BBC
Cập nhật: 08:57 GMT - thứ tư, 1 tháng 8, 2012
Gần đây, tâm lý
học thể thao mới được chú ý tới nhằm để huấn luyện cho thi đấu dù hầu hết các
vận động viên, kể cả những người mạnh nhất như Micheal Phelps hay Mark
Cavendish đều có lúc thua như Stephanie Hegarty của BBC World Service tìm
hiểu.
Các chuyên gia
tin rằng, giúp các vận động viên hình dung trước được những gì họ có thể đối
mặt sẽ giúp họ không bị gục ngã bởi thất vọng.
Trong số 10,500
vận động viên đang tranh đấu cho huy chương vàng Olympic London, chỉ có 302 vận
động viên sẽ thắng. Số còn lại phải đối mặt với thất vọng, giận dữ và xấu hổ đi
kèm với sự thất bại.
“Thất bại hay bị coi nhẹ. Chiến thắng
thì vui mừng nhưng nỗi đau thất bại thì rõ rệt hơn nhiều,’ nhà vật lý trị liệu thể thao Jordan
Metzl của Viện Y học Thể thao, chuyên làm việc với các vận động viên trẻ ở New
York cho biết.
“Niềm hổ thẹn và áp lực khi thua là
những cảm xúc rất mạnh mà các vận động viên phải đối phó trong suốt sự nghiệp
thể thao của mình.”
Mặc dù hầu hết
các vận động viên đối mặt với thất bại một cách lành mạnh, lấy thất vọng làm
động cơ tập luyện nhiều hơn, với một số khác thua khiến họ bị trầm cảm sâu sắc.
Ước mơ vô địch
“Trong thi đấu Olympics, đạt vị trí
thứ hai hay thứ ba là chưa đủ,” Suzy Favor Hamilton, ba lần thi đấu điền kinh Olympic
nói. “Ở một số quốc gia họ còn coi đó là
thất bại. Không may là trong thể thao, chỉ có nhà vô địch mới thực sự cảm nhận
được hạnh phúc.”
Một vận động
viên không làm cả đất nước thất vọng.
Cách nghĩ thông
thường là ‘Tôi làm cả nước thất vọng,’ nhất là trong kỳ Olympics. Việc cho rằng
cá nhân một vận động viên lại chịu trách nhiệm cho cảm xúc của cả một dân tộc
là cách nghĩ khá thú vị, dưới góc độ tâm lý học.
Khi điều này xảy
ra, tôi thường nói với họ rằng một vận động viên không có ảnh hưởng mạnh tới
mức đó đâu. Tôi nói, ‘Ừ đúng, anh thi đấu tệ nhưng khi anh về nhà, những lá cờ
có treo rủ, cả đất nước có than khóc, và các trường học có bị đóng cửa?
Tôi dùng khiếu
hài hước để phóng đại toàn bộ những trải nghiệm mà họ có thể phải đối mặt để họ
thấy được rằng, ất cả những suy nghĩ đó chưa chắc đã đúng. Hầu hết các vận động
viên sẽ thừa nhận rằng họ không có được ảnh hưởng mạnh mẽ đến vậy. Và từ đó họ
sẽ dễ dàng rời bỏ suy nghĩ tiêu cực hơn.
Hamilton là
người có thể nói về nỗi đau thất bại. Năm 2000, cô thi đấu điền kinh nữ 1500m ở
Olympic Sydney, chỉ ba tháng sau lần chạy nhanh nhất thế giới, được kỳ vọng
mang lại huy chương vàng đầu tiên cho Mỹ ở nội dung này.
Vạch xuất phát,
Hamilton nói cô cảm thấy được toàn bộ sức ép từ những người mong cô chiến thắng
– bạn thân nhất của cô, Mary, người đang hấp hối vì ung thư, cha mẹ cô đang đối
mặt với vụ tự tử của em trai vào năm trước, và nhà tài trợ Nike đã chi một
triệu đô la vào quảng cáo với cô là nhân vật chính.
