Sunday 11 November 2012

20 THÁNG 11 NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM - NGÀY THẦY GIÁO ĐINH ĐĂNG ĐỊNH RA TÒA PHÚC THẨM - NGÀY ĐÁNH THỨC LÒNG YÊU NƯỚC (David Thiên Ngọc - Danlambao)




12-11-2012

Ngày 20 tháng 11 là ngày hiến chương nhà giáo VN và ngày 20/11/2012 này cũng là ngày chính quyền CSVN chính thức tra chiếc gông vào cổ nhà giáo Đinh Đăng Định, một nhà giáo chân chính, một nhà giáo VN yêu nước.

Loại trừ yếu tố khách quan tình cờ mà ngày 20/11/2012 là ngày xử tù nhà giáo Đinh Đăng Định, còn lại nếu là yếu tố chủ quan, chính quyền CSVN cố tình lấy ngày nhà giáo VN để tiêu diệt lòng yêu nước của một nhà giáo, một hành động đánh trống vang động rừng khuya mong làm nhục chí những nhà giáo khác và cũng là những nhà trí thức yêu nước VN đang là những ngọn đuốc đi tiên phong trên con đường cứu nguy cho dân tộc.

Nếu là một việc làm có chủ đích của chính quyền CSVN thì đây rõ ràng là gậy ông sẽ đập lưng ông. Đội ngũ nhà giáo VN nói chung hoàn toàn là hàng trí thức. Từ thường thường bậc trung lên đến các vị Giáo Sư chắc hẳn các vị đã thấy rõ thế nước tình nhà, thấy rõ nguồn cơn của dân tộc và nhất là thấy rất rõ nỗi niềm của người yêu nước VN đang ngập chìm trong biển lửa. Trong đó đa phần là hàng ngũ trí thức, những GS, BS, LS, TS, nhà báo, nhà văn, tu sĩ, nhà giáo, SV yêu nước trên cả nước từ tuổi trẻ ở độ 20 như SV Nguyễn phương Uyên đến các bậc lão thành tuổi đời tuy đã đến độ cổ lai hy, đường đời xế bóng nhưng trái tim luôn nồng nàn, nung nấu một tình yêu quê hương đất nước một cách mãnh liệt như BS Nguyễn Đan Quế, Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý... luôn giữ những ngọn lửa ngoan cường, bất khuất... luôn sẵn sàng băng mình vào lửa đạn, chông gai chứ không hề tiếc thân mình để đứng nhìn non sông quằn quại trên bờ vực diệt vong.

Vậy thì ngày 20/11 năm nay lại là ngày chiếc búa của "tên hề công lý" gõ lên mặt bàn được trải đầy xương của hàng triệu dân VN và sơn bằng máu của dòng giống Lạc Hồng để sát hại người yêu nước VN. Nhân dân VN nói chung trong đó đội ngũ trí thức, đội ngũ nhà giáo sẽ biến ngày hiến chương nhà giáo VN trở thành ngày "tiếng trống Mê Linh", tiếng chuông "Nam Quốc Sơn Hà" tiếng sóng "Bạch Đằng Giang" cuồn cuộn... để đánh thức toàn thể gần 90 triệu dân VN những ai còn mê ngủ, còn vô tâm hoặc thậm chí lầm đường lạc lối... hãy cùng nhau nhìn thẳng vào mặt bọn thù trong giặc ngoài đang nhấn chìm đất nước mà tiêu diệt và vực dậy non sông hàng mấy mươi năm tang thương điêu đứng.

Đội ngũ nhà giáo VN là một bộ phận của thành phần trí thức. Đã là trí thức thì phải biết trăn trở trước sự sống còn của đất nước, của dân tộc. Phải lấy phản biện xã hội làm tâm niệm trong sinh hoạt, lấy cái tâm hướng cái tầm đi cho đúng hướng và phải biết dấn thân vì đại cuộc.

