2-11-2012
Ngày 23.10.2012 Thông tấn xã Việt Nam phát đi bản tin “Vụ Tiên
Lãng: Nguyên phó chủ tịch Nguyễn Văn Khanh bị tạm giam” với nguyên văn như sau:
“Tin từ Công an TP.Hải Phòng cho hay, ngày 22.10, văn phòng
cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hải Phòng đã mời ông Nguyễn Văn Khanh,
nguyên phó chủ tịch huyện Tiên Lãng đến trụ sở Công an thị trấn Tiên Lãng để
tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam.
Ông Nguyễn Văn Khanh bị tạm giam 4 tháng về tội "hủy hoại
tài sản".
Trước đó, ngày 5.1.2012, UBND huyện Tiên Lãng thực hiện việc
cưỡng chế tài sản tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn, ở
xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng do đã hết thời hạn cho thuê.
Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Vươn đã có hành vi chống người thi hành
công vụ làm 6 chiến sĩ công an và quân đội bị thương.
Ngày 6.1, ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý (em trai ông Đoàn Văn
Vươn) không nằm trong khu vực cưỡng chế nhưng đã bị phá bỏ.
Đến ngày ngày 8.2, Công an TP.Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố
vụ án "Hủy hoại tài sản" để điều tra vụ phá nhà ông Đoàn Văn Quý.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 7.2, thành ủy Hải Phòng quyết
định đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Khanh.
Hết thời gian bị đình chỉ, ông Khanh được bố trí làm chuyên viên
văn phòng UBND huyện Tiên Lãng cho đến thời điểm bị bắt tạm giam.
Ngay sau khi tống đạt quyết định khởi tố và bắt giam đối với ông
Khanh, cơ quan công an đã tiến hành khám xét nơi ở của ông Khanh tại thị trấn
Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng.”
Đây là diễn biến mới trong vụ cưỡng chế Tiên Lãng và, thêm một
lần nữa, thực tế đã chứng tỏ rằng cơ chế công quyền của chế độ cộng sản tại Việt Nam là một cơ chế “ăn
thịt người.”
Ăn thịt người
Nhưng tại sao con người có thể ăn thịt đồng loại?
Trước hết phải nhìn vào loài thú. Trừ một vài ngoại lệ như chó
sói, đa số loài thú ăn thịt chỉ ăn thịt các con thủ khác loài, thí dụ hổ không
ăn thịt hổ, sư tử không ăn thịt sư tử. Người tiền sử cũng vậy: họ ăn thịt người
nhưng chỉ ăn thịt người khác bộ lạc. Như thế họ ăn vì cho rằng con mồi “khác
loài” với mình, là giống loài đang “cạnh tranh sinh tồn” với mình, giành rừng,
giành núi với mình!
Đó là ăn thịt nghĩa đen, còn “ăn thịt” theo nghĩa bóng nữa: đối
xử với đồng loại của mình như thể một sinh vật khác loài!
Trong “Nhật ký người điên”, nhà văn Lỗ Tấn đã nhận xét rằng văn
hoá Khổng giáo của Trung Quốc là một thứ văn hoá “ăn thịt người”. Lỗ Tấn là nhà
văn khuynh tả và vì ông qua đời năm 1936 nên không thấy rằng những phần tử “tả”
nhất trong xã hội hiện đại Trung Quốc đã đẩy cái “văn hoá ăn thịt người” ấy lên
mức cao nhất.
Văn hoá Khổng giáo kiểu Tống Nho đùn đẩy con người đi đến chỗ
“ăn thịt” nhau nhưng ít ra vẫn “giữ lấy lề”, không cạn tàu ráo máng với nhau
trước các ràng buộc đạo lý hay giềng mối đạo lý.
Người ta có thể “ăn thịt” kẻ lạ nhưng khó mà vượt qua những ràng
buộc gia đình, thân tộc, bè bạn hay ràng buộc ân tình. Tuy nhiên Mao Trạch Đông
đã làm thay đổi hẳn điều này. Thu tóm được quyền lực trong tay và áp dụng các
phương pháp đấu tố chỉnh huấn sắt máu, họ Mao đã xây dựng một “hệ thống ăn thịt
người” chặt chẽ từ trên xuống dưới.
