9-11-2012
Hơn một tuần trước ngày bầu cử, mấy
người bạn từ xa gọi tới, vừa cầm máy lên đã nghe thấy: Chết bỏ mẹ rồi, theo
thăm dò, Obama lại thắng kỳ này nữa rồi. Thế rồi một ông bạn gần hay gặp mỗi
khi đến nhà thờ vào sáng Chúa nhật: chắc Obama lại thắng nữa. Nếu ông ta thắng
kỳ này nữa thì Giáo hội kẹt cứng. Khi sắp hàng bỏ phiếu sớm cũng lại gặp một
cặp vợ chồng quen biết nói: Bỏ cho Obama là chết đó nghe không.
Chỉ mãi khi bỏ phiếu xong, ra về
gặp một ông khá lớn tuổi đang làm thiện nguyện viên nơi phòng phiếu mới hỏi,
anh bỏ cho ai, tôi nói TT Obama. Ông ta nói tôi cũng bỏ cho ông Obama, chứ bỏ
cho ông Romney, ông cắt mất tiền già thì sao.
Đại khái khi nghe những lời nói
trên, mình không thể có ý kiến gì được. Vì ý kiến của họ đã bị đóng đinh. Nhưng
trước ngày bầu cử, tự nhiên có cái thư lọt vào hộp email, mở ra coi cũng vẫn
những lời khuyên chí tình nói đến những tai họa nếu ông Obama đắc cử; nào là:
chúng ta lánh nạn cs sang tới đây mà cũng không thoát, ông ta đang áp dụng xã
hội chủ nghĩa vào Hoa kỳ; ông ta sẽ để Hồi giáo bá chủ xã hội Hoa kỳ; ông ta
chẳng làm được gì ngoạn mục trong bốn năm nhiệm kỳ đầu như đã hứa: Kinh tế vẫn
trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao; chỉ được mỗi cái tiêu tiền và ngày nay mang
nợ ngất ngưởng; còn đối với Trung Đông thì nửa vời, với Trung Quốc thì yếu xìu
và chẳng có biện pháp cứng rắn với cs Việt Nam khi chúng thắng tay đàn áp những
người đấu tranh cho dân chủ và những dân oan mất nhà mất cửa.
Trả lời thư này, tôi viết mấy chữ: “Ông Obama sẽ thắng
và thắng vẻ vang.”
Tôi đoán vậy vì vợ chồng tôi có bốn
đứa con: một trai một gái, một dâu, một rể đều sẽ bỏ cho Obama. Riêng thằng con
trai lúc nào nói chuyện bầu cử, nó đều chọc nhà tôi: “Ai chả biết mẹ là nhà tư
bản, lương của mẹ những 25.00$. một năm, nên mẹ chọn Cộng hòa là phải rồi.”
Riêng phần tôi, tôi vẫn cảm thấy
không thoải mái khi nghĩ tới ông Kissinger, ngoại trưởng của TT Nixon đã luôn tìm
cách ép TT Thiệu ký bản Hiệp định Paris hoàn toàn thất lợi cho VNCH và chẳng
phải nhà tiên tri, mọi người cũng đều biết là VNCH sẽ bị cs cưỡng chiếm với bản
hiệp định này.
Điều khoản vô lý nhất là rút quân
ngoại nhập chỉ áp dụng cho phía Quân đội Hoa kỳ, nhưng còn Việt cộng vẫn tiếp
tục ở lại những phần đất mà họ đã chiếm của Miền Nam và gọi đó là ngưng bắn “da
beo”.
Hồi đó, chúng tôi đang có mặt tại
Ngô Trang, Kontum. Chỉ cách chốt của vc khoảng 200 thước. Hằng ngày thầy mấy
anh chàng vc ra bờ ruộng múc nước mà chẳng làm gì được họ. Chỉ có chiếc máy
phóng thanh chĩa sang phía họ. Tuyên truyền, giải thích cũng chẳng nghĩa lý gì,
vì họ đang ở thế thượng phong và mình ngày một co cụm. Có mỗi cách duy nhất là
thách họ chửi Hồ Chí Minh. Họ lại nói chúng mày có dám chửi “thằng Thiệu
không?” Dĩ nhiên là dám rồi và các anh hãy ghi nhớ giọng nói của chúng tôi khi
chúng tôi phê phán ông ta và một tuần sau các anh vẫn nghe thấy giọng nói của
chúng tôi tại đây. Nhưng nếu các anh chỉ cần nói: "Hồ Chí Minh là một tên
độc tài, chuyên nói không thành có, nói có thành không là tuần lễ sau các anh
đã bị biến đi mất tiêu rồi.”
Cứ những chuyện lặt vặt như thế
ngày nọ qua ngày kia.
Thế rồi lời hứa của TT Nixon sẽ yểm
trợ không lực tối đa nếu vc vi phạm Hiệp định. Tháng 12 năm 1974, Việt cộng với
cả thiết giáp T 54 tràn chiếm Thị xã Phước Long, chẳng thấy tăm hơi không lực
Hoa kỳ đâu, và đã bị thất thủ vào ngày 6 tháng Giêng năm 1974. Toàn dân thị xã
ai sống sót được đều chạy trốn sang Quảng Đức.
