Tuesday, 20 November 2012

CÂU CHUYỆN LÁI XE CHÍNH CHỦ (Trần Vinh Dự)






20.11.2012

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong những ngày gần đây là vấn đề đi xe chính chủ. Vấn đề này nảy sinh từ Nghị định 71 và nó trở thành một tâm điểm “búa rìu dư luận” đối với Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng.

Nghị định 71 quy định từ 10/11/2012 tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ, trong đó có hành vi của chủ xe ô tô, xe máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Theo nghị định này, nếu các bên mua – bán ô tô hoặc xe máy không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mua bán) sẽ bị phạt ở mức từ 800 nghìn đến 1 triệu 200 nghìn cho trường hợp xe máy và từ 6 triệu tới 10 triệu đồng đối với xe ô tô các loại.

Theo giải thích của Bộ Giao thông, Nghị định 71 không có quy định xử phạt người điều khiển xe không chính chủ, mà chỉ quy định xử phạt chủ phương tiện có hành vi không chuyển quyền sở hữu đúng quy định. Bộ này cũng giải thích thêm rằng nghị định 71 đã quy định rõ về hành vi và mức phạt, còn thủ tục và hình thức xử phạt được áp dụng theo quy định hiện hành của Bộ Công an.

Mức phạt có thể nói là rất cao này cùng với việc thiếu rõ ràng trong giải thích đối tượng bị phạt khiến cho công chúng hoang mang. Vấn đề mọi người quan tâm là khi họ lái xe không phải xe do mình sở hữu, thí dụ của bạn bè, gia đình, người quen, thì việc giải trình với công an giao thông sẽ như thế nào. Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng Cục trưởng,Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) trả lời trên báo chí rằng

Hiện Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hộ đã có công điện 141 gửi công an các địa phương nói rõ, trong thời gian mới triển khai quy định về xử phạt xe không chính chủ, nếu người lái xe khai là xe mượn thì tạm thời không xử phạt", và “chỉ cần hỏi giấy tờ của người cho mượn, CMTND, số điện thoại của người cho mượn… là đã có thể biết có mượn hay không”.

Lý do ít người đi xe chính chủ

Nhà nước và xã hội có lợi ích trong việc biết đích xác một chiếc xe được phép lưu thông trên đường phố là thuộc về người nào để chống mất cắp, kiểm soát các tiêu chuẩn về an toàn giao thông và môi trường, xử phạt vi phạm giao thông, điều tra tội phạm…Vì thế nước nào cũng có quy định về việc đăng ký các loại xe này. Khi các chủ phương tiện bán xe của mình cho người khác, thì người chủ mới đương nhiên phải đăng ký lại với cơ quan nhà nước.

Thế nhưng ở Việt Nam ít người khi mua xe cũ muốn thực hiện chuyển quyền sở hữu phương tiện đúng quy định.

Một trong những lý do chính là họ phải trả phí trước bạ quá cao. Thí dụ, lệ phí trước bạ với ô tô dưới 10 chỗ tùy theo từng địa phương dao động từ 10 - 15%. Lưu ý đây là một loại phí chứ không phải thuế. Các khoản phí được đặt ra nhằm giúp nhà nước có nguồn thu để bù đắp các chi phí liên quan trực tiếp đến các dịch vụ cung cấp cho xã hội - trong trường hợp này là làm thủ tục đổi chủ cho phương tiện. Vì thế, mức phí lên tới 10%- 15% là cao một cách hoàn toàn vô lý. Sự vô lý của chính sách tạo động cơ khuyến khích người dân không chấp hành.

Một lý do khác nữa là từ trước tới nay chưa bao giờ có chuyện xử lý nghiêm khắc vấn đề không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu với cơ quan nhà nước khi mua bán xe. Và mức xử phạt, nếu có bị phạt, trước đây cũng rất thấp. Với xe gắn máy, mức phạt cũ chỉ là từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng và với xe ô tô các loại mức phạt cũ chỉ là từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.

Gộp chung hai lý do này lại, trước đây đối với người tiêu dùng, việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu với cơ quan nhà nước vừa rất tốn kém, vừa không giải quyết được vấn đề gì vì không làm cũng chẳng sao. Đó là lý do có tới 40% phương tiện giao thông tại Việt Nam là không chính chủ theo một điều tra xã hội học của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Luật chơi thế nào thì “fair”?

