Wednesday, 1 August 2012

THƯỢNG ĐẾ TRỞ VỀ VỚI QUỐC CA LIÊN BANG NGA (Trúc Xanh)




01-08-2012

Thiên Chúa đã về trong Quốc ca Nga

Biết tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên Mr. Deev có lần hỏi:
- Ta nghe nói đừng bao giờ dùng “Hochiminh City” thay cho “Saigon” trước mặt u?
- Of course! Chính hắn là người đã đưa cái chủ nghĩa cộng sản điên rồ vào Việt Nam. Làm sao mà chịu cho nổi.
- Ta cũng không thích “Hochiminh City”,“Saigon” nghe hay hơn.
- Saigon cũng giống như thành phố Saint Petersburg của nước Nga đó. U có biết Saint Petersburg từng bị đổi tên không?
- Không.
- Tên ban đầu là Saint Petersburg. Rồi sau đó bị đổi là Petrograd. Rồi lại bị đổi là Leningrad, cũng lại một gã comie độc tài nữa. Nhưng cuối cùng, khi người Nga đá phăng cái chủ nghĩa cộng sản cà chớn kia, thì thành phố này được trở về với cái tên cũ là Saint Petersburg.
- Hy vọng một ngày nào đó Saigon được trở về Saigon?

Hy vọng. Chắc chắn hy vọng!

Thành phố Saint Petersburg (hay “Saint Peter” mà người Việt thường gọi là “Thánh Phêrô”) - một trong những thành phố cổ kính và đẹp nhất thế giới - đã bị cưỡng đặt theo tên của Vladimir Lenin, cũng như Sài Gòn từng được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông cũng bị cưỡng đặt cho cái tên Hồ Chí Minh.

Thế nhưng người Nga đã trả lại tên Saint Petersburg cho thành phố thân yêu của họ. Không chỉ có thế, người Nga cũng dùng lại lá quốc kỳ của thời trước.

Bắt đầu từ năm 1896, Quốc kỳ Nga có ba màu: trắng, xanh dương và đỏ. Sau Cách mạng Tháng mười 1917, lá cờ này bị bỏ đi, thay vào đó là lá cờ đỏ mang hình búa liềm. Đến năm 1991, khi chế độ cộng sản tan rã tại Nga, Liên Bang Xô Viết (Soviet Union) trở thành Liên Bang Nga (Russian Federation), cờ đỏ búa liềm bị dẹp bỏ, người Nga quay về với lá cờ Триколор (Tricolor) lúc trước.

Có nhiều giải thích cho nguồn gốc 3 màu của quốc kỳ Nga. Một giải thích cho rằng đó là huy hiệu trên khiên (coat of arms) của vương quốc Grand Ducchy of Moscow. Huy hiệu này có hình Saint George mang giáp bạc, cỡi ngựa màu trắng, choàng khăn màu xanh dương và cầm một cái khiên cũng màu xanh dương, trên nền màu đỏ. Một giải thích khác thì cho rằng 3 màu trắng, xanh dương và đỏ chính là 3 màu trên áo dài của Đức Mẹ Maria.

Cờ Liên bang Nga  .   Nguồn: OntheNet

Quốc kỳ Nga có sự thay đổi như vậy còn Quốc ca Nga thì sao?

Vừa nghe là tôi đã bị cuốn hút bởi giai điệu sống động và hào hùng của Quốc ca Nga. Nhưng điều đáng chú ý nhất là lời ca, trong đó có câu:

Хранимая Богом родная земля.
Đất nước này được bảo vệ bởi Thượng đế. (*)
(Đọc là “Khranimaya Bogum rodnaya zemlya” với “Bogum” - Богом - là Thượng đế [Chúa, Trời])

Tại sao Quốc ca Nga giờ đây lại nhắc đến Thượng đế?

Để hiểu ra điều này, tôi xin được kể tóm tắt lịch sử của Quốc ca Nga.

