Được đăng ngày Chủ nhật, 04 Tháng 11 2012 13:47
Bầu
cử tổng thống Mỹ:The Economist bầu xuông, tôi cũng bầu xuông
Chỉ còn ba ngày nữa người Mỹ sẽ chọn một vị
tổng thống. Có thể là chính vị tổng thống đương nhiệm Barack Obama.
Tờ tuần báo rất có uy tín của nước Anh, The
Economist, cho biết họ miễn cưỡng bầu cho tổng thống Obama vì, theo lời họ,
chẳng thà chọn cái dở mà mình đã biết rồi, the devil we know, còn hơn
cái có thể còn dở hơn.
Lý do chính The Economist đưa ra để
miễn cưỡng bầu cho Obama thay vì Romney là vì chính sách đối ngoại của Obama ôn
hòa hơn Romney. Theo The Economist Obama không dễ oanh tạc Iran (điều mà
gần như chắc chắn 100% Romey cũng sẽ không làm), không quá bênh vực Do Thái
(Obama cũng bênh Do Thái nhưng không nhiệt tình như Romney), và nhất là Obama
sẽ không gây căng thẳng với Trung Quốc, điều mà theo The Economist Mitt
Romney sẽ làm ngay ngày đầu tiên nhận chức tổng thống.
The Economistl à
một tuần báo Anh và cũng không có quyền bầu tổng thống Mỹ như tôi. Đây chỉ là
"bầu xuông" mà thôi. Lý do khiến The Economist chọn Obama cũng
là lý do khiến tôi chọn bầu xuông cho Mitt Romney. Obama theo chủ nghĩa thực
tiễn, tránh đụng độ với các chế độ độc tài hung bạo. Người ta có thể nhận xét
là chỉ một thời gian ngắn sau khi Obama lên cầm quyền và thi hành chính sách
đối ngoại thực tiễn thì đàn áp chính trị tâi Việt Nam đã thô bạo hẳn lên vì Hà
Nội tin là Obama sẽ không phản ứng mạnh. Tôi đã viết ba bài về Obama và chủ
nghĩa thực tiễn. Nhân dịp này xin đăng lại hầu quí độc giả và thân hữu.
The Economist là tuần báo tôi rất thích đọc. Theo tôi có lẽ đây là tuần
báo có giá trị nhất trên thế giới hiện nay. Nhưng như tên gọi The Economist
(Nhà kinh tế) của nó, nó lý luận như một nhà kinh tế và trong một vài trường
hợp sai vì các nhà kinh tế thương có khuynh hướng theo chủ nghĩa thực tiễn, một
chủ nghĩa rất tai hại trước những khúc quanh lịch sử, khi phải đương đầu với
những thử thách lớn.
The Economistmiễn cưỡng "bầu" Obama vì lý do chẳng thà chọn
cái dở đã biết. Tôi thỉ miễn cưỡng "bầu" Mitt Romney vì lý do chẳng
thà chọn cái hay không bảo đảm còn hơn một cái mà mình đã biết là dở.
03/11/2012
Nguyễn Gia Kiểng
Nguyễn Gia Kiểng
--------------------------
Được đăng ngày Thứ bảy, 03 Tháng 11 2012 21:17
LTS: Nhân
cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2012, Thông Luận xin giới thiệu một số bài
của tác giả Nguyễn Gia Kiểng, tuy có bài đã được đăng cách đây 4 năm, nhưng
những nhận định của ông vẫn còn tính cách thời sự và còn nguyên giá trị của nó.
Mời quý độc giả theo dõi những loạt bài phân tích dưới đây.
*
*
Không cần phải là người Mỹ để quan tâm đến
các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tôi đã là một trong hàng tỷ người trên thế giới
theo dõi cuộc tranh cử năm 2008. Tôi lưỡng lự giữa Obama mà tôi tự nhiên thấy
có cảm tình và McCain mà tôi quý trọng từ lâu về nhân cách. Chọn lựa của tôi
lệch về Obama sau khi bà Sarah Palin được chọn làm ứng cử viên phó tổng thống
cho McCain và tôi đã là một trong hàng tỷ người hân hoan theo dõi lễ nhậm chức
của Obama trên truyền hình. Trong lịch sử nước Mỹ có lẽ ngoại trừ George
Washington chưa có vị tổng thống Mỹ nào được hoan nghênh khi đắc cử bằng Obama.
Nhưng rồi Obama trở thành một trong những tổng thống Mỹ ít được tín nhiệm nhất
sau một năm cầm quyền.
Ronald Reagan trước đây cũng đã từng xuống
thấp trong tỷ lệ tín nhiệm sau một năm tại chức như Obama, nhưng sau đó đã lên
dốc được và trở thành một trong những tổng thống Mỹ được ái mộ nhất vì ông quả
quyết theo đuổi một chính sách và chính sách đó -quyết tâm đánh gục lạm phát và
chủ nghĩa cộng sản- dần dần chứng tỏ là đúng và đã thành công. Obama thì khác,
ông khó có thể đảo ngược được tình thế bởi vì không thể chờ đợi kết quả của một
hò hẹn nào với tương lai cả, ông là một con người thực tiễn.
Thất vọng đầu tiên của tôi đối với Obama
đến ngay trong khi nghe ông đọc bài diễn văn nhậm chức. Obama nói đại khái: "Với
những chế độ độc tài bám lấy quyền lực bằng mọi giá và bịt miệng đối lập chúng
tôi nói quí vị đi sai chiều lịch sử, nhưng nếu quí vị chìa bàn tay ra chúng tôi
cũng sẽ nắm lấy". Diễn nghĩa: quí vị cứ tiếp tục vi phạm nhân quyền
cũng không sao miễn là đừng thù địch với chúng tôi. Câu nói ngắn ngủi này diễn
tả một cách bóng bẩy chủ thuyết đối ngoại thực tiễn của Obama. Ông đã trình bày
một cách tỉ mỉ hơn trong bài diễn văn tại Cairo ngày 4-6-2009. Hôm đó đúng là
ngày kỷ niệm 20 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn nhưng Obama đã không có một lời
nào cho biến cố này, hơn thế nữa trong phần nói về dân chủ Obama đã làm một
triệt thoái lớn trong khái niệm dân chủ: ông định nghĩa dân chủ một cách mơ hồ
là chính quyền phải phản ánh nguyện vọng của người dân. Nhưng đây chỉ là định
nghĩa của dân chủ sở đẳng nhất, không hề làm phiền các chế độ độc tài vì chúng
đều tự xưng là thể hiện trung thành ý chí của nhân dân. Đây là dân chủ ở mức độ
zero. Hình như nghĩ rằng nói như thế vẫn chưa đủ để làm vừa lòng các chế độ độc
tài, Obama còn nói thêm rằng không một dân tộc nào có quyền quyết định chế độ
nào là phù hợp nhất cho một dân tộc khác. So much for democracy. Quý vị
nào muốn có thể đọc bài nhận định của tôi về ông Obama sau bài diễn văn này
(1).
Chủ nghĩa thực tiễn của Obama có thể tóm
tắt như sau: thôi nhấn mạnh về dân chủ và nhân quyền trong quan hệ đối ngoại,
thỏa hiệp thay vì đương đầu với các chế độ hung bạo, tương đối hóa các giá trị
và các văn hóa, tránh can thiệp khi quyền lợi của Hoa Kỳ không trực tiếp bị đe
dọa. Trong chuyến công du châu Á vừa qua, gồm cả Trung Quốc, Obama đã hầu như
không đề cập đến vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Obama mất dần uy tín bởi vì chính sách thực
tiễn của ông đã thất bại. Iran đã bạo tay hơn trong việc đàn áp các cuộc biểu
tình chống bầu cử gian lận và cũng mạnh dạn hơn trong việc chuẩn bị chế tạo bom
nguyên tử, tương tự như Bắc Triều Tiên. Các chế độ độc tài tại Venezuella,
Cuba, Sudan còn hung hăng hơn. Tình hình Trung Đông bế tắc vì cả Do Thái lẫn
các lực lượng khủng bố Hồi Giáo Hizbollah và Hamas đều leo thang trong sự quá
khích. Trung Quốc, Việt Nam và Miến Điện gia tăng đàn áp một cách thô bạo đối
với những người dân chủ. Trung Quốc và Việt Nam còn công khai hành xử như bọn
tin tặc, đánh phá các Website của đối lập, bất chấp luật pháp quốc tế, thách
thức cả thế giới. Chắc chắn họ không làm như vậy với một tổng thống Mỹ khác.
Thái độ của Trung Quốc đặc biệt đáng lưu ý. Trung Quốc làm ngơ trước đòi hỏi
tăng hối xuất đồng Nhân Dân Tệ, phá đám và làm thất bại hội nghị quốc tế về khí
hậu tại Copenhagen, có lúc một thành viên phái đoàn Trung Quốc còn la ó phản
đối trong khi Obama đọc diễn văn. Các chế độ bạo ngược đều muốn gia tăng sự bạo
ngược vì đó là bản chất của họ; với Obama họ tha hồ làm tới vì được bảo đảm là
sẽ không gặp khó khăn. Trong chính sách đối ngoại chủ nghĩa thực tiễn là điều
mà ngay cả nếu bất đắc dĩ phải áp dụng cũng không nên nói ra như Obama.
Obama cũng áp dụng chủ nghĩa thực tiễn
trong chính sách đối nội. Dự luật cải tổ y tế của ông sau quá nhiều nhượng bộ
và thỏa hiệp đã mất dần ý nghĩa; nó hầu như không đả động đến vấn đề cốt lõi
của nền y tế Mỹ là giá điều trị quá đắt để chỉ tập trung vào một vấn đề ít quan
trọng hơn là mở rộng bảo đảm chăm sóc.