Trong tiểu luận “Consuming Counterrevolution: The Ritual and
Culture of Cannibalism in Wuxuan, Guangxi, China, May to July 1968” đăng trên
tạp san Comparative Studies in Society and History số 37, tháng 1 năm 1995; học
giả Donald S. Sutton đã
gọi đích danh trò đấu tố trong cuộc cách mạng văn hoá là những “nghi thức ăn
thịt người”.
Các trò đấu tố này được xem như là “nghi thức ăn thịt người” vì,
theo chủ trương của Mao, những thành phần được diễn tả là “hữu khuynh”, “chậm
tiến”, “phản cách mạng” hay “kẻ thù của nhân dân” đã bị đối xử như loài thú,
không còn xứng đáng làm người, không cùng chủng loại với “nhân dân”. Họ bị đội
mũ rơm trên đầu, đeo bảng ô nhục giữa chốn công cộng.
Các biện pháp mà họ Mao
áp dụng ở Trung Quốc đã được đám học trò Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Hoàng Xuân
Việt “phát huy sáng tạo” ở Việt Nam từ thời chỉnh huấn, đấu tố và truyền bá cho
chẳng có khác gì “ăn thịt người”.
Để “thành công” hay thậm chí đơn giản chỉ để tồn tại, để yên
thân sống giữa cái hệ thống chặt chẽ ấy thì người ta không thể không ăn thịt
người, không thể không chai lì và dửng dưng trước cái ác.
Trong một cơ chế như thế thì những cán bộ - đảng viên từ cấp cao
nhất có thể xấu, có thể sai lầm, có thể có khuyết điểm, có thể tham nhũng nhưng
họ không thể khác với đồng loại hay đồng chí của mình.
Để hiểu trường hợp Nguyễn Văn Khanh, chúng ta hãy nhìn lại những
nhân vật đi trước.
Trần Xuân Bách và Nguyễn Tấn Dũng
Trần Xuân Bách (1924 – 2006), tên thật là Vũ Thiện Tuấn, đồng
hương Nam Định với Lê Đức Thọ, từng hô hào chủ trương cải cách cả chính trị lẫn
kinh tế để cứu vẫn đất nước trong đầu thập niên 90.
Tuy nhiên, giới bảo thủ trong đảng lo sợ những hậu quả mà cải
cách chính trị này có thể mang đến cho mình. Do đó họ quay sang bám vào Trung
Quốc dẫn đến tình trạng phụ thuộc toàn diện vào ngày hôm nay.
Trần Xuân Bách (TXB) từng làm bí thư tỉnh ủy các tỉnh Nam Định,
Sơn Tây, Nam Hà rồi làm Trưởng ban Tôn giáo Trung ương, Chánh Văn phòng Trung
ương Đảng. TXB đảm nhiệm chức vụ phó chính ủy Bộ chỉ huy chiến dịch tấn công
Campuchia năm 1979 và sau đó làm trưởng ban B68 do Lê Đức Thọ trực tiếp lãnh
đạo, chịu trách nhiệm cố vấn bộ máy chính quyền Cambodia do Việt Nam dựng lên.
Năm 1982 Trần Xuân Bách được thăng lên làm Bí thư Trung ương Đảng và bốn năm
sau (1986) được bầu vào Bộ Chính trị (BCT).
Trở thành một trong mười nhân vật quyền lực nhất nước, TXB nổi
lên như nhân vật “trí thức” nhất, đọc được tiếng Anh, nói và viết thành thạo
tiếng Pháp. Vì lẽ đó TXB được giao nhiệm vụ phụ trách công tác đối ngoại, chủ
yếu là quan hệ với các nước XHCN và về sau chuyển lãnh đạo Ban Văn hóa Tư tưởng
Trung ương.
Đó là lúc khối XHCN sụp đổ tại Đông Âu và Liên Xô từ năm 1989 đến
1991, TXB được BCT giao nhiệm vụ nghiên cứu về lý luận và tổng hợp cho đảng
nguyên nhân gây ra sự sụp đổ này.
Những gì mà TXB “tổng kết” lại trái với những điều mà hệ thống quyền lực cộng sản muốn
nghe: đa nguyên, đa đảng, cải tổ kinh tế phải đi đôi với cải tổ chính trị.
Theo TXB thì đảng không thể kiểm soát thông tin một cách tuyệt đối: cách
duy nhất để khỏi bị dồn vào chân tường như Đông Âu là đối mặt với thực tế, là
công khai hóa như Gorbachev ở Liên Xô. TXB chỉ ra cuộc cách mạng thông tin đang
bùng nổ và nhấn mạnh rằng chính quyền cần phải khai thác thông tin để nâng cao
hiệu quả lao động.