Đấy, đảng Cộng hòa của TT Nixon và Ngoại trưởng Kissinger đã chống cộng
và đối xử với VNCH như thế đó.
Trong kế hoạch di tản năm 1975,
cũng chỉ cho di tản những người Mỹ và một số hạn chế những viên chức Việt Nam
trực tiếp làm việc cho Mỹ.
Đến khi người vượt biển tràn đầy trên mặt biển Đông thì chính TT Carter của đảng Dân chủ đã đẩy
mạnh chiến dịch “Human Right Movement” yêu cầu tầu thuyền của mọi quốc gia hay
tham gia vớt người tỵ nạn Việt Nam.
Mới đây, trong lúc Trung cộng tỏ ra
hiếu chiến, chèn ép, gây bao đau thương cho dân chài các nước láng giềng, nhất
là Việt Nam, thì Ông Kissingger vẫn kêu gọi hợp tác với Trung cộng là đúng đắn.
Trong khi khiếm ngạch của Hoa kỳ
ngày càng cao, TT Obama yêu cầu các đại gia Hoa kỳ đóng góp thuế hơn một chút
để bù vào những khoản nợ quá lớn, nhưng nhiều người lại không ủng hộ vì cho
rằng phải miễn trừ thuế cho họ để họ có thể kinh doanh mang lại công ăn việc
làm cho nhiều người. Còn có người mạnh miệng hơn nói “đây là chính sách lấy của
nhà giầu chia cho người nghèo, cs trá hình.”
Các ông chủ hẵng xưởng đâu có thèm
nghĩ tới tạo công ăn việc làm, nhưng là lợi nhuận. Biết bao hẵng xưởng thay vì
kinh doanh tại Hoa kỳ với lợi nhuận hạn chế vì bị chi phối bởi luật lệ ràng
buộc như lương tối thiểu, bảo hiểm sức khỏe, lương trả nghỉ bệnh, vacation...
họ đưa sang Trung quốc kinh doanh, lợi nhuận trọn gói vừa lương thấp, công nhân
làm tăng giờ, làm cả cuối tuần với điều kiện làm việc thật thê thảm. Marx nói:
“Tất cả công nhân toàn thế giới đoàn kết lại đứng lên chống lại bọn tư bản bóc
lột”, nhưng ngày nay Trung cộng và Việt Nam đã xây dựng thành công xã hội chủ
nghĩa bèn trói chân, trói tay công nhân lại cho tư ban bóc lột.
Nghe đến danh Steve Job, mọi người
đều thán phục vì đã đóng góp nhiều cho sự tiến triển kỹ thuật điện tử. Tuy
nhiên, ông ta cũng là một tay kinh doanh có hạng đã mang lại những món tiền lợi
nhuận kếch xù cho hãng Apple. Ông ta đã để hãng Foxconn lắp ráp những sản phẩm
của Apple như Iphone, Airbook, Ipad va laptop computer tại Trung Quốc. Vì lương
công nhân rẻ mạt và điều kiện làm việc hết sức tồi tệ đã khiến nhiều công nhân
tự vẫn. Thay vì cải thiện lương bổng và điều kiện làm việc thì họ lại che chắn
cửa sổ và chăng lưới phía dưới building, nơi công nhân làm việc để họ không thể
tự vẫn được.
Còn hàng hóa độc hại của Trung Quốc
ngày nay tràn ngập tại Hoa Kỳ. Phần lớn hàng hóa này là sản phẩm của những hẵng
xưởng có chung vốn của những nhà đầu tư nước ngoài. Diane Sawyer có bài tường thuật dài về sự độc hại và kêu gọi dân
chúng tẩy chay; cũng như tác giả Peter
Navarro cảnh tỉnh về hàng hóa của Trung Quốc trong Tác phẩm “Death by China.” Chính quyền Liên bang
yêu cầu đề rõ “Made In” trên những sản phẩm này giúp người tiêu dùng phân biệt
được rõ nguồn gốc của món hàng trước khi quyết định mua.
Thực tình mỗi khi thấy một món hàng
bắt mắt muốn mua, khi cầm lên, lật tới, lật lui chẳng thấy “Made In” đâu cả hay
có thấy cũng rất khó vì chữ in rất nhỏ và thường lẫn vào một lô những chữ khác,
nhưng lại thấy Packed (gói) và Distributed (phân phối) tại California, Houston,
Florida... USA chữ in lớn và rất rõ. Chỉ việc in chữ “Made In China” thật rõ
ràng trên các sản phẩm của Tầu thôi là sức mua những mặt hàng tiêu dùng này
giảm ngay. Một việc làm rất dễ, nhưng lại không thực hiện được. Phải chăng các
tay buôn bán những mặt hàng này đã bỏ ra nhiều tiền để “Lobby” và như vậy thì vì quyền lợi của
thiểu số tư bản hay của tuyệt đại đa số người tiêu dùng.