Trước sự suy sụp của cảm tình và uy tín
dành cho ông, Obama đã bắt đầu thay đổi thái độ. Ông đã tỏ ra cứng rắn hơn đối
với Iran và Trung Quốc, các quan chức Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng tố giác các
chính quyền độc tài. Obama có nhiều lợi thế hơn để bênh vực nhân quyền, so với
Bush 43 chẳng hạn, vì con người truyền thông của ông và vì mọi người đều tin
ông là một con người ôn hòa chừng mực, nhưng ông có một trở ngại lớn: chính
ông. Obama là con người thực tiễn, và chủ nghĩa thực tiễn chỉ có thể thất bại.
Nhưng chủ nghĩa thực tiễn là gì?
Trước hết không nên lẫn lộn chủ nghĩa
thực tiễn (realism) với hai triết lý về đạo đức: chủ nghĩa phúc lợi
(utilitarianism) và chủ nghĩa thực dụng (pragmatism). Chủ nghĩa phúc lợi
là một phương pháp đánh giá hành động, đặc biệt là hành động chính trị, theo
tiêu chuẩn hành động đúng là hành động đem lại phúc lợi tối đa cho thật nhiều
người; chính vì thế mà chủ nghĩa phúc lợi được coi là một nền tảng của dân chủ;
những người khai sáng ra chủ nghĩa này (Bentham và Stuart Mill) cũng là những
người đấu tranh nhiệt tình cho dân chủ và nhân quyền. Chủ nghĩa thực dụng là
một phương pháp đánh giá các lý thuyết, theo đó một lý thuyết chỉ đáng để ta
quan tâm và học hỏi nếu sự kiện nó đúng hay sai có ảnh hưởng cụ thể trong đời
sống, còn nếu không nó chỉ là một lý thuyết suông không đáng để ta mất thì giờ.
Chủ nghĩa thực tiễn không phải là một triết
lý, dù là triết lý tri thức hay là triết lý hành động, nó là một thái độ hướng
dẫn chọn lựa, theo đó mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và nguyên tắc thì
quyền lợi phải được dành ưu tiên, trái tim phải phục tùng cái đầu, tình cảm
phải nhường chỗ cho lý trí. Obama thực tiễn cho nên dù ông có cho rằng các chế
độc độc tài là sai ông cũng sẵn sàng bắt tay như ông đã nói trong bài diễn văn
nhậm chức của ông, hay như khi ông định nghĩa dân chủ một cách chung chung và
khẳng định rằng không một quốc gia nào có quyền quyết định thế nào là một chế
độ đúng cho một nước khác để khỏi bị sự chống đối của các chế độ độc tài. Đặng
Tiểu Bình cũng phát biểu chủ nghĩa thực tiễn khi ông nói "mèo trắng mèo
đen mèo nào cũng được miễn là bắt chuột". Bản chất của một chế độ
không có tầm quan trọng nào trong chính sách đối ngoại của một chính quyền thực
tiễn, điều quan trọng là lợi và hại.
Các chính trị gia thực tiễn không bao giờ
nhìn nhận là chủ nghĩa thực tiễn đồng nghĩa với sự mềm yếu. Họ có thể viện dẫn
trường hợp nhiều nhân vật rất quả quyết từng được coi, có khi tự coi, là thực
tiễn. Barry Goldwater, Richard Nixon và Ronald Reagan đã được coi là những
chính trị gia Mỹ thực tiễn. Với một bản chất khác hẳn, Lenin, Stalin và Đặng
Tiểu Bình cũng là những con người rất thực tiễn. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì sự
thực có thể khác.
Năm 1964 nghị sĩ Barry Goldwater tranh cử
với tổng thống Johnson trên một lập trường mà ông cho là thực tiễn và có thể
tóm tắt như sau: hy vọng thỏa hiệp với cộng sản chỉ là hão huyền, cộng sản chỉ
hiểu ngôn ngữ của sức mạnh vì thế thái độ thực tiễn nhất đối với họ là phải tỏ
ra sẵn sàng dùng sức mạnh, phải sẵn sàng tăng cường quân lực tại Việt Nam, sẵn
sàng đánh Cuba, Trung Quốc và cả Liên Xô nếu cần. Thực ra Goldwater không phải
là một người thực tiễn. Ở vào giữa thập niên 1960, cao điểm của phong trào phản
chiến và chủ nghĩa Mác – Lênin, lấy một lập trường như thế là chuốc lấy thảm
bại, và quả nhiên Goldwater đã thua rất xa Johnson trong cuộc tranh cử tổng
thống. Goldwater đã lấy thái độ diều hâu như thế, dù biết sẽ thất cử, chỉ để
chặn đứng khuynh hướng chủ bại. Ông là một người lý tưởng. Reagan có lúc cũng
đã bị đánh giá là thực tiễn một cách sơ đẳng như Goldwater nhưng đã chứng tỏ là
một tổng thống lỗi lạc, có lý tưởng, bản lãnh và tầm nhìn. Chỉ có Nixon quả
thực là con người thực tiễn. Người Mỹ không còn chấp nhận những hy sinh tại
Việt Nam? Vậy thì phải Việt Nam hóa chiến tranh và chuẩn bị triệt thoái. Khối
cộng sản có dấu hiệu chia rẽ? Vậy hãy bắt tay với Mao để tách hẳn Trung Quốc và
Liên Xô mà không cần thắc mắc về bản chất tội ác của chế độ Trung Cộng. Đặc
tính thực sự của chủ nghĩa thực tiễn là sự mưu tìm hiệu quả một cách giản dị
trong lý luận và hành động ngay cả nếu phải hy sinh hoặc gác lại các nguyên tắc
nền tảng. Hitler, Lenin, Stalin, Mao trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều đã hành
động giản dị như thế, và vì họ không bị ràng buộc bởi một luật pháp nào nên họ
đã không dừng tay trước tội ác.
Trong trường hợp các nước dân chủ, mà bản
chất là muốn giải quyết mọi vấn đề trước hết bằng đường lối hòa bình, chính do
sự giản dị của nó mà chủ nghĩa thực tiễn dẫn đến sự nhu nhược một cách khá tự
nhiên. Lý do là vì đối đầu luôn luôn là một chọn lựa khó khăn, đòi hỏi sự quyết
tâm mà những người thực tiễn thường không có. Hơn nữa đối đầu bao giờ cũng bao
hàm một thiệt hại nào đó lúc ban đầu cho nên không được coi là khôn ngoan, nhất
là khi quyền lợi quốc gia không bị trực tiếp đe dọa, vì thế những người lãnh
đạo thực tiễn thường hay chọn giải pháp nhân nhượng và thỏa hiệp, ngay cả khi
những giá trị nền tảng bị vi phạm.
Chủ nghĩa thực tiễn thường được hưởng một
lợi thế về ngôn ngữ. Người ta thường có khuynh hướng coi thực tiễn là thái độ
đúng và có lợi, ngược lại với thực tiễn là viển vông và vô ích. Nhưng đây chỉ
là một sự hiểu lầm. Không cần phải là một người thực tiễn, bất cứ ai cũng đều
hành động nhắm lợi ích. Ngay cả những nhà tu hành cũng chỉ chọn cuộc sống tu
hành vì nghĩ đó là cách sống có lợi nhất, hoặc vì nó mở cửa thiên đường cho
cuộc sống vĩnh cửu sau này, hoặc vì cho rằng đó mới là hạnh phúc đích thực ngay
trong cuộc đời này. Tất cả vấn đề chỉ là quan niệm thế nào là quyền lợi, quyền
lợi thực sự hay quyền lợi biểu kiến, quyền lợi lâu dài hay quyền lợi ngắn hạn.
Chủ nghĩa thực tiễn dựa trên thực tại trước mắt và coi nhẹ các nguyên tắc và
giá trị nền tảng nên thường chỉ là quyền lợi ngắn hạn. Các nguyên tắc và các
giá trị nền tảng là gì nếu không phải là những điều mà trí tuệ và kinh nghiệm
cho thấy là nên tuân thủ vì phúc lợi lâu dài?
Một đặc tính của chủ nghĩa thực tiễn là nó
không phù hợp với thực tế. Nó luôn luôn nhắm tiến thẳng tới mục tiêu bằng giải
pháp trực tiếp nhất và vì thế luôn luôn bị hụt hẫng. Thực tại không ngừng thay
đổi cho nên những người thực tiễn phải vất vả chạy theo nó và có mọi triển vọng
là sau khi đã tốn nhiều thì giờ và cố gắng người ta nhận ra rằng thực tại đã
thay đổi đến độ mà mục tiêu theo đuổi đã mất ý nghĩa. Làm chính trị là hò hẹn
với tương lai cho nên khả năng quan trọng nhất là tiên liệu cái gì sẽ xảy ra,
các vấn đề hiện nay sẽ đặt ra như thế nào trong tương lai, các vấn đề nào sẽ
không còn đặt ra nữa và các vấn đề mới nào sẽ xuất hiện. Người làm chính trị
phải có viễn kiến. Chủ nghĩa thực tiễn thực ra chỉ tố giác sự thiếu viễn kiến.
Các trường đại học, và các cố gắng trau dồi văn hóa nói chung, không nhắm mục
đích nào khác ngoài việc cho chúng ta khả năng nhìn xa trông rộng, nói cách
khác là giải phóng chúng ta khỏi phản xạ thực tiễn.
