Sunday, 12 August 2012

ÔM GIẤC MỘNG VÀNG (Nguyễn Hùng - BBC)




Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com
Cập nhật: 17:37 GMT - chủ nhật, 12 tháng 8, 2012

Việt Nam nói lời chia tay Olympic 2012 với thành tích 1 giờ 33 phút 36 giây của Nguyễn Thị Thanh Phúc ở môn đi bộ 20 km.
Mặc dù Thanh Phúc đã phá kỷ lục quốc gia, cô vẫn chỉ đứng thứ 36 tại Olympic và thành tích của người về nhất, vận động viên người Nga Elena Lashmanova là 1h 25 phút 02 giây.
Với kết quả thi đấu cuối cùng này, 18 vận động viên Việt Nam tham gia thi đấu tại mười một bộ môn đã không thể mang về bất kỳ tấm huy chương nào, giấc mơ vàng của Việt Nam lại phải chờ thêm bốn năm nữa.
Niềm hy vọng lớn nhất của Việt Nam, vận động viên cử tạ Trần Lê Quốc Toàn, kém người đoạt huy chương đồng hai điểm.
Có lẽ đáng tiếc nhất là trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người về thứ tư trong nội dung súng ngắn 50 mét nam chỉ kém vận động viên đoạt huy chương đồng người Trung Quốc có 0,1 điểm.
Hai niềm hy vọng le lói vào cầu lông và taekwondo cuối cùng đành chấp nhận dừng bước ở ngay vòng đấu đầu tiên.

'Nhỏ và nhẹ'?
Có nhiều lý do khiến Việt Nam rời London tay trắng cho dù trước đó đã có huy chương bạc đầu tiên với Taekwondo ở Sydney năm 2000 và một huy chương bạc nữa của cử tạ ở Bắc Kinh năm 2008.
Đây cũng không phải là điều bất ngờ vì các quan chức thể thao Việt Nam cũng chỉ xác định họ tới London để "tiếp cận thành tích thế giới" cho dù lần này số vận động viên tham gia là nhiều nhất từ trước tới nay.

Một quan chức thể thao cao cấp của Việt Nam có ý nói người Việt Nam "nhỏ và nhẹ" cân nên khó đoạt huy chương.
Nhưng vận động viên người Đức gốc Việt Marcel Nguyễn, chủ nhân của hai chiếc huy chương bạc môn thể dục dụng cụ, cũng chỉ cao 1m67.
Một mình anh đã sở hữu số huy chương Olympic bằng cả quốc gia đứng trong danh sách 15 nước đông dân nhất thế giới.
Câu chuyện thành công của Marcel Nguyễn, ngoài nỗ lực cá nhân và đôi chút may mắn, có liên quan tới truyền thống thể thao trong gia đình, nhà trường và xã hội nói chung.
Nó cũng nói về một thái độ nghiêm túc và đúng đắn trong đầu tư cho thể thao đỉnh cao.

Một ví dụ khác là người đoạt huy chương đồng môn vật 31 tuổi Carol Huỳnh, người Canada có mẹ sinh ra ở Việt Nam.
Cô đã hạ vận động viên vật Nguyễn Thị Lụa của Việt Nam trong trận ra quân đầu tiên ở hạng 48 kg.
Nguyễn Thị Lụa cao 1m55, có phần nhỉnh hơn chút xíu so với Carol Huỳnh với chiều cao 1m54.
Carol Huỳnh thậm chí đã đoạt huy chương vàng ở Olympic 2008.

Thêm một ví dụ nữa trong môn thi đấu cuối cùng của Việt Nam: đi bộ 20 km.
Nguyễn Thị Thanh Phúc của Việt Nam cao 1m54, nặng 45 kg về thứ 36.
Cách cô 30 bậc, ở hạng thứ 6 là một vận động viên Trung Quốc cao 1m56 và nặng 45 kg.
Ba ví dụ này cho thấy lý do "nhỏ và nhẹ" mà quan chức Việt Nam đưa ra để giải thích chuyện Việt Nam không có huy chương là chưa hợp lý.

'Không đâu như Việt Nam'
Người ta cũng có thể đưa ra lý do kinh tế nhưng nó cũng không hoàn toàn thuyết phục với Cuba đứng thứ 15 với 14 huy chương trong đó có năm huy chương vàng, và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đứng thứ 20 với sáu huy chương, trong đó có bốn huy chương vàng.
Cả hai quốc gia này đều được Việt Nam trợ giúp lương thực.

Trong khối kinh tế đang trỗi dậy mà tiếng Anh gọi là BRIC - Brazil, Russia (Nga), India (Ấn Độ) và China (Trung Quốc), Trung Quốc đứng thứ hai, Nga thứ tư, Brazil - chủ nhà của Olympic 2016 - thứ 22 còn Ấn Độ với dân số hơn một tỷ không lọt được vào danh sách 50 nước có huy chương vàng.

Trong 10 nước Asean, năm nay chỉ có hai nước được huy chương Olympic - Indonesia được hai bạc và bốn đồng ở các môn cầu lông, bắn súng, vật và quyền Anh, Thái Lan được hai huy chương bạc ở hai môn cử tạ và quyền Anh và một đồng cho Taekwondo.

Riêng Việt Nam, một quan chức từng phụ trách thể thao thành tích cao của Việt Nam nói thành tích của Việt Nam ở Olympic 2012 "phản ánh đúng quá trình chuẩn bị và trình độ của thể thao Việt Nam".
Ông Nguyễn Hồng Minh, người cũng từng là trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic, nói thêm:
"Anh Lâm Quang Thành [trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic London] có phát biểu rằng ngành thể thao đã làm tất cả những gì có thể cho các vận động viên dự Olympic, như thế là không đúng.
"Nếu làm tất cả những gì có thể thì anh không để Phan Thị Hà Thanh bốn tháng không có thầy, anh không để Ngân Thương hay Nguyễn Thị Lụa không được chữa trị chấn thương hay không chuẩn bị sớm cho Trần Lê Quốc Toàn, các vận động viên giỏi khác như Lê Huỳnh Châu đi đến những nơi tốt và không tập trung tiền của cho những vận động viên xác định rõ sẽ giành huy chương Olympic, sẽ không để các vận động viên được đầu tư chuẩn bị đi Olympic ăn, ở như điều kiện bình thường giống các vận động viên khác, không có chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
"Như thế đâu phải là đã làm tất cả những gì có thể được."

Phát biểu của ông Hồng Minh ở tầm vĩ mô cũng được vận động viên đoạt huy chương vàng Judo người Brazil, Sarah Menezes, xác nhận ở tầm vi mô.
Cô Menezes, người hạ Văn Ngọc Tú của Việt Nam trong trận đầu tiên, nói cô đã được tái sinh nhờ công của huấn luyện viên và người hướng dẫn cô tập thể lực.
Trong thể thao, kỹ thuật là quan trọng nhưng có đủ thể lực và trí khí để thực hiện các động tác kỹ thuật cũng quan trọng không kém.
Và những màn thể hiện của các vận động viên Việt Nam cho thấy đa số họ chưa được chuẩn bị kỹ càng ở cả ba khía cạnh này.



No comments:

Post a Comment

View My Stats