Quốc ca của Liên Bang Nga ngày nay có phần nhạc điệu được lấy từ quốc ca của Liên Bang Xô Viết. Năm 1944, bài quốc ca của Liên Xô được sáng tác và xử dụng thay cho bài “The Internationale” (Quốc Tế Ca) vì lời ca nhấn mạnh đến nước Nga nhiều hơn. Năm 1956, lời bài quốc ca này được thay đổi, bỏ đi đoạn ca ngợi Joseph Stalin.

Đến năm 1990, sau sự xụp đổ của Liên Xô, nước Nga cần tìm một bản quốc ca mới. Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc thi viết lời cho bản quốc thiều “Patrioticheskaya Pasnya” nhưng không thành công vì bài hát không gây được cảm hứng cho các lực sĩ Nga trong các cuộc thi đấu quốc tế.

Cuối cùng, quốc ca của Liên Bang Xô Viết được dùng lại, nhưng bỏ lời cũ, thay lời mới. Năm 2000, chính phủ Nga chính thức lấy làm quốc ca với lời mới do Sergey Mikhalkov sáng tác vì diễn tả được niềm tự hào về lịch sử đất nước và truyền thống dân tộc.

Một trong những truyền thống lâu đời của người dân Nga là là hữu thần. Nhiều giáo phái cùng chung sống với nhau trên nước Nga từ rất lâu đời, trong đó đáng kể nhất là Chính thống giáo, Công giáo, Tin lành, Do Thái giáo, Hồi giáo, và Phật giáo.

Giáo hội Chính thống giáo Nga (Russian Orthodox Church) được coi là giáo hội lớn thứ nhì chỉ sau Giáo hội Thiên Chúa La mã (Roman Catholic Church). Theo Wikipedia, tới năm 1914, Giáo hội Chính thống có trên 55 ngàn nhà thờ, 5 ngàn đan viện, trên 100 ngàn linh mục, gần 100 ngàn tu sĩ nam nữ, với tín đồ trên 60% dân số toàn quốc.

Khi đảng Bôn-sê-vích lên nắm quyền ngay lập tức họ ra tay triệt hạ các tôn giáo. Hàng ngàn nhà thờ và đan viện bị phá hủy hoặc bị tịch thu để làm kho chứa, trung tâm giải trí, kể cả biến thành những trại tập trung kiểu nhà tù Gulag. Trong khoảng thời gian 1917-1940, số nhà thờ được hoạt động chỉ còn 500, trên 130 ngàn tu sĩ bị bắt, trong đó trên 90 ngàn tu sĩ bị giết chết. Nhà cầm quyền cộng sản đã áp dụng mọi cách tàn độc nhất để buộc các tu sĩ và tín đồ bỏ đạo; ngoài việc bị phỉ báng và chế diễu, họ còn bị tra tấn, tẩy não, bị bắt vào các trại tập trung, nhà tù hay nhà thương điên.

Tôi hỏi chuyện Tanya, một phụ nữ làm chung với tôi. Tanya vốn là một người Nga theo Do Thái giáo, bà từng sống tại thủ đô nước Nga. Tanya cho biết vào cái “lúc đó” khắp Moskva chỉ còn duy nhất một nhà thờ được mở cửa, người ta đến đó cũng chẳng được dự thánh lễ mà chỉ có thể thắp vài ngọn nến. Những nhà thờ khác bị dùng như viện bảo tàng, phải mua vé mới được vào. Không ai được làm lễ rửa tội. Ai còn muốn giữ đạo - bất kể đạo gì - cũng đều phải “go underground”, đi đạo… chui!

Tanya hỏi tôi thế “lúc đó” ở nước cô thì sao. Tôi nói cộng sản nước tôi học được bài học của đàn anh, họ không chặt chém hàng loạt như thế. Thâm độc hơn, một mặt họ lập ra các giáo hội “quốc doanh” để khống chế tôn giáo, mặt khác họ đánh những đòn nguội, đón lén để triệt buộc các tôn giáo chính thống.

Tôi nghĩ tới giáo điểm Con Cuông, nơi đang bị đàn áp thô bạo. Chỉ là một “giáo điểm” thôi, nghĩa là số giáo dân rất rất ít nên chưa được gọi là “giáo phận”, vậy mà cộng sản cũng không tha, họ muốn Con Cuông phải là vùng vô thần tuyệt đối để xứng đáng với danh hiệu “vùng đất anh hùng”.