Một đặc tính khác cần được lưu ý của chủ
nghĩa thực tiễn mà có lẽ Obama không thấy là nó luôn luôn sai trong chính sách
đối ngoại. Nó bỏ qua quan tâm ý thức hệ để chỉ đặt chính sách đối ngoại trên
nền tảng quyền lợi mà không biết rằng ý thức hệ, nghĩa là bản chất của chế độ,
bao giờ cũng quyết định chính sách ngọai giao và các đồng minh của một quốc
gia. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Dù Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây có ve
vãn đến đâu đi nữa thì các chế độ độc tài Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên,
Sudan, Miến Điện, Iran… vẫn coi họ là thù địch, và dù trong thâm tâm các chế độ
độc tài có khinh bỉ nhau thế nào đi nữa chúng vẫn là đồng minh. Câu nói
"buột miệng" của ông Nguyễn Minh Triết (theo đó ông tìm cách
"phân hóa" nước Mỹ) là một bằng cớ.
Mỹ và các nước dân chủ nói chung cần rút
kinh nghiệm trên hai trường hợp mà chủ nghĩa thực tiễn đã được thể hiện. Trong
hơn ba thập qua họ đã hợp tác với Trung Quốc mà không đặt vấn đề bản chất của
chế độ, ngay cả sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, có lẽ với hy vọng là tăng
trưởng kinh tế tự nó sẽ dần dần đem đến dân chủ (cứ như là độc tài là hậu quả
chứ không phải là nguyên nhân của sự nghèo khổ). Thực tế đã không như vậy, nhờ
giao thương với các nước dân chủ, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc đã mạnh hơn
nhiều nhưng vẫn là một chế độ bạo ngược và còn yểm trợ cho nhiều chế độ hung
bạo khác. Đôi khi Trung Quốc còn được viện dẫn như là một bằng cớ về sự đúng
đắn của chủ thuyết tăng trưởng kinh tế bất chấp nhân quyền. Sức mạnh kinh tế đã
chỉ khiến Trung Quốc tự tin hơn trong thái độ thách thức và đang trở thành một
lo âu cho thế giới. Một bài học khác là Pakistan. Tại đây, một cách thực tiễn,
Hoa Kỳ đã ủng hộ chế độ quân phiệt của tướng Pervez Musharraf sau khi ông này
đảo chính lật đổ chính quyền dân cử cuối năm 1999 và coi ông này như một đồng
minh đắc lực trong cuộc chiến tranh chống khủng bố. Thực tế đã ngược hẳn với sự
mong đợi, chính Musharraf đã giúp quân khủng bố Taliban hồi sinh; Hoa Kỳ đã chỉ
tỉnh mộng một cách muộn màng. Bản chất của những tập đoàn độc tài là gian trá.
Phải nói rõ để tránh mọi hiểu lầm: ngày nay ít ai còn đòi hỏi cô lập và trừng
phạt các chế độ độc tài, các biện pháp này chỉ đánh vào nạn nhân thay vì thủ
phạm. Nhưng ít nhất cũng phải gây áp lực và gắn bó hợp tác với những tiến bộ về
nhân quyền bởi vì đó vừa là đạo đức quốc tế được qui định trong hiến chương
Liên Hiệp Quốc vừa là điều kiện để có những đối tác đáng tin cậy.
Coi nhẹ các giá trị dân chủ và nhân quyền
còn là một sai lầm lớn nếu hòa bình là điều cần được trân quý nhất. Trong lịch
sử thế giới các cuộc chiến đã chỉ xẩy ra hoặc giữa các nước độc tài với nhau
hoặc giữa một nước độc tài và một nước dân chủ. Chưa có trường hợp hai nước dân
chủ chiến tranh với nhau. Dân chủ và nhân quyền là nền tảng của hòa bình.
Chủ nghĩa thực tiễn chỉ có thể đem lại thất
vọng bởi vì trong chiều sâu nó là một sự từ nhiệm. Dân chúng chờ đợi ở những
người lãnh đạo khả năng, viễn kiến và đởm lược để lấy những quyết định khó khăn
có thể khó hiểu và nhức nhối lúc ban đầu chứ không phải để lấy những quyết định
hiển nhiên, dễ dãi. Người dân đòi hỏi người lãnh đạo phải đi trước họ, họ bầu
ra người lãnh đạo để nếu cần áp đặt những cố gắng và hy sinh cần thiết chứ
không phải để chạy theo họ. Vả lại nếu không có viễn kiến và lý tưởng thì bước
vào trường chính trị để làm gì? Các chính trị gia thực tiễn có thể được lòng
dân lúc mới xuất hiện nhưng chắc chắn sẽ gây thất vọng sau đó. Trong trường hợp
Obama sự thất vọng còn lớn hơn bởi vì rất nhiều người đã bỏ phiếu cho ông vì
những giá trị dân chủ và nhân quyền để rồi khám phá ra rằng chính ông không tha
thiết gì lắm với những giá trị này.
Có một bài toán động học và hình học giải
tích trình bày một cách khá chính xác chủ nghỉa thực tiễn. Bài toán, với cái
tên dí dỏm là "quỹ đạo của chó" (2), mô tả một con chó đuổi bắt một
đối tượng đang di chuyển. Chó có bản năng rất thực tiễn nên nhắm thẳng đối
tượng mà chạy tới nhưng vì đối tượng di chuyển không ngừng nên chính tính thực
tiễn của nó khiến chó phải chạy trên một quỹ đạo rất cầu kỳ, ngay cả nếu đối
tượng di chuyển một cách giản dị trên một đường thẳng với một vận tốc cố định.
Trong trường hợp đối tượng di chuyển một cách phức tạp hơn thì bài toán không
có giải đáp. Chủ nghĩa thực tiễn được chứng minh là sai bằng toán học.
Một lời sau cùng: tại sao người Việt Nam
cần hiểu rằng chủ nghĩa thực tiễn là sai? Đó là vì cuộc đấu tranh cho dân chủ
đang rất vất vả với chủ nghĩa thực tiễn. Có quá nhiều người mong muốn một tương
lai dân chủ cho Việt Nam nhưng lại suy nghĩ và hành động một cách thực tiễn.
Trong nội bộ đảng và nhà nước cộng sản thái độ thực tiễn là không bộc lộ lập trường
dân chủ để khỏi bị trù dập và vô hiệu hóa. Ngoài xã hội thái độ thực tiễn là
kiếm tiền, và làm giàu nếu có thể được, thay vì đối đầu với một chính quyền đồ
sộ và hung bạo. Chủ nghĩa thực tiễn có một tên gọi khác: chủ nghĩa luồn lách.
Người ta chán ghét chế độ nhưng thấy phải thỏa hiệp với thực tại để sống, và vì
thế vô tình củng cố chế độ. Cuộc chuyển hóa về dân chủ là một cuộc cách mạng
rất lớn, như chưa từng có trong lịch sử nước ta. Nó đòi hỏi những trí tuệ và
những tấm lòng rất lớn. Những người thực tiễn chẳng bao giờ làm được những thay
đổi lớn và thực sự đáng mong ước.
Nguyễn Gia Kiểng
(tháng3/2010 –Thông Luận 245)
(1) Obama tại Cairo: dân chủ ở mức độ zero,
Thông Luận số 237, tháng 6-2009,
(2) Quỹ đạo của chó, Thông Luận số 44,
tháng 12-1992
Phụ
lục 1 :
Obama tại Cairo, dân chủ ở mức độ zero?(TL 237)
Không ai có thể phủ nhận rằng những gì mà
một tổng thống Mỹ và bộ tham mưu của ông biết và nghĩ về những vấn đề lớn của
thế giới có tầm quan trọng đặc biệt đối với mọi dân tộc.
Tôi chỉ biết George W. Bush qua tiểu sử
chính thức, báo chí, những bài diễn văn và những bài phỏng vấn của ông nhưng
tôi vẫn có cảm tưởng ông là một con người thực tiễn và giản dị, quyết định mọi
vấn đề một cách nhanh chóng dựa trên đề nghị của bộ tham mưu thân cận, không hề
biết tới kinh Koran và có thể nghĩ Khổng Tử là một bộ trưởng Nhật, núi
Kilimanjaro ở Nam Mỹ. Obama, trái lại, tỏ ra biết nhiều và nghĩ nhiều về những
vấn đề lớn của thế giới. Bài diễn văn ngày 4-6 vừa qua tại Cairo của ông là một
thí dụ.
Về văn phong và hình thức đó là một mẫu mực
về soạn thảo thông điệp chính trị. Bằng những câu và chữ thật giản dị Obama đã
đề cập tới các vấn đề rất lớn một cách thuyết phục và truyền cảm. Bài viết đã
hay, cách nói của Obama lại tuyệt vời, ông nói một cách tự nhiên, không cần
giấy trong vòng gần một tiếng đồng hồ và nói một cách hùng hồn, thu hút. Ông đã
thành công mỹ mãn, diễn văn của ông bị cắt ngang hơn 40 lần vì những tràng pháo
tay nồng nhiệt của trí thức và sinh viên Ai Cập. Lý do thành công của Obama là
ông đã chinh phục được cảm tình của cử tọa, ông tỏ ra hiểu họ và quý trọng họ
-chào họ bằng tiếng Ả Rập assalamu alaikum, trích dẫn nhiều lần kinh
Koran. Từ đó tất cả những gì ông nói đều dễ lọt tai.