Trên thực tế thì từ năm 1986 – 1989, thời Nguyễn Văn Linh là tổng
bí thư, xã hội Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể theo đường lối của Gorbachev.
Thế nhưng khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989, các lãnh tụ cộng sản Đông
Âu bị hạ bệ nhục nhã và thậm chí còn bị hành quyết một cách tàn khốc như
Ceaucescu ở Rumani, giói lãnh đạo cộng sảm VN đâm ra hoang mang, lo sợ. Họ trở
nên bảo thủ hơn bao giờ hết và để duy trì quyền lực của mình, họ đã quay sang
bám vào Trung Quốc, bất kể lúc đó Hiến pháp của họ (1983) đã ghi rõ Trung Quốc
là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm”.
Tháng Ba năm 1990 đảng
triệu tập Hội nghị Trung ương thứ 8 để “đấu tố” TXB. TXB bị khai trừ khỏi BCT
và Trung ương đảng và sau đó phải sống trong sự theo dõi gắt gao. Chỉ ba tháng
sau (6.1990) thì các nhà lãnh đạo cao cấp bí mật đến Thành Đô cầu hòa, và tại
đây đã bị Trung Quốc sử dụng như một thứ bàn đạp để lấy điểm với Tây phương về
vấn đề Cambodia, giữa lúc họ còn đang bị cấm vận vì vụ đàn áp tại Thiên An Môn
1989.
Nhưng chính tai nạn ngoại giao đó đã giúp giới bảo thủ bám chặt
quyền lực và đẩy Việt Nam đi sâu vào sự phụ thuộc với Trung Quốc.
So sánh TXB với Nguyễn Tấn Dũng (NTD)
hôm nay chúng ta thấy gì?
TXB chưa gây ra một sai lầm tai hại nào trong quản lý và chính
sách. Ông ta chỉ đề ra một chính sách phát triển để theo kịp thời đại, thế
nhưng chính sách có thể sẽ đe dọa độc quyền cai trị của đảng.
Do đó ông đã bị các ủy viên trung ương đảng khác xem như một thứ
“khác loài”. Nhưng cũng lúc đó, để bảo vệ XHCN, nghĩa là bảo vệ quyền lực của
mình, họ đã quay sang lạy lục để được gọi “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm” là
đồng chí!
Còn NTD thì sao?
Họ Nguyễn va vấp đủ thứ sai lầm: đẩy kinh tế vào vòng lao đao
khiến nền an ninh quốc gia trở nên tổn thương hơn bao giờ hết với các dự án làm
ăn với Trung Quốc, bao che để thân nhân và vây cánh bòn rút tài nguyên quốc
gia. Thế nhưng NTD đã không làm gì tổn hại đến cơ chế, đến quyền lợi của giai
tầng thống trị. NTD không từ bỏ thủ đoạn nào để đè bẹp các tiếng nói dân chủ,
thậm chí sử dụng thủ đoạn “bao cao su đã qua sử dụng” để phục vụ cho mục đích
này.
NTD phạm những lỗi tày đình nhưng NTD là kẻ thù của dân chủ, và
Dũng vẫn còn là “đồng lọai” của các ủy viên chăm chăm o bế quyền lợi và quyền
lực của mình, bất kể vận nước đến đâu.
Đến Nguyễn Văn Khanh
Địa danh “Tiên Lãng” từng là cái tên nóng trên báo chí Việt ngữ
trong và ngoài nước.
Sự việc này khiến dư luận báo chí chú ý. Sau khi vạch ra nhiều
sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng, họ nhắc lại vụ án Nọc Nạn tương tự
thời Pháp thuộc và nêu ra sự công minh của chính quyền thực dân.
Vụ án được báo chí Nam kỳ thời ấy bóc trần đến tận cùng sự thật
và được toà án thuộc địa xét xử một cách “khẩu phục tâm phục”. Nhắc lại vụ án
này, họ đặt vấn đề: liệu nền báo chí và tư pháp xã hội chủ nghĩa có đủ dũng khí
và sự vô tư để xử sự công bằng và hợp tình hợp lý với người nông dân như thời
Pháp thuộc hay không? Đây được xem là một thí dụ cho những bất cập của Luật Đất
Đai và sự lộng hành của các cường hào đỏ khi lạm dụng những điểm bất cập này để
trục lợi.
