Fri, 11/23/2012 - 02:41 — canhco
Ngày 16 tháng 11 vừa qua, báo Giáo Dục Việt
Nam Online đăng ý kiến của độc giả có tên Phạm Quốc Dũng với tựa gây sốc: "Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của
facebook tại Việt Nam " Bài viết
này ngay sau đó được nhiều báo trích dẫn lại để lấy ý kiến độc giả. Cho tới nay
số comment chưa nhiều lắm so với con số người chơi facebook tại Việt Nam.
Trước nhất có lẽ nên biết đôi điều về con
số người tham gia facebook tại Việt Nam xem có đáng để đặt vấn đề cấm hay không
cấm, từ đó lần tìm manh mối tại sao lại phát sinh ra ý kiến đóng cửa facebook
do một người tự nhận là thành viên trong mạng lưới này đưa ra.
Theo VietnamNet loan tải ngày 20 tháng 7
năm 2012 thì "Người dùng facebook tại Việt nam tăng cao nhất châu
Á" tờ báo này viết: "Theo ước tính số liệu người dùng Facebook
tại châu Á trong quý 2/2012, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người
dùng cao nhất trong khu vực, bỏ xa nước đứng thứ 2 là Nhật Bản. Tổng số thành
viên Việt Nam tham gia mạng xã hội lớn nhất thế giới này đạt gần 5,5 triệu,
tăng mạnh 55,6% so với quý trước đó.
Quốc gia châu Á có số người sử dụng
Facebook nhiều nhất là Ấn Độ, với gần 50 triệu thành viên. Với số người sử dụng
Internet
tại Ấn Độ là 121 triệu, Facebook có độ thâm nhập tại đây lên tới 41%."
Phải
chăng con số gần 5 triệu rưỡi thành viên facebook tại Việt Nam làm cho tác giả
Phạm Quốc Dũng cảm thấy lo ngại cho tình trạng mất kiểm soát của xã hội Việt
Nam khiến ông mạnh miệng bảo nên dẹp. Và câu hỏi đặt ra tại sao tác giả lại lo
ngại?
Mở đầu bài viết Phạm Quốc Dũng khẳng định
cái lợi của facebook: "người dùng có thể thỏa sức kết nối, kết bạn với
bạn bè ở khắp mọi nơi trong nước và thế giới, khoảng cách địa lý ở đây dường
như bị thu hẹp, thậm chí là bỏ đi. Mọi người có thể thỏai mái bày tỏ những lời
chia sẻ, những tâm sự thậm chí là những quan điểm cá nhân trước một hay nhiều
sự việc, sự kiện nhất định của bản thân hay xã hội mà không bị giới hạn.
Không chỉ thế, ở đây còn là một diễn đàn
mở, khi không phải chỉ ý kiến một người mà nhiều khác cũng có thể tham gia cùng
bình luận, chia sẻ các ý kiến, quan điểm của mình."
Điều lợi còn nhiều hơn nữa nhưng do nóng vội hoặc không
nhận thức đầy đủ mà tác giả không đưa ra. Hãy nói về những cái lợi khác:
-Facebook là một khối thông tin đồ sộ rất
riêng tư mà nhiều trang Internet không có, hoặc có nhưng không đầy đủ hay tốc
độ thông tin chậm. Mỗi một thành viên facebook là một cổng thông tin mở khi họ
trang trải kinh nghệm sống, kiến thức chuyên môn về mọi vấn đề và điều quan
trọng nhất đó là không gian của facebook. Là không gian mở nó cho phép người
đọc liên lạc trực tiếp với người viết để bù đắp thêm thông tin hay hỏi han thêm
những điều muốn biết. Khả năng này thật khó xảy ra trong mặt bằng xã hội và do
đó facebook hấp dẫn và cuốn theo một con số thành viên khổng lồ trên khắp thế
giới.
Facebook lan tỏa nhanh và rộng với cấp số
nhân vì vậy khi một tin tức thời sự được tung lên thì hầu như khắp thế giới
biết. Nó nhanh hơn trang blog cá nhân và dĩ nhiên nhanh hơn rất nhiều so với
báo Online đang phổ biến hiện nay.
Facebook đa dạng vì sự đa dạng của thành
viên tham gia nó. Người thích chính trị sẽ lướt qua những thông tin được thành
viên trích lại từ các nguồn trong và ngoài nước. Những tin mấu chốt sẽ tiết
kiệm cho người search một khoảng thời gian không nhỏ. Hãy thử tưởng tượng: 100
người trong danh sách của bạn yêu thích tin tức chính trị, mỗi người tìm một
nguồn khác nhau và post lên facebook có phải bạn hưởng lợi từ những yêu thích
rất cá nhân ấy không?
Bên cạnh tin tức, hình ảnh sưu tập từ những
người yêu nghệ thuật cũng giúp bạn thay đổi quan niệm sống rất nhiều. Âm thanh
cũng được facebook hào phóng cho phép khiến thành viên của nó có thể chia sẻ
những bản nhạc tuyệt vời do chính họ làm ra mà không có phượng tiện xuất bản...
Facebook cũng là nơi kêu cứu hữu hiệu và
tiếng kêu của bạn sẽ lan xa với tốc độ phi thuyền không gian.
Facebook còn là chỗ để bạn sáng tác những
câu status ngắn gọn, ý nghĩa và nếu là nhà văn bạn sẽ cảm ơn nó vì đã giúp bạn
mài giũa kỹ năng ngôn ngữ một cách thành công nhất khi nhiều người dẫn lời của
bạn khiến cho câu status sáng giá trong khung trời bao la của facebook.
Quay lại với tác giả Phạm Quốc Dũng: Tại sao lại cấm
facebook?
