Lê Phan
Friday,
November 23, 2012 7:43:31 PM
Lần đầu tiên tôi thấy Viện Ðại Học Rangoon là qua cánh cửa một
xe taxi cũ kỹ đi từ phi trường về thành phố vào cuối thập niên 1990.
Ðại
Học Rangoon ngày Tổng Thống Barack Obama đọc diễn văn trong chuyến viếng thăm
Miến Ðiện. (Hình: JEWEL SAMAD/AFP/Getty Images)
Quen
thuộc với những viện đại học nằm lẻ tẻ, xây dựng tạm bợ, rải rác khắp thành phố
như Viện Ðại Học Sài Gòn trước đây, Viện Ðại Học Rangoon, ngay cả trong quang
cảnh tiêu điều hoang phế, trước mắt tôi thật đồ sộ và bề thế. Nó chứng tỏ điều
mà những người bạn Miến vẫn thường tự hào bảo tôi, “Trước kia chúng tôi có viện
đại học giỏi nhất Á Châu”. Mà quả thật vậy, trong những thập niên từ 1930 đến
1950, đây là một viện đại học nổi tiếng, đặc biệt dạy bằng tiếng Anh nơi mà số
sinh viên ngoại quốc tìm đến học khá đông.
Nhưng
khi tôi đi qua vào năm 1997, Viện Ðại Học Rangoon nằm im lìm. Những giảng
đường, học xá, thư viện cửa đóng im ỉm. Trường không một bóng sinh viên. Ngoài
sân, cỏ mọc um tùm, bìm bìm leo đầy rào giậu. Nhìn bề ngoài, nếu không có tấm
bảng viết song ngữ, thì không ai biết đó là một viện đại học. Người tài xế taxi
buồn rầu bảo tôi “Viện Ðại Học Rangoon
của tôi đấy. SLORC đóng cửa vì sinh viên biểu tình. Không biết bao giờ viện mới
mở cửa lại được!”
Cũng
như toàn thể thế hệ sinh viên của anh, U Nyunt, ông tài xế taxi của tôi, đã
tham gia phong trào sinh viên xuống đường biểu tình dẫn đến cuộc bầu cử năm
1989. Cùng với hầu như tất cả khối sinh viên Viện Ðại Học Rangoon, U Nyunt đã
hăng say tham gia cuộc bầu cử, khích lệ bởi sự có mặt của cô con gái của Tướng
Aung San, anh hùng giành độc lập cho dân tộc. Và cũng như không biết bao ngàn
sinh viên khác, Nyunt đã chứng kiến sự phản bội của các ông tướng và sự đàn áp
tàn nhẫn cuộc đấu tranh của sinh viên. Bà Suu Kyi đi tù, bị quản thúc tại gia.
Ða số sinh viên nếu không đi tù thì cũng trở thành “thất học”. Cứ mỗi lần sinh
viên xuống đường, các ông tướng đóng cửa trường đại học.
Con
đường University Avenue trở thành lặng lẽ. Bên này đường, trường đại học trở
thành ngày càng tiêu điều trong khi căn nhà ven hồ bên kia đường cũng um tùm
hoang phế không kém.
Ðể
giảm thiểu ảnh hưởng của viện đại học hàng đầu của quốc gia, chính quyền quân
phiệt tách những môn khoa học và kỹ thuật ra khỏi, lập thành một trường đại học
kỹ thuật khác. Rồi để tránh những cuộc biểu tình phản đối, các ông tướng đưa
các trường cấp cử nhân (under graduates) về những cơ sở ở nông thôn, chỉ để lại
có các lớp cao học.
Mà
họ sợ cũng phải. Viện Ðại Học Rangoon là linh hồn của phong trào giành độc lập
và sau khi độc lập, thành phong trào giành tự do dân chủ.
Tổng Thống Barack Obama, khi viếng thăm
Miến Ðiện trong sáu giờ đồng hồ ngắn ngủi đã dành một giờ để nói chuyện tại
giảng đường chính của Viện Ðại Học Rangoon. Tổng thống giải thích lý do tại sao chọn
viện đại học làm nơi đọc bài diễn văn quan trọng nhất của chuyến công du: “Tôi đến đây bởi
vì sự kính nể của tôi cho viện đại học này. Ðây là ngôi trường nơi đầu tiên đối
lập với chế độ thực dân xảy ra. Ðây là nơi mà ông Aung San làm chủ bút cho một
tờ tạp chí trước khi lãnh đạo phong trào độc lập. Ðây là nơi mà U Thant học về
lề lối của thế giới trước khi hướng dẫn thế giới đó ở Liên Hiệp Quốc. Ở đây,
học thuật đã sống mạnh ở thế kỷ trước và sinh viên đòi hỏi nhân quyền căn bản
của mình. Nay, Quốc Hội của quý vị sau cùng đã thông qua một nghị quyết hồi sinh
viện đại học này và nó phải giành lại sự vĩ đại của nó, bởi tương lai của đất
nước này sẽ được quyết định bởi giáo dục cho tuổi trẻ của mình.”