Chỉ còn 100m
đường đua, một người vượt qua cô, rồi vận động viên khác. “Hai cô gái đó đã tước
đi giấc mơ và cuộc đời tôi đi,” cô nói.
“Giây phút đó
tôi nhớ mình đã nghĩ, ‘Tôi không thể thắng cuộc thi này – đây không phải điều
tôi mong muốn.’”
Trong tích tắc,
cô quyết định làm mình bị ngã.
“Khi đầu tôi đập
xuống đất, có cảm giác như một chiếc đèn bật sáng và tôi nhớ mình tự nói, ‘Mình
dốt quá. Mình chỉ thua vòng kết Olympics thôi mà, dậy đi. Mình là thất bại nếu
không kết thúc được đường chạy.’
“Đó có lẽ là lần
đầu tiên tôi tự gọi mình là kẻ thất bại. Thế là tôi đứng dậy, chạy qua vạch
đích và một cảm xúc tồi tệ nhất trong đời dâng lên. Tôi thấy như mình đã khiến
tất cả mọi người thất vọng, và điều đó phá hủy tôi.”
Giống như rất
nhiều các vận động viên khác, cô chưa bao giờ gặp phải cảm giác như thế này.
“Trước đó, luôn luôn là, Suzy ơi, kế hoạch thế này nhé, cô sẽ thắng cuộc đua,’”
cô nói.
“Chưa bao giờ có
lựa chọn là tôi sẽ thua.”
Niềm tin chủ đạo
của các vận động viên 12 năm trước là chiến thắng, một vận động viên không bao
giờ được quyền nghi ngờ chiến thắng của mình.
Cô chưa bao giờ
thổ lộ với huấn luyện viên của mình là cô có thể thua. “Đây là cách nghĩ mà bạn
không bao giờ có, mà dù bạn có nghĩ thế đi nữa thì cũng đừng nói với ai vì nó
cho thấy bạn yếu đuối.”
Hamilton bắt đầu
luyện tập cho Olympic 2004 nhưng rút ra vào phút chót. Năm sau đó cô bắt đầu
lâm vào trầm cảm và đã có lúc muốn tự tử. Với lịch sử tâm thần không ổn định
của gia đình, Hamilton có lẽ nhạy cảm hơn bình thường với hậu quả của thất bại.
Nhưng theo như Metzl, trường hợp của cô không quá khác biệt.
Với một số vận
động viên, một cú thua đã thay đổi toàn bộ cách họ đối xử với thể thao, và sẽ
gây vấn đề cho tới hết đời, anh nói.
Người thua cuộc giành lại chiến thắng
Huyền thoại bơi
lội Mark Spitz tham gia Thế vận Hội năm 1968 với thành tích 10 kỷ lục thế giới
nhưng lại thất bại ở phần thi đơn. Anh quay lại năm 1972 và giành bảy huy
chương vàng, trong đó 4 huy chương là của riêng anh.
Vận động viên
trượt tuyết tự do Hannah Kearney không đạt tới vòng chung kết dù rất thành công
năm 2006, bốn năm sau đó cô quay lại và thắng huy chương vàng ở Vancuver sau
loạt chiến thắng liền 15 trận.
Carly Patterson,
vận động viên thể dục dụng cụ Mỹ được kỳ vọng là sẽ giành huy chương vàng
Olympic 2004 trong lần thi thử, nhưng sau hai cú trượt cô đứng ở vị trí thứ ba,
gần như không được tính. Chính điều này lại giúp cô đoạt huy chương vàng khi áp
lực trên vai nhẹ đi.
“Mục tiêu duy nhất của họ là thành công ở một
sự kiện mà có lẽ chỉ xảy ra trong vòng 2 hoặc 3 phút. Áp lực lớn suốt 18
giờ/ngày, trong suốt một tuần là độ tập trung. Từng giây phút đang thức, bạn
nghĩ về khoảnh khắc đó trong cuộc đời bạn, và nếu bạn không thành công, thử
nghĩ áp lực mà bạn phải chịu sẽ thế nào.”