Đất nước VN đã đến hồi quá độ của suy tàn, cái ác đã công khai lộ diện không cần phủ che, ngụy trang bởi những lớp áo muôn màu... hay bằng một thứ đạo đức giả dối nữa mà kẻ thù của dân tộc đã phân định rõ giới tuyến đồng thời thẳng tay giết chết bất cứ những ai không đứng cùng bên.

Tuổi trẻ VN, lớp kế thừa tương lai của đất nước đang đi lên, đi tới bằng con đường được lót bởi những viên gạch được đúc kết từ những lời giảng của đội ngũ nhà giáo VN. Trong những lời giảng đó, đạo đức làm người là đứng hàng đầu bởi cái đạo đức này bao gồm cả tình yêu nước, yêu đồng loại trong đó tổ tiên, ông bà cha mẹ, người thân... Như vậy trong lúc này hai chữ "Yêu Nước" phải được tô đậm trên tấm bảng nhà trường. Người giảng hai chữ "Yêu Nước" này là những nhà yêu nước trước tiên và nồng nàn sâu đậm. Có như thế thì những búp măng non mới được chăm bón, đầu tư đúng hướng, đúng mực. Tương lai của đất nước, của dân tộc nằm tất cả ở chỗ này và công đầu vinh danh thuộc về các thầy cô, những nhà giáo chân chính của chúng ta.

Câu nước mất thì nhà tan trong dân gian ai cũng biết. Thế thì một khi đất nước này rơi vào cảnh diệt vong thì đội ngũ nhà giáo của chúng ta có còn là nhà giáo VN nữa? Lúc này há lẽ các vị lại tiếp tục đứng trên bục giảng và dạy cho tuổi trẻ bằng lời của kẻ đã ngồi trên bàn thờ tổ của chúng ta? Những kẻ đã chà đạp trên đầu dân tộc, cha ông của chúng ta soạn sẵn? mà tất cả chúng ta sẽ bị đánh đồng chung là "dân nô lệ".

Hơn lúc nào hết, lúc này tất cả chúng ta, những nhà trí thức, những nhà giáo, nhà yêu nước hãy đem dũng khí ra đập tan sự sợ hãi, đem chính danh phủ lấp tà quyền, "đem trí nhân thay cho cường bạo". Chúng ta mỗi người hãy thắp lên một ngọn lửa cho bừng sáng khắp núi rừng chớ ngồi mà oán than đêm tối. Hãy đối kháng với bạo tàn chứ đừng ngồi mà than vãn bất công!

Thờ ơ, buông xuôi trước thời cuộc là tự hủy hoại cuộc sống của chính mình, là đốt cháy tương lai của con cháu. Hàng vạn người VN chúng ta vẫn còn bị bao trùm bởi sự dối gian. Chỉ nhìn thấy tách nước trước mắt mà không ngộ được đại dương ở cuối tầm nhìn...

Các vị còn mãi lo sợ mất đi cơm áo gạo tiền ư? những thứ đó chính là xương máu của các bạn mà các bạn chỉ được ban bố lại một phần rất nhỏ, còn tất cả là kẻ thù đã tước đoạt ngay trên đầu các bạn, ngay trên thân thể vợ/chồng con cái, người thân của các bạn mà các bạn không chịu nhìn ra. Ngược lại đôi khi có một số nhỏ còn tỏ ra mang ơn kẻ cướp! thật mỉa mai thay!

Đội ngũ trí thức, đội ngũ nhà giáo ắt hẳn là những người trông xa hiểu rộng chẳng lẽ nào không có can đảm tự bước ra khỏi đám khói mù của bãi tha ma? Chẳng lẽ nào không thấy được chính mình là những nạn nhân của phường cướp giựt? Và há lẽ các vị rụt rè, nhu nhược không dám đi đầu để dẫn dắt đồng loại thấp kém hơn mình và cả những kẻ tật nguyền, mù lòa đang quờ quạng, lần mò trong đêm tối? Chữ "Dũng" của các vị đã cất giấu hay đánh mất ở nơi nào?

Nhà giáo Đinh Đăng Định thật xứng đáng để cho chúng ta noi gương và tiếp bước theo con đường mà ông đã đi. Nguồn sống duy nhất của gia đình vợ con ông là đồng lương còm cõi, trong sạch của ông, một phần xương máu của ông mà cả gia đình tựa vào đấy. Thế mà sau khi ông bị giam cầm vì thể hiện lòng yêu nước, dám nói lên sự bất công trong xã hội và đòi công lý, tự do... thì vợ và con của ông phải vật vã như thế nào để vượt qua từng giờ, từng ngày trong cuộc sống mà trên thế giới ai ai cũng đều rõ! Ngày ra tòa sơ thẩm vợ con của ông phải chạy ăn từng bữa đói no nên không có khả năng tài chính để thuê mướn luật sư và ông phải đành chịu cảnh một mình đối đầu với quỉ dữ! mãn phiên tòa ra, vợ và con của ông nước mắt trải dài suốt cả dặm đường về... quên cả bữa ăn chiều. Phần của ông trở lại chốn tù giam mà trái tim, ngọn lửa yêu nước, tầm nhìn cùng tư duy, ý chí của một nhà giáo không hề bị khuất phục. Đáng trân trọng thay.

Ngày 20/11/2012 sắp tới tuy trong tình trạng sức khỏe tồi tệ khôn cùng nhưng tinh thần và dũng khí của nhà giáo yêu nước Đinh Đăng Định vẫn ngút cao để đối mặt với "trò hề công lý". Vậy thì toàn thể đội ngũ nhà giáo VN, toàn thể SVHS VN, nhân dân VN quyết không để cho nhà giáo Đinh đăng Định yêu nước của chúng ta phải cô đơn trên hành trình vì tương lai cho dân tộc.

Ngày 11/11/2012


TB. Phần kêu gọi mọi người chúng ta giúp đỡ cho gia đình nhà giáo vượt qua khó khăn. Tôi kính xin cung cấp số Phone, tên và địa chỉ cụ thể của vợ nhà giáo. Tôi sẽ là người đi đầu trợ giúp kể từ khi báo đăng cũng như gia đình anh Phan ngọc Tuấn ở Ninh Thuận trước đây. Tuy nhỏ nhoi nhưng cả một tấm lòng và là tia lửa mồi.


Liên lạc vợ thầy giáo Đinh Đăng Định, cô Đặng Thị Dinh. Số điện thoại: 0904643576

214 Nơ Trang Long, khối 4, thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R'Lấp, tỉnh Đắc Nông


----------------------------------------------------------

12-11-2012

20/11 này, thầy Định lên vành móng ngựa, bao thế hệ học trò thầy chắc co đứa biết, đứa không. Những đứa học trò trên dòng đời tha hương sinh sống. Những đứa học trò trên giảng đường ngây ngô nét mặt. Chắc vẫn có người biết. Ngày nhà giáo năm nay, cũng như năm trước, lần thứ hai rồi, thầy chẳng thể nhận được hoa.

20/11 này, thầy lên vành móng ngựa, những bài giảng của thầy chắc đứa nhớ đứa quên. Những bài giảng cân bằng phương trình môn Hóa. Những bài học về làm người, về loài cây đứng thẳng. Chắc vẫn còn người nhớ. Hơn một năm trong tù, thầy vẫn rất ngậm ngùi về lời giảng ngày xưa. Đất nước này, không có chỗ cho loài cây ấy, loài cây không bao giờ tự cúi rạp dẫu trước bão táp, phong ba.

Đúng rồi thầy ạ. Họ đã chọn để đất nước này thành một đất nước nhục nhã, ươn hèn và xót xa. Họ đã tự cho mình cái quyền được thay cả một dân tộc gần 90 triệu người chọn lựa. Họ đã biến đất nước này thành nơi họ thoải mái vui chơi, tranh giành đấu đá, tham nhũng kiếm tiền và ban phát ơn trên. Họ bắt cả dân tộc đói nghèo chạy vạy từng bữa ăn này phải gánh nợ đầm đìa cho những giấc mơ ngột hứng và bệnh hoạn của họ. Họ thích thú bắn lên rực trời những dàn pháo hoa lung linh mà chả biết ở dưới gầm cầu Sài Gòn những đứa trẻ ăn xin đang nằm ngủ. Họ bắt cả dân tộc này phải câm nín khi Tổ quốc bị xâm lấn từng ngày bởi bầy giặc hung hãn, bầy giặc mà họ nhận làm “anh em”. Họ để dành cho người anh của họ một nửa thác Bản Giốc đẹp như thiên đàng, một ải Nam Quan đầy hiển hách, một dải rừng bạt ngàn xứ cao nguyên khai thác quặng... nhiều lắm, nhiều lắm nữa; và để dành cho đất mẹ này những nỗi đau.

Em biết thầy đau lắm khi đọc những lời thầy viết. Thầy đau lắm khi dân tộc này qua bao năm chiến tranh rồi mà vết thương còn hằn sâu nhức nhối, bởi vì “Cuối cùng người đồng bào, con lạc cháu hồng đã tàn sát lẫn nhau vì ý thức hệ không phải của mình mà sự tàn sát còn đẫm máu hơn, bảo vệ say sưa hơn ở các dân tộc khởi xướng ra nó, thảm bại thay!”(*). Thầy đau lắm khi những cánh rừng Tây Nguyên bạt ngàn bị xẻ thịt không thương tiếc để thực hiện một dự án Bauxite vĩ cuồng trên chính nơi thầy sinh sống. Thầy đau lắm khi trước mặt thầy là một đất nước nghèo nàn, trì trệ, quan liêu, tham nhũng kinh hoàng. Thầy nghĩ gì khi trí thức, hiền tài “nguyên khí của quốc gia” thờ ơ, lãnh đạm với tình trạng của đất nước. Tất cả đẩy đất nước vào rối ren, hỏng hóc toàn diện, một nền đạo đức xã hội, đạo lý băng hoại. Một đất nước què quặt và bệnh hoạn.Thầy đã tâm huyết với những trang viết của mình như muốn góp một phần để mong muốn đất nước này thay đổi. Những thay đổi gấp gáp để tránh đi tới tình trạng tệ hại khốn cùng của dân tộc, đưa đến thêm một cuộc tự tàn sát nhau đẫm máu của dân tộc này.

Không thầy ạ. Ở dưới chế độ này, chúng ta không được quyền nói, chỉ được quyền nghe và làm. Thầy, cũng như nhiều người khác, đã và vẫn đang phải ngồi tù, bắt bớ, hành hạ vì một lòng yêu nước cháy bỏng nồng nàn ấy. Họ, cũng như thầy, đã chọn làm một loài cây đứng cây đứng thẳng, hiên ngang giữa những phong ba, cường quyền và hèn hạ.

Em không rõ những học trò nghĩ gì về thầy. Cũng không rõ những đồng nghiệp, nhà giáo đang đào tạo ra những thế hệ tương lai nghĩ gì về thầy nữa. Cũng có thể, họ bận bịu vì phải đi dạy thêm kiếm tiền, phải lo toan cho cuộc sống cá nhân để có thời gian suy nghĩ về những điều như thầy. Riêng em, dù chưa nhận lời giảng nào từ thầy, cũng xin tôn kính gọi thầy là thầy. Ngày 20/11 sắp tới, ngày nhà giáo Việt Nam, cũng là ngày thầy ra tòa phúc thẩm sau cái án sơ thẩm 6 năm vì cái điều 88 Luật hình sự cực ký hèn hạ, đốn mạt và vô lý. Xin gửi tới thầy một lời tri ân và trân trọng.

11/11/2012
Gió Lang Thang






No comments:

Post a Comment

View My Stats