Thanh
Phương – RFI
Thứ hai 26 Tháng Mười Một 2012
Theo chiều hướng áp đặt chủ quyền lãnh hải trên Biển
Đông, Trung Quốc vừa tiến thêm một bước với việc phát hành một hộ chiếu mới
trên đó có in bản đồ của Trung Quốc, đặc biệt có bản đồ đường « lưỡi bò », tức
là bản đồ mà Bắc Kinh tự vẽ nên, bao phủ gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Bản đồ
đường lưỡi bò này đang bị các học giả quốc tế phản bác ngày càng mạnh, thể hiện
qua cuộc hội thảo quốc tế mới đây tại Sài Gòn.
Hộ chiếu mới của Trung Quốc đã gây phản ứng mạnh không
chỉ từ chính phủ Việt Nam, mà còn từ chính phủ Philippines và Đài Loan. Thậm
chí Ấn Độ cũng đã lên tiếng phản đối, vì bản đồ in trên hộ chiếu mới của Trung
Quốc lấn sang cả một phần lãnh thổ của Ấn Độ.
Riêng về phía Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Lương Thanh Nghị trong cuộc họp báo ngày 22/11 đã tuyên bố : « Việc làm trên
của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt
Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông. »
Ông Lương Thanh Nghị cho biết là đại diện Bộ Ngoại giao
Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản
đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ bản đồ in trên hộ chiếu nói trên. Phía Ấn Độ
đã tỏ thái độ phản đối cụ thể bằng cách đóng dấu bản đồ Ấn Độ lên các tờ thị
thực nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc. Việt Nam cũng đã bắt đầu có biện
pháp trả đủa tương tự như Ấn Độ.
Theo tiết lộ của tờ Tuổi Trẻ, trong số gần 200 khách du
lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam ngày 23/11/2012 tại cửa khẩu quốc tế Lào
Cai, cơ quan chức năng phía Việt Nam đã đóng dấu hủy bốn hộ chiếu có in hình
đường lưỡi bò, đồng thời bộ đội biên phòng tại cửa khẩu này đã đóng dấu thị
thực vào giấy thông hành rời cho người nhập cảnh.
Tờ báo trích lời trung tá Trần Việt Huynh - đồn trưởng
đồn biên phòng cửa khẩu Lào Cai - cho biết đến nay họ đã đóng dấu hủy vào 111
hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in hình đường lưỡi bò khi nhập cảnh vào VN.
Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh cũng đã áp dụng biện pháp
chỉ cấp thị thực rời cho người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.
Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc ngày 24/11/2012 trong
phần tin thời sự có trích dẫn phản ứng của một số du khách Trung Quốc sang Việt
Nam đã bị từ chối tin dấu thị thực lên hộ chiếu mới. Có người còn nói là nếu cứ
tiếp tục như vậy họ sẽ không đến các nước như Việt Nam nữa. Điều đáng nói là
theo báo chí chính thức của Trung Quốc, Bắc Kinh đã phát hành hộ chiếu mới có
bản đồ đường lưỡi bò từ ngày 15/05/2012, tức là hơn nửa năm nay rồi, vì sao cho
đến ngày 22/11/2012, Việt Nam mới chính thức phản đối ?
Ngoài Lào Cai và Móng cái, các cửa khẩu quốc tế khác đã
có những hành động trả đũa như vậy hay không ? Trung Quốc đã phát hành hộ chiếu
mới có tính chất áp đặt chủ quyền, mặc dù bản đồ đường lưỡi bò in trên đó đang
bị giới học giả phản bác ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua cuộc Hội thảo Khoa học
quốc tế lần thứ IV với đề tài “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở
khu vực” , vừa diễn ra tại Sài Gòn trong ba ngày từ 19 đến 21/11/2012. Theo
bản thông cáo kết thúc hội thảo, các đại biểu dự hội thảo đã nhất trí rằng «
đường lưỡi bò và cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc không có
cơ sở pháp lý, không được thừa nhận bởi các quốc gia hữu quan, chồng lấn vào
vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển và đi ngược lại các quy định
của pháp luật quốc tế".
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát xung đột và
giải quyết tranh chấp tại biển Đông, trong cuộc hội thảo đó, các học giả khuyến
nghị các bên tranh chấp hợp tác khảo sát các điều kiện tự nhiên và địa lý của
các thực thể tại biển Đông nhằm xác định quy chế pháp lý của các thực thể này theo
quy định của Công ước luật biển 1982.