Về nội dung Obama đã đề cập tới bẩy vấn đề
của thế giới, đặc biệt là của thế giới Hồi Giáo và vùng Trung Đông, trong đó
Hoa Kỳ có vai trò chiến lược: cuộc chiến chống khủng bố, quan hệ Do Thái –
Palestine, Iran và vũ khí nguyên tử, dân chủ, tự do tôn giáo, quyền phụ nữ,
phát triển kinh tế. Tất cả đều là những vấn đề nền tảng và dài hạn. Người ta có
thể lưu ý là Obama hoàn toàn không nói tới cuộc khủng hoảng kinh tế lớn đang
làm điêu đứng cả thế giới. Trên tất cả những chủ đề này Obama đã đưa ra những
nhận định, đôi khi kèm theo những biện pháp cụ thể đáng được hoan nghênh, hoặc
không có gì để gây bất bình, ít nhất trong thời điểm này. Tuy vậy trong chiều
sâu và trong lâu dài, nếu văn cũng là người, bài diễn văn này có thể khiến
người ta lo ngại về "nhận thức Obama".
Hãy bắt đầu bằng những điểm đúng: Obama
khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ đương đầu với các lực lượng quá khích hung bạo,
ông hoàn toàn có lý khi coi chúng chỉ thuần túy là những lực lượng khủng bố
theo đuổi những mục tiêu đen tối bằng cách giết hại những thường dân vô tội.
Ông càng có lý khi nhìn nhận rằng Hoa Kỳ trong cơn chấn động sau ngày 11-9-2001
đã sử dụng những biện pháp sai trái; người ta chỉ có thể đồng ý với ông, một
mục tiêu trong sáng phải được bảo vệ bằng phương tiện xứng đáng; người ta cũng
chỉ có thể hoan nghênh quyết định cấm tra tấn và đóng cửa nhà tù Guantanamo,
những tuyên bố như vậy chinh phục cảm tình của thế giới đối với Hoa Kỳ trong
cuộc chiến tại Afganistan. Obama cũng đã nói rất khéo về Iraq: "Trái
với Afganistan, Iraq là cuộc chiến có chọn lựa. Mặc dù tôi tin rằng nhân dân
Iraq sau cùng đã thoải mái hơn sau khi không còn chế độ bạo ngược của Saddam
Hussein, tôi cũng tin rằng những gì đã xẩy ra tại Iraq đã nhắc nhở Hoa Kỳ rằng,
mỗi khi có thể được, phải sử dụng ngoại giao và tạo đồng thuận quốc tế để giải
quyết các vấn đề". George W. Bush cũng không thể phiền lòng. Obama đã
rất thuyết thuyết phục khi viện dẫn lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ để khẳng định
Hoa Kỳ hoàn toàn không có tham vọng đế quốc và không hề nhòm ngó lãnh thổ và
tài nguyên của một nước nào và sẽ triệt thoái quân đội khỏi Iraq và Afganistan
ngay khi tình hình cho phép. Việc nhắc lại lịch trình rút quân khỏi Iraq cũng
rất khôn ngoan, đúng nơi và đúng lúc. Trên vấn đề nhức nhối nhất tại Trung
Đông, cuộc xung đột Do Thái – Palestine, Obama đã tỏ ra sáng suốt và can đảm,
ông đã có thái độ phải có là nhắc lại một cách mạnh mẽ và dứt khoát lập trường
của Hoa Kỳ là người Palestine có quyền và phải được có một quốc gia đúng nghĩa
của riêng họ. Đây là điều đáng hoan nghênh nhất trong bài diễn văn này. Hoa Kỳ
phải nói thẳng thắn như thế đối với người Do Thái vào lúc họ vừa bầu ra một
chính quyền cực hữu với chủ trương bành trướng rõ rệt. Cuộc xung đột Do Thái –
Palestine bế tắc không phải vì nó không có giải đáp mà vì nó có giải đáp hiển
nhiên mà những người trong cuộc, kể cả hai dân tộc Do Thái và Palestine, không
chịu chấp nhận, đó là hai nhà nước riêng biệt nhìn nhận quyền hiện hữu của nhau
và sống chung hoà bình với nhau. Điều này Hoa Kỳ cần khẳng định một cách thật
rõ rệt và quả quyết một lần cho tất cả để vô hiệu hóa khuynh hướng cực hữu Do Thái
và đồng thời cắt cỏ dưới chân các lực lượng khủng bố sống nhờ lòng thù hận của
người Palestine, và Ả Rập nói chung, đối với Do Thái. Chỉ Hoa Kỳ có thể làm
được điều này bởi vì Do Thái chỉ tồn tại được nhờ sự yểm trợ của Hoa Kỳ, Do
Thái gần như một tiểu bang của Hoa Kỳ; như Obama nói sự ràng buộc giữa Hoa Kỳ
và Do Thái không thể cắt dứt được. Khuynh hướng quốc gia cực đoan tại Do Thái
chỉ tồn tại vì thái độ của Hoa Kỳ chưa đủ rõ rệt.
Điều thực sự mới trong chính sách Trung
Đông của Hoa Kỳ là đối với Iran và sự kiện nước này phát triển kỹ thuật nguyên
tử. Obama đã phát biểu một lập trường mà đáng lẽ Hoa Kỳ đã phải có từ lâu. Từ
ba thập niên qua hình ảnh khuôn mẫu,stereotype, của Iran trong đầu óc
người Mỹ là một nước Iran cuồng tín, hiếu chiến, chống Phương Tây và Hoa Kỳ một
cách hung hăng. Trong hơn mười năm tôi có một cộng sự viên người Iran,
Houshang, tiến sĩ vật lý nguyên tử và rất thông thạo tình hình Iran. Houshang
không phải chỉ là một nhà khoa học mà còn là một nhà hoạt động chính trị.
Houshang là một trong những cấp lãnh đạo của phong trào chống đối chế độ quân
chủ Pahlevi mà biểu tượng là Ayatolla Khomeini. Sau khi chế độ quân chủ bị lật
đổ Houshang trở thành bộ trưởng khoa học kỹ thuật rồi thất vọng và bỏ ra nước
ngoài, hiện là một trong những lãnh tụ đối lập dân chủ lưu vong hàng đầu. Tôi
đã thảo luận rất nhiều với Houshang về Iran và Houshang cũng giới thiệu cho tôi
nhiều trí thức Iran khác. Tất cả đều cùng nói một điều: người Iran không hề
chống Phương Tây và Hoa Kỳ, cũng không hề cuồng tín, trái lại đa số thích lối
sống dân chủ Phương Tây, thành phần Hồi Giáo Shia quá khích chỉ vào khoảng 5%.
Ngay trong giới lãnh đạo hiện nay đa số cũng chỉ quá khích ngoài mặt. Chính
Houshang đã đứng đầu chương trình nguyên tử của Iran để có thể khẳng định rằng việc
chế tạo bom nguyên tử của Iran chỉ là một đòn tháu cáy. Hình ảnh của nước Iran
mà họ mô tả cho tôi hoàn toàn khác với hình ảnh mà chính giới Hoa Kỳ có. Chỉ
tới cách đây hai tuần tờ Newsweek, trong một số đặc biệt về Iran mới
trình bày nước này giống như hình ảnh mà các bạn tôi mô tả. Tít lớn ngoài bìa
của số báo này là "All we know about Iran is wrong" (Tất cả
những gì chúng ta biết về Iran đều sai). Nhiều khi tôi tự hỏi với những phương
tiện và nhân lực hùng hậu như vậy tại sao chính giới Hoa Kỳ có thể hiểu sai về
một quốc gia quan trong như vậy trong một thời gian dài như vậy.
Tóm lại đó là một bài diễn văn rất hay. Tuy
vậy tôi không thể xua đuổi cảm tưởng là Obama đã có những ngộ nhận lớn trên một
số vấn đề cơ bản.
Vấn đề giữa Phương Tây và thế giới Hồi Giáo
có thực sự là mâu thuẫn tôn giáo như Obama trình bày hay không? Đó là điều mà
các tổ chức khủng bố như Al Qaeda, Hamas, Hezbollah v.v. muốn người ta nghĩ,
nhưng cách nhìn này không đúng. Không hề có một nước Phương Tây nào chống Hồi
Giáo cả, trái lại các chính quyền Phương Tây, kể cả chính quyền Bush nổi tiếng
là thô vụng về ngoại giao, còn hết sức cố gắng tránh mọi mâu thuẫn với Hồi
Giáo. Cũng không hề có xung đột giữa Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo, các giáo
hoàng Công Giáo La Mã từ hàng thế kỷ nay luôn luôn bày tỏ sự tương kính đối với
các tôn giáo khác kể cả Hồi Giáo, họ còn nhìn nhận những cuộc thập tự chinh
trong quá khứ là sai lầm, xin lỗi và hoà giải với Do Thái Giáo. Người ta cũng
không bao giờ thấy một thái độ bài xích nào từ các hệ phái Tin Lành. Và nếu
muốn thẳng thắn nói công khai sự thực -thay vì chỉ nói trong phòng khép kín như
chính Obama kêu gọi trong bài diễn văn này- thì phải nói rằng những hành động
và cử chỉ quá khích gần đây đã chủ yếu đến từ một số phần tử Hồi Giáo. Vả lại
Phương Tây có còn theo Thiên Chúa Giáo hay không là cả một câu hỏi. Tại Mỹ có
thể còn sấp xỉ 50% dân chúng còn đức tin Thiên Chúa Giáo nhưng tại Tây Âu con
số này chưa tới 10% và đang tiếp tục giảm đi, Thiên Chúa Giáo chủ yếu chỉ còn
là một di sản văn hóa. Hơn nữa nếu coi những khó khăn trong quan hệ của Trung
Đông và đa số các nước Hồi Giáo nói chung với phần còn lại của thế giới như là
một xung đột tôn giáo thì không có giải pháp ổn thỏa nào cả. Đặc tính của mọi
tôn giáo là đặt nền tảng trên đức tin và các đức tin không thể chứng minh và
thảo luận.