Sự lựa chọn của tổng thống đã được sự
hưởng ứng của trí thức và dân chúng Miến Ðiện. Giảng đường của viện đại học không
đủ chỗ nên bên ngoài, nhiều ngàn người đã tụ tập ở cửa chính trong khi tổng
thống đọc bài diễn văn. Nhiều người nói họ hy vọng bài diễn văn sẽ tạo mầm móng
cho sự hồi sinh của viện đại học có thời nổi tiếng này.
Sử gia Than Myint Oo
giải thích với nhật báo The Irrawaddy của phong trào đối lập Miến, vốn trước
kia phải xuất bản ở Thái Lan, tại sao ông thích bài diễn văn của tổng thống: “Tôi thích bài diễn văn và chúng ta có thể
nói khi ông Obama đến và đọc bài diễn văn tại Viện Ðại Học Rangoon thì đó đã là
một bước ngoặt. Ảnh hưởng tệ hại nhất của chính quyền quân phiệt trong 50 năm
qua đã là hệ thống giáo dục.”
Nhưng điều quan trọng hơn không phải chỉ là giáo dục mà
là giáo dục thực sự khi tự do tư tưởng, tự do phát biểu được tôn trọng. Chính vì ngay trong
thời thuộc địa, chính quyền thuộc địa Anh đã để cho tự do phát triển ở Viện Ðại
Học Rangoon nên viện mới có thể trở thành một trung tâm của tinh thần tranh đấu
của Miến Ðiện.
Quả
không ngoa khi tổng thống nói ngôi trường này là nơi đầu tiên đối lập với chế
độ thực dân bắt đầu. Ba cuộc đình công toàn quốc đầu tiên chống lại chế độ đô
hộ Anh trong các năm 1920, 1936 và 1938 phát xuất từ viện đại học này. Tổng
thống cũng đã có nhắc đến các lãnh tụ của phong trào giành độc lập đều là cựu
sinh viên của viện đại học này.
Nhưng
truyền thống tranh đấu của sinh viên tiếp tục trong giai đoạn hậu thuộc địa.
Năm 1962, sinh viên biểu tình chống lại những “luật lệ bất công của viện đại
học”. Tướng Ne Win, một cựu sinh viên, đã gửi quân đội đến đàn áp dẫn đến vài
chục sinh viên bị bắn chết, và tòa nhà của tổng hội sinh viên Viện Ðại Học
Rangoon bị chính quyền cho đặt chất nổ phá tan thành bình địa sáng ngày hôm sau
cuộc biểu tình.
Tháng 11 năm 1974, cựu Tổng Thư Ký Liên
Hiệp Quốc U Thant qua đời.
Vào ngày tang lễ của ông, sinh viên Viện Ðại Học Rangoon cướp quan tài ông, và
đưa về một cái lăng mà họ dựng tạm trên nền nhà của trụ sở tổng hội sinh viên
để phản đối chính phủ không tổ chức quốc táng cho vị lãnh tụ đáng kính nể đó.
Quân đội tấn công vào khuôn viên viện, hạ sát một số sinh viên và giành lại
quan tài và sau đó chôn ông U Thant ở chân chùa Shwedagon.
Năm
1989, khi chính quyền quân phiệt đổi tên nhiều địa danh trên toàn quốc kể cả
đổi luôn quốc hiệu, viện đại học được đổi tên thành Viện Ðại Học Yangon. Nhưng
đây cũng là lúc suy đồi nhất của viện đại học. Suốt thập niên 1990, vì sợ sự
lập lại của cuộc nổi dậy ngày 8 tháng 8 năm 1988, vốn được biết dưới cái tên
8888, nhằm tránh sinh viên tụ tập viện đại học bị đóng cửa. Ngay cả sau khi cho
mở cửa lại, chính quyền đã tách viện ra thành nhiều trường nhỏ, đưa sinh viên
ra khỏi thành phố, tất cả trong cố gắng ngăn chặn sinh viên tiếp tục tranh đấu.
Cho đến hôm nay, viện vẫn còn bị hầu hết bỏ hoang, với chỉ vài lớp cấp cao học
được dạy trong khuôn viên viện.
Ngay
giữa trung tâm của campus chính của viện có một nhà thờ, nhà thờ Judson, một
nhà thờ Baptist và cũng như trường Judson thuộc viện, mang tên ông Adoniram
Judson, một nhà truyền giáo người Mỹ thời thế kỷ thứ 19. Ông Judson có ý nghĩa
không kém gì Cha Bá Alexandre de Rhodes đối với dân tộc Việt Nam chúng ta bởi
ông đã soạn cuốn tự điển Miến Anh đầu tiên. Một trường đại học đã được dựng lên
mang tên ông, sau được sát nhập thành một phần của Viện Ðại Học Rangoon.
Ngôi
nhà thờ Judson cách giảng đường chính nơi Tổng Thống Obama đọc diễn văn không
xa. Và nếu nhờ một nhân
vật Hoa Kỳ thứ nhì mà viện đại học này được hồi sinh, nền dân chủ Miến sinh hoa
kết trái, thì quả thật dân tộc Miến hạnh phúc lắm thay. Hồi trước khi đến Miến, tôi thương cho một
dân tộc văn minh bị một nhóm lãnh đạo ngu dốt cầm quyền. Ngày nay nhìn về Miến
tôi lại nghĩ mà tủi thân cho dân tộc Việt Nam mình.
No comments:
Post a Comment