Monday 6 August 2012

HỖN ĐỘN HUY HOÀNG ( tạp ghi Quỳnh Giao / Người Việt)




OLYMPIC LONDON 2012
Tạp ghi Quỳnh Giao
Friday, August 03, 2012 3:45:12 PM

Trong một tương lai còn xa mờ lắm, nếu Việt Nam tổ chức được Thế Vận Hội thì sẽ khai mạc như thế nào? Trên một không gian ba chiều như sân khấu Chèo Cổ, với năm nốt nhạc Son Ðồ Son Ðố La của một điệu Bình Bán? Hay là với câu hát “Ta Ca Tự Do, Ơ Ơ Ờ” của nhạc sĩ Lữ Liên trong ban AVT ngày xưa?

Những cảm nghĩ ấy bỗng vụt tắt khi được xem chiếu lại lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Hè 2012 tại Luân Ðôn vào tuần trước.

Người Anh, mà hình như là Úc hay Gia Nã Ðại cũng thế, thường có tiếng đệm như một câu chửi thề vô nghĩa là “bloody”. Cảm nghĩ của người viết này về lễ khai mạc tại Luân Ðôn là “bloody funny”, tếu không chịu được! Nhưng thấy ra cái nét khôi hài rất lạnh của người Anh thì cũng hơi nhức đầu.

Sau lễ khai mạc năm 2008 như một cuộc hành quân nhịp nhàng vĩ đại ở Bắc Kinh, ban tổ chức và mọi người trong chúng ta đều tự hỏi rằng nước Anh sẽ nghĩ ra những gì và thực hiện thế nào để ghi dấu phần đóng góp của mình?

Khi ngọn lửa thế vận đã chiếu sáng Luân Ðôn, người ta thầm nghĩ rằng vào năm 2016 xứ Brazil sẽ còn vất vả hơn.
Với ngân sách được giới thiệu là $40 triệu, chưa bằng phân nửa số tiền của Bắc Kinh 2008, đạo diễn Danny Boyle phải làm trò phù thủy. Ông liệu cơm gắp mắm để tạo ra ấn tượng khác theo một chủ đề khác. Ông thực hiện truyện cổ tích về “Hải Ðảo Thần Tiên” và xứng đáng đoạt thêm một giải Oscar nếu thế giới có loại giải thưởng đó cho lễ khai mạc Thế Vận Hội.

Ban đầu Anh là một đồng cỏ xanh rì, có đủ cả mục đồng gia súc, cừu, bò, dê... như trong một bản hòa âm điền dã thuở thanh bình. Thế rồi ống khói ngùn ngụt mọc lên trong tiếng búa sắt của nhà máy. Phu mỏ cùng nghiệp đoàn công nhân xuất hiện cùng nước Anh của thời kỹ nghệ. Tối xám và âm u như qua một căn hầm của thời gian, của lịch sử. Nhưng cùng từ những xảo thuật về âm thanh, màu sắc, cả tỉ khán giả được chiêm ngưỡng nước Anh vào buổi thái hòa.

Một nét độc đáo của hình ảnh thái hòa bình dị ấy chính là những chăn giường trắng muốt và các cô y tá. Người xem bỡ ngỡ rồi mới hiểu ra một biểu tượng được đề cao, hệ thống y tế quốc gia. Có ai nghĩ đến một chuyện như vậy trong lễ khai mạc Thế Vận Hội không?

Nhưng màu trắng lân tinh của giường bệnh lại là nơi chốn của tuổi thơ nghe truyện cổ tích và của nhân vật Peter Pan. Ðấy là lúc văn chương xuất hiện, cổ điển uyên bác như thơ Shakespeare, huy hoàng kỳ lạ như truyện Harry Potter... Nhà đạo diễn đã hòa nhập thực với hư làm một và vẽ ra một chân dung nước Anh bình thản, tủm tỉm cười và rất trẻ.

