Monday 20 August 2012

ĐI HỌC CÁCH DẠY TIẾNG VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ (Ngọc Lan / Người Việt)








Ngọc Lan/Người Việt
Sunday, August 19, 2012 5:26:58 PM

WESTMINSTER (NV) - Nếu không phải là người làm công việc dạy tiếng Việt cho trẻ em trên đất Hoa Kỳ, có lẽ không mấy ai biết rằng trong số hành trang mang sang xứ người, có một sinh hoạt mang đậm nét văn hóa chữ nghĩa, chỉ riêng ngành giáo dục mới có, và tiếp tục được duy trì tại mảnh đất tự do này từ bao nhiêu năm qua.

Gần 200 thầy cô giáo tại nhiều nơi về tham dự khóa huấn luyện và tu nghiệp sư phạm hè 2012 tại Coastline Community College. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ðó là những khóa huấn luyện và tu nghiệp sư phạm.

Trong ba ngày cuối tuần trước, khóa huấn luyện và tu nghiệp sư phạm hè 2012, do Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California tổ chức, diễn ra tại trường đại học cộng đồng Coastline Community College (CCC) ở Westminster thu hút gần 200 thầy cô giáo dạy Việt ngữ từ nhiều nơi, xa xôi như Maryland, Texas, Washington, Arizona, đến những nơi gần hơn như San Jose, San Diego, tập trung về tham dự.

***

Có người lần đầu tiên có mặt tại Little Saigon để cảm nhận cái bỡ ngỡ của một Sài Gòn thu nhỏ trên quê người, để “ngạc nhiên đến bất ngờ khi nhìn thấy McDonald cũng được ghi bằng chữ Việt”. Có người đến với khóa tu nghiệp lần thứ 3, thứ 4, như một cách trở về chốn yêu thương, để gặp gỡ đồng nghiệp, để học hỏi thêm những điều mới mẻ của phương pháp giảng dạy.

Dù là lần đầu hay không phải lần thứ nhất, tất cả đều rạng rỡ nụ cười, cùng hào hứng tham gia những trò chơi tập thể, những bài hát tập thể đầu tiên của giờ họp mặt, do trưởng Ngô Văn Quy, một gương mặt quen thuộc trong nhiều sinh hoạt cộng đồng ở Little Saigon, phụ trách. “Họ hát, họ chơi như vậy không chỉ để vui không thôi đâu, mà là còn đang học cách về tổ chức sinh hoạt cho các học sinh của mình nữa đó.” Thầy Vũ Hoàng, trưởng ban tổ chức khóa huấn luyện và tu nghiệp, nói với nhật báo Người Việt, trong lúc chờ làm lễ khai mạc.

Cô giáo Vũ Ðỗ Diễm Trang (trái) và thầy giáo trẻ Trần Ðông Hải, đều là cư dân Maryland, lần đầu về tham dự khóa huấn luyện sư phạm tại California. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Theo lời thầy Vũ Hoàng, tùy theo năm và tình hình kinh tế mà số thầy cô về tham gia huấn luyện đông hay ít, “Năm đông thì khoảng 300 đến 350 thầy cô. Năm nay có ít hơn năm ngoái, chừng 200 thầy cô. Và đây cũng là lần đầu tiên không có các thầy cô từ nước ngoài đến tham gia.”

“Chương trình huấn luyện chia ra làm hai phần. Phần căn bản nhằm huấn luyện cho các thầy cô chưa có căn bản dạy tiếng Việt. Phần thứ hai là phần tu nghiệp dành cho thầy cô có kinh nghiệm rồi tới đây tìm hiểu thêm những kiến thức mở rộng để dạy tiếng Việt cho các em phong phú hơn, giúp các em hiểu biết bằng tiếng Việt nhiều hơn.” Thầy Hoàng cho biết.

Nhìn vào chương trình huấn luyện tu nghiệp trong thời gia ba ngày, mới thấy rõ ràng chuyện dạy tiếng Việt cho trẻ em người Mỹ gốc Việt nơi xứ người được coi trọng như thế nào.

Không chỉ đơn giản là người biết tiếng Việt dạy cho người không biết tiếng Việt, mà sâu xa hơn, người dạy phải biết, phải nắm rõ về nguồn gốc, phương pháp giảng dạy tiếng mẹ đẻ là như thế nào.