Cho tới nay hầu hết báo chí tại Việt Nam đều lên án “chính quyền
huyện”, lên án âm mưu tư lợi và phá hoại kinh tế cũng như trò giấu nhẹm sự thật
qua các trò “kiểm duyệt báo chí” của chính quyền huyện Tiên Lãng.
Nhưng thực chất cái gọi là “chính quyền huyện” ở đây chỉ là một “nhóm lợi
ích” quanh bí thư huyện ủy Bùi Thế Nghĩa và hai anh em: Lê Văn Hiên chủ tịch
huyện và Lê Văn Liêm, chủ tịch xã Vinh Quang, nơi xảy ra vụ cưỡng chế.
Nhân vật chính là Đoàn Văn Vươn, xuất thân từ một “gia đình cách mạng”,
từng đi bộ đội, có bằng kỹ sư nông nghiệp. Sau khi xuất ngũ năm 1986, ông Vươn
đã kiên trì bỏ ra hàng chục năm lấp đầy một khoảng đất tương đương 70 héc ta
tại đầm Cống Rộc thuộc xã Vinh Quang, nào là đắp đê
và để trồng rừng ngăn sóng, bảo vệ cái đầm do ông và hàng trăm gia đình khác
thuê của huyện để nuôi cá tôm. Nhờ thành tích này nên ông Vươn đã được báo chí
nhà nước ca ngợi, xem là “kỳ nhân” làm thay đổi bộ mặt cả một vùng biển.
Tuy nhiên sóng gió lại nổi lên khi bộ ba Nghĩa - Hiền – Liêm
thèm thùng vùng đất này.
Theo Nghị định 28.08.1999 thì gia đình ông Vươn có quyền sử dụng
phần đất này cho đến ngày 9.4.2017, tính từ ngày huyện giao đất. Trong trường
hợp huyện “ăn gian”, chỉ “tính” từ ngày “Luật Đất đai có hiệu lực”, tối thiểu
cũng phải đến ngày 15.10.2013 mới hết hạn.
Thế nhưng tỉnh đang thành lập dự án xây phi trường tại đây, do đó
đất sẽ lên giá ào ào, họ muốn đón đầu thời cờ.
Huyện đã ra lệnh thu hồi và không đền bù cho ông Vươn và nhiều chủ
đầm khác. Tức thì phó chủ tịch Nguyễn Văn Khanh phản đối việc này, viện lẽ làm
vậy là phá hoại kinh tế và bất công với người dân: họ đang yên ổn làm ăn, cớ
sao lại đuổi ra đường và bẻ đi cái cần câu cơm.
Tuy nhiên thế của “nhóm lợi ích” Nghĩa - Hiên đang mạnh, ông Khanh
không làm gì được.
Trước “chính sách” của huyện, ông Vươn và các chủ đầm khác kiện
chính quyền huyện ra tòa. Thoạt đầu toà huyện xử huyện thắng và họ kiện lên
tỉnh. Thấy huyện trái rành rành, toà này ra lệnh phải hoà giải. Hiểu rằng không
thể thắng nên “huyện” bắt đầu dở trò lưu manh.
“Huyện” cam kết rằng nếu ông Vươn không kiện, chịu rút đơn, huyện
sẽ tiếp tục cho thuê hoặc giao đất. Tin “huyện” ông Vươn rút đơn, nhưng
khi đơn rút rồi thì “huyện” lật lọng, triệu tập ông Vươn ra trụ sở xã để “tống
đạt quyết định cưỡng chế thu hồi”. Tuy nhiên ông Vươn không chịu ký và mang
giấy tờ lên cấp trên khiếu kiện lần nữa.
Khoảng 7.30 sáng 5.1.2012, khi ông Vươn đã mang giấy tờ đến trụ
sở Viện kiểm sát thành phố kêu cứu từ sáng sớm thì chính quyền Tiên Lãng đưa
“lực lượng cưỡng chế” đến để tịch thu đầm thủy sản của ông Vươn.
Để “chơi” lại kẻ đã dám phản đối mình, chủ chơi đòn độc: giao
cho ông Nguyễn Văn Khanh làm trưởng ban cưỡng chế.