Nếu như luật chơi cũ bao gồm các thành tố: tiền phạt cực thấp + phí trước bạ cực cao + lơi lỏng trong việc xử phạt thì luật chơi nay đã khác. Ban đầu, có vẻ như nó bao gồm các thành tố (hoặc ít ra là dư luận tin rằng nó bao gồm các thành tố): tiền phạt cao + phí trước bạ cao như cũ + công an vào cuộc kiểm tra ai không đi xe chính chủ thì đều bị phạt. Và điều này đã gây nên một làn sóng bất bình lớn.

Một luật chơi fair trong trường hợp này phải là: tiền phạt rất cao + phí trước bạ thấp + việc kiểm tra và xử phạt thông qua các kênh hợp lý hơn là truy vấn người điều khiển phương tiện có chính chủ hay không.

Về mức phí trước bạ, có vẻ như mức phí này sẽ được giảm mạnh trong những ngày tới, Bộ Công an đã có kiến nghị giảm phí trước bạ của xe ô tô cũ xuống chỉ còn 1%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính còn đang cân nhắc và chưa quyết có nên giảm hay không và nếu giảm thì lộ trình giảm như thế nào.

Về việc điều tra và xử phạt, thì ngay cả với giải thích của thiếu tướng Đỗ Đình Nghị ở trên cũng không làm cho người dân bớt lo lắng. Làm thế nào để phân biệt một người quen cho mượn xe với một người bán xe? Khi người điều khiển phương tiện mua xe của một cá nhân khác nhưng chưa làm thủ tục, thông thường người điều khiển phương tiện phải biết vài thông tin cá nhân của người bán, thí dụ tên tuổi và số điện thoại. Nếu công an giao thông chỉ hỏi tên tuổi thì không giải quyết được gì. Nếu công an giao thông hỏi các thông tin cá nhân hơn như số chứng minh nhân dân, ngày sinh, số bằng lái xe, hay sổ hộ khẩu của chủ xe thì ngay cả khi đi xe mượn của bạn bè (chứ không phải mua) cũng khó lòng trả lời thích đáng cho công an được.

Điều tệ hại hơn là sự mập mờ này tạo điều kiện cho một dạng sách nhiễu mới. Công an giao thông, nếu muốn, có thể viện vào cớ đi xe không chính chủ (vốn không có gì sai, miễn là xe mượn) để gây khó khăn và đòi tiền mãi lộ. Đương nhiên nói như thế không phải là công an giao thông sẽ gây khó khăn hay đòi tiền mãi lộ, mà chỉ là họ có thêm một cái cớ để nếu muốn thì có thể làm.

Có lẽ Bộ Công an sẽ phải tìm ra một cách khác để giám sát vấn đề không chuyển quyền sở hữu đúng quy định thay vì việc kiểm tra phương tiện đang lưu thông. Có nhiều cách để thực hiện việc này. Thí
dụ nếu phương tiện giao thông nào bị phạt thì đích thân người đứng tên giấy tờ phải lên nộp phạt (điều này sẽ gây phiền phức cho chủ xe cũ sau khi đã bán xe cho người khác nhưng chưa làm giấy tờ với nhà nước, vì thế làm tăng mong muốn làm thủ tục cho xong để “nhẹ nợ”). Việc phạt nguội – tức là phạt dựa vào video quay hình trên đường cũng vậy. Các chủ phương tiện (trên giấy tờ) sẽ là người phải đi nộp phạt bất kể lái xe là ai.

Một cơ chế khác rất hiệu quả nhưng chưa áp dụng ở Việt Nam đó là việc tính phí bảo hiểm khi người dân đi mua bảo hiểm xe hơi. Dù người điều khiển phương tiện là ai, khi xe hơi do một cá nhân đứng tên làm chủ gây ra lỗi và hãng bảo hiểm phải đứng ra đền thì phí bảo hiểm của người chủ phủ phương tiện trên giấy tờ sẽ lập tức tăng lên. Đây là một cơ chế rất mạnh mẽ khiến cho các chủ phương tiện sau khi bán xe là ngay lập tức muốn cắt đứt mọi liên hệ với phương tiện mình đã bán bằng cách làm thủ tục chuyển sở hữu cho bên mua.

Một số nước (kể cả Mỹ) có áp dụng thuế tài sản đánh lên người sở hữu xe hơi trên giấy tờ (ở Việt Nam không có loại thuế này). Thuế này cũng là một lý do khiến chủ phương tiện sau khi bán là muốn chuyển ngay sở hữu pháp lý cho bên mua.


* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats