Tuesday, 21 August 2012

"CHA ƠI! BÂY GIỜ CHA Ở ĐÂU ?" (Huy Phương / Người Việt)




Tạp ghi Huy Phương
Saturday, August 18, 2012 2:14:54 PM

Chưa lúc nào như mấy năm gần đây, trên báo chí, đài phát thanh và Internet lại có nhiều mẩu nhắn tin tìm cha nghe rất thống thiết và làm não lòng người, đại để như sau:

- Tìm Cha: Tìm Cha là... nguyên thiếu úy phi công thuộc phi đoàn... Sư Ðoàn 1 KQ Ðà Nẵng, đi Mỹ từ tháng 4-1975. Từ ngày cha đi, không có tin tức gì, mẹ đem con về nhờ bên ngoại nuôi. Nay con đã khôn lớn, muốn tìm cha cho thỏa lòng mong ước!

- Con gái là Bích, hiện ở Pháp, tìm cha là... trước 75 làm việc tại Air Việt Nam, văn phòng đặt tại số 116 Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Ba ơi, có còn nhớ con không? Con gái là Bích đây. Hồi những năm 70 -71, nhà mình ở cư xá Nguyễn Hoàng, sang năm 72 thì dọn về cư xá Lữ Gia, Quận 11, Phú Thọ. Hồi đó con còn nhỏ lắm, nhưng vẫn nhớ mỗi lần ba về thăm đã bồng ẵm con và cho con nhiều đồ chơi, bánh kẹo. Từ ngày 30 tháng 4, 75 đến nay con không còn nhận được tin tức gì của ba nữa, vậy được tin này mong ba, nếu còn sống ở đâu đó cho con được biết tin.

- Cha tôi là Thiếu Úy CSQG tên... trước làm việc ở... bỏ mẹ và con ra đi ngày Saigon thất thủ. Con là... muốn tìm lại Cha. Nay con đã khôn lớn, có gia đình, mong tìm Cha để có tình phụ tử ấm áp, không có ý định mong Cha giúp đỡ gì. Ông là người có quen biết với cộng đồng ở Nam Cali, nơi đông người Việt, xin làm ơn tìm giúp Cha tôi.

Mới đây lại có trường hợp một người con gái từ Ðan Mạch muốn tìm cha. Cha mẹ cô vượt biển và gặp nhau ở đảo. Sau khi cô sinh ra đời, thì cha mẹ cô chia cách, cha cô đi định cư ở Mỹ và mẹ con cô đi Ðan Mạch. Bây giờ cô đã trưởng thành muốn đi tìm cha, mà những gì còn lại trong trí nhớ chỉ còn lại một cái tên họ duy nhất!

Ngày nay với những phương tiện thông tin, báo chí, Internet, thế giới này cũng như một ngôi làng nhỏ, những người cha này cũng quanh quẩn đâu đây thôi, nhưng làm sao họ bước qua được những vòng vây nghiệt ngã và sự sợ hãi để ôm những đứa con rơi rớt ngày xưa vào lòng.

Còn tìm mẹ thì sao? Ít nhất hai lần, người viết bài này đã kể chuyện trong những phóng sự tìm mẹ cho hai em. Một em lai Mỹ trắng, bị mẹ đem con cho người khác khi em còn nhỏ. Một em khác lai Philippines bị mẹ dắt bỏ giữa đường, được người khác thương tình đem về nuôi. Ca sĩ Randy, Việt lai Mỹ, đã nhiều lần về Việt Nam tìm mẹ nhưng không có kết quả. Những người mẹ bất hạnh, sau tháng 4-1975, bị xã hội khinh ghét, kỳ thị và vì nghèo khó đành đem cho hay buông bỏ đứa con của mình. Nỗi đau đớn của người mẹ mất con cũng to lớn như nỗi xót xa của đứa con mất mẹ. Qua thời gian dài xóa nhòa, các em không còn nhớ gì đến khuôn mặt hay quê quán, gốc gác của mẹ mình. Và những người mẹ bỏ con ngày ấy, hôm nay đã qua đời, thất lạc hay còn sống đó, nhưng có những lý do xót xa riêng, muốn chôn vùi dĩ vãng, không thể nào lên tiếng nhận lại đứa con mà chính họ đã bỏ rơi.

Sở dĩ phải qua một thời gian hơn 35, 37 năm, các em mới muốn đi tìm lại mẹ, tìm lại cha là vì trong tuổi thơ lưu lạc, các em còn chưa biết suy nghĩ hay còn chạy theo cuộc sống, nay đã lớn khôn, đã lập gia đình, có con cái, lúc bấy giờ tình huyết thống mới réo gọi. “Cha tôi đâu? Mẹ tôi là ai?” Nhưng người cha, người mẹ đó bây giờ, trong nghịch cảnh, biết có thuận tiện và can đảm để có cơ hội ôm lấy đứa con lưu lạc hơn ba mươi năm của mình, ứa dòng lệ mà nói: “Ba của con đây con! Mẹ của con đây!”

Tại Mỹ, ít nhất đã có hai trường hợp những người cha vượt biển ngày xưa đã tìm lại được những đứa con bị hải tặc Thái Lan bắt đem về nuôi, nhưng những người cha trong câu chuyện này không những không muốn đi tìm những đứa con thất lạc mà lại đang lâm vào một nghịch cảnh rất khó xử.

Nếu bạn là một trong những người cha trong những đoạn nhắn tin trên, chắc hẳn khi biết mình đích thực là người cha đó, hẳn “bầm gan, héo ruột” sống trong ân hận, mà không biết phải xử trí ra sao? Ngày chúng ta bỏ miền Trung, rồi mất Sài Gòn, trong cơn hỗn loạn các bạn ra đi, vội vàng phải bỏ lại vợ hay một người tình đang mang thai hay đã có con với bạn. Ngày đó có ai nghĩ sẽ có một ngày về sum họp với những người thân yêu. Ðến một miền đất tự do nào đó rồi, bạn quay cuồng theo sự sống, lo học hành, xây dựng cuộc đời mới, nhưng không phải ai cũng còn nghĩ đến người đàn bà ở lại, những đứa con rơi rớt. Nhiều khi bạn đã quên hẳn hay nghĩ rằng mọi sự đã an bài, rồi thời gian sẽ xóa đi tất cả. Bạn có duyên mới, có một gia đình hạnh phúc, đã xếp dĩ vãng và chôn những hình ảnh xưa kia trong ngăn xếp sâu kín của đời mình, ngay cả bạn bè cũng chẳng hề hé môi nói chi đến người vợ sắp cưới, mà dĩ vãng kia có thể làm đổ vỡ cả một tương lai màu hồng đang chờ bạn. Ðạo lý lên án bạn là kẻ bạc tình, là con người vô trách nhiệm.

Chiến tranh, chia lìa đã đẩy chúng ta đến những nghịch cảnh mà vì sự yếu đuối của con người đôi khi không thể giải quyết nổi. Thủ phạm của những nỗi thương tâm này chính là “biến cố tháng 4-1975” đã đẩy hàng chục nghìn người Việt, trong cơn hỗn loạn, vội vàng rời khỏi đất nước.

Nhiều cô xướng ngôn viên phát thanh hay biên tập báo chí đã vô ý, không có kinh nghiệm về những vấn đề xã hội, đã đọc hay đăng nguyên lời nhắn tin với tên họ, gốc gác người cha, để khiến cho bao nhiêu cảnh dở khóc dở cười xảy ra. Thử tưởng tượng, một ngày nào đó tên, cấp bậc, đơn vị của bạn được réo gọi trên làn sóng phát thanh: “Cha ơi! Bây giờ cha ở đâu!” Bạn như đang ngồi trên đống lửa. Người vợ hiện nay của bạn có rộng lượng tha thứ cho sự việc bạn đã có một đứa con bỏ lại hay một đứa con rơi đang đi tìm cha. Bạn đã lừa dối, che giấu dĩ vãng không nói thật với người bạn đời vì sợ sự thật không được chấp nhận. Ðây là những ngày đen tối ập lên gia đình bạn. Bạn có can đảm nói với vợ: “Em bình tĩnh ngồi xuống đây, nghe anh nói, anh có một đứa con rơi trước khi gặp em, năm nay đã 40 tuổi, đang đi tìm anh!” Gia đình sẽ sóng gió đi đến chỗ tan vỡ: “Hoặc chọn gia đình này, hoặc chọn đứa con rơi của anh!”

Xin quý bà chuyên mục “Gỡ Rối Tơ Lòng” trên các tờ báo cho bạn tôi một lời khuyên, hơn nữa, nếu bà là người vợ trong câu chuyện, bà sẽ xử sự ra sao cho có tình, có lý. Trách nhiệm của một người đàn ông, nỗi khó xử và lòng ích kỷ của người đàn bà, ai khổ tâm hơn ai? Chiến tranh trên đất nước chúng ta đã gây ra bao nhiêu chuyện trớ trêu, chia lìa xót xa, khó xử mà người chồng, người vợ, đứa con lạc loài, tất cả đều là nạn nhân.

Nhưng bạn cũng chớ nên đùa dai lấy tên kẻ thù của bạn đăng trong mục “Tìm Cha” trên mặt báo hay phát tán trên Internet, thì dù đời kẻ thù của bạn có như tờ giấy trắng cũng phải nghe vợ nhà nhỏ nhẹ nói: “Anh bình tĩnh ngồi xuống đây, nghe em nói...” hay là chén bát bắt đầu loảng xoảng vì trận cuồng phong cấp 6 đã “đổ bộ” vào gia đình người đàn ông ấy!



No comments:

Post a Comment

View My Stats