Andreas Lorenz
Phan Ba dịch
Tháng Mười Một 19, 2012
Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas Lorenz, do Phan Ba
dịch, mời các bạn đón đọc
Trung Quốc hiện đại và đồng thời cũng lỗi thời, như cuộc
duyệt binh, sự tôn sùng cá nhân và các khẩu hiệu chào mừng 60 năm ngày lập nước
cho thấy. Mô tả đất nước này như là một xã hội với một Chủ nghĩa Tư bản không
kiềm chế là đúng và đồng thời cũng sai: tuy có các luật lệ mới về hợp đồng làm
việc, công nhân viên không có nhiều khả năng để đấu tranh cho quyền lợi của họ.
Không có công đoàn xứng đáng với cái tên này, tiền lương thấp, điều kiện làm
việc thường là một xì căng đan. Đảng và kinh tế cấu kết chặt chẽ với nhau. Đảng
điều khiển không chỉ quân đội mà cả chính phủ nữa. Họ là thể chế cao nhất của
nhà nước theo Hiến Pháp. Vì thế mà họ ví dụ như quyết định về chính sách công
nghiệp và điều khiển – Chủ nghĩa Tư bản hay không Chủ nghĩa Tư bản – cho tới
công việc hàng ngày của các ngân hàng và tập đoàn nhà nước. Họ quyết định ai sẽ
là tổng giám đốc, quyết định tỷ giá hối đoái cũng như lãi suất của ngân hàng,
thỉnh thoảng còn cả giá cả nữa.
Hội đồng nhà nước thực hiện tất cả những điều đó, đứng
trên các bộ và ủy ban. Ủy ban quan trọng nhất là “Ủy ban cải cách và phát triển
quốc gia”, một phiên bản được hiện đại hóa của cơ quan lập kế hoạch lúc trước.
Trước đây, họ quyết định cho tới từng con ốc vít, cái gì và bao nhiêu được sản
xuất ra trong nước.
Ngày nay, ủy ban chỉ còn đưa ra chỉ thị về chiến lược, kế
hoạch và dự án. Họ nhận chỉ tiêu từ Ủy ban Trung ương của ĐCS. Cứ năm năm một
lần là có một phác thảo của một kế hoạch năm năm được đưa ra, kế hoạch mới nhất
đây quyết định tương lai của Trung Quốc cho tới năm 2015. Nó hứa hẹn sẽ chấm
dứt “sự phát triển không công bằng” của Trung Quốc, giảm bớt hố sâu giữa giàu
và nghèo, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền Đông giàu có của đất nước và
miền Tây tụt hậu. Thêm vào đó, cần phải xây 36 triệu căn hộ có giá phải chăng,
3,9 triệu kilômét đường xá và 45 cảng hàng không.
Qua các nhà máy quốc doanh, chính phủ là một nhà hoạt
động quan trọng trong kinh tế. Ngân hàng, đường sắt, công ty hàng không (cả nhà
bán xăng máy bay) thuộc về họ, họ sở hữu đa số các xưởng đóng tàu và công ty
hàng hải, các nhà cung cấp năng lượng – tất cả họ đều là những thể chế của
chính phủ; cũng như những nhà nhập cảng dầu mỏ và các nhà máy lọc dầu Sinopec
và Petrochina, tập đoàn nhôm Chinalco hay công ty khai thác dầu ngoài khơi
CNOOC.
Cuối những năm bảy mươi, Đảng đã đập vỡ cái được gọi là
“chén cơm sắt” cho công nhân, cái bảo đảm một căn hộ, một bảo hiểm ốm đau và
một công việc làm chắc chắn cho tới khi về hưu. 25 triệu công nhân bị sa thải
và phải sống qua ngày với một số tiền trợ cấp nhỏ hàng tháng.
Các công ty còn lại đều hoàn toàn hay một phần là công ty
cổ phần, chính phủ nắm đa số cổ phiếu. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, các
tập đoàn nhà nước nhận được phần lớn của chương trình đầu tư của Bắc Kinh gồm
trên 400 tỉ euro – và qua đó đã trở thành người thắng cuộc của việc này.
