Friday, 23 November 2012

BIỂN ĐÔNG & HÀNH ĐỘNG NHAM HIỂM CỦA BẮC KINH (Jamil Anderlini & Ben Bland - Financial Times)




Jamil Anderlini ở Bắc Kinh và Ben Bland ở Phnom Penh

Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
23/11/2012 / 3 Comments

Bắc Kinh đã in bản đồ bao gồm cả Biển Đông vào trong hộ chiếu mới nhất của nước họ, làm ít nhất một trong các nước láng giềng thêm giận dữ.

Việt Nam đã có gửi khiếu nại chính thức đến Bắc Kinh về vấn đề trên. “Phía Việt Nam đã lưu ý về vấn đề này và hai bên đang thảo luận, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả”, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết.

Các quốc gia khác đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines, cũng quan ngại rằng Trung Quốc đang cố gắng buộc các cán bộ di trú [Philippines] thừa nhận yêu sách của họ mỗi khi một công dân Trung Quốc trình visa nhập cảnh hoặc xuất cảnh với hộ chiếu mới.

Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh hiện vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận.

Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã làm lu mờ một loạt các sinh hoạt trong Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương tại Campuchia, trong đó có sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Những bất hòa giữa các quốc gia Đông Nam Á chủ yếu tập trung về việc làm thế nào để đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng tỏ thái độ quyết đoán hơn.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ diện tích tại Biển Đông, bao gồm cả những lãnh thổ thuộc các nước láng giềng nhỏ hơn, và trong những năm gần đây Bắc Kinh đã gay gắt hơn trong việc khẳng định những tuyên bố trên.

Phía Trung Quốc đã in ‘đường chín đoạn’ vào trong bản đồ bao gồm toàn bộ diện tích ở Biển Đông, trong đó có cả các bờ biển thuộc chủ quyền Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và một phần nhỏ của Indonesia.

Diện tích đường chín đoạn được cho là có các lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cũng kết hợp các hòn đảo tự trị thuộc Đài Loan, nước mà Bắc Kinh lâu nay vẫn tuyên bố là lãnh thổ của họ.

Cho đến gần đây, hầu hết các chính quyền khu vực đã nhìn nhận đường chín đoạn và bắt đầu các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.

Trung Quốc đã cố ý làm suy yếu quan điểm của những nước khác bằng cách đưa CNOOC, một công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc, vào hoạt động trong vùng và kêu gọi các tập đoàn nước ngoài đến đấu thầu quyền thăm dò trong các lô gần bờ biển của Việt Nam mà Hà Nội đã đã cấp phép cho ExxonMobil của Mỹ và Gazprom của Nga.
Các sự kiện trên cộng với đường chín đoạn trong hộ chiếu đã làm cho nhiều nước trong khu vự quan ngại và nghi ngờ về sự thành thật của Trung Quốc trong việc đàm phán một thỏa thuận chung.

“Đây được xem như là một sự leo thang khá nghiêm trọng vì Trung Quốc cấp hàng triệu hộ chiếu mới và hộ chiếu người lớn có giá trị đến 10 năm”, một nhà ngoại giao cao cấp tại Bắc Kinh cho biết, và yêu cầu giấu tên bởi tính nhạy cảm của vấn đề. “Nếu Bắc Kinh sau này thay đổi quan điểm thì họ buộc phải thu hồi tất cả những hộ chiếu đó”.

Bộ An ninh Trung Quốc giám sát việc thiết kế và phát hành hộ chiếu mới tại nước này, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết và từ chối bình luận thêm. Cũng như bản đồ gây nhiều tranh cãi ở Biển Đông, hộ chiếu cũng bao gồm các hình ảnh danh lam thắng cảnh ở Trung Quốc và hai điểm du lịch nổi tiếng ở Đài Loan.

“Bản đồ trong hộ chiếu Trung Quốc không nhằm vào bất kỳ cụ thể một quốc gia nào”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một văn bản gởi cho Financial Times hôm thứ Tư. “Trung Quốc sẵn sàng chủ động trao đổi với các nước có liên quan”.

Từ năm 2010, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các quan điểm gay gắt hơn về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản đang kiểm soát và quản lý quần đảo Senkaku, còn được gọi là Điếu Ngư ở Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản cũng rất quan tâm về bản đồ trong hộ chiếu mới của Trung Quốc nhưng quy mô của bản đồ quá nhỏ và những hòn đảo không hiện ra rõ nên Tokyo đã không nêu vấn đề này với phía Bắc Kinh, các nhà ngoại giao quen thuộc với vấn đề Nhật–Trung cho biết.

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu phát hành hộ chiếu mới cách đây khoảng năm tháng và đây cũng là lần đầu tiên họ cấp chip điện tử trong hộ chiếu.

“Tôi nghĩ rằng đó là một bước rất độc của Bắc Kinh trong số hàng ngàn các hành động nham hiểm khác”, ông Nguyễn Quang A, cựu cố vấn cho chính phủ Việt Nam cho biết. “Khi người dân Trung Quốc vào thăm Việt Nam, chúng tôi phải chấp nhận nó [bản đồ] và đóng dấu vào các hộ chiếu của họ. . . Tất cả mọi người trên thế giới cần phải lên tiếng chứ không chỉ nhân dân Việt Nam”.

Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, nói rằng bao gồm các tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc trong hộ chiếu mới “có thể chứng minh chủ quyền quốc gia của chúng tôi nhưng nó cũng có thể làm rắc rối thêm vấn đề đang có [giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tuyên bố lãnh thổ trong Biển Đông"]. Giáo sư Shi nói rằng có khả năng rằng quyết định bao gồm bản đồ này đã được thực hiện ở cấp Bộ trưởng chứ không phải là ở cấp lãnh đạo ở trên.

Chính phủ Đài Loan nói với Financial Times rằng họ đã “thấy” hộ chiếu mới nhưng chưa nộp đơn khiếu nại chính thức với phía Bắc Kinh.

“Trung Quốc phải đối mặt với thực tế về sự tồn tại của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nền tảng độc lập của chúng tôi”, người phụ trách về Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan cho biết. “Chúng ta nên đặt sang một bên những tranh chấp và đối mặt với thực tế và cùng nhau làm việc để hướng tới sự phát triển hòa bình và ổn định trong khu vực eo biển Đài Loan”.

Gu Yu ở Bắc Kinh, Nguyễn Phương Linh ở Hà Nội và Sarah Mishkin ở Đài Loan đã bổ sung thêm một số chi tiết trong bài viết này.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012



Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước
24/11/2012

TAIPEI, Đài Loan – Trung Quốc đã làm một số nước láng giềng tức giận vì in ‘đường chín đoạn’ vào trong hộ chiếu mới, khoanh vùng yêu sách của họ trên toàn bộ Biển Đông và thậm chí cả Đài Loan.

Một người đàn ông Trung Quốc đứng bên ngoài văn phòng hộ chiếu tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm thứ Sáu ngày 23 tháng 11 2012 – cầm hộ chiếu mới với các trang bao gồm ‘đường chín đoán’ ở Biển Đông mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Ng Han Guan / Associated Press

Bên trong hộ chiếu, một bản đồ của Trung Quốc được phác thảo ở góc bên trái bao gồm Đài Loan và vùng biển lân cận, nằm bên trong các ‘đường chín đoạn’. Sự thay đổi này nhằm nhấn mạnh lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi toàn bộ Biển Đông, mặc dù các vùng này cũng được Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Brunei và Malaysia cùng lên tiếng tuyên bố chủ quyền.

Bản đồ chính thức của Trung Quốc lâu nay đã gồm Đài Loan và Biển Đông thuộc lãnh thổ của họ, nhưng hành động bao gồm các vùng này vào trong hộ chiếu có thể xem là một sự khiêu khích vì nó buộc các nước khác mặc nhiên xác nhận những tuyên bố trên bằng cách đóng con dấu [xuất/nhập cảnh] chính thức vào tấm hộ chiếu.

Các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền và phe đối lập cũng lên án bản đồ tại Đài Loan, một hòn đảo tự trị tách ra từ Trung Quốc sau cuộc nội chiến năm 1949. Họ nói rằng bản đồ này có thể gây tổn hại cho mối quan hệ đang nồng ấm kể từ khi Ma Ying-jeou [Mã Anh Cửu] đã trở thành tổng thống trong 4 năm rưỡi qua.

“Đây là một sự thiếu hiểu biết nghiêm trong về thực tế và chỉ kích động thêm tranh chấp”, Hội đồng về các vấn đề Đại lục, một cấp bộ tương đương trong nội các chính phủ chuyên phụ trách nhiệm về các mối quan hệ với Bắc Kinh, cho biết. Hội đồng cho biết chính phủ [Đài Loan] không thể chấp nhận bản đồ đó.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với các phóng viên tại Manila rằng ông đã gửi một văn thư đến Đại sứ quán Trung Quốc rằng nước ông “mạnh mẽ phản đối” hình ảnh trong hộ chiếu. Ông cho biết yêu sách của Trung Quốc đã bao gồm các “khu vực và hàng hải mà thực tế rõ ràng thuộc lãnh thổ của Philippines”.

Chính phủ Việt Nam cũng đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, yêu cầu Bắc Kinh loại bỏ các “nội dung sai lầm” được in trong hộ chiếu.

Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao cho biết hộ chiếu mới đã được ban hành dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Trung Quốc bắt đầu phát hành phiên bản hộ chiếu mới của họ bao gồm các chip điện tử vào ngày 15 tháng Năm, mặc dù những lời chỉ trích trên chỉ mới nảy sinh trong tuần này.

“Thiết kế của loại hộ chiếu này không chống lại bất kỳ một quốc gia cụ thể nào”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết tại một cuộc họp báo ngày thứ Sáu vừa qua. “Chúng tôi hy vọng các nước có liên quan có thể bình tĩnh xử lý tình hình một cách hợp lý và kiềm chế để người Trung Quốc và người nước ngoài đến thăm những nước này không bị không can thiệp một cách không cần thiết”.

Đó là chưa rõ liệu các nước láng giềng có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào ngoài các lời phản đối gửi đến Bắc Kinh. Trung Quốc, trong một vụ tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, đã từng kèm theo thị thực vào hộ chiếu thay vì cách đóng dấu vào bên trong hộ chiếu.

“Việt Nam có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và thực tiễn đối với hộ chiếu đó”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết.

Trong khi đó thì Đài Loan không công nhận hộ chiếu của Trung Quốc trong bất kỳ trường hợp nào, du khách Trung Quốc đến hòn đảo này cần phải có giấy tờ thông hành đặc biệt.

Trung Quốc duy trì các tuyên bố chủ quyền dựa trên lịch sử cổ đại đối với tất cả các đảo có tranh chấp ở Biển Đông, mặc dù nhiều trong số các đảo đó nằm trong các khu đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng Đông Nam Á. Các đảo và vùng biển ở những khu vự này được cho là có tiềm năng chứa đựng nhiều dầu mỏ và khí đốt.

Một số người lo ngại rằng các tranh chấp hiện nay có thể leo thang thành bạo lực. Trung Quốc và Philippines đã từng bị đẩy vào hoàn cảnh căng thẳng bế tắc tại bãi cát ngầm Luzon nằm ở phía tây đảo Philippines vào đầu năm nay.

Hoa Kỳ cho biết họ sẽ không đứng về bên nào đối với các tranh chấp hiện nay nhưng đang xem xét để đảm bảo an toàn giao thông hàng hải trong vùng nước có lợi ích quốc gia của họ [Mỹ], và Hoa Kỳ ủng hộ khu vực thông qua “bộ quy tắc ứng xử” để ngăn chặn các cuộc xung đột đối với những tranh chấp vùng lãnh thổ hiện nay. Nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ đến khi nào và liệu phía Trung Quốc có chịu ngồi vào bàn đàm phán với các bên tranh chấp để soạn thảo hiệp ước ràng buộc pháp lý hay không.

Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam đang lên kế hoạch để họp vào tháng 12 tới đây nhằm thảo luận về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và vai trò của Trung Quốc.

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012





No comments:

Post a Comment

View My Stats