Tuesday, 21 August 2012

TRUNG QUỐC GÂY HẤN TỪ ĐÔNG NAM Á ĐẾN NHẬT BẢN (Hà Tường Cát/Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
Monday, August 20, 2012 6:53:19 PM
]
Vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku lại thêm một bước leo thang hôm Thứ Hai 20 tháng 8 với các cuộc biểu tình xuống đường của dân chúng ở 10 thành phố Trung Quốc trong đó tại một vài nơi như Hàng Châu có cả việc đốt các xe hơi Nhật Bản.

Tuần trước Nhật Bản đã bắt giữ 14 công dân Trung Quốc từ Hong Kong mang quốc kỳ Trung Quốc và Ðài Loan xâm nhập bất hợp pháp lên quần đảo Senkaku. Thể hiện ý muốn tránh gây căng thẳng, ngay sau đó Nhật đã tống xuất các người này và đưa họ trở về Hong Kong bằng máy bay và tàu. Nhưng hôm Chủ Nhật, 10 người Nhật đã đổ bộ lên đảo cắm cờ và tuyên bố tưởng niệm các tử sĩ hy sinh trong thời Thế Chiến II ở Á Châu. Hai nước Trung Quốc-Nhật Bản từng có một quá khứ nhiều thù hận trong tiền bán thế kỷ thứ 20 nên tất cả những hành động như vậy đều là chuyện rất nhạy cảm được coi như sự khiêu khích và khơi dậy tâm lý dân tộc cực đoan.

Chính quyền Nhật đã tạm giữ và thẩm vấn 10 người trong đó có 5 đại biểu dân cử địa phương, tuy nhiên theo các giới am hiểu sẽ không có việc truy tố hình sự. Phát ngôn viên chính phủ Nhật Osamu Fujimura tuyên bố việc làm của những người này là “đáng tiếc” và không được chính quyền chấp thuận trước. Phát ngôn viên này cho biết chính phủ Nhật rất quan ngại kềm chế mọi việc không vượt quá tầm kiểm soát và cũng kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc thi hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cho công dân Nhật.

Truyền thông Trung Quốc mạnh mẽ chỉ trích Nhật Bản nhưng cũng cho rằng phản kháng bạo động không phải là đường lối giải quyết tranh chấp. Tờ Trung Quốc Thanh Niên Nhật Báo viết: “Nhật Bản đã phạm một loạt những sai lầm trong vấn đề đảo Ðiếu Ngư và va chạm đến tình cảm nhân dân Trung Quốc”. Theo tờ báo này: “Tinh thần ái quốc của giới trẻ là đáng hoan nghênh... Nhưng với một số phần tử trong họ đã đốt phá xe của người Nhật, phá hoại tài sản công cộng, thì đó là hành động điên rồ. Việc này làm mất trật tự xã hội, tổn thương đến hình ảnh của các thành phố và hơn nữa đến hình ảnh đẹp về đất nước Trung Quốc”.

Quần đảo Senkaku của Nhật Bản, Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư đảo, Ðài Loan gọi là Ðiếu Ngư Ðài (Diaoyu Tai) có nghĩa là “nơi câu cá”, gồm 5 đảo và 3 mỏm đá, diện tích tổng cộng 7 km2, tất cả đều không có người ở. Quần đảo này nằm về phía Ðông Bắc Ðài Loan và phía Tây của quần đảo Lưu Cầu (Ryu Kyu) trong vùng miền Nam biển Ðông Hải (biển Ðông Trung Quốc).

Nhật Bản nói rằng từ năm 1885 chính quyền họ đã khảo sát tường tận những đảo này và nhận thấy đảo không có dân chúng cư trú cũng như không có dấu vết gì của Trung Quốc. Căn cứ vào đó, tháng 1 năm 1895 nội các Nhật Bản đã quyết định cho dựng bia và sát nhập quần đảo Senkaku vào lãnh thổ Nhật. Triều đình nhà Thanh ký hòa ước Shimonoseki năm 1895 kết thúc cuộc chiến tranh Trung-Nhật, nhường đảo Ðài Loan và quần đảo Bành Hồ cho Nhật Bản không đề cập đến Senkaku có nghĩa là quần đảo đã không thuộc về Trung Hoa trước đó.

Nhưng theo Trung Quốc thì từ thời nhà Minh, thế kỷ thứ 15, quần đảo Ðiếu Ngư đã thuộc về họ và những đất đai mà Nhật Bản chiếm trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật cuối thế kỷ 19 là sự xâm lăng bất hợp pháp. Sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản và Nhật từ bỏ chủ quyền các đảo nhỏ theo điều 2 của hòa ước San Francisco 1951 cho đến 1971 mới được trả lại. Nhật Bản không công nhận Ðài Loan là một nước có chủ quyền và không thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Ðài Loan và Trung Quốc về quần đảo Ðiếu Ngư. Vấn đề tranh chấp chỉ nổi lên từ thời gian này khi người ta khám phá có trữ lượng dầu khí dưới lòng biển. Trung Quốc nói rằng họ không công nhận và chấp nhận giá trị các hiệp ước giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, quần đảo Ðiếu Ngư có những bằng chứng lịch sử thuộc về họ và nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế thuộc Trung Quốc.

Chính quyền Nhật của Thủ Tướng Yoshihiko Noda cũng như chính quyền Trung Quốc đều chịu những áp lực quốc nội đòi hỏi phải có lập trường cứng rắn về vấn đề chủ quyền. Nhưng hoàn cảnh mỗi nước khác hẳn nhau và Nhật Bản ít bị chi phối bởi những yếu tố nội bộ như Trung Quốc.

Tranh chấp biển đảo với Nhật Bản cũng như với các nước Ðông Nam Á đặc biệt là Việt Nam và Philippines, đều xuất phát từ sự phát triển kinh tế và tham vọng trở thành cường quốc bá chủ Châu Á của Trung Quốc. Tư tưởng dân tộc cực đoan và ảnh hưởng của phái cực hữu trong giới quân sự có vai trò chính trong những ý đồ này. Tuy nhiên khác với biển Ðông (mà Trung Quốc gọi là Nam Hải), vùng biển mà về lâu về dài Trung Quốc muốn chiếm lãnh vị trí khống chế, biến thành “một cái hồ” đối với hải quân của họ; tại Ðông Hải tranh chấp chỉ có thể tới mức chủ quyền quần đảo Ðiếu Ngư chứ Trung Quốc không thể hy vọng hoàn toàn kiểm soát vùng biển này.

Giáo Sư Ting Wei phân khoa chính quyền và quan hệ quốc tế trường đại học Baptist University ở Hong Kong nhận định rằng khả năng của Trung Quốc trong tranh chấp Ðiếu Ngư có giới hạn. Trung Quốc có thể áp lực như họ đã làm về đất hiếm, một nguyên liệu tối cần thiết cho kỹ nghệ Nhật Bản, nhưng mối quan hệ kinh tế giữa hai nước còn bao gồm nhiều lãnh vực quan trọng khác và cả hai bên đều phải thận trọng không để tổn hại vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ngoài ra ban lãnh đạo Trung Quốc đang trong tiến trình chuyển giao quyền lực và không tránh khỏi nỗi lo ngại rằng mọi động thái nào vượt quá mức độ lúc này cũng có thể đưa đến những hậu quả khó khăn cho chính họ. Theo Giáo Sư Ting, những người biểu tình chống Nhật về vấn đề đảo Ðiếu Ngư tới một lúc sẽ đặt câu hỏi tại sao chính quyền Trung Quốc không có khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Do đó giới lãnh đạo Trung Quốc “không thể để cho những chống đối này kéo dài đến lúc phát triển thành một phong trào rộng lớn bài Nhật Bản” vì nếu dân chúng Trung Quốc thấy rằng chính quyền quá yếu và quay ra phê phán họ, thì tình thế sẽ trở thành “cơn ác mộng của Bắc Kinh”.

Tân Hoa Xã, trong một bài bình luận hôm Thứ Hai, đã mạnh mẽ công kích hàng động của nhóm 10 người Nhật đổ bộ lên đảo và việc trục xuất 14 dân Trung Quốc, đồng thời phê phán lập trường của Tokyo cho đến nay về chủ quyền quần đảo Senkaku là không góp phần xây dựng. Nhưng sau đó, hãng tin nhà nước Trung Quốc này cảnh giác: “Ái quốc là hành động đáng ca ngợi, tuy nhiên phải tránh những thái độ quá khích hay tác phong bạo động”. Và Tân Hoa Xã kết luận: “Chính quyền Trung Quốc mong mỏi các công dân thể hiện lòng yêu nước trong hòa bình và bác bỏ tinh thần yêu nước mù quáng đưa đến bạo động làm tổn hại cho cả đồng bào mình”.



No comments:

Post a Comment

View My Stats