Chuyên gia như
Metzl vẫn tin rằng tập trung vào chiến thắng là một phần tối quan trọng trong
tâm lý thi đấu. Có lẽ không thể, hoặc không nên thuyết phục các vận động viên
thay đổi cách nghĩ của mình.
“Nếu nghĩ có thể
mình sẽ thua, phần nhiều khả năng là bạn sẽ thua,” Metzl nói. “Tôi không tin là
chúng ta có thể chuẩn bị sẵn sàng cho thất bại.”
Nhưng gần đây,
rất nhiều chuyên gia tâm lý hàng đầu, tầm cỡ Olympic đã có cách nhìn nhận khác.
Peter Haberl là bác sỹ tâm lý cho đội Mỹ, chịu trách nhiệm về sức khỏe tinh
thần của các vận động viên hàng đầu quốc gia. Ông tin rằng khó có thể tránh
khỏi những suy nghĩ về bại trận.
Các nhìn nhận của
ông là do ảnh hưởng của nhà tâm lý học Daniel M Wenger và nghiên cứu nổi tiếng
của ông về những đè nén được biết đến với thí nghiệm gấu trắng.
Wenger chứng
minh rằng nếu bạn yêu cầu một người tránh không suy nghĩ về một chuyện nào đó,
chẳng hạn như con gấu trắng, hình ảnh con gấu sẽ liên tục xuất hiện trong tâm
trí họ.
“Bạn càng tránh nghĩ về vấn đề nào đó thì
dường như nó lại càng nổi lên,” Haberl cho biết. “Tôi muốn khuyến khích các vận
động viên đối mặt trước với các vấn đề, để hiểu rằng thua và thắng đều là trải
nghiệm trong đời vận động viên.”
Nếu ông cảm thấy
vận động viên nào đó lảng tránh về khả năng thua, ông sẽ chuyển cuộc trò chuyện
sang một nơi khác để họ có thể nói chuyện một cách thoải mái hơn.
“Nghĩ về thất
bại, và chiến thắng, có thể làm người ta tạm thời bị tách khỏi thực tại.”
Nỗi ám ảnh bại
trận
Sau lần thua
judo năm 2008, Taraje Williams-Murray phải cần đến một kỳ nghỉ dài.
“Tôi cần ít nhất
một năm mới có thể hoạt động trở lại như là một cá nhân bình thường trong xã
hội. Và phải một năm sau đó nữa tôi mới nhìn ra được con đường sắp tới của mình
là gì.”
Haberl sẽ làm
việc với các vận động viên thua cuộc ở London 2012, đặc biệt là đối với những
người được đặt nhiều kỳ vọng.
“Ở góc độ nào
đó, nó cũng giống như quá trình ‘lành sẹo’ sau nỗi buồn,” ông nói. “Trong thời
điểm đó, điều quan trọng là họ được giới thiệu với một vận động viên nào đó có
thể giúp họ hiểu được rằng giây phút này, dù cho rất đau đớn, rồi sẽ qua đi.”
Việc vận động
viên bị ảnh hưởng như thế nào do thất bại thi đấu phụ thuộc vào rất nhiều yếu
tố. Theo ông Metzl, có những mối quan tâm khác ngoài thể thao có thể giúp rất
nhiều. Anh cũng thấy có sự khác biệt ở giới tính – nữ vận động viên thường tự
trách mình khi bị thua, và trong thi đấu đồng đội thì có nhiều sự tương trợ hơn.
Mặc dù không có
chỉ số chính thức về số vận động viên lâm vào trầm cảm sau bại trận, Haberl nói
có rất nhiều chứng cớ nhỏ nhặt khác.
Trong vòng vài
tháng tới ông sẽ quan sát xem vận động viên của mình đối mặt với trận đấu lớn
như thế nào.
“Hầu hết các vận
động viên ai cũng có lần thua, việc thất vọng là bình thường thôi,” ông nói.
“Tuy nhiên, sẽ là không bình thường nếu anh vẫn trầm cảm ba tháng sau đó.”
No comments:
Post a Comment