Phương pháp giảng dạy Việt ngữ, Phương pháp tập đọc và tập làm văn, Dùng âm nhạc/hội họa để dạy Việt ngữ, Phương pháp dạy địa lý/Việt sử/giảng văn, Cách dùng từ ngữ tiếng Việt, Tâm lý trẻ em và cách điều hành lớp học, Ngữ âm và ráp vần tiếng Việt, Văn phạm tiếng Việt, Chính tả Việt ngữ, Ngữ vựng tiếng Việt, Từ loại và loại từ, Tiếng Việt đối với thế hệ trẻ 1.5 và 2.0... là một số trong toàn bộ kiến thức mà các thầy cô giáo dạy Việt ngữ từ khắp nơi được cung cấp thêm trong dịp này.

Thầy cô trong ban tổ chức thực hiện nghi thức dâng hương trước bàn thờ quốc tổ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt, “Chương trình này giúp đỡ cụ thể như thế nào cho thầy cô dạy tiếng Việt?”
Thầy Vũ Hoàng nói, “Giúp rất nhiều, nhất là với trẻ em muốn tìm hiểu về tiếng Việt của mình thì họ tới đây để học hỏi để về dạy cho các em nhỏ hơn. Hoặc các phụ huynh cũng ghi danh tới tham dự để về dạy cho con em mình, cũng như phụ một tay với thầy cô ở trường dạy cho các em nữa thì các em sớm đạt được những kết quả như mong muốn.”

***

Lần thứ 5 tham dự lớp huấn luyện và tu nghiệp sư phạm, thầy Văn Phú Trạch, thuộc trường Việt ngữ Midway City, có trên 15 năm dạy tiếng Việt, chia sẻ, “Tôi rời Việt Nam lúc 13 tuổi, sống ở đây khá lâu. Trong gia đình ba mẹ cũng tập cho nói tiếng Việt, sau này có nhu cầu trong các hội đoàn, nên tôi giúp việc dạy tiếng Việt cho mấy em.”

Tuy nhiên, điều thầy Trạch đang cảm thấy băn khoăn là “dạy cho con mình nói tiếng Việt sao khó quá!”
“Tôi đi dạy tiếng Việt lúc chưa có gia đình, chưa có con. Giờ con tôi đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi, tôi cũng ráng cho nó nói tiếng Việt, cũng có đi thi Việt ngữ nhưng mà càng ngày chúng càng ít nói đi, nhất là từ khi đi học ở trường. Thành ra, tôi thấy việc dạy cho các em nói tiếng Việt thực không dễ chút nào hết.” Người có thâm niêm hơn 15 dạy Việt ngữ tâm sự.

Những nụ cười rạng rỡ của thầy cô tham gia khóa huấn luyện và tu nghiệp sư phạm. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Với cô Trần Huyền Nga, Trung Tâm Việt Ngữ Minh Ðức thuộc Châu Ðạo Hội Thánh Tây Ninh, việc trở thành cô giáo dạy tiếng Việt từ 8 năm qua xuất phát từ lý do “cho ba đứa đi học tiếng Việt để tụi nó biết gìn giữ, hiểu tiếng Việt. Rồi sau đó thấy mình cũng có thể góp phần giúp được điều gì đó nên tham gia dạy luôn tiếng Việt tại đó.”
Do “vừa rất vui vừa để biết cách, biết phương pháp dạy cho các em dễ hiểu hơn” nên đây là lần thứ ba cô Nga tham dự lớp huấn luyện và tu nghiệp sư phạm này.
“Ði dạy thấy thích lắm! Từ lúc mấy em còn chưa biết gì đến lúc mình dạy cho các em nói được, đọc được thì mình vui lắm.” Cô giáo “nghiệp dư” này nói thêm.

Bên cạnh những người có quá trình dạy tiếng Việt lâu dài như thế, cũng có những “thầy cô” còn rất trẻ cũng tham gia lớp học này, như hai chị em họ Vũ Ðỗ Diễm Trang và Trần Ðông Hải từ Maryland đến.

Diễm Trang đang là sinh viên đại học năm thứ ba, còn Ðông Hải chuẩn bị vào lớp 12. Cả hai em đều đi dạy tiếng Việt vì “thiếu người dạy giáo lý tiếng Việt ở nhà thờ”. Nhưng từ bước đi chập chững đó, các em cảm thấy “thích vì thấy mấy em nhỏ rất là dễ thương, dạy riết cũng thấy yêu các em luôn,” như cách nói của Diễm Trang, hay “muốn đóng góp chút sức mình vào việc cho các em biết thêm tiếng Việt để cho nó không quên những gì thuộc về truyền thống văn hóa của nước mình,” như cách nói của Ðông Hải, mà các em đã tiếp tục gắn bó và muốn nâng cao thêm phương pháp dạy tiếng Việt của mình khi đến với khóa huấn luyện.

