Monday, 12 November 2012

TRUNG QUỐC : AI CẢI CÁCH ? (BBC)




BBC
Cập nhật: 09:30 GMT - thứ hai, 12 tháng 11, 2012

Là bí thư của một trong những tỉnh giàu có nhất của Trung Quốc, Uông Dương thường được miêu tả là nhân tố thay đổi và là một lực lượng tiềm năng thúc đẩy cải cách kinh tế thậm chí cả cải cách chính trị nếu ông được cất nhắc vào hàng ngũ lãnh đạo tối cao của đất nước vào cuối tuần này, hãng tin Reuters của Anh nhận định.

Tuy nhiên người đứng đầu tỉnh Quảng Đông dường như tránh nói đến điều này tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 hiện đang diễn ra ở Bắc Kinh.

'Ai cũng cải cách'

Phát biểu trước báo giới hôm thứ Sáu ngày 9/10, ông Uông cứ theo một kịch bản đã được tập dượt kỹ lưỡng cứ như là một con rối chính trị.
“Vì Trung Quốc có quyết định chiến lược là cải cách và mở cửa thì tất cả các đảng viên của Đảng Cộng sản, trong đó có bản thân tôi, đều là những nhà cải cách, nếu không thì Trung Quốc không có ngày nay,” ông nói.
“Chúng tôi sẽ theo chủ đề của Đại hội Đảng 18 là thúc đẩy cải cách,” ông nói.
“Về các bước cải cách tiếp theo, đồng chí Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã phát biểu rất rõ ràng rồi cho nên tôi không dẫn lại Báo cáo chính trị nữa,” ông nói thêm.

Trong Báo cáo chính trị này, ông Hồ đã đề cập đến nhu cầu phải cải cách cả kinh tế lẫn chính trị nhưng nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là lực lượng lãnh đạo.
Các nhà phân tích cho rằng mục đích bao trùm của Đảng thể hiện trong bản Báo cáo chính trị này vẫn là duy trì sự kiểm soát quyền lực tuyệt đối của Đảng.

Giờ đây, ông Uông Dương, vốn là ‘đệ tử’ của Hồ Cẩm Đào, dường như có rất ít cơ hội để thăng tiến vào hàng ngũ Thường vụ Bộ Chính trị hiện được cho là sẽ rút từ chín xuống còn bảy thành viên.

Được nhiều người ở phương Tây đánh giá là một biểu tượng cải cách chính trị, ông Uông đã vận động cho cuộc cải cách ở tỉnh ông do lo ngại các tác động xã hội của ba thập niên phát triển như vũ bão.
Tuy nhiên, cách làm này đã bị các thành phần thủ cựu trong Đảng phê phán và gần đây ông Uông cũng đã phải dùng đến biện pháp quen thuộc của Đảng là kiểm soát và trừng phạt để duy trì trật tự.

“Trong bối cảnh của Trung Quốc thì ông ấy là một nhà cải cách, nhưng điều đấy chỉ đưa ông ấy đi quá xa,” ông Tony Saich, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Harvard cho biết.
“Suy cho cùng thì những người này tận cốt lõi đều là những đảng viên trung kiên của Đảng và tất cả những cải cách mà họ cho rằng cần thiết chỉ được thực hiện để đảm bảo quyền thống trị của Đảng Cộng sản,” ông nói.

Thận trọng và kín kẽ

Chỉ có hai nhân vật sẽ chắc chân trong Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới là phó Chủ tịch Tập Cận Bình và phó Thủ tướng Lý Khắc Cường. Lạc quan nhất thì cả hai ông Lý và ông Tập đều được xem là những nhà cải cách thận trọng.
Một người nữa cũng có thể vào Thường vụ Bộ Chính trị lại có tiếng là không cởi mở với cải cách: đó là phó Thủ tướng Trương Đức Giang, nhân vật bảo thủ từng được đào tạo ở Bắc Hàn.
Ông Trương, 65 tuổi, đã củng cố cơ hội thăng tiến khi ông được chọn về thay thế Bạc Hy Lai làm bí thư Thành ủy Trùng Khánh.
Trong bài phát biểu kéo dài 25 phút trước gần cả trăm phóng viên, ông Trương về cơ bản lặp lại Báo cáo chính trị của ông Hồ với những ngôn từ quen thuộc của Đảng.
“Toàn bộ bản báo cáo đã soi rọi chủ nghĩa Mác sáng ngời,” ông nói, “Từ đầu đến cuối Báo cáo chính trị cho thấy chúng tôi phải kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc.”

Du Chính Thanh, bí thư Thành ủy Thượng Hải, cũng được xem là một ứng viên vào Thường vụ Bộ Chính trị và được xem ít nhất là có đầu óc cải cách do ông lãnh đạo một thành phố phát triển nhất và là trung tâm tài chính của Trung Quốc.
Tuy nhiên ông này hầu như không nói gì trong một phiên thảo luận mở ở tổ về báo cáo chính trị của ông Hồ. Khi cuối cùng một phóng viên hỏi ông đâu là cải cách chính trị khẩn thiết nhất mà Trung Quốc phải tiến hành, ông Du tỏ ra hết sức thận trọng.
“Báo cáo của đồng chí Hồ Cẩm Đào đã nêu lên là phải chú ý nhiều hơn về cải thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, chú ý nhiều hơn đến việc xây dựng nền chính trị dân chủ, chú ý nhiều hết đến xây dựng nền pháp trị,” ông nói.
“Đây là những điểm chính và là hướng cải cách hệ thống chính trị trong tương lai. Hết. Xin cảm ơn,” ông nói thêm.

Cải cách quá đà?

Ông Du và ông Trương ít nhất còn xuất hiện trước truyền thông quốc tế trong khi Trưởng Ban Tổ chức trung ương Lý Nguyên Triều, một nhân vật được nhìn nhận rộng rãi là một ứng viên có đầu óc cải cách để vào Thường vụ Bộ Chính trị, thì biến khỏi tầm nhìn của báo giới.
Ông Lý năm nay 61 tuổi và là người chịu trách nhiệm bổ nhiệm, điều chuyển các cán bộ cấp cao của Đảng, chính phủ và quân đội.
Ông ấy đã khuyến khích đầu tư nước ngoài và đã từng du học ở Mỹ. Các nhà phân tích đang quan sát ông kỹ lưỡng trong tuần này để xem ông thể hiện đường lối lãnh đạo như thế nào.

“Nếu ông Lý có dấu hiệu nào cải cách hơn nữa thì số phận của ông cũng chấm hết,” ông Duncan Innes-Ker, một phân tích gia về Trung Quốc, cho biết, “Ông ấy đã thực hiện nhiều thay đổi chính trị và hành chính hơi triệt để theo chuẩn mực của Trung Quốc và lại còn kêu gọi cải cách nghiêm túc nhiều hơn nữa.”

Ngay cả khi hai ông Lý và Uông không vào được Thường vụ Bộ Chính trị trong khóa này thì họ vẫn còn đủ tuổi để vào khóa sau khi những vị như Trương Đức Giang và Du Chính Thanh đến tuổi nghỉ hưu.








No comments:

Post a Comment

View My Stats