Nhưng sự việc địa phương này lại biến thành một sự kiện quốc gia
và thu hút sự chú ý của quốc tế. “Lực lượng” tiến vào thì mới biết đây là một
trận địa, do em trai của ông Vươn là Đoàn Văn Qúy bày
bố. Trên lối đi duy nhất vào nhà là rơm rạ đã gắn bom xăng, kíp nổ của quả mìn
làm bằng bình gas lớn đã bị kích hoạt tuy nhiên bình gas không phát nổ nên chỉ
hất văng 2 công an viên. Sau đó thì súng hoa cải từ trong nhà bắn ra khiến
Trưởng Công an huyện cùng 5 công an - bộ đội bị thương.
Huyện xin tăng viện. Hàng trăm công an - bộ đội chia thành 3
mũi, sử dụng cả lựu đạn cay dọn đường, nhưng khi tiến vào bên trong thì chỉ
thấy căn nhà trống.
Lực lượng đập nát căn nhà thế nhưng đây là căn nhà ông
Đoàn Văn Qúy, không nằm trong phần diện tích 19.3 ha mà huyện muốn “cưỡng chế”.
Lúc đó báo chí nhấn mạnh đến yếu tố pháp lý: lực lượng cưỡng chế
chỉ thu hồi đầm tôm, hoàn toàn không có quyền phá nhà, ai chịu trách nhiệm?
Sau đó vài ngày, trong thư khiếu nại vụ phá nhà, vợ con ông Đoàn
Văn Vươn cho biết họ đã được ông Khanh bảo vệ nhưng bất thành và không hề oán trách
ông Khanh trong vụ cưỡng chế. Cùng lúc đó, Liên chi hội thủy sản Hải Phòng cũng
có văn bản gởi các cơ quan hữu trách bảo vệ ông Nguyễn Văn Khanh.
Thế nhưng chỉ khoảng 9 tháng sau, Công an Hải Phòng ký lệnh bắt
ông Nguyễn Văn Khanh với tội phá nhà!
“Đại đội ủy viên”
Ở tầm mức quốc gia, quyền lợi của đảng “tập trung” ở con số 175
ủy viên trung ương, tức khoảng hơn một “đại đội”.
Do ngu dốt, do lỡ tay hay cố tình mà làm điều xấu, thậm chí gây
đại họa quốc gia nhưng họ không đi ngược lại quyền lợi của cả “đại đội”, kẻ đó
có thể được tha thứ, bất chấp mọi tiêu chí công lý.
Đó là trường hợp của Nguyễn Tấn Dũng, tức “Đồng chí X”.
Ngược lại, nếu một ủy viên nào đó dám đặt quyền lợi của trên 80
triệu người dân lên trên quyền lợi của “đại đội ủy viên”, họ sẽ bị cả “đại đội”
xem là kẻ khác loài.
Ở tầm mức địa phương, bản chất của vấn đề vẫn như vậy.
Ông Nguyễn Văn Khanh đã vì quyền lợi
của các gia đình nuôi tôm mà đi ngược lại quyền lợi của bộ sậu Nghĩa – Hiên, ông
ta bị xem là kẻ khác loài và do đó bị bộ sậu này “ăn thịt” theo cách của họ.
Nhưng quyền lợi của bộ sậu Nghĩa – Hiên – Liêm lại gắn chặt với
quyền lợi của Bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành, do đó mới có lệnh bắt
từ Công an Hải Phòng.
Mà quyền lợi của bí thư thành ủy này lại gắn chặt với đến quyền
lợi của “Đồng chí X”: trong Hội nghị trung ương vừa qua, trong những lá phiếu
cứu “Đồng chí X” thoát nạn chắc chắn có lá phiếu của viên bí thư này.
Thế có nghĩa chúng vẫn tồn tại, vẫn hành xử ngang trái vì chúng là
đồng loại của nhau, bâu quanh cái đại đội ngồi trên đầu trên cổ nhân dân.
Còn những ai dám đứng về phía nhân dân, về phía lương tri sẽ bị
chúng đè ra ăn thịt.
Đừng kể là “nhân dân”, một “nhân dân” bé bỏng như nữ sinh viên
Phương Uyên: chỉ một bài thơ căm thù Trung Quốc xâm lược thôi, sinh viên này đã
bị bộ máy công quyền này bí mật bắt cóc, di lý từ Sài Gòn đến tận Long An, khi
bị phanh phui thì vu cáo cho tội rải truyền đơn!
Lê Trọng Hiệp
No comments:
Post a Comment