Monday, 20 August 2012

HỌC GIẢ ĐÀO MỘNG NAM (1941-2006) : NÉT BÚT THỦY HỎA (Viên Linh)




Viên Linh
Wednesday, August 15, 2012 6:26:21 PM

Trong giới văn học ở miền Nam, và ở hải ngoại, Ðào Mộng Nam là một cái tên rất nhiều người biết, những người không đọc sách cũng biết đến ông, vì ông là người đã phụ trách chương trình Chữ Nho Tự Học trên vô tuyến truyền hình, lại từng “dạy tại Ðại Học Huế,” thế nhưng ngoài bộ sách 5 cuốn Chữ Nho Tự Học ra, dường như ông không có một tác phẩm nào khác.

Ðào Mộng Nam với chiếc áo nâu cài kín cổ thường xuyên. (Hình tư liệu của Viên Linh

Người viết bài này có một tác phẩm của ông, Thơ Ðường, cuốn I, 1980, 106 trang, đánh máy, đóng thành tập song chưa được in, và đã giao du với ông vài chục năm từ Sài Gòn trước 75, và ở hải ngoại sau này, song không được ông mời tới nhà bao giờ - mà có lẽ chẳng ai biết nhà ông - bởi khi ông qua đời nhiều ngày rồi mà người ta cũng chỉ biết là do cảnh sát Mỹ nhờ các đài phát thanh Việt ngữ “tìm thân nhân một người tên là Nam Dao.”

Sáng Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2006, nữ sĩ Thu Nhi gọi điện thoại tới tòa báo Khởi Hành, cho biết bà vừa nghe tin cảnh sát thành phố Tustin tìm thân nhân ông Nam Dao, chết trong một chung cư đã nhiều ngày, mà vì người này sống một mình nên phải mấy ngày sau lối xóm lưu tâm mới phát giác ra. Nữ sĩ nói với tôi rằng theo bà, có lẽ Nam Dao là Ðào Mộng Nam.

Tới Thứ Tư, báo Người Việt loan tin học giả Ðào Mộng Nam, dịch giả thơ Tagore “Tiếng Hát Dâng Tình” qua đời, thọ 66 tuổi. Có lẽ Ðào Mộng Nam rất thích thơ của vua Salomon trong Kinh Thánh, và có dịch lại một số đoạn trong thiên “Nhã ca của Sa lô môn,” gọi là “khúc hát dâng tình.” Ông nhiều lần in ấn vài cuốn sách khác nhau, đều ghi “Lời Vàng” xuất bản, như cuốn sách khổ rất lớn, bằng nửa tờ nhật báo, rất dầy, 240 trang in giấy croquis, nhan đề “Tổ khúc bầy chim bỏ xứ” của Phạm Duy, mà trong đó ông chỉ có 8 câu thơ cảm đề.

Vào hôm sau, Thứ Năm, 31 tháng 8, theo cáo phó trên báo của ông Ðào Ngọc Liêm, em trai học giả, thì Ðào Mộng Nam sinh ngày 1 tháng 1, 1941 tại Nam Ðịnh, mất ngày 26 tháng 8, 2006 tại Tustin, California; bản cáo phó chỉ đứng tên 3 người em và các cháu. Cũng trong ngày này, theo một bài báo 3 cột đăng trên tờ Việt Báo, có nhan đề “Giấc mộng văn hóa không thành, Ðào Mộng Nam,” thì có vài điểm như sau:

- Ông sinh năm 1940 (không phải 41 như trong cáo phó của mấy người em), đã khởi soạn cuốn Chữ Nho Tự Học khi chưa đến tuổi 30, và đây là “một công trình hoàn chỉnh nhất về phương pháp tự học Chữ Nho kể đến năm 1975.”
- Ðào Mộng Nam mất chính xác vào lúc nào không ai rõ. Ông sống đơn độc, biệt lập nơi một chung cư cuối đường McFadden. “Cảnh sát chỉ được thông báo khi hàng xóm nhận ra mùi tử thi của thân xác đang bị hủy hoại.” (theo báo trên)

Theo chỗ người viết bài này biết, người thân nhất về sinh hoạt văn hóa với Ðào Mộng Nam là Bác Sĩ Bùi Duy Tâm (còn ở San Francisco như cách đây 6 tháng, 2012, thấy trên thư liên lạc với Khởi Hành). Ông cho biết bộ sách của người quá cố có nhan đề là Chữ Nho Tự Học gồm 1882 chữ, năm 1970 tái bản lần đầu in 15,000 cuốn thành công rực rỡ (kỳ xuất bản trước đó in xấu hơn). Chính Bác Sĩ Tâm đưa tác giả vào dạy chữ Nho cho đoàn Gió Khơi và chương trình TV của Gió Khơi; cũng chính ông đưa Ðào Mộng Nam vào dạy chữ Nho “tại Viện Ðại Học Huế,” như trong bài ông viết đăng báo hôm 31 tháng 8, 2006. Theo nhà thơ Trần Thiện Hiệp từ Sài Gòn nhắn qua y-meo của tôi, ông đã tổ chức tưởng niệm Ðào Mộng Nam ở Sài Gòn, có vài chục thân hữu tham dự. Tang lễ Ðào Mộng Nam diễn ra ngày 2 tháng 9 tại nghĩa trang Peek Family, Westminster, Calif.