Anh hùng thế nào, cỡ Stalin, cỡ Lenin không? Rồi mấy “anh hùng” đó ra sao? Các tượng đài Stalin, Lenin - những người một thời được coi là “thánh sống” - đều đã bị dân Nga dựt cho đổ kềnh, nằm chỏng gọng như những đống rác to đùng, vô dụng.
Những cán bộ ở Con Cuông nên học lịch sử các nước Cộng Sản để thấy rằng họ đang làm những việc hết sức sai lầm. Cộng sản Nga ra tay dã man đến cỡ nào nhưng cuối cùng có tiêu diệt được tôn giáo đâu!

Nghe đi nghe lại Quốc ca Nga, tôi chợt hiểu tại sao mình ưa thích lắm giai điệu của bản nhạc, thì ra vì nghe nó giông giống những bản thánh ca. Tôi nhớ tới bài “Lên Đền Thánh”, bài hát cũng tạo cho tôi cảm giác tương tự, thấy lòng tràn đầy hân hoan và biết ơn. Hát chậm thì rất thiết tha, hát nhanh theo điệu Rock thì rất sôi nổi. Phổi như cứ nở ra từng đợt. Hèn chi các vận động viên Nga cảm thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên khi hát quốc ca.


Russian National Anthem by Belgian singer Helmut Lotti  (with English subtitles)  
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=LxPRpArJKpQ

Quốc ca Nga khiến tôi nhớ tới quốc ca nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Tiến Quân Ca (**). Trong đó câu “Thề phanh thây uống máu quân thù” được sửa lại thành “Đường vinh quang xây xác quân thù”, nghe bớt ghê rợn nhưng nội dung vẫn là khát máu.

Nước Nga - cái nôi của chủ nghĩa cộng sản - đã vứt bỏ Stalin, Lenin, cờ búa liềm. Còn Việt Nam, bao giờ mới vứt bỏ tham vọng “xây xác giặc” để trở thành “Việt Nam không đòi xương máu” (***)?

Nhưng hy vọng nhé, hy vọng ơi, tôi vẫn không ngừng hy vọng…

Một ngày không xa nữa chế độ cộng sản cũng phải xụp đổ trên nước Việt Nam. Lúc ấy người Việt sẽ đón mừng “Sài Gòn” trở về Sài Gòn, như người Nga đã hân hoan đón “Saint Petersburg” trở về Saint Petersburg, cung kính đón Thượng đế trở về trong các giáo đường, nhà nguyện và trong Quốc ca Nga.


© DCVOnline


DCVOnline biên tập, minh họa và đề tựa.
(*) Lược dịch nghĩa lời hát Quốc ca Nga
Nước Nga - Vùng đất thiêng liêng của chúng ta,
Nước Nga - đất nước thân thương của chúng ta.
Ý chí kiên cường, vinh quanh vĩ đại,
Người ban cho ta mãi mãi.

Từ biển nam cho đến cực bắc
Những cánh rừng và đồng lúa trải dài.
Người là duy nhất trên thế giới, có một không hai.
Đất nước này được Thượng đế bảo vệ.

Không gian bao la cho ước mơ và cuộc sống
Mở ra với chúng ta cho những những ngày tới.
Sự trung thành với tổ quốc cho ta sức mạnh,
Trước kia, bây giờ và mãi mãi.

Điệp khúc:

Vinh quanh thay, Tổ Quốc tự do của ta.
Tập hợp lâu đời của những người cha.
Sự khôn ngoan từ Gấu Mẹ vĩ đại.
Hãy sáng lên, tổ quốc ơi. Ta tự hào vì Người.
(**) Văn Cao sáng tác năm 1944
(***) Lời bài hát “Việt Nam, Việt Nam” của Phạm Duy
Đọc: “Cuộc bách hại Giáo hội Công giáo tại Nga dưới thời Xô Viết”, daminhvn.net
Nghe: “Vấn Đề Hôm Nay: Phỏng Vấn LM Nguyễn Đình Thục từ Con Cuông, Vinh” , saigonradio890am.com




No comments:

Post a Comment

View My Stats