Năm 2007, gần 70% của 500 doanh nghiệp Trung Quốc đứng
đầu trong danh sách của Forbes là thuộc nhà nước. Thế nhưng nhìn chung thì con
số của doanh nghiệp nhà nước giảm liên tục, 2009 còn là 154.000. Nhưng trước
sau chúng vẫn chiếm tròn 30% của cái được gọi là khu vực thứ hai và thứ ba, của
công nghiệp và dịch vụ – và quỹ của họ ngày càng đầy tiền hơn.[1]
Điều đấy khiến cho sự hình thành của các dự án kinh tế và
hạ tầng cơ sở lớn nhất và táo bạo nhất đều nhờ vào nền kinh tế nhà nước này.
Trong khi trong nước Cộng hòa Liên bang [Đức], trong đất
nước mà người ta đã phát minh ra loại tàu hỏa chạy trên đệm từ trường, không có
chiếc [tàu hỏa chạy đệm từ trường] Transrapid nào lao đi và lao về, cả giữa
Berlin và Hamburg lẫn giữa Cảng hàng không München và Quảng trường Karlsplatz
cũng không, thì người Trung Quốc đã hành động: họ xây dựng một tuyến giữa Cảng
hàng không Thượng Hải Pudong và trạm tàu điện ngầm đường Longyang. Qua đó, các
quan chức Trung Quốc đã chứng tỏ lòng can đảm làm cái lớn và hẳn là cũng có nhu
cầu to lớn, muốn có được công nghệ đệm của Đức.
Transrapid chỉ là một của nhiều ví dụ. Tàu hỏa cao tốc,
những cái nhận được cái tên “Hài Hòa” đẹp đẽ, hiện giờ đã kết nối nhiều thành
phố. Ngay trên sa mạch Nội Mông cũng có nhiều cây cầu cạn mà chẳng bao lâu nữa
sẽ có tàu hỏa lao qua đó với trên 300 kilômét trong một giờ.
Điều khiến cho các đối tác kinh doanh từ nước ngoài vui
mừng đến độ thỉnh thoảng họ hết mức ca ngợi ĐCS và không thích nhìn những tường
thuật phê phán của báo chí họ về những vấn để của Trung Quốc, là sự thật, rằng
Đảng có khả năng hiện thực cả những sự án khổng lồ một cách nhanh chóng và
cương quyết. Hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn người được tái định cư cho đường
cao tốc, cảng hàng không và đập thủy điện, và thế là cần cẩu với máy pha bê
tông đã bắt đầu quay ngay lập tức.
Nước Trường Giang ở Bắc Kinh
Ở phía Nam của thủ đô Trung Quốc, công nhân đào và khoan
kênh đào và đường hầm trong năm 2010. Chẳng bao lâu nữa, dự tính nước từ Trường
Giang sẽ chảy qua trên 1000 kilômét đến miền Bắc Trung Quốc, nơi khô hạn từ
nhiều năm nay cho tới mức các quan chức đã suy nghĩ về việc dời trụ sở chính
phủ ra khỏi Bắc Kinh, có thể là về Nam Kinh ở phía Nam.
Dự án Nam-Bắc này sẽ khiến tiêu tốn khoảng 62 tỉ dollar,
tròn 300.000 ngàn người sẽ phải rời bỏ quê hương của họ. Không một ai biết liệu
kế hoạch này có hoạt động về lâu dài hay không và nó sẽ có hậu quả nào cho môi
trường. Và tuy vậy, chính phủ vẫn quyết định: bắt đầu từ 2014 nước Trường Giang
sẽ chảy ra từ những vòi nước ở Bắc Kinh.
Hiện giờ đã xong là một dự án khổng lồ khác của những nhà
kỹ sư-viễn mộng: đập Tam Hiệp trong tỉnh Hà Bắc là đập nước lớn nhất và là một
trong những dự tính đã gây tranh cãi nhiều nhất thế giới – không chỉ vì cái giá
đắt cho người dân của vùng đấy: 1,2 triệu người phải tái định cư. Toàn bộ nhiều
thị trấn ở cạnh bờ Trường Giang đã chìm vào trong dòng nước màu nâu.
Hiện giờ, nhiều nỗi lo ngại đã trở thành sự thật: hồ trữ
nước đấy là một vũng nước thối khổng lồ, vì các thành phố và nhà máy ở thượng
nguồn xử lý nước thải của họ không đúng mức. Sườn núi lở, một vài khu dân cư
mới đã bị đe dọa ngay từ bây giờ.