Lý do rõ rệt nhất mà tác giả đưa ra: "
bên cạnh những mặt tích cực của facebook thì trong thời gian qua, đã xuất hiện
không ít cá nhân, tổ chức đã lợi dụng facebook để bôi xấu, có những hành động
vượt quá khuôn khổ của kỷ cương và pháp luật cho phép. Trên facebook có nội
dung xấu bôi nhọ cán bộ cấp cao của nhà nước, khó kiểm soát!
Không những vậy, nhiều cá nhân, facebook
còn dùng lợi thế trên để chế giễu, xúc phạm từ các cá nhân bình thường đến các
lãnh đạo cấp cao."
Như sợ người đọc không hiểu, tác gỉa viết
thêm: "Có thể thấy rõ, trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo cấp cao của
nhà nước, trong đó gần đây nhất là vị Bộ trường Bộ Giao thông vận tải Đinh La
Thăng cũng đã bị rất nhiều hội nhóm facebook mà đứng sau đó là các cá nhân có
nhận thức, có tư tưởng xấu cố ý có những lời lẽ, hình ảnh, thông tin nhằm bêu
xấu, xúc phạm cá nhân vị Bộ trưởng này.
Trên những trang facebook đó, những đối
tượng xấu đã tha hồ dùng những từ ngữ tục tĩu, thóa mạ các các nhân, tổ
chức....Không chỉ thế, các hội nhóm này còn kêu gọi nhiều nội dung xấu, tiêu
cực, không tốt đến nhiều người bằng những hình ảnh bôi xấu cá nhân, bôi xấu
lãnh đạo của Đảng và nhà nước.
Dù không phải là một chuyên gia Luật nhưng
tôi thấy rõ ràng đây là hành vi xúc phạm cá nhân, xúc phạm lãnh đạo... cần phải
bị xử lý thật nghiêm theo các qui định đã được ban hành của pháp luật."
Bây giờ thì chiếc màn đang từ từ được kéo
ra để người chơi facebook hiểu cặn kẽ hơn lý do chính mà tác giả đưa ra: Ông
Đinh La Thăng và các ông cấp to khác đang bị cộng đồng bôi xấu, tấn công nên
facebook phải bị đóng cửa để bảo vệ cái mà ông Quốc Dũng gọi xúc phạm lãnh đạo.
Thưa ông Phạm Quốc Dũng, tôi thành thực ghi
nhận thiện chí của ông, dù thiện chí ấy chỉ dành cho một hay vài người mà ông
kính trọng, ông xum xuê. Tuy
nhiên tôi rất không đồng tình với đề nghị của ông, một đề nghị tôi cho là nông
nỗi và mang đậm hơi thở công an văn hóa..
Tôi không nhấn mạnh tới cách hành văn như
một văn thư của cơ quan, nhưng tôi chú ý tới cách ông đặt vấn đề. Ông cho rằng "
Việc tự do, thoải mái là tốt nhưng phải trong khuôn khổ, qui định của pháp luật
cho phép, còn thực tế hiện nay, tôi thấy, việc không kiểm soát được facebook
như vậy sẽ tiềm ẩn rất nhiều các nguy cơ xấu."
Nguy cơ xấu mà ông nói thì nhà nước đã nói
nhiều và cộng đồng facebook cũng đã thấm nhuần khá kỹ. Ông không cần phải nhắc
lại. Ông chưa thuyết phục được chúng tôi ở chỗ: Tại sao viết những lời phê phán
ông Đinh La Thăng hay các cán bộ có những hành vi sai trái trên facebook lại
xấu và đáng bị cấm?
Người dân có quyền phát biểu và cách phát
biểu của họ nặng hay nhẹ, thông minh hay xốc nổi, lịch sự hay bỗ bã tùy thuộc
vào kiến thức, tâm trạng và năng khiếu viết lách của từng người. Ông không thể
đòi hỏi họ diễn tả nỗi uất ức bằng một đoạn văn cầu kỳ đậm chất văn học trong
khi họ là một công chức bình thường chỉ có thể viết những câu cú tương tự như
ông mà thôi.
Nếu sự chửi bới lên tới mức đáng lo ngại
như ông nói thì không cần ông phải chỉ bảo, chính những thành viên facebook sẽ
delete tên của họ trong danh sách và những chửi bới hạ cấp, vô bổ sẽ tan biến
trong không gian mạng một cách âm thầm mà không cần phải có biện pháp đao to
búa lớn nào.
Tôi xin mạn phép chỉ ra điều mà ông muốn nói nhưng chưa
phải lúc: Ông sợ facebook sẽ tạo cho Việt Nam cơ hội phản kháng đại trà và có thể
đi đến cuộc cách mạng trong tương lai khi facebook chiếm lĩnh tuổi trẻ trong
khu vực trung và đại học vì sự lan tỏa rộng lớn, nhanh chóng và khó kiểm soát
của nó đối với một phong trào, một khuynh hướng hay ngay cả một cuộc cách mạng.
Sự lo ngại này khiến người ta tạo nên cái
tên Phạm Quốc Dũng và cố thuyết phục những ai chưa biết facebook là gì thì nên
tránh xa nó. Nếu quả thật như vậy thì đây là sai lầm thứ hai, tương tự sai lầm
thứ nhất khi chính phủ tố cáo ba trang mạng Quan làm báo, Dân làm báo, Biển
Đông...
Kết quả mà ai cũng biết: Chỉ là cách quảng
cáo không công khiến số người truy cập vào chúng tăng lên với cấp số nhân và
bây giờ thì không biết tới cấp số nào nữa.
Ông Đinh La Thăng liệu có đáng nổi tiếng
như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay không? đó mới là vấn đề của cái đề nghị thiếu
trí tuệ này.
No comments:
Post a Comment