Trên tạp chí văn học Khởi Hành, Ðào Mộng Nam đã đăng ít nhất 3 bài: Thơ Tình của Hải Thượng Lãn Ông (1724-1791); Hai Con Hạc Trắng (bàn về thơ hạc với Thôi Hiệu, Tản Ðà và Vũ Hoàng Chương), và bài “Bùi Giáng, chân dung và giai thoại.” Còn một di cảo chúng tôi chưa kịp đăng thì tác giả đã ra người thiên cổ, đó là một bài viết dài về thơ Tạ Ký, phê bình Võ Phiến khi viết bộ Văn Học Miền Nam, Thơ, đã không có mục nào dành cho Tạ Ký.

Ðào Mộng Nam là người thế nào?

Xin đọc một đoạn bình thơ của ông, sau khi ông kể lại “chuyện tình dang dở giữa Hải Thượng Lãn Ông, vị lương y siêu thoát thời Trịnh Nguyễn phân tranh - được Trịnh Sâm khen là “đấng Thánh đã siêu thoát trên các điều tục lụy,” và một công nương con quan Thừa Tư trấn Sơn Nam; vì ông từ khước mà nàng phải đi tu. Một năm sau ông hồi tâm xin gặp lại thì nàng từ chối. Họ Ðào viết: “Một mối duyên lỡ dở mà dân tộc có được hai đấng: một Thánh một Phật xuất trần, chuyện buồn hay vui, đáng khóc hay nên cười?” Ðó là một lối phát biểu ngang xương của Ðào Mộng Nam. (KH số 5, 3.1997).

Ở chỗ khác, khi bàn về hai bản dịch Hoàng Hạc Lâu thơ Thôi Hiệu đời Ðường của Tản Ðà và Vũ Hoàng Chương, Ðào Mộng Nam phê: “Hai người cả hồn lẫn xác đã hòa tan vào cõi thơ, sau đó mới ‘hóa kiếp’ được bài Hoàng Hạc Lâu thành hai đỉnh thơ cao vời khác: Tìm viếng cảnh Lầu Hạc Vàng của Tản Ðà và Vũ Hoàng Chương, ta thấy hai ngôi lầu này chân đế của nó kê bằng hai tảng kim cương bất hoại, là hai bài Thề Non Nước [của Tản Ðà] và Nguyện Cầu [của Vũ Hoàng Chương.] (KH số 6, 4.1997). Rất ngắn gọn thôi, lối phê bình nhận định văn chương của Ðào Mộng Nam có một giá trị riêng, dù người đọc thích hay không thích: ông viết với hình tượng, chủ quan, với tiềm năng cảm thức nghiền ngẫm và một viễn kiến tái tạo dựng lại cảnh giới của đề tài, phải kể là đã làm khác đi một sự việc đã cũ đã cổ, và đó là điều đặc biệt đáng tán thưởng.

Với kỷ niệm riêng, Ðào Mộng Nam đã làm tôi gần ngất xỉu, phải bỏ chạy ra khỏi tòa soạn Khởi Hành hồi ở Santa Ana, là khi anh há miệng cười vang, tôi nghe xung quang mùi một tấn thuốc lào vần vũ cùng cái ống điếu với bát nước khai nồng bể vỡ trên bàn. Tuy vậy khi tôi trở vào, cái điếu bát trông vẫn nguyên vẹn như thường, và bạn tôi lại sắp ngậm đôi môi vạm vỡ màu nâu vào cái xe điếu cong queo, mồi ngọn lửa châm bằng miếng giấy vụn vào cái bát điếu bằng sứ bên trong quánh đặc một màu nước đen nâu đã sôi suốt một buổi chiều. Hình ảnh ấy đã át đi cái hình ảnh tôi nghe kể lại, là người ta thấy anh nằm sóng soài trên lối đi trong nhà, từ phòng ngủ vào phòng kế cận, cả mấy ngày.

(VL, viết ngày 15 tháng 8, 2012, trước ngày kỵ thứ sáu của bạn)



No comments:

Post a Comment

View My Stats