Khoa học gia đã tiên đoán trước tất cả những điều đó,
ngay cả nhiều nghị sĩ thông thường là phục tùng mệnh lệnh trong Đại hội đại
biểu Nhân dân Toàn quốc, Quốc Hội giả vờ của Trung Quốc, đã dám chống lại đập
Tam Hiệp. Mặc dù vậy, Đảng vẫn cương quyết tiến hành dự án. Đập này, họ lý
luận, là quan trọng cho việc cung cấp năng lượng, thêm vào đó nó có thể ngăn
chận nạn ngập lụt ở hạ lưu Trường Giang và qua đó cứu sống nhiều mạng người. Kể
từ lúc đấy, họ đã ăn mừng lòng can đảm và nghị lực cũng như sức sáng tạo của
họ.
Sách đỏ, quả đấm giơ lên và không có số
Ai là những người phụ nữ và đàn ông đưa ra những quyết
định như vậy – và dẫn dắt Trung Quốc và qua đó là châu Á đi vào tương lai? Tất
cả họ đều thuộc đảng phái lớn nhất thế giới, hiện giờ có trên 80 triệu người sở
hữu quyển sổ thành viên có màu đỏ. Tất cả họ đã giơ cao quả đấm thề trung thành
với tổ chức, cái được tổ chức theo nguyên tắc Lênin của “dân chủ tập trung”,
tức là: từ trên xuống dưới.
Đảng lo sao cho không phải ai cũng bình đẳng trước pháp
luật. Thay vào đó là luật lệ của hai giai cấp, cái phân biệt giữa đồng chí và
con người bình thường. Bù vào đấy, ĐCS đã tạo nên một loại giống như cảnh sát
hình sự nội bộ – Ủy ban Kỷ luật Trung ương. Nó sẽ hoạt động, khi một cán bộ bị
nghi ngờ có hành động phạm pháp. Cảnh sát và công tố chỉ được phép điều tra
chống đảng viên khi các ủy viên của ban kỷ luật cho phép. Thường thì cuối cùng
Đảng cũng ấn định trước, rằng phải kết án và phán quyết ra sao.
Chỉ có đảng viên mới có cơ hội thăng tiến trong chính phủ
và nhà máy quốc doanh. Hiếm có ngoại lệ. Người mới phải qua giai đoạn thử thách
hai năm mà trong đó họ phải chứng tỏ nhận thức chính trị của họ trong các bài
luận văn và đóng góp thảo luận. Thêm vào đó là luôn luôn tuân theo lãnh đạo, đi
đến bất cứ nơi nào mà họ muốn, và giữ bí mật về nội bộ của tổ chức. Hệ thống này
có hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên. Không ai biết chính xác ai ở hàng đầu của
Trung Quốc quyết định điều gì và tại sao, ai suy nghĩ điều gì, ai liên minh với
ai. Đảng không có trong quyển danh bạ điện thoại.
Các cán bộ phải thường xuyên đi học một trong 2700 trường
đảng, trước khi họ được thăng chức. Trong đó có thể có những bước nhảy đáng
ngạc nhiên trên đường sự nghiệp, bước nhảy từ một ngân hàng nhà nước vào chức
vụ thị trưởng hay từ một nhà máy cán thép vào Bộ Văn hóa không phải là không
bình thường. Trường Đại học Đảng trung ương đối diện với dinh mùa hè ở Bắc Kinh
giảng dạy bên cạnh Marx và Mao là các lý thuyết gia kinh tế Phương Tây Keynes
và Stiglitz, họ còn liên kết với Kennedy School of Government ở Đại học Harvard
hay với Đại học Cambridge.[2]
Trong cựu thuộc địa Anh Hongkong, một trong các trung tâm
tài chính quan trọng nhất của thế giới, cái từ 1997 lại thuộc về Trung Quốc,
ĐCS cho tới nay là một tổ chức bí mật, văn phòng đảng của họ và đảng viên ẩn
nấp ở phía sau các tổ chức tiền tuyến.
Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas
Lorenz, do Phan Ba dịch, mời các bạn đón đọc
[1] Gao Xu: “State-owned
enterprises in China: How big are they?”, Worldbank-Blogs, 19/01/2011
[2] Xem Richard McGregor: “The
Party – The Secret World of China’s Communist Rulers”, HarpperCollins, New
York, 2010
No comments:
Post a Comment