Nói về hư (không có thật) thì có ai qua mặt được nhân vật James Bond, điệp viên “Không Không Bảy” rất tận tụy phục vụ Nữ Hoàng. Mà Nữ Hoàng Elizabeth II thì không thể nào thật hơn, bà vừa kỷ niệm 60 năm đăng quang vào tháng trước. Chẳng e ngại gì chuyện “khi quân” của xã hội phong kiến, đạo diễn Danny Boyle mời bà nữ hoàng thủ vai James Bond Girl, ở tuổi 86! Vậy mà bà Elizabeth nhận lời và diễn đúng vở, mặt vẫn “phớt tỉnh Ăng-lê” như các cụ ta hay nói ngày xưa.

Diễn viên Danny Craig trong vai James Bond bước vào điện Buckingham làm cận vệ đưa nữ hoàng lên trực thăng và hai người nhảy dù vào khuôn viên Olympics, để nữ hoàng dự lễ khai mạc Thế Vận Hội. Chỉ trong một xã hội tự do có nét trào phúng người ta mới dám bày ra trò vui đó.

Lễ khai mạc thế vận hội là một tác phẩm nghệ thuật có một không hai vì trình diễn một lần và với cả ngàn diễn viên không chuyên nghiệp mà phải nhảy múa cho đúng điệu và ăn khớp với dàn âm thanh và ánh sáng điện tử.
Họ bước vào một thế giới ảo, nơi mà không gian và thời gian bị đảo lộn trong một sự hỗn độn hợp lý của kỹ thuật, khói pháo và nhịp đập liên hồi của con tim. Mà chủ điểm nhìn thấy trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Luân Ðôn cũng là hỗn độn, Pandemonium. Từ đó mới toát ra ý nghĩa phi thường.
Ðó là thế giới của trẻ thơ.

Nét chính trong hơn ba tiếng đồng hồ huy hoàng này là lời ngợi ca thanh xuân. Từ ban hợp xướng của thiếu nhi bị khuyết tật đến nhạc punk nhiều hơn pop, từ thiên thần và ác quỷ trong truyện cổ tích đến những cái nháy mắt hài hước và đầy thông cảm của người lớn, đạo diễn Danny Boyle đặc biệt chú trọng đến trẻ em.

Thông điệp bình thường của một lễ khai mạc thế vận hội vẫn phải có hai phần. Cái riêng là giới thiệu bản sắc độc đáo của quốc gia lãnh nhiệm vụ tổ chức. Cái chung là tinh thần tranh đua hiếu hòa của thế vận hội. Tại Luân Ðôn, phần ngợi ca thế vận hội được chìm vào lò rèn.

Bằng kỹ thuật tuyệt mỹ, người ta rèn như thật năm vòng thép rực lửa, rồi dâng lên trời cao thành năm vòng biểu tượng. Ðến phần đốt đuốc thế vận hội cũng vậy. Có đầy ý nghĩa với từng nhân vật được vinh dự chuyền tay mồi lửa và đầy kỹ thuật ở một cái “chảo” vươn lên tựa một đóa hoa.

Trong một buổi tối, cả tỉ người ngồi xem vạn người trình diễn chỉ có một lần hoạt cảnh rực rỡ màu sắc và âm thanh để thấy ra một triết lý.

Người viết hiểu ra một triết lý của mình khi thưởng thức lễ khai mạc Thế Vận Hội Luân Ðôn:
Chúng ta bước vào một quán rượu hơi tối, kiểu sương mù nước Anh, nơi mà màu nâu của bùn đất là màu nền. Thế rồi ánh sáng bật lên chan hòa trong tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng cười và cả những lời châm biếm. Cõi thần tiên hiện ra trước mắt. Nước Anh hạnh phúc thanh bình, chẳng có tham vọng gì lớn lao.

Sir Paul McCartney có xuất hiện và nhận thù lao một Anh kim để hát bài “Hey Jude” chỉ là chuyện nhỏ. Nữ Hoàng Elizabeth II có tuyên bố khai mạc Thế Vận Hội với nét nghiêm và buồn thì cũng chẳng sao. Chúng ta cũng chỉ là người và sẽ cùng biến cái hỗn độn này thành một nơi để sống hạnh phúc.







No comments:

Post a Comment

View My Stats