Diễm Trang thổ lộ, “Trước khi dạy chính thức, em được đi theo một cô giáo, nhìn cô đó dạy, cách cô đó dạy, rồi về soạn giáo án riêng cho mình để dạy. Giờ em muốn biết nhiều thứ hơn để dạy cho học trò của em, nên em đến học lớp này.”

Với Ðông Hải thì “tham dự lớp học này, em muốn trau dồi thêm nhiều kiến thức, cách dạy của mình, cũng muốn tập cho mình mạnh dạn hơn, để khi đứng giữa lớp điều khiển như thế nào để học trò nghe mình.”

Một trong những người nhỏ nhất tham dự khóa học là em Tina Trịnh, chuẩn bị vào lớp 10 khi mùa tựu trường tới. Tina là cư dân Austin, Texas, sinh ra ở Mỹ, được mẹ dạy tiếng Việt từ nhỏ, và “Mẹ dạy rất là khó”.
Tina cho biết, “Em vẫn còn đang đi học tiếng Việt, nhưng vừa học vừa phụ dạy các em nhỏ hơn.”

Cô Thu Lưu, mẹ của Tina, là người có thời gian 5 năm dạy Việt ngữ tại Mỹ, cùng 13 năm dạy học ở Việt Nam, tâm sự, “Hình như do thời gian mình đi dạy học quá lâu, nên chuyện đi dạy đã ngấm vào máu, không đi dạy thấy như mình thiếu cái gì đó, nên qua đây tự động xin đi dạy tiếng Việt lại.”

Lần đầu tiên đưa con đến tham dự khóa huấn luyện, cô Thu nói, “Tôi muốn Tina năm sau trở thành người dạy chính nên tập cho cháu trở thành phụ giáo trước, rồi nay có cơ hội này vào Mùa Hè nên muốn tham dự cho biết thêm. Phần tôi, sau nhiều năm đi dạy theo phương pháp cũ, nay muốn tham gia lớp học để coi có những phương pháp gì mới để trao đổi, học hỏi thêm.”

***

Dạy tiếng Việt cho trẻ em tại Hoa Kỳ chưa bao giờ là mục đích kiếm sống của những người đang làm công việc này. Tất cả chỉ phát xuất từ những suy nghĩ: Gìn giữ và phát huy tiếng Việt tại xứ người.
Nhưng đã vào “nghề,” thì việc dạy lại như trở thành nghiệp vì những điều rất đơn giản, rất ngây thơ do những học trò ngây ngô, bập bẹ nói tiếng Việt mang tới.

Như thầy Văn Phú Trạch kể, “Tôi nhớ một lần đưa các em mới học tiếng Việt đi ra ngoài ăn uống. Một em nói bằng tiếng Việt, ‘Em muốn để dành cái này cho em gái của em có được không?’ Chỉ một câu nói như vậy thôi mà tôi cảm thấy xúc động lắm, nó khiến tôi nhớ hoài.”

Hay như kỷ niệm của cô Diễm Trang, “Em nhớ có cậu học trò đó cứ vào lớp là khóc, hỏi đến là khóc, không trả lời được cái gì hết. Sau một năm em dạy, nhiều học trò quá, em không nhớ hết, vậy mà lúc ra đường, em bé đó chạy đến ôm em, gọi đúng tên em. Cảm giác đó rất là vui!”

Với Trần Ðông Hải thì kỷ niệm níu chân “làm thầy” của em là “mùa Giáng Sinh học trò ghi thiệp tặng thầy cô. Học trò ghi tên em sai nhưng mà sao em đọc vẫn thấy vui lắm, vì khi dạy mình không nghĩ đến chuyện học trò cũng quan tâm nghĩ đến mình như vậy, dù nó viết sai nhưng vẫn thấy học trò dễ thương quá!”

Chia sẻ cảm nghĩ riêng của mình, thầy Vũ Hoàng, cũng là chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, nói, “Tôi cảm thấy rất là vui khi mỗi năm háo hức mong chờ đến ngày tổ chức khóa huấn luyện sư phạm để nhìn thấy các thầy cô từ khắp nơi về đây ngồi với nhau, sinh hoạt vui chơi với nhau, học hỏi lẫn nhau. Nhìn các thầy cô, mình lại thấy rằng người Việt mình dù có đi đâu thì vẫn muốn gìn giữ tiếng Việt mình, dù cho 1,000 năm đô hộ của Tàu, dù cho 100 đô hộ của Tây thì mình vẫn luôn muốn gìn giữ tiếng của mình, không bao giờ mình quên được.”

––-

Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com



No comments:

Post a Comment

View My Stats