Sunday 12 August 2012

TRUNG QUỐC GIƯƠNG MÓNG VUỐT TRONG TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG (Hà Tường Cát / Người Việt)




HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt
Thursday, August 09, 2012 8:26:44 PM

SINGAPORE - Ian Storey, chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở Singapore, trong một bài viết về tình hình Biển Ðông, nhận định rằng trong vòng hai thập kỷ gần đây Trung Quốc theo đuổi một đường lối kiên trì trên Biển Ðông gồm hai điểm căn bản: Một mặt tuần tự củng cố những đòi hỏi chủ quyền các hải đảo trong thực tế cũng như trên tư cách pháp lý. Mặt khác cố gắng chứng tỏ chủ trương hòa bình với các quốc gia Ðông Nam Á trong các tranh chấp này.

Nhưng biến chuyển trong mấy tháng gần đây cho thấy chủ trương thứ hai không còn được chú trọng với những hành động khiêu khích và gây hấn ngày càng gia tăng. Ngoài ra Trung Quốc tìm cách gây chia rẽ khối ASEAN bằng cách mua chuộc ảnh hưởng một vài nước thành viên mà cụ thể nhất là trường hợp Cambodia vừa qua.

Thái độ cứng rắn dần dần của Trung Quốc trước hết có thể nhận thấy qua các cơ quan truyền thông của họ. Nhiều báo chí nhà nước Trung Quốc lập luận rằng chủ quyền, quyền hàng hải và lợi ích của nước họ đang bị xâm phạm bởi các quốc gia Ðông Nam Á và Nhật Bản. Do đó Trung Quốc cần phải mạnh mẽ xác định và bảo vệ quyền lợi của mình hơn, gia tăng hiện diện quân sự trong vùng biển tranh chấp và nếu cần chuẩn bị sẵn những biện pháp răn đe các nước này.

Bài bình luận trên một tờ báo phe diều hâu Trung Quốc viết: “Hợp tác phải trong sự thành thật, cạnh tranh phải mạnh mẽ và đương đầu phải dứt khoát.”

Cũng theo lập luận của Trung Quốc, trong khi họ kiềm chế thì những nước như Việt Nam và Philippines lại tiếp tục khiêu khích và hành động bất hợp pháp chiếm đoạt tài nguyên dầu lửa và hải sản mà Trung Quốc coi là của mình.
Một lập luận nữa của Trung Quốc là Hà Nội và Manila muốn lôi kéo Hoa Kỳ xen lấn vào Biển Ðông.

Hành động đáng kể nhất của Trung Quốc mới đây là thành lập thành phố Tam Sa và nâng cấp quy chế hành chính lên thành một khu vực bao trùm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Một số quan sát viên cho rằng việc thành lập Tam Sa là trả lời trực tiếp đối với sự kiện Việt Nam công bố luật biển ngày 21 tháng 6 trong đó xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ðiều này có lẽ không xác đáng nếu nhìn lại quá trình thôn tính toàn bộ Hoàng Sa và lấn chiếm Trường Sa.

Trung Quốc lấy Hoàng Sa làm đầu cầu để khiêu khích và gây hấn

Hoàng Sa là chỗ yếu nhất đối với Việt Nam trong sự tranh chấp với Trung Quốc vì chỉ trực tiếp liên quan đến hai nước không như Trường Sa dính dáng tới nhiều nước Ðông Nam Á khác.

Trung Hoa Dân Quốc đã đóng giữ đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa từ sau Thế Chiến II khi người Pháp vướng bận với cuộc chiến tranh Ðông Dương trên đất liền không quan tâm đến các hải đảo. Khi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc chạy ra Ðài Loan, hòn đảo này thuộc về Trung Cộng và sau năm 1954 Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa nhưng chỉ quản lý được những đảo nhỏ khác trong quần đảo.

Năm 1974 Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Lập trường của Hoa Kỳ trong sự tranh chấp này không rõ ràng.

Trước đó, từ tháng 2 năm 1972 khi Trung Quốc phàn nàn việc chiến hạm Hoa Kỳ xâm phạm lãnh hải của mình, để tránh rắc rối phiền toái về ngoại giao trong lúc Tổng Thống Richard Nixon chuẩn bị đi Bắc Kinh lần đầu, Ngoại Trưởng Henry Kissinger bí mật cử phụ tá Wiston Lord đến New York bảo đảm với đại sứ Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc là “Hải Quân Hoa Kỳ đã được lệnh không đến gần Hoàng Sa dưới 12 hải ly.Ô” Khi Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đụng độ với các tàu Trung Quốc ở Hoàng Sa tháng 1 năm 1974, Hạm Ðội 7 không can thiệp và Việt Nam Cộng Hòa đã rút khỏi các đảo này.

Về phía Bắc Việt, bản công hàm của Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng gởi Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai năm 1957 chỉ xác nhận sự đồng ý với tuyên bố quyền lãnh hải của Trung Quốc chứ không có lời nào nói đến Hoàng Sa và Trường Sa vì coi như không thuộc quyền của họ. Nhưng ngay sau khi chiếm toàn bộ miền Nam tháng 4 năm 1975, chính phủ Việt Nam lúc đó đã lập tức lên tiếng xác nhận chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên thực tế Trung Quốc đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa và tiếp tục củng cố sự đóng giữ tại đây không có gì thay đổi cho đến nay.

Những cuộc thương thuyết của Việt Nam với Trung Quốc sau này về vấn đề biên giới và lãnh hải không có kết quả vì Trung Quốc luôn luôn từ chối thảo luận tới Hoàng Sa.

Như vậy Trung Quốc đã mặc nhiên sử dụng Hoàng Sa như là một đầu cầu cho những hành động khiêu khích và gây hấn của Trung Quốc gần đây. Hoạt động của các tàu Trung Quốc, dân sự cũng như quân sự, càng ngày càng gia tăng.

Cuối tháng 7, Trung Quốc loan báo đưa 30 tàu đánh cá đến hoạt động ở vùng biển Trường Sa và từ tháng 8 cho biết hơn 20,000 tàu sẽ ra đánh cá trên Biển Ðông.

Từ cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã loan báo khởi sự những cuộc tuần tiễu trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” trên Biển Ðông.

Ngày 17 tháng 3 một hộ tống hạm Hải Quân Trung Quốc mắc cạn gần bãi đá ngầm Half Moon Shoal, cách bờ biển Philippines 70 hải lý về phía Tây và trong vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế của Philippines. Chỉ trong vòng 24 giờ chiến hạm này được kéo ra, chứng tỏ là nhiều tàu Hải Quân Trung Quốc có mặt trong vùng, một bằng chứng hiển nhiên của sự gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực này trên Biển Ðông.

Chủ quyền biển theo “đường 9 đoạn” (Lưỡi Bò) mà Trung Quốc vẫn tuyên bố, thật ra không có một giá trị pháp lý gì. Theo UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982) không thừa nhận những đòi hỏi về lãnh hải “dựa trên yếu tố lịch sử.” Tuy vậy Trung Quốc vẫn ngang nhiên cho gọi thầu khai thác dầu khí ở 9 lô thuộc chủ quyền biển của Việt Nam. Người ta không tin là các công ty quốc tế lớn sẽ tham gia nhưng có thể những công ty nhỏ sẽ nhập cuộc kiếm lợi với sự ưu đãi của Trung Quốc.

Cho đến bây giờ các giới phân tích vẫn cho rằng triển vọng chiến tranh trên Biển Ðông hãy còn là xa vời. Tuy nhiên nếu việc khai thác dầu khí ở 9 lô vừa nói diễn ra thì xung đột giữa Hải Quân Trung Quốc và Việt Nam khó tránh khỏi.

Ðến 'mua chuộc' Cambodia

Tại hội nghị ASEAN ở Phnom Penh vừa qua, lần đầu tiên Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng của mình đối với Cambodia để ngăn chặn sự can dự chung của cả khối ASEAN vào tranh chấp trên Biển Ðông vì lập trường của Trung Quốc đến nay vẫn là chỉ thương lượng song phương giữa hai quốc gia liên hệ.

Tờ Global Times, một tờ báo có quan điểm của phái diều hâu và khuynh hướng dân tộc cực đoan coi thất bại không đưa ra được một thông cáo chung của hội nghị Phnom Penh là “thắng lợi của Trung Quốc” vì ASEAN không phải là chỗ để thảo luận các vấn đề này.

Ít ngày sau, ngoại trưởng Indonesia mở chuyến đi vận động qua 5 nước với kết quả tất cả ngoại trưởng các quốc gia Ðông Nam Á đồng ý đưa ra “Tuyên bố 6 điểm nguyên tắc về Biển Ðông.” Sáu điểm này thật ra không là một bước tiến gì mới và quan trọng mà chỉ là xác nhận về sự đồng thuận trong ASEAN đối với vấn đề Biển Ðông. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố có thể thảo luận với ASEAN để thực thi “Tuyên bố Ứng xử Biển Ðông 2002” (DOC). Nhưng “Quy tắc Ứng Xử” (COC), quy định cụ thể hơn mà ASEAN muốn có, trong đó Việt Nam và Philippines là hai quốc gia nhiệt thành thúc đẩy nhất, có lẽ sẽ còn lâu mới đạt được. Hiện nay chưa có một lịch trình nào được thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về bàn thảo COC.

Sự đoàn kết và thống nhất của ASEAN được xem là yếu tố then chốt cho việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Ðông. Nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành thành lập tổ chức này, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Philippines đã là những nước mạnh mẽ cổ vũ chủ trương ấy.

Tuy nhiên, Việt Nam và Indonesia theo đuổi hai chiến lược không hoàn toàn giống nhau. Philippines ở vị trí yếu hơn về mặt quân sự và hầu như hoàn toàn trông đợi ở sự trợ giúp và can thiệp của Hoa Kỳ, đồng thời cũng có ý định đưa vấn đề ra trước Liên Hiệp Quốc.

Việt Nam về mặt ngoại giao tin tưởng nơi sự can dự của ASEAN chứ không phải Liên Hiệp Quốc. Mặt khác, Việt Nam tự tăng cường lực lượng quân sự trong khả năng đương đầu được với những xung đột giới hạn và ngắn với Trung Quốc.

Cho đến nay điều này chưa xảy ra và người ta có thể thấy Việt Nam vẫn cố gắng tránh tạo ra những cơ hội để đưa đến tình huống này. Ðồng thời, Việt Nam tìm cách gia tăng quan hệ quân sự với nhiều nước có quan tâm đến khu vực, không chỉ là Hoa Kỳ mà còn Ấn Ðộ, Singapore, Nhật Bản, Australia và Nga.

Cuối cùng người ta khó có thể dự đoán sau một loạt những hoạt động vừa qua và hiện nay trên Biển Ðông, sắp tới Trung Quốc sẽ còn tiến đến những gì khác, đặc biệt là vào thời điểm sắp có việc chuyển giao quyền lực trong giới lãnh đạo cấp cao ở nước này. (HC)


Bài liên quan :






No comments:

Post a Comment

View My Stats