì là tình trạng rất phổ biến ở Việt Nam).
Thứ hai, phải làm sao để hệ thống giáo dục đại học gắn
với nghiên cứu và đặc biêt là nghiên cứu cơ bản phải đưa về các trường đại học,
kể cả nghiên cứu xã hội nhân văn.
Thứ ba, phải tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp và xã
hội đầu tư vào những nghiên cứu ứng dụng và công nghệ. Vậy những nghiên cứu ứng
dụng và công nghệ làm thế nào để xã hội và doanh nghiệp đầu tư? Ở đây phải có
nhu cầu của sản xuất với nghiên cứu khoa học. Nền kinh tế của chúng ta chia
thành hai khối, khối dùng tiền nhà nước để sử dụng khoa học công nghệ, không có
nhu cầu đổi mới vì không có lợi ích ở đó. Khối tư nhân trọng dụng các nhà khoa
học nhưng số đó chỉ là sản xuất nhỏ.
Tôi rất buồn khi nghe đoạn phỏng vấn một bạn trẻ được
giải Quả Cầu vàng 2012 cho thành tích khoa học xuất sắc nhất với công nghệ làm
tăng chất lượng giống bò sữa. Bạn trẻ đó tâm sự rằng, kết quả nghiên cứu như
vậy, một vài tờ báo đăng tin còn chưa có doanh nghiệp nào đề nghị sử dụng công
nghệ. Ở đây đặt ra vấn đề, tại sao các công ty sữa lại từ chối thành tích khoa
học xuất sắc nhất năm ở Việt Nam trong khi họ đều là những công ty tư nhân, lẽ
ra phải rất mặn mà với những công nghệ tạo ra lợi nhuận cho họ. Có khả năng là,
công nghệ đó không tốt bằng công nghệ họ đang dùng. Vậy thì tại sao công nghệ
đó được giải thưởng?
Hoàng Hạnh (thực hiện)
No comments:
Post a Comment