Còn mấy ông bạn thuyết phục đừng bỏ phiếu cho ông Obama
vì ông support phá thai và ủng hộ đồng tình luyến ái.
Phá thai và đồng tình luyến ái,
đúng là đi ngược lại giáo huấn Kitô giáo. Nhưng liệu ứng viên của đảng Cộng Hòa
có tuyệt đối ủng hộ giáo huấn này không?
Tôi đã ở Hoa Kỳ và chứng kiến năm lần tranh cử Tổng thống và lần nào
vấn đề này cũng được mang ra thảo luận và nhà thờ luôn nhắc nhở khi cầm lá
phiếu phải cân nhắc bầu cho những ai ủng hộ những giáo huấn của Giáo hội: Chống
phá thai, chống đồng tình luyến ái, chống hôn nhân đồng giới tính...
Nếu tôi nhớ không lầm, nhiệm kỳ đầu của TT Bush con thì đảng Cộng
Hòa nắm đa số Thượng viện lẫn Hạ viện và cả Tối cao Pháp viện. Nếu thực sự đảng
Cộng hòa muốn đưa ra luật nghiêm cấm phá thai và hôn nhân đồng giới tính và cấm
tuyển mộ “gay” vào quân ngũ quá dễ để được thông qua và đâu có còn đặt thành
vấn dề nữa. Nhưng khi nắm được quyền hành rồi thì những chuyện này lại đi
vào lãng quên ngay và sẽ chỉ được nhắc lại khi mùa tranh cử diễn ra. Đây chỉ là
chiêu bài kiếm phiếu mà thôi.
Nhiều người nói Cộng Hòa họ sẽ có
chính sách ngoại giao cứng rắn hơn với Trung cộng và Việt Nam.
Trong quá trình bang giao với Trung
cộng, đảng Cộng hòa đã mềm dẻo và nâng đỡ Trung cộng rất nhiều.
Trong nhiệm kỳ đầu của TT Obama,
ông đã tỏ ra cứng rắn trong vấn đề Đài loan. Ông cũng dứt khoát trong vần đề
biển Đông. Không thể kiếm được câu nào tuyên bố hay hơn của Ngoại trướng
Hillary ở giữa Hà Nội: "Biển Đông là quyền lợi cốt lõi của Hoa kỳ”. Ngoài
ra ông còn cho Thủy Quân Lục chiến bố trí 3000 quân tại Úc đại lợi, và tầu
chiến tối tân tại Singapore nhằm ngăn đe sự bành trướng của Trung quốc.
Riêng với Việt Nam, chiến hạm Hoa
kỳ đã tới cảng Việt Nam nhiều lần trong nhiệm kỳ đầu của ông. Điển hình là tầu
chiến USS Lassen do Trung Tá Lê Bá Hùng làm hạm trưởng đã ghé qua Đà Nẵng vào
ngày 13 tháng 11, 2009. Người ta chỉ còn chờ đáp ứng của Hà Nội. Nhưng csvn đã xìu
xìu, ển ển vì nếu dứt khoát ngả theo Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với sự cáo chung
của đảng csvn. Cho thấy chính sách ngoại giao của ông vừa mềm dẻo nhưng không
thiếu phần cương quyết.
Về chống khủng bố, ông Obama và ban
tham mưu của ông đã đạt được một thành tích là tiêu diệt được tên trùm khủng bố
Bin Laden và cái hay là thủy táng cái xác này để tránh những người cuồng tin
khác phong thánh, lập bia mộ, đền đài, lăng tẩm và tổ chức học tập và làm theo
gương Bác Bin để đẩy nhiều người khác tiếp tục nhảy vào lửa.
Và sau cùng, nếu không có Mục sư
Luther King, người dân da mầu đã can đảm tranh đấu cho nhân quyền và nổi tiếng
nhất với bài diễn văn “I have a Dream”, trong đó có một câu: “This will be
the day when all of God’s children will be able to sing with a new meaning, “My
country, ‘tis of thee, sweet land of liberty, of thee I sing. Land where my
fathers died, land of the pilgrims’ pride, from every mountainside, let freedom
ring...” ("Đây sẽ là ngày khi tất cả các con của Thiên Chúa có thể cất
tiếng hát với một ý nghĩa mới, "Đất nước tôi, mãnh đất ngọt ngào của tự
do, vì người mà tôi hát. Mãnh đất nơi cha tôi đã nằm xuống, mãnh đất tự hào của
những người hành hương, từ mọi triền núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do) - chưa
chắc chúng ta đã có cuộc sống bình đẳng như ngày hôm nay tại Hoa Kỳ này và cũng
nhờ TT Obama, người da mầu đầu tiên được bầu chọn là TT Hiệp Chủng Quốc đã là
nguồn cảm hứng và hy vọng cho thế hệ con cháu Việt Nam chúng ta mai sau và biết
đâu sẽ có người có thể nối gót ông một ngày không xa.
No comments:
Post a Comment