Friday 17 August 2012

TRUNG QUỐC BỊ MỸ "THUỐC" NHƯ THẾ NÀO ? (Giang Khuê - Petro Times)




Giang Khuê  -  Petro Times
14:33 | 16/08/2012

(Petrotimes) - Trong khi ngày càng có nhiều tiếng nói trong quân đội Trung Quốc đòi “dạy cho Việt Nam và Philippines một bài học” bằng sức mạnh quân sự và rằng Bắc Kinh cần quân sự hóa hơn nữa sức mạnh trên Biển Đông để phòng ngừa sự trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các khoản chi tiêu ngân sách quốc phòng trị giá nhiều tỷ USD của Trung Quốc nhằm thách thức quân đội Mỹ có thể nhấn chìm nền kinh tế Trung Quốc bất cứ lúc nào mà Mỹ không tốn một viên đạn. Một kịch bản diễn biến hòa bình thời Chiến tranh Lạnh đang lặp lại.

Diều hâu Trung Quốc ngày càng nhiều

Hôm 25/6/2012, tập đoàn CNOOC thông báo mở 9 lô dầu ngoài Biển Đông để cùng thiên hạ thăm dò và khai thác qua các liên doanh. Khu vực này trùm lên 160.000 kilômét vuông biển, giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngay hôm sau, bốn tàu “hải giám” của Trung Quốc đã xuất hiện tại Trường Sa, để “sẵn sàng chiến đấu”...

Từ cả chục năm nay, CNOOC dùng thuật liên doanh - lần đầu với Crestone Energy của Mỹ năm 1992 - để học nghề khai thác dầu khí ngoài khơi, rồi dần dần chiếm thế thượng phong trên hai đối thủ khu vực. Ngày nay, đã có tay nghề lại có tiền bạc, CNOOC phất cờ tiến sâu vào thềm lục địa Việt Nam. Tổ hợp quốc tế nào mà vì lòng tham cùng ký hợp đồng khai thác thì mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực được Hải quân Bắc Kinh kiểm soát và bảo vệ.

Là một trong ba tập đoàn nhà nước về năng lượng, CNOOC là mũi nhọn chiêu dụ các tổ hợp quốc tế nhằm hợp thức hóa việc Bắc Kinh đòi chủ quyền trong cái lưỡi bò chín đoạn của họ. Nhưng là mũi nhọn có cán sắt của bộ máy hải quân.

Ở đằng sau, những tướng lĩnh cực đoan nhất đang công khai đả kích tâm lý “phòng thủ bạc nhược” khiến Trung Quốc khó bành trướng về quân sự, chiến lược và kinh tế. Một trong số các tướng lĩnh hiếu chiến nhất là Thiếu tướng Chu Thành Hồ, một nhà nghiên cứu có ảnh hưởng tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc và là người từng hùng hổ đòi Bắc Kinh dùng vũ khí hạt nhân tấn công Mỹ nếu Washington xen vào vấn đề Đài Loan năm 2005. Chu Thành Hồ cho rằng Trung Quốc đang có cả triệu kẻ bội phản, những viên chức được đào tạo tại các đại học Anh-Mỹ và nay đưa ra những chủ trương hiếu hòa với quốc tế. Diễn dịch ẩn ý của Chu Thành Hồ: Trung Quốc “không chủ trương bá quyền”, nhưng có quyền bành trướng chính đáng - và không chấp nhận một trở lực nào ở bên trong hay bên ngoài.

Nhân vật không kém diều hâu khác trong quân đội Trung Quốc là La Viện, Thiếu tướng, Cục phó Cục nghiên cứu quân sự thế giới thuộc Viện khoa học quân sự, Ủy viên thường vụ kiêm Tổng thư ký Hội khoa học quân sự Trung Quốc, đồng thời là Ủy viên Chính Hiệp (Mặt trận) toàn quốc. Ngày 23/7, phát biểu trên phiên bản điện tử báo Hoàn cầu, La Viện đề nghị chia vùng biển, vùng trời “thành phố Tam Sa” ra làm 3 vùng để Trung Quốc phân định 3 vùng trời này “có thể tham chiếu các quy định tương ứng của quốc tế”, lấy đó làm căn cứ để hành động. La Viện còn ngang ngược tuyên bố: “Việc thành lập “Khu Cảnh bị thành phố Tam Sa” chính là nhằm phát huy tác dụng uy hiếp, trấn hiếp, cần phải khiến các nước thèm muốn chủ quyền của ta thấy đó mà lui bước”.

Theo giới phân tích, sự “lên đời” của phe diều hâu hiện nay tại Trung Quốc là có nguyên nhân và bối cảnh của nó. Đó là chuyện lãnh đạo Trung Quốc đang lúng túng với vụ chuyển quyền sau đại hội 18 sắp tới. Phe “thái thượng hoàng” của lão đồng chí Giang Trạch Dân muốn cài thêm vây cánh trong thế hệ lãnh đạo thứ năm. Thế hệ thứ tư là Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào thì muốn có người nối tiếp sự nghiệp 10 năm lãnh đạo của mình và giảm thiểu ảnh hưởng của người kế vị là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình - thuộc “thái tử đảng”, cũng gần gũi với nguyên Chủ tịch họ Giang.