Vậy vấn đề thực sự là gì? Đó là sự thích
nghi bắt buộc của Hồi Giáo với thời đại mới, nghĩa là triệt thoái khỏi chính
trị để trở về vị trí của một tôn giáo bình thường như các tôn giáo khác. Vấn đề
theo đạo và sống đạo phải được coi như một chọn lựa cá nhân. Không nên tránh né
một sự thực là mọi tôn giáo khởi thủy đều mang tính nhất nguyên, một tôn giáo
không là một tôn giáo nếu chấp nhận rằng điều ngược lại với đức tin của nó cũng
có thể đúng. Do đó dân chủ, mà triết lý nền tảng là chủ nghĩa cá nhân tự do, đã
chỉ thành hình với sự phủ nhận quyền lực của các tôn giáo. Nền dân chủ Hoa Kỳ
đã được thành lập bởi những người ra đi tìm một quê hương mới để phản đối độc
quyền tôn giáo. Trường hợp Hoà Lan cũng không khác. Cuộc cách mạng Pháp 1789 là
cuộc cách mạng vừa chống chế độ quân chủ vừa chống giáo hội Công Giáo. Tước bỏ
quyền lực chính trị của các tôn giáo là điều kiện tiên quyết của dân chủ. Thiên
Chúa Giáo đã phải trải qua Thế Kỷ Ánh Sáng, le Siècle de Lumière, (thế
kỷ 18) trong đó các tín điều bị chất vấn rồi sau đó chính giáo hội trở thành
nạn nhân của cuộc cách mạng. Khổng Giáo, giữ vai trò một tôn giáo về mặt chính
trị và xã hội, cũng phải bị đẩy lùi tại Đông Á trong cuộc gặp gỡ với Phương Tây
để dọn đường cho các chế độ dân chủ. Đến lượt nó Hồi Giáo cũng sẽ phải trải qua
một cuộc xét lại rất lớn. Đó là điều kiện bắt buộc để các quốc gia Hồi Giáo có
thể trở thành bình thường trong một thế giới toàn cầu hóa.
Cuộc xét lại này sẽ rất khó khăn và đau
nhức vì những lý do xuất phát từ chính bản chất của Hồi Giáo. Trái với các tôn
giáo khác Hồi Giáo trên nguyên tắc không thể chấp nhận xét lại. Phật là
một người giác ngộ nhưng cũng vẫn là một người, do đó kinh Phật không có giá
trị tuyệt đối. Thánh kinh Thiên Chúa Giáo do những tiên tri và những tông đồ
của Jesus chép lại và cũng có thể không hoàn toàn chính xác. Đó không phải là
trường hợp của kinh Koran. Koran là lời của chính Thượng Đế nhập vào Muhammad
để nói ra vì thế không thể thay đổi. Xét lại kinh Koran là mặc nhiên nhìn nhận
hoặc Allah có thể sai (và như thế không thể là Allah akbar), hoặc Allah
đã không nhập vào Muhammad; trong cả hai trường hợp Hồi Giáo chỉ là một sự hiểu
lầm. Đoạn 69 của kinh Koran qui định những kẻ thêm bớt kinh Koran sẽ bị chặt
tay.
Nhưng Hồi Giáo bắt buộc phải xét lại vì
không thể tồn tại với kinh điển hiện nay. Nó can thiệp trực tiếp vào quyền lực
và chứa đựng quá nhiều điều không phù hợp với thế giới văn minh. Các tôn giáo
lớn nói chung đều ra đời vì lý do chính trị như một phản ứng với một trật tự xã
hội sẵn có và sau đó trở thành nền tảng cho một quyền lực chính trị mới, nhưng
với những quan điểm khác nhau về tương quan giữa tôn giáo và chính trị, hay
giữa Thượng Đế và Vua. Tựu chung có ba mô hình: trong quan điểm Thiên Chúa Giáo
thượng đế và vua khác nhau và phân biệt với nhau (Jesus: hãy trả cho Thiên
Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar);
trong các xã hội Khổng và Phật Giáo vua là thượng đế; trong các xã hội Hồi Giáo
thượng đế là vua. Đối với Hồi Giáo chính thống tôn giáo là chính quyền và luật
pháp, Sharia, chỉ là sự áp dụng trực tiếp của kinh Koran vào đời sống.
Sự xét lại đã khiến Thiên Chúa Giáo mất rất nhiều ảnh hưởng, nhưng nó sẽ còn
đau nhức hơn rất nhiều đối với Hồi Giáo.
Obama hoặc đã hời hợt hoặc đã mỵ dân khi đề
cao Hồi Giáo như là một tôn giáo bao dung đã góp phần quan trọng cho nền văn
minh của thế giới. Đúng là Hồi Giáo đã có đóng góp lớn, nhưng không lớn như ông
đã nói. Còn bao dung thì chắc chắn là không, ngay chính những đoạn kinh Koran
mà ông cắt để trích dẫn nếu đọc tiếp cũng thấy ngay những hình phạt ghê gớm
dành cho kẻ bị coi là chống Hồi Giáo. Những câu Obama trích ra (ai giết một
người vô tội cũng như giết cả nhân loại, ai cứu một người cũng như đã cứu cả
nhân loại) cũng cần được tương đối hóa : chúng chỉ áp dụng cho người Hồi
Giáo, những người không theo Hồi Giáo không vô tội, họ là những kẻ phản bội. Vô
tình hay cố ý Obama cũng đã giải thích sai ý nghĩa của sự kiện nhiều phụ nữ đã
được bầu vào địa vị lãnh đạo cao nhất tại những nước Hồi Giáo lớn như Turkey,
Indonesia, Pakistan, Bangladesh. Điều đó hoàn toàn không chứng minh Hồi Giáo
tôn trọng phụ nữ, cả kinh Koran lẫn luật Sharia đều không coi phụ nữ ra gì cả,
những cuộc bầu cử đó đã chỉ chứng minh rằng quần chúng Hồi Giáo muốn thay đổi.
Các lực lượng Hồi Giáo toàn nguyên biết như vậy và đã hành động hung bạo vì
tuyệt vọng. Một tôn giáo có bao dung hay không không phải ở chỗ kinh sách có
nói những điều nhân hậu, mà ở chỗ kinh sách không nói những điều nghiệt
ngã, và cả Koran lẫn Sharia đều chứa đụng rất nhiều điều khắc nghiệt. Cũng
không nên quên rằng bạo lực và thánh chiến nằm ngay trong bản chất của Hồi
Giáo, trong bốn giáo chủ kế tiếp Muhammad ba người đã bị giết bởi chính những
phe phái Hồi Giáo. Obama đã quá cường điệu khi tuyên bố: "trách nhiệm
của tôi trong cương vị tổng thống Mỹ là chống lại những hình ảnh đúc khuôn về
Hồi Giáo ở bất cứ nơi nào mà chúng xuất hiện". Đó là công việc của các
nhà báo và các nhà nghiên cứu, tổng thống Mỹ có những trách nhiệm cần thiết và
cấp bách hơn.
Nói như thế không phải là để chống Hồi
Giáo. Hồi Giáo đã đem đến một tinh thần quan trọng, đó là sự liên đới giữa các
tín đồ vào một lúc mà trên cả thế giới các xã hội được phân chia thành chủ và
tớ, Thiên Chúa Giáo đã biến chất để trở thành một dụng cụ cai trị của các vua
chúa. Đó đã là sức mạnh của Hồi Giáo khiến nó phát triển một cách mạnh mẽ và
nhanh chóng như chưa bao giờ thấy trong lịch sử nhân loại. Mọi tôn giáo đều ra
đời như một tiến bộ rồi dần dần không thích nghi với chính tiến bộ mà chúng tạo
ra và trở thành một dụng cụ thống trị và một trở ngại cho tiến bộ. Hồi Giáo
cũng không phải là một ngoại lệ. Cũng như Thiên Chúa Giáo và Khổng Giáo, Hồi
Giáo sẽ phải trải qua một cuộc xét lại lớn, nhiều lần đau nhức hơn Thiên Chúa
Giáo. Trong thế kỳ 21 rất có thể Hồi Giáo sẽ phải chịu chung số phận của Khổng
Giáo tại Đông Á, nghĩa là mờ nhạt dần đi. Đó là điều đang xẩy ra tại Turkey;
tại những thành phố lớn, ngay cả tại các công viên, vào giờ trưa khi tiếng gọi
cầu nguyện vang lên inh tai nhức óc từ các tháp chuông không còn ai cầu nguyện,
người ta vẫn đi lại, trò chuyện, hút thuốc, uống cà phê như thường lệ, vào các
mosque thì chỉ thấy lác đác vài chục người. Một trong những chuyển hóa quan
trọng nhất của thế kỷ 21 sẽ là sự hoàn tất một tiến trình đã được khởi đầu và
đẩy khá xa trong thế kỷ 20: bình thường hóa chỗ đứng của Hồi Giáo trong xã hội.
Vấn đề thực sự của thế giới Hồi Giáo không
phải là mâu thuẫn với Phương Tây, càng không phải là đụng độ với Thiên Chúa
Giáo mà là vấn đề của Hồi Giáo với chính mình, nghĩa là hoà giải và thích nghi
với dân chủ. Đó là sự thích nghi bắt buộc.
Dân chủ là một trong những vấn đề lớn mà
Obama đề cập tới trong bài diễn văn Cairo. Đó cũng là đoạn mà ông nói ngắn nhất
và khiến tôi thất vọng nhất. Ông là người sang trọng và quyền lực nhất thế
giới, tôi chỉ là một người lưu vong, không có cả quyền đặt chân lên chính quê
hương mình nhưng trong chừng mực mà một kẻ tầm thường cũng có thể có lý tôi
phải nói rằng Obama đã sai. Obama nói rằng không một nước nào có quyền áp đặt
một hệ thống chính trị lên một nước khác. Đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Không
phải hệ thống chính trị nào cũng chấp nhận được, có những giá trị mà mọi quốc
gia phải tôn trọng và thể hiện. Và cộng đồng quốc tế phải áp đặt những giá trị
này. Cũng như trong một nước không ai được quyền áp đặt một nhân sinh quan lên
một cá nhân khác nhưng vẫn phải có luật pháp để bảo đảm một số giá trị chung
được mọi người tuân thủ. Chúng ta không còn ở trong một thế giới man rợ. Obama
định nghĩa dân chủ như nguyên tắc theo đó chính quyền phải phản ánh nguyện vọng
của dân chúng, và mỗi chính quyền thể hiện nguyên tắc này theo cách riêng của
mình, tùy theo truyền thống của mỗi dân tộc. Thật đáng buồn, đây đúng là ngôn
ngữ của các chế độ độc tài bạo ngược. Theo Obama, những nguyện vọng của người
dân là được nói những điều mình nghĩ, được có tiếng nói trong cách quản trị đất
nước, được có một chính quyền không ăn cướp của dân và được sống theo cách mà
mình chọn lựa. Cũng đúng, nhưng đây chỉ là dân chủ ở mức độ trừu tượng và mơ
hồ, mức độ zero về mặt chính trị. Các chế độ độc tài cũng luôn luôn vỗ ngực tự
xưng là phản ánh những nguyện vọng này của người dân. Chúng còn trâng tráo gọi
bộ máy đàn áp là chính quyền nhân dân, uỷ ban nhân dân, toà án nhân dân. Nhân
loại, sau nhiều đấu tranh cam go và những hy sinh lớn, đã vượt qua được mức độ
lãng mạn và nguyên tắc, mức độ zero, để đạt tới một định nghĩa tương đối rõ
ràng cho một chế độ dân chủ: đó là một chế độ ít nhất bảo đảm tự do ngôn
luận và báo chí, tự do thành lập và tham gia các tổ chức kể cả các chính đảng,
tự do bầu cử và ứng cử. Đó là định nghĩa của dân chủ đã được quy định trong
bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, thành phần của hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Dân chủ với định nghĩa trên đây nằm trong công pháp quốc tế mà Liên Hiệp Quốc
và mọi quốc gia có nhiệm vụ bảo đảm sự tuân thủ. Các chế độ độc tài bạo ngược
vi phạm công ước quốc tế, thái độ đúng và hợp với công pháp quốc tế là đánh đổ
chúng trừ khi cái giá phải trả quá cao, trong trường hợp này cũng phải gây sức
ép tối đa.
Đây không phải là lần đầu tiên Obama nói về
dân chủ và tự do một cách hời hợt. Trong bài diễn văn nhận chức Obama đã nói: "Đối
với các chính quyền bịt miệng những người đối lập, chúng tôi nói các vị đi sai
chiều lịch sử, nhưng nếu các vị chìa bàn tay thân thiện chúng tôi cũng sẽ nắm
lấy". Tôi ngạc nhiên khi đọc những bài bình luận của một số người Việt
hân hoan vì Obama đã lên án các chế độ bịt miệng đối lập. Các chế độ độc tài,
trong đó có chế độ cộng sản Việt Nam, không mong gì hơn là được "lên
án" như vậy.
Tuy vậy tôi vẫn hoan nghênh việc Obama đắc
cử tổng thống Mỹ. Sau hai nhiệm kỳ của George W. Bush nó đã hòa giải thế giới
với Hoa Kỳ, vừa đánh dấu một bước tiến ngoạn mục trong cuộc đấu tranh đẩy lùi
tệ kỳ thị mầu da vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến đấu chống khủng bố.
Tôi cũng không lo ngại lắm về nhận thức mà tôi nghĩ là thiếu hụt của ông. Xã
hội dân sự Hoa Kỳ có tiếng nói quyết định và các tổ chức bảo vệ nhân quyền Mỹ
vẫn rất mạnh, họ còn có ảnh hưởng lớn hơn với một chính quyền thuộc đảng Dân
chủ. Vả lại chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ không thay đổi bao nhiêu dù là dưới
một tổng thống Dân Chủ hay Cộng Hòa. Hoa Kỳ vẫn là một yểm trợ vững mạnh cho
cuộc vận động dân chủ. Chính Obama phải thận trọng.
Mùa hè năm ngoái vào giữa lúc cuộc tranh cử
tổng thống Mỹ đang sôi nổi, một người bạn thuộc đảng Dân Chủ hoan hỉ khoe với
tôi rằng Obama có một ban viết diễn văn rất trẻ. Sự tươi mát của tuổi trẻ quả
nhiên thể hiện trong văn phong những bài diễn văn của ông. Chính Obama cũng rất
trẻ. Nhưng tuổi trẻ không phải bao giờ cũng là một ưu thế, đôi khi tuổi trẻ
cũng là khoảng đời mà người ta chưa đủ thời giờ nghiên cứu và rà soát để gạt bỏ
những ngộ nhận và bổ túc những thiếu sót. Tôi cũng nhận xét là trong bộ tham
mưu của Obama không có một nhà tư tưởng chính trị nào dù đó là điều rất cần
thiết; tư tưởng khiến hoạt động chính trị có ý nghĩa lâu dài và cho phép người
ta có thể uyển chuyển mà không mất định hướng. Obama trong cố gắng tranh thủ sự
ủng hộ của quần chúng bằng những bài diễn văn dễ lọt tai nhưng đôi khi hụt hẫng
về nhận thức có thể gây thất vọng cho những người thực sự hiểu biết và có tầm
nhìn, những người cuối cùng cũng vẫn có vai trò lãnh đạo tinh thần và tạo ra dư
luận.
Nguyễn
Gia Kiểng
(Thông Luận 237)
(Thông Luận 237)
Phụ
lục 2:
Một New Deal ấn bản Obama? (TL
231)
Obama là một cột mốc lớn nhưng chưa chắc đã
là con người của tình thế
Khi Barack Hussein Obama được chọn làm ứng
cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ ký giả Đinh Quang Anh Thái của đài Little
Saigon Radio hỏi tôi nếu là người Mỹ thì sẽ bầu cho Obama hay McCain. Tôi trả
lời là tôi đánh giá cao cả con người Obama lẫn việc ông được chọn làm ứng cử
viên của đảng Dân Chủ nhưng tôi chọn McCain. Đó chỉ là một lá phiếu giả tưởng
bởi vì tôi không phải là công dân Mỹ.
Sau đại hội đảng Cộng Hoà ít lâu tôi thay
đổi lập trường và "bầu" Obama. Tôi vẫn rất kính phục McCain; lý do
khiên tôi chuyển sang Obama cũng chính là lý do khiến trước đây tôi ủng hộ
McCain: nước Mỹ cần một tổng thống am hiểu các vấn đề của thế giới. McCain chắc
chắn hiểu biết thế giới hơn hẳn Obama nhưng ông đã làm tôi lo sợ khi chọn bà
Sarah Palin, một phụ nữ dễ mến nhưng rất ít hiểu biết về thế giới, làm đồng
đội. Dù quý trọng McCain đến đâu tôi cũng không thể chấp nhận viễn tượng bà
Palin thay ông làm tổng thống Mỹ, một điều có thể xẩy ra vì McCain đã 72 tuổi.
Trong khi đó thì Obama đã chọn làm ứng cử viên phó tổng thống ông Joseph Biden
một người rất nhiều kinh nghiệm về đối ngoại để bù đắp thiếu sót mà tôi e ngại
nhất nơi ông.
Sự thay đổi lập trường của tôi cũng có một
lý do khác, đó là lời tuyên bố của McCain sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế trở
thành nghiêm trọng. McCain tỏ ra không bi quan lắm vì những fundamentals
( dữ kiện cơ bản) của kinh tế Hoa Kỳ đủ mạnh. Câu nói này đã làm ông mất nhiều
phiếu, kể cả "phiếu" của tôi. Người ta không nói tới các dữ kiện cơ
bản trong một cuộc khủng hoảng; cũng như người ta không nói tới tình trạng nhà
bếp, phòng khách của một căn nhà đang bốc cháy. Một cuộc khủng hoảng tài chính
có thể làm phá sản những công ty bình thường rất lành mạnh. Hơn nữa các fundamentals
của Mỹ cũng không tốt. McCain chứng tỏ ông không ý thức được mức độ trầm
trọng của cuộc khủng hoảng này. Phải nói rằng sự thay đổi lập trường của tôi đã
rất nhức nhối vì từ lâu tôi vẫn dành cho McCain một cảm tình đặc biệt. Giữa
tháng 10 tôi dùng cơm tối với một người trách nhiệm một tổ chức nhân quyền lớn
tại Mỹ sang công tác tại Châu Âu. Bà này hỏi tôi "nếu là công dân Mỹ ông
sẽ bầu cho ai?". Tôi đáp: "Obama!". Nhưng tôi cũng nói thêm rằng
nếu sau khi Obama đã đắc cử tổng thống mà tôi bắt buộc phải chọn lựa giữa hai
vinh dự dùng cơm với Obama hay với McCain chắc chắn tôi sẽ chọn McCain.
Tôi đang ở Hierapolis, Thổ Nhĩ Kỳ, lúc các
đài loan tin Obama đắc cử. Các đài truyền hình chiếu cảnh dân Thổ Nhĩ Kỳ reo
mừng. Tôi cũng thấy cảnh này ngay khu phố của tôi. Người Thổ coi thắng lợi của
Obama như thắng lợi của chính họ. Nhưng sự vui mừng của người Thổ không thể so
sánh được với những reo hò tại các thủ đô Hồi Giáo khác như tôi cũng được nhìn
trên Tivi. Châu Âu thì tôi biết đã ủng hộ cuồng nhiệt Obama từ lâu. Châu Phi Da
Đen thì khỏi phải nói, ngày 4 – 11 – 2008 đã là ngày lịch sử trọng đại của lục
địa này. Một cách đột ngột cả thế giới trở thành thân Mỹ. Tôi có cảm tưởng rằng
nếu Obama thua sẽ có hàng tỷ người ghét Mỹ vì thất vọng. Khi bầu Obama người Mỹ
đã vô tình chinh phục được trái tim của cả thế giới. Việc Obama đắc cử tự nó đã
là một thắng lợi lớn của Hoa Kỳ. Tự nhiên tôi thấy mình ngớ ngẩn. Tại sao không
thấy việc người Mỹ bầu Obama là lẽ dĩ nhiên? Tôi được giải tỏa hoàn toàn khỏi
sự lưu luyến với McCain. Tuy vậy chỉ vài ngày sau, khi những tiếng reo mừng đã
im bặt sự phân vân lại trở lại với tôi. Obama chưa chắc đã là con người của
tình thế.
Xét cho cùng thì thắng lợi của Obama không
có gì là phi thường. Sau tám năm với một tổng thống Cộng Hòa việc cử tri Mỹ bầu
một tổng thống Dân Chủ là rất tự nhiên. Từ sau Thế Chiến II chỉ có một lần, năm
1988, họ bầu một ứng cử viên Cộng Hòa để thay thế một tổng thống Cộng Hòa mãn
nhiệm. Hơn nữa Obama lại có ít nhất hai lợi điểm khác: vị tổng thống Cộng Hòa
mãn nhiệm đã phá mọi kỷ lục về mất lòng dân và đối thủ của ông đã 72 tuổi. Chưa
kể là ở một mức độ nào đó bà Sarah Palin cũng đã là một đồng minh khách quan.
Với tất cả những yếu tố đó Obama đáng lẽ đã phải thắng một cách áp đảo hơn
nhiều. Nước da đen của ông đã che khuất một điều khá hiển nhiên.
Obama đã là một cột mốc trọng đại đánh dấu
sự toàn thắng của một cuộc chiến đấu kiên trì chống lại tệ kỳ thị chủng tộc và
mầu da. Niềm tin nền tảng của cuộc chiến đấu này là chỉ có một giống người với
cấu tạo và bản chất như nhau, với những tiềm năng như nhau, do đó phải được
kính trọng và được dành những quyền ngang nhau. Việc một người da đen đắc cử
tổng thống Mỹ và trở thành nhân vật quyền lực nhất thế giới đã là một kết thúc
lộng lẫy của cuộc chiến đấu vinh quang này. Càng lộng lẫy vì Hoa Kỳ là quốc gia
duy nhất trên thế giới mà việc mua bán nô lệ da đen được ghi ngay trong hiến
pháp vào lúc thành lập. Hơn thế nữa người da đen đó lại mang tên đệm Hồi Giáo
trong một quốc gia gần như thuần túy Thiên Chúa Giáo. Từ nay không còn gì có
thể được viện dẫn để phủ nhận sự bình quyền giữa những con người. Một cột móc
của nền văn minh thế giới vừa đạt tới. Không thể có thắng lợi nào đẹp hơn. Có
thể là quá đẹp đến nỗi không hoàn toàn trung thực.
Không ai phủ nhận tài năng xây dựng hình
ảnh và tổ chức tranh cử của Obama nhưng ông không phải là tác nhân mà chỉ là
người thụ hưởng thắng lợi của một cuộc chiến đấu dai dẳng qua nhiều thế hệ của
hàng triệu người quảng đại và dũng cảm. Hoa Kỳ đã phải trải qua một cuộc nội
chiến đẫm máu để bãi bỏ chế độ nô lệ và đã phải tiếp tục phấn đấu thêm hơn một
thế kỷ nữa để xóa bỏ hẳn tệ kỳ thị mầu da. Các lực lượng kỳ thị đã chống trả
bằng mọi phương tiện, từ bạo lực, khủng bố, ám sát đến những nghị sĩ nói trường
giang đại hại cho hết thì giờ của các khóa họp quốc hội để trì hoãn từ năm này
qua năm khác đạo luật chống kỳ thị. Dầu vậy không gì mạnh bằng một ý kiến đã
chín muồi, năm 1964 đạo luật cấm kỳ thị được biểu quyết và tháng 11 năm 1968
qui định phân biệt đối xử cuối cùng bị hủy bỏ. Từ đó các tiến bộ dồn đập theo
nhau. Đã có những người da đen lên cấp tướng trong quân đội, làm thị trưởng các
thành phố lớn, đắc cử vào nghị viện tiểu bang và liên bang, làm bộ trưởng, thẩm
phán tòa án tối cao v.v. Trong 8 năm gần đây hai người da đen kế tiếp nhau làm
ngoại trưởng, chức vụ quan trọng nhất sau tổng thống trong chính quyền Mỹ. Nước
Mỹ xấu hổ và ăn năn cố gắng tẩy xóa thật nhanh vết nhơ kỳ thị. Mầu đã của Obama
đã có lợi cho ông hơn là có hại.
Obama đã là một cột mốc lớn nhưng chưa chắc
đã là vị tổng thống tốt. Đúng là thắng lợi của Obama tự nó đã giải quyết một số
vấn đề quan trọng. Nó đã hòa giải nước Mỹ với nhiều quốc gia sau tám năm của
một chính quyền Bush bị nhiều nước cáo buộc là đơn phương và trịch thượng. Nó
cũng đã xóa bỏ hình ảnh của một nước Mỹ tiêu diệt thổ dân da đỏ và đày đọa
những người nô lệ da đen, và hòa giải nước Mỹ với thế giới. Với Obama Hoa Kỳ đã
đột ngột chiếm được cảm tình của cả thế giới, điều mà hàng ngàn tỷ đô-la cũng
không mua được. Tuy nhiên Obama có thực sự có những khả năng của một lãnh tụ mà
Hoa Kỳ và thế giới cần trong giai đoạn này hay không còn là một dấu hỏi.
Nếu bỏ qua mầu da thì việc Obama đắc cử
cũng chỉ phản ánh tâm lý quen thuộc của người Mỹ: trọng hình ảnh, thích người
mới, trẻ đẹp, có bằng cấp cao dù chưa cống hiến gì cho đất nước và cũng chưa
chứng tỏ bản lĩnh và ý chí. Dưới lớp da nâu thực ra Obama thuộc giới trí thức
thượng lưu và không khác bao nhiêu so với Clinton và Bush. Cũng như Bush, ông
là một sản phẩm của đại học danh tiếng Havard. Cũng như Clinton ông nhờ tuổi trẻ
và chiêu bài đổi mới mà đánh bại được một vị anh hùng đã từng liều thân vì đất
nước và đã có những đóng góp to lớn. Cũng như Bush và Clinton khi ra ứng cử,
Obama kêu gọi thay đổi nhưng không đưa ra ý kiến nào thực sự mới.
Trong suốt cuộc tranh cử tổng thống sôi nổi
và được cả thế giới theo dõi Obama không tỏ ra có một sự hiểu biết và một tầm
nhìn nào về thế giới. Người ta không thể biết ông biết gì và nghĩ gì về tiến
trình dân chủ hóa phức tạp tại Châu Mỹ La Tinh, về sự lột xác của Ấn Độ, về sự
bế tắc sắp tới của Trung Quốc, về chính sách cần có đối với khối Hồi Giáo trên
một tỷ người đang trải qua một cuộc xét lại lớn tương tự như Thiên Chúa Giáo
trong thế kỷ 18 v.v. Các tổng thống Mỹ giống nhau ở một điểm: họ không nghiên cứu
địa lý, lịch sử và văn hóa các nước khác và lý luận về nước Pakistan như lý
luận về công ty General Motors. Quan trọng hơn, Obama không nói gì về trào lưu
dân chủ hóa trên thế giới; hình như thúc đẩy phong trào dân chủ không phải là
ưu tiên hàng đầu của ông. Obama cũng vẫn nằm trong truyền thống chính trị của
Hoa Kỳ, một quốc gia do sức mạnh kinh tế và quân sự có vai trò lãnh đạo thế
giới nhưng những người lãnh đạo lại rất ít hiểu biết và quan tâm đến thế giới
bên ngoài. Đây là một tai hại cho thế giới và cả cho Hoa Kỳ. Roosevelt đã cho
phong trào cộng sản một sức bật lớn khi nhượng Đông Âu cho Stalin sau Thế Chiến
II vào lúc mà Liên Xô đã kiệt quệ và hoàn toàn không có khả năng thách thức
phương Tây. Các chính quyền Mỹ kế tiếp nhau đã ủng hộ những chế độ độc tài quân
phiệt tại Nam Mỹ và cũng đã lấy những quyết định sai một cách bi đát tại Việt
Nam và nhiều quốc gia khác. Người Mỹ và chính giới Mỹ hình như vẫn chưa ý thức
được rằng những khó khăn và thiệt hại lớn nhất của họ đến từ sự thiếu hiểu biết
các vấn đề đối ngoại. Chính sách nhu nhược của Clinton đã cho phép Al Qaeda
phát triển và trở thành một đe dọa cho Hoa Kỳ; những sai lầm tại Iraq của chính
phủ Bush đã gây thiệt hại lớn cho nước Mỹ về cả tiền bạc, nhân mạng lẫn uy tín.
Sự thiếu hiểu biết về Afganistan và Pakistan cũng là lý do giúp cho loạn quân
Taliban hồi sinh. Chỉ gần đây chính quyền Mỹ mới chỉ khám phá ra rằng chìa khóa
giải quyết vấn đề Afganistan nằm tại Pakistan. Không thể bào chữa rằng các tổng
thống Mỹ đều có những cố vấn tài ba về các vấn đề quốc tế. Trên những chọn lựa
chiến lược lớn người ta không thể trông cậy hết vào các cố vấn, ngay cả nếu
thực sự có những cố vấn giỏi. Mặt khác cả phó tổng thống Joseph Biden lẫn ngoại
trưởng Hilary Clinton đều không phải là những nhà chiến lược lớn. Điều đáng lo
ngại là Obama hình như không ý thức được sự cần thiết của một sự hiểu biết sâu
rộng về thế giới. Về điểm này thì ông cũng giống như hầu kết các tổng thống Mỹ,
ông là một chính trị gia made in America chính hiệu. Ngoài ra Obama còn
có một vấn đề mà chưa có vị tổng thống Mỹ nào có: thế giới quá mến mộ ông và
chờ đợi quá nhiều ở ông. Cảm tình mà dư luận thế giới dành cho ông không phải
chỉ có mặt lợi, nó cũng có thể trói tay ông và khiến ông không dám dám lấy
những quyết định dứt khoát trong khi lúc này chính là thời điểm của những chọn
lựa quan trọng. Thí dụ: cuộc khủng hoảng kinh tế đang gây khốn đốn cho các
chính quyến chống dân chủ tại Nga, Trung Quốc, Iran và Venezuela; tùy chính
sách và thái độ của các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, họ có thể nhượng
bộ và hợp tác hay ngược lại cũng có thể hung hăng gây hấn với bên ngoài để xoa
dịu những bất mãn bên trong. Nước Mỹ của Obama sẽ ứng xử như thế nào? Obama
phần nào đã thắng McCain nhờ có cuộc khủng hoảng kinh tế làm cử tri Mỹ tập
trung mọi chú ý vào các vào các vấn đề nội bộ và quên đi các vấn đề quốc tế,
nhưng ông sẽ nhanh chóng bị các vấn đề đối ngoại đuổi kịp.
Có thể Obama không phát biểu về thế giới vì
đang phải tập trung mọi quan tâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng đây là một
cuộc khủng hoảng toàn cầu và không thể có một giải đáp thuần túy nội bộ Hoa Kỳ.
Điều đáng lo âu là Obama rất có thể sẽ sai lầm lớn trong cách giải quyết cuộc
khủng hoảng. Đảng Dân Chủ có khuynh hướng cổ võ cho những can thiệp của nhà
nước vào sinh hoạt kinh tế. Những gì Obama đã nói chứng tỏ chính ông cũng có
khuynh hướng này. Có nhiều triển vọng Obama sẽ có những biện pháp tương tự như
Franklin Delano Roosevelt đã từng làm 80 năm trước đây: cứu vớt tối đa các công
ty lỗ lã, giảm lãi xuất và nới lỏng kiểm soát tín dụng, tung ra những chi tiêu
công cộng lớn để tạo công ăn việc làm, kích thích tiêu thụ v.v. Bộ tham mưu
kinh tế của ông gồm nhiều nhân vật đã từng thuộc ê-kíp Clinton trước đây, những
người đã chủ trương chính sách này. Chúng ta sắp có một New Deal ấn bản Obama?
Một trong những vấn đề cấp bách mà Obama sẽ
phải quyết định ngay khi nhận chức là có cứu ba công ty chế tạo ôtô General
Motors, Ford và Chrysler hay không? Cả ba công ty này đều đang nguy ngập và nếu
phá sản có thể sẽ tạo thêm hơn hai triệu người thất nghiệp. Để các công ty này
phá sản sẽ rất thất nhân tâm. Có nhiều triển vọng Obama sẽ ra tay nghĩa hiệp và
sẽ được hoan hô. Cái tai hại của những lãnh tụ chưa có công lao gì mà lại rất
được lòng dân là họ không dám lấy những quyết định nhức nhối dù là đúng. Nhưng
đây sẽ là một sai lầm lớn kéo theo nhiều sai lầm khác. Các công ty chế tạo ôtô
của Mỹ đáng chết và phải để cho chúng chết. Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về mọi mặt
nhưng ôtô của Hoa Kỳ lại là những ôtô dở nhất, kềnh càng, đắt tiền, phẩm chất
kém và uống nhiều xăng. Trong nhiều thập niên họ đã không chịu cải tiến mặc dù
có những phương tiện áp đảo, không những thế họ còn lobby (chạy chọt) để ngăn
cản những chương trình phát triển chuyên chở công cộng. Nếu cứu các công ty này
thì phải cứu mọi công ty lỗ vốn khác. Nhưng cứu tất cả mọi công ty thua lỗ là
điều vừa không thể làm vừa không nên làm. Những cuộc khủng hoảng không phải chỉ
gây thiệt hại, chúng cũng là dịp để sửa sai và cải tổ. Quá nhiều thuốc có thể
chữa bệnh mau chóng nhưng cũng để lại những di hại lâu dài cho bệnh nhân.
Càng ngày càng có nhiều người đánh giá lại
chính sách New Deal của Franklin Roosevelt. Cần phân biệt những biện pháp cứu
nguy cấp bách với những định hướng lâu dài. Chúng thường đối nghịch với nhau.
Một thí dụ mà chúng ta đang nhìn thấy trước mắt trong lúc này là mọi người đều
đồng ý rằng sự duy trì lãi xuất cơ bản ở mức thấp quá lâu và những qui định quá
dễ dãi về tín dụng đã là nguyên nhân đưa tới cuộc khủng hoảng bi đát này, nhưng
các chính quyền và các ngân hàng trung ương đã làm gì? Họ đã hạ lãi xuất và nới
lỏng tín dụng! Họ không có chọn lựa nào khác. Sai lầm của Roosevelt và bộ tham
mưu kinh tế của ông là đã lấy những biện pháp cứu nguy có tác động lâu dài, và
để lại những tật nguyền cho kinh tế Mỹ. Trong một chừng mực nào đó cuộc khủng
hoảng hiện nay cũng là hậu quả của New Deal; đừng quên là hai ngân hàng Freddie
Mac và Fannie Mae, những thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng này, là những đứa
con đẻ của New Deal.
Nhà nước phải can thiệp khi cần, điều này
không ai có thể chối cãi. Nhưng với điều kiện là chỉ can thiệp khi thực sự cần
thiết và rút lui ngay sau đó về vai trò đích thực của một nhà nước: qui định
luật chơi, trọng tài những tranh tụng và chế tài những sai phạm. Sự can thiệp
thường xuyên của nhà nước trong hoạt động kinh tế chưa bao giờ là một điều tốt,
và nếu có một bài học mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng này thì đó
là mọi nhà nước đều phải rất dè dặt trong chính sách kích thích tiêu thụ.
Nói như thế không có nghĩa là phải coi nhẹ
các ưu tư về an sinh xã hội. Dấn thân chính trị chỉ có ý nghĩa nếu nhắm những
mục tiêu xã hội, nghĩa là trước hết nhắm phục vụ những người yếu kém và thiếu
may mắn. Ngay về mặt thuần túy kinh tế một mạng lưới y tế công cộng mạnh cũng
là một yếu tố cần thiết. Trung Quốc dự định bỏ ra 590 tỷ USD để cứu vãn hoạt
động sản xuất của họ bằng cách kích thích tiêu thụ nội địa sau khi biết chắc
thị trường xuất khẩu sẽ sút giảm lớn trong nhiều năm, nhưng số tiền khổng lồ
này chắc chắn sẽ không có tác dụng mong muốn vì ngay cả nếu thu nhập của họ gia
tăng người Trung Quốc cũng sẽ không tiêu xài mà chỉ dành dụm để phòng hờ khi
yếu bệnh, do sự thiếu vắng một mạng luới y tế công cộng. Không thể có một nền
kinh tế mạnh đặt nền tảng trên một quần chúng nghèo khổ. Tất cả vấn đề là tổ
chức liên đới xã hội thế nào để nó không trói tay các công ty và làm tê liệt
sinh hoạt kinh tế. Có nguy cơ chính quyền Obama sẽ can thiệp quá đà.
Tất cả những nhận xét trên không có nghĩa
là tương lai Hoa Kỳ sẽ đen tối. Bằng cách này hay cách khác nước Mỹ sẽ ra khỏi
cuộc khủng hoảng này và tiến tới. Vấn đề chỉ là với giá nào và trong điều kiện
nào. Dầu sao Hoa Kỳ là một nước dân chủ và sẽ luôn luôn là một nước dân chủ. Từ
ngày lập quốc nó đã không biết một thể chế nào khác ngoài dân chủ. Một thể chế
dân chủ có thể sai lầm nhưng đặc tính của nó chính là khả năng điều chỉnh để
không để xẩy ra những sai lầm quá đáng kéo dài quá lâu. Đó đã là lý do khiến
Hoa Kỳ dù đã mắc nhiều sai lầm vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới từ hơn
một thế kỷ nay và còn trong một thời gian dài trước mắt.
Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận 231)
No comments:
Post a Comment