Nghe
(14:43) : TS Nguyễn Nhã 26-11-2012
Trên cơ sở khảo
sát đó, các bên trong tranh chấp làm rõ phạm vi các yêu sách về chủ quyền và
vùng biển tại biển Đông. Là một trong những học giả tham gia hội thảo nói trên,
tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, một trong
những nhà nghiên cứu về Biển Đông hàng đầu ở Việt Nam, trả lời phỏng vấn RFI :
RFI : Kính thưa tiến sĩ Nguyễn Nhã, trong những ngày qua, dư luận Việt Nam đã
rất phẫn nộ sau khi nghe tin Trung Quốc phát thành hộ chiếu mới có in bản đồ
đường « lưỡi bò ». Ông có nhận định thế nào về hành động này của Trung Quốc,
cũng như phản ứng của Việt Nam ?
TS Nguyễn Nhã : Đó là hành
động đang gây bức xức cho nhiều người. Các chính quyền ở cửa khẩu như Lào Cai
đã có hành động thể hiện sự phản đối. Ít ra phải làm như thế. Tôi nghĩa rằng
người Việt Nam không sợ đường lưỡi bò. Trong thời đại này, bất cứ một siêu
cường nào dù lớn đến đâu cũng không thể sống ngoài pháp luật, bất chấp pháp
luật được, bởi vì như vậy làm sao có thể bảo đảm được trật tự thế giới ? Nếu có
xảy ra chiến tranh lớn thì sẽ không giống như vào thế kỷ 20, bởi vì những vũ
khí hủy diệt hàng loạt có thể hủy diệt cả Trái đất này. Những hành động ngang
ngược như vậy không phù với quốc gia cũng như với toàn thể nhân loại.
Theo tôi rất có nhiều việc chúng ta có thể làm được để
phản đối hộ chiếu in bản đồ đường lưỡi bò. Chúng ta đã đối đầu với một nước
lớn, mà họ ngang ngược như vậy, thì tôi nghĩ rằng là mọi hành xử thì cũng phải
thế nào cho phù hợp và hiệu quả. Đó là sự khôn ngoan của ông cha ta từ trước
đến nay.
Nhưng dầu sao hình thức phản đối nào đó cũng là cần
thiết. Tôi nghĩ rằng là các giới chức có thẩm quyền sẽ nghĩ ra cách nào cho phù
hợp nhất trong tình hình hiện nay. Đối với một nhà nghiên cứu, một công dân,
một trong những cách phản đối mang tính ngoại giao, lịch sự đó là in bản đồ
lưỡi bò bị gạch bỏ trên mũ, như chúng ta đã in lên áo, để thể hiện thái độ phàn
đối hành động của Trung Quốc.
RFI : Trong cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh,
các học giả đã phản bác bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc như thế nào ?
TS Nguyễn Nhã : Việc in hộ
chiếu này đã diễn ra trước hội thảo. Trong hội thảo đó, rất nhiều học giả trong
khu vực cũng như của các nước lớn, kể cả của Liên hiệp châu Âu đã lên tiếng
phản đối bản đồ đường lưỡi bò đó, cho rằng nó không có cơ sở pháp lý quốc tế và
lịch sử nào. Tôi thấy chưa bao giờ các học giả nói thẳng thắng như vậy.
Tôi thấy các học giả Trung Quốc tỏ ra rất mềm mỏng. Khi
bị chất vấn trong hội thảo cũng như khi bị báo chí đặt câu hỏi sau hội thảo,
giáo sư Tô Hạo cũng đã nói rằng đường lưỡi bò này là « kế thừa lịch sử », tức
là Trung Hoa Quốc Gia đã đưa ra từ 1947. Trung Quốc rất khó mà trả lời với các
cơ sở pháp lý cũng như lịch sử.
Nói « kế thừa lịch sử », mà lịch sử đó cũng chỉ là từ
1947 ! Ngay từ năm 1909, khi chính quyền Quảng Đông bắt đầu có những hành động
tranh chấp chủ quyền, nói đó là đất « vô chủ ». Nhưng hồi đó, Việt Nam còn bị
Pháp đô hộ, tức là mất quyền ngoại giao, nhưng sự thật lịch sử cho thấy là cả
thế kỷ 19 và sau này, Việt Nam đã luôn có sự chiếm hữu thật sự và hòa bình liên
tục tại Hoàng Sa rồi. Như vậy, bản đồ đường lưỡi bò chiếm đến 90 Biển Đông về
mặt quyền lịch sử cũng đã không có cơ sở gì, chứ đừng nói gì đến pháp lý.
Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 chưa có bao giờ quy
định nội thủy lớn như thế và Trung Quốc cũng không có cách nào giải thích được
mà chỉ nói là không thừa nhận về mặt pháp lý quốc tế thôi, trong khi Trung Quốc
đã ký vào Công ước 1982. Tôi cũng đã có phát biểu rằng vai trò của Trung Quốc ở
Biển Đông rất quan trọng.
Vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi Trung Quốc lời nói
đi đôi với việc làm. Muốn có quan hệ hữu hảo thì phải có những việc làm hợp lý.
RFI : Ngoài việc tổ chức các hội thảo như trên, chúng ta nên tiếp tục vận động
quốc tế như thế nào để có sựhậu thuẫn mạnh mẽ khi vấn đề tranh chấp chủ quyền
Biển Đông được đưa ra trước một cơ chế trọng tài quốc tế ?
TS Nguyễn Nhã : Trong vấn đề
Biển Đông, các nước khác nói là họ không quan tâm đến tranh chấp chủ quyền, mà
chỉ quan tâm đến quyền lợi ở Biển Đông. Dĩ nhiên là lợi ích cốt lõi của mỗi
nước có khác nhau. Nhưng khi Trung Quốc đăng ký đường lưỡi bò đó, thì nó liên
quan đến vấn đề lịch sử chủ quyền. Cho nên, trong hội thảo quốc tế lần trước,
tôi đã có đề nghị là phải làm rõ sự thật lịch sử chủ quyền biển đảo, tức là tổ
chức các hội thảo để sang bằng sự khác biệt quan điểm về lịch sử chủ quyền Biển
Đông.
Phía Trung Quốc cũng đã nói sẵn sàng tham gia những hội
thảo như vậy, nhưng tôi chưa thấy chuyện ấy xảy ra.
Có rất nhiều hội thảo, diễn đàn để trình bày những công
trình nghiên cứu khoa học của các học giả để hiễu rõ sự thật lịch sử như thế
nào. Tôi nghĩ rằng phải giải quyết việc đó, rồi từ đó mới có thể mới có thể
giải quyết vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.
Ở Việt Nam, đã đến lúc phải quảng bá rộng rãi những chứng
cứ mang tính Nhà nước : các văn bản của Nhà nước từ chính quyền trung ương đến
địa phương chứng minh sự chiếm hữu thật sự Hoàng Sa - Trường Sa một cách hoà
bình và liên tục. Quảng bá rộng rãi như thế thì khi mà có đưa vấn đề ra trước
tòa án quốc tế, thì chúng ta đã sẵn sàng. Có điều để đưa vấn đề ra trước tòa án
quốc tế thì cả hai bên đều phải đồng ý.
Trong một luận án tiến sĩ ở Đại học Sorbonne, tác giả
người Trung Hoa Đài Loan đã nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đưa ra trước
tòa án quốc tế về tranh chấp chủ quyền cả, bởi vì họ chẳng có cơ sở nào cả.
Nhưng chúng ta có Công ước về Luật Biển mà Việt Nam và Trung Quốc đều ký kết.
Nếu Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền, nhất là xâm phạm vùng đặc quyền kinh
tế của Việt Nam, chúng ta có thể dựa trên Công ước đó để đưa vấn đề ra Tòa án
Luật Biển.
Trong buổi nói chuyện vừa qua tại Đại học Havard, giáo sư
Tạ Văn Tài cũng đã nói rằng là chúng ta có thể đơn phương đưa ra Tòa án Luật
Biển, vì nó có những điều khoản có tính chất ràng buộc. Nhưng cũng phải cân
nhắc kỹ, vì mỗi lần đưa như vậy, ít ra ta cũng phải mất 10 triệu đôla tiền thủ
tục. Cho nên đấu tranh (cho chủ quyền) là một việc rất phức tạp, cần sự khôn
ngoan của mỗi người, từ chính quyền đến người dân.
RFI : xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Nhã.
No comments:
Post a Comment