Nơi mà cả ba họ Giang-Hồ-Tập cùng đấu trí là trung ương quân ủy hội, hai cơ chế lãnh đạo quân đội của đảng và của nhà nước, có cùng tên và cùng thành phần nhân sự 12 người, trong đó có 10 tướng lĩnh. Sau khi hết làm Chủ tịch/Tổng bí thư, Giang Trạch Dân vẫn cầm trịch quân ủy thêm hai năm. Ông Hồ Cẩm Ðào cũng tính vậy, làm đồng chí Tập Cận Bình phải chờ thêm hai năm mới lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội. Vì vậy, cả ba đều tranh thủ hậu thuẫn của các tướng. Thừa cơ hội để tác động vào dư luận và đả kích các đối thủ là những ngôi sao diều hâu nhất, như La Viện, Hàn Húc Ðông, Chu Thành Hồ hay Lưu Nguyên…

Không rõ các tướng lĩnh hiếu chiến này ảnh hưởng bao nhiêu đến chính sách quân sự và ngoại giao cũng như phản ánh quan điểm của giới lãnh đạo cấp cao đến mức nào, nhưng với quân đội Trung Quốc, Biển Đông là một phép thử. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lưu ý rằng công tác hoạch định chính sách của Trung Quốc không nằm hoàn toàn trong tay giới “diều hâu”. Tất cả thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc, đều là lãnh đạo dân sự nên nhận thức của họ về biển Đông bao quát hơn các tướng lĩnh quân đội. Điều này cho thấy sự phân hóa trong chính nội bộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc bị diễn biến hòa bình mà không biết!

Hầu hết giới quân sự, cố vấn tình báo, tướng lĩnh hải quân Trung Quốc gần đây đã liên tiếp hối thúc Bắc Kinh ra tay kiên quyết hơn. Họ lên án Mỹ chống lưng cho các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, để “thách thức chủ quyền của Bắc Kinh”. Trên tạp chí China Eye số ra tháng 6, một thuyền phó tàu hải giám tên Hứa Chí Dung, viết: “Trung Quốc đang phải đối mặt với cả nhóm láng giềng hung hăng, dẫn đầu là Việt Nam và Philippines với sự hậu thuẫn của Mỹ”. Đã vậy, họ Hứa cùng nhiều cây bút bình luận khác còn đổ thừa căng thẳng leo thang trên Biển Đông là hậu quả trực tiếp của chiến lược quay lại châu Á của Mỹ.

Ðô đốc Samuel Locklear III, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, kết thúc bốn ngày thăm Bắc Kinh vào tháng 6/2012 với một thông điệp hòa hoãn: Mỹ không muốn ngăn chặn mà muốn hợp tác với Trung Quốc, vì vậy, Bắc Kinh chẳng nên e ngại. Nhưng làm sao Bắc Kinh không giật mình khi hôm đó lại khai mở cuộc tổng diễn tập RIMPAC của vòng cung Thái Bình Dương tại Hawaii, với sự tham dự của 22 quốc gia Âu-Á-Úc và Trung Nam Mỹ, kể cả Nga, lần đầu tiên tham dự, nhưng vẫn không có Trung Quốc!

Ðã thế, ngày 2/6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đọc tham luận trước diễn đàn Ðối thoại Sangri-La do viện IISS tổ chức tại Singapore với mấy điểm nhấn: Mỹ đã, đang và còn là cường quốc châu Á, để duy trì sự ổn định và quyền tự do giao lưu trên Thái Bình Dương. Trong mục tiêu đó, từ nay đến 2012, Mỹ sẽ đưa 60% hải đội qua Thái Bình Dương, kể cả 6 trong số 11 hàng không mẫu hạm của mình.

Vì nhu cầu giảm chi khi bị thiếu hụt ngân sách và vay mượn quá nhiều, ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ bị Quốc hội cắt 487 tỷ USD trong 10 năm tới. Nhưng, theo ông Panetta, đấy cũng là cơ hội biến lượng thành chất, là cải tiến bộ máy quân sự cho gọn, nhẹ, linh động và hiện đại hơn. Có tin được không?

Thế giới toàn cầu hóa ngày nay có 90% hàng hóa chuyển dịch giữa các lục địa bằng đường biển. Trong số này, phân nửa về trọng lượng và một phần ba về trị giá là phẩm vật giữa Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương, từ Nhật Bản xuống Úc. Vùng biển này là nơi sinh hoạt của 40% dân số thế giới, gần 3 tỷ người, và có vị trí chiến lược nhất thế giới qua các yết hầu như eo biển Malacca, Sunda và Lombok. Ðây cũng là nơi hàng năm chuyển vận đến 1.200 tỷ USD của ngoại thương Mỹ.

Vì vậy, khu vực này là nơi mà tính toán về địa chính trị của Trung Quốc lại đe đọa yêu cầu toàn cầu hóa và tự do lưu thông của Mỹ và các nước. Mỹ chủ trương bảo vệ quyền tự do chuyển vận trên mọi dòng hải lưu cho mọi quốc gia, kể cả Trung Quốc, mà Bắc Kinh không tin, đôi khi chẳng sợ. Vì thế, không chỉ chủ trương, Mỹ cần chứng minh khả năng đó. Tại vùng biển Ðông Nam Á mà Trung Quốc coi là vùng trái độn quân sự và thuộc quyền khai thác của mình, các nước đều chờ xem Mỹ có khả tín, đáng tin hay không. Vì trước khi nói cứng tại Singapore, cũng ông Panetta lại cảnh báo ở nhà, rằng yêu cầu giảm chi ngân sách sẽ làm suy yếu khả năng quân sự của Mỹ, và gây vấn đề cho an ninh thế giới. Ông ta không thuộc đảng Cộng hòa hoặc là tay lái súng chủ chiến như cánh tả vẫn hay lèm bèm! Nhưng ông cũng biết rằng nói về bảo vệ đại dương, thì số chiến hạm khả dụng của Mỹ hiện chỉ có 250 đơn vị, 60% của số này là 150. Chỉ bằng 25% sức mạnh hải quân Mỹ trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Với Trung Quốc hung hăng như vậy, liệu chiến tranh lạnh có tái diễn không?

Ðâm ra cuộc tranh luận về ngân sách quốc phòng tại Mỹ có thể chi phối cách ứng xử của các nước. Khó tin vào lá chắn Mỹ, chi bằng hợp tác với Bắc Kinh và “xin mẩu bánh” của CNOOC. Nếu không tranh chấp về chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc, các nước có thể tính vậy cho an toàn, như Thái Lan gần đây đã trì hoãn trả lời khiến cơ quan NASA của Mỹ phải bỏ dự án sử dụng lại căn cứ không quân U-Tapao. Nếu có tranh chấp, nhiều nước cũng nghĩ lại và trở về giải pháp đàm phán ngoại giao. Nghĩa là mặt trái của ngân sách Mỹ bất ngờ thấm sang đối sách ngoại giao của các nước!

Việc “các con diều hâu đầy lông măng” tại Bắc Kinh đòi mở cờ gióng trống xuống Biển Ðông, họ bất ngờ góp tiếng vào cuộc tranh luận về chi thu quốc phòng của Mỹ, giữa mùa tranh cử. Ai bẫy ai trên bàn cờ này? Rõ ràng Mỹ đang “dụ” Trung Quốc chạy đua vũ trang để rơi vào cái bẫy diễn biến hòa bình của mình.

Mạng “Báo cáo Tình báo Hàng ngày" (Mỹ) ngày 23/7 cho biết các kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Á của chính quyền Mỹ chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc cho rằng hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ sẽ làm mất cân bằng quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, để duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy, quân đội Trung Quốc phải nhanh chóng hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân để phù hợp với một cuộc chiến tranh hiện đại.

Tuy nhiên, với con số 250 triệu người Trung Quốc được chính thức công nhận thuộc diện nghèo trong xã hội, các khoản chi tiêu ngân sách quốc phòng trị giá nhiều tỷ USD của Trung Quốc nhằm thách thức quân đội Mỹ có thể nhấn chìm nền kinh tế Trung Quốc bất cứ lúc nào mà Mỹ không tốn một viên đạn.

Mặc dù Trung Quốc được coi là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng khả năng tài chính để đối phó với sức mạnh Mỹ chưa chắc chắn. Giống như Liên Xô những năm tháng cuối cùng trước khi tan rã, Chính phủ Trung Quốc đang mạnh tay chi nhiều tỷ USD cho quân sự. Mặc dù kinh tế thịnh vượng, nhưng khoảng cách giữa tầng lớp người giàu và người nghèo rất lớn. Thay vì tập trung giải quyết vấn đề nghèo đói, Bắc Kinh ra sức tìm mua các loại vũ khí mới của nước ngoài và đầu tư hàng tỷ USD để sản xuất vũ khí trong nước. Tiến sĩ Conn Hallinan, nhà phân tích của cơ quan nghiên cứu Chính sách Đối ngoại tại Washington cho biết hiện ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lớn thứ hai trên thế giới, đạt 106 tỷ USD.
Ông Renato Reyes, một nhà hoạt động chính trị và hiện là lãnh đạo Liên minh Bayan ở Manila của Philippines, cho rằng Mỹ có ý đồ tiếp tục thống trị toàn bộ khu vực. Washington có thể không đối đầu quân sự trực tiếp với Bắc Kinh ở thời điểm này, nhưng muốn ngăn chặn, bao vây và buộc Trung Quốc khuất phục trước sức mạnh Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình này tương tự thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cuộc chạy đua vũ trang khổng lồ trong những năm 1960 giữa Mỹ và Liên Xô là chiến thuật của Washington nhằm hủy hoại nền kinh tế Liên Xô. Đến thời điểm nào đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ trở thành một nạn nhân như vậy. Họ cảnh báo thế giới hãy chờ xem liệu người khổng lồ châu Á Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự mà không gây nên những bất ổn chính trị và xã hội trong tương lai không.

Giang Khuê


XEM THÊM :










No comments:

